Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 13 tháng 6 năm 2020 | 15:41

Tin miền Trung: Nông dân lao đao khi giá nông sản xuống thấp

Do giá nhiều loại nông sản xuống thấp, tiêu thụ chậm, nông dân một số tỉnh miền Trung đang gặp nhiều khó khăn.

Nghệ An: Bí xanh 2.000đ/kg cũng không bán được
 
Nông dân xã Thanh Liên (Thanh Chương - Nghệ An) đứng ngồi không yên khi giá bí xanh chỉ có 2.000đ/kg, nhưng nhiều tấn bí xanh đã thu hoạch và đang nằm ngoài ruộng vẫn không bán được.
 
nghe-an-1.jpg
Những luống bí đã già trên ruộng ở xã Thanh Liên. Ảnh: Huy Thư
 
Theo bà con ở đây cho biết, bí xanh đang trong thời kỳ thu hoạch, nhưng bí đã thu hoạch về rồi lại không có thương lái đến mua, hoặc có mua thì cũng rất ít, thậm chí có thương lái còn ép giá.
 
Chị Phạm Thị Tuyết ở xóm Liên Khai cho biết, bí này khi già, nếu để ngoài đồng cũng không được vì cây, lá khô, gặp mưa sẽ thối. Nếu thu hoạch đưa về nhà, bảo quản tốt cũng chỉ được 15 - 20 ngày. Trước đây bà con cũng cất bí, sau bị thối 1/3 số lượng, bán được giá hơn chút nhưng cũng không bằng bán rẻ ngoài ruộng, vì vậy, bí quả được hái tập kết đổ thành từng đống giữa ruộng, đậy bạt chờ thương lái đến mua.
 
Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ ít. Bí không được vận chuyển ra Bắc như các năm trước vì ngoài Bắc hiện rất nhiều. Người dân quanh vùng thì tiêu thụ không đáng kể, do đó bí bị ế.
 
nghe-an-2.jpg
Bí quả tấp thành đống được giăng bạt đậy giữa đồng. Ảnh: Huy Thư
 
Theo bà con, với giá bí thấp như hiện nay,  bán hết cả số bí trên ruộng cũng không đủ bù chi phí. Hiện có khoảng 15 tấn bí xanh đã già trên ruộng của bà con đang chưa có đầu ra. 
 
 
 
 
Nhiều diện tích cây đặc sản ở Hà Tĩnh nguy cơ mất trắng do nắng nóng
 
Nắng nóng gay gắt kéo dài khiến những vườn cam, bưởi ở Hương Khê - Hà Tĩnh thiếu nước, khô héo, nguy cơ mất trắng.
 
bưởi-khô-1.jpg
Nắng nóng kéo dài khiến nhiều diện tích cây ăn quả ở Hương Khê bị khô héo.
 
Do nắng nóng gay gắt, kéo dài, khiến ông Nguyễn Văn Trung (xóm 6, xã Phúc Trạch - Hương Khê - Hà Tĩnh) “đứng ngồi không yên” bởi hơn 1.000 gốc cam, bưởi của gia đình đang bị khô héo dần.
 
Ông Trung cho biết: Năm nay, bưởi Phúc Trạch đậu rất nhiều quả, gia đình rất phấn khởi. Thế nhưng, thời gian gần đây gặp phải nắng nóng kéo dài khiến cây bưởi khô héo, quả mềm nhũn như chuối chín.
 
ông-trung.jpg
Ông Nguyễn Văn Trung ở xã Phúc Trạch lo lắng trước những gốc bưởi đang bị khô héo
 
Mấy ngày gần đây, nắng nóng gay gắt kéo dài khiến khe suối cũng bắt đầu khô cạn, không thể bơm nước để tưới cho cây trồng. 600 gốc bưởi Phúc Trạch của tôi ước đạt sản lượng 8 - 9 tấn đã có hiện tượng rũ lá, khô quắt lại, nguy cơ mất trắng” – ông Trung lo lắng.
 
ông-chiến.jpg
Khô hạn, vườn cam 500 gốc của ông Nguyễn Văn Chiến ở Phúc Trạch có nguy cơ giảm sản lượng.
 
Không chỉ có ông Trung lo lắng, mà ông Nguyễn Văn Chiến (thôn 3, xã Phúc Trạch) cũng như ngồi trên đống lửa, ông cho biết: “Trên diện tích 1 ha, tôi trồng 500 cây cam và 100 cây bưởi. Đây là năm đầu tiên vườn cam của tôi cho thu hoạch với biết bao hi vọng. Thế mà, do thiếu nước tưới, những quả cam đã bắt đầu khô héo, nhăn nheo lớp vỏ bên ngoài, nhìn nóng hết cả ruột gan”.
 
Theo ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, toàn xã có hơn 250 ha  cam, bưởi, chủ yếu nằm trên vùng đồi núi, ngoài đồng đều bị ảnh hưởng của nắng nóng. Các hộ dân trồng cam, bưởi ở đây hầu như “bất khả kháng” trước hạn hán bởi không có nước tưới.
 
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê Lê Quang Vinh cho biết: Toàn huyện hiện có 700 ha bưởi (trong tổng số 2.335ha bưởi) và hơn 1.800 ha cam có nguy cơ thiếu nước tưới trong mùa nắng nóng.
 
Hiện tượng thiếu nước tưới mùa nắng nóng ảnh hưởng đến sản lượng của cây ăn quả có múi năm nào cũng xảy ra. Năm nay, mùa nắng nóng đến sớm, mặc dù nền nhiệt không quá cao nhưng nếu tiếp tục kéo dài khoảng 1 tuần nữa thì sẽ đe dọa rất lớn đến năng suất của cam, bưởi.
 
Hiện tại, Phòng NN&PTNT huyện đang chỉ đạo các địa phương thống kê những diện tích cam, bưởi bị ảnh hưởng do nắng nóng; đồng thời, hướng dẫn bà con tận dụng tối đa các nguồn nước tự nhiên, tưới tiêu hợp lý và thực hiện các biện pháp chống nắng cho cây, hạn chế thiệt hại.
 
Quảng Ngãi: Vụ hành lá kém vui
 
Vài tháng trước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến giá nhiều loại rau ở Quảng Ngãi như cải, mồng tơi, càng cua, hành lá... xuống thấp. Đến nay, giá các loại rau cao hơn, nhưng người trồng rau vẫn chưa thể vui. Nhất là với nhiều hộ chuyên trồng hành, bị thiệt hại kép do nắng nóng và sâu gây hại.
 
Thôn An Đạo, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi), là một trong những vựa rau truyền thống lớn của tỉnh Quảng Ngãi. Thay vì niềm vui được mùa, được giá như năm trước, nhiều người trồng hành ở đây phải nhổ bỏ hoặc bỏ trỗi vườn hành, dù đã tốn nhiều công sức xuống giống, đầu tư chăm sóc. 
 
Do thời tiết nắng nóng và sâu gây hại khiến nhiều diện tích hành bị thiệt hại.
 
Do thời tiết nắng nóng và sâu gây hại khiến nhiều diện tích hành bị thiệt hại. Ảnh: Báo Quảng Ngãi
 
Bên sào hành đã xuống giống cách đây hơn một tháng, bà Huỳnh Thị Mai, ở thôn An Đạo cho biết: Từ khi xuống giống đến nay, do bị sâu xanh và sâu vẽ bùa gây hại, khiến hành bị vàng úa, rụi lá. Vì vậy, thời điểm này thay vì thu hoạch hành như trước, thì hơn một sào hành của tôi chỉ còn trơ gốc. Tôi dự định vài hôm nữa nhổ dọn để chuyển sang trồng vụ rau mới.
 
Ngoài thôn An Đạo, thì xóm Khê Nam, thôn Trường Định, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) cũng là vùng chuyên trồng hành cung ứng số lượng lớn cho các chợ trong tỉnh. Tuy nhiên, năm nay vụ hành lại bị thiệt hại nhiều nhất, dù người dân đã sử dụng các biện pháp phòng trừ, vẫn không thể xử lý sâu sinh sôi, phát triển. Do đó, nhiều người phải bỏ công tỉa từng lá hành bị sâu cắn phá, nhằm cứu vãn ruộng hành. 
 
Bà Nguyễn Thị Hoanh, người trồng hành cho hay: Đây là loại sâu ẩn mình trong cọng hành, phá hại từ bên trong, khiến lá hành vàng úa, nhưng phun thuốc không diệt trừ được. Vì thế, tôi phải ngắt từng lá bị sâu ăn để diệt trừ bớt. Những năm trước, tại các ruộng hành cũng xuất hiện sâu, nhưng không nhiều và chỉ cần phun thuốc là có thể diệt trừ được. Ngoài ra, nắng nóng cũng khiến cây hành chậm phát triển, thời gian trồng hành kéo dài hơn trước.
 
Cây hành được trồng thường xuyên trong năm, mang lại thu nhập cho người dân. Thế nhưng, vừa qua, nhiều diện tích hành bị sâu phá hại, nên năng suất không đạt, dẫn đến thất thu.
 
Theo khuyến cáo của Phòng Bảo vệ thực vật (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi), người dân cần hạn chế trồng lại vụ hành mới trên diện tích đã bị sâu  gây hại. Để vụ hành đạt hiệu quả, người trồng hành nên chú trọng thâm canh, chăm sóc, bón phân và tưới nước kịp thời, thường xuyên theo dõi để phát hiện sâu ở mật độ thấp thì phun thuốc sinh học để diệt trừ sâu.
 
 
 
 
 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Techcombank: Lợi nhuận trước thuế quý 1 đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ

    Techcombank: Lợi nhuận trước thuế quý 1 đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ

    Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (“Techcombank” hoặc “Ngân hàng”) công bố kết quả kinh doanh quý 1 năm 2024.

  • Cư dân Ocean City “chơi lớn” chào hè bằng cả một mùa lễ hội

    Cư dân Ocean City “chơi lớn” chào hè bằng cả một mùa lễ hội

    Cư dân Ocean City đã chính thức bước vào một mùa hè sôi động và ngập tràn hứng khởi với Lễ hội “Chào mùa hè 2024” - sự kiện khởi đầu cho một mùa lễ hội náo nhiệt, bùng nổ với loạt sự kiện hấp dẫn, độc đáo và mãn nhãn tại “đại đô thị đáng sống bậc nhất hành tinh”.

  • BAC A BANK ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp vay ngắn hạn

    BAC A BANK ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp vay ngắn hạn

    Hỗ trợ Khách hàng doanh nghiệp tận dụng tối đa các cơ hội tăng trưởng bằng nguồn vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh được bổ sung đầy đủ và kịp thời, giúp phản ứng “nhanh” với môi trường hoạt động thường xuyên biến đổi, Ngân hàng TMCP Bắc Á chính thức triển khai chương trình tín dụng ngắn hạn “Nhận vốn ưu đãi - Đón đầu thời cơ” với tổng hạn mức lên tới 5.000 tỷ đồng.

Top