Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 9 năm 2020 | 21:9

Tin Ngư nghiệp: Trúng luồng cá, ngư dân Lộc Hà thu “tiền tươi” tại bến

Ngư dân huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) trúng “đậm” cá mờm cơm. Thuyền vừa cập bờ, đã có thương lái thu mua ngay với giá khá cao.

Những ngày gần đây, hàng chục chiếc thuyền của ngư dân Lộc Hà và các địa phương khác liên tục cập bến, mang về những sọt cá đầy ắp.

 

ca-19.jpg

Ai ai cũng tranh thủ “nhanh tay, nhanh mắt” trả giá, mong có được những mẻ cá mới.

 

Ngư trường khai thác cá mờm cơm nằm cách bờ khoảng 2 – 3 hải lý nên các tàu đánh bắt loại cá này thường đi về trong ngày.

Theo thông tin từ các ngư dân và tiểu thương, trong nửa cuối tháng 8 đã bắt đầu xuất hiện nhiều đợt cá mờm cơm, nhưng lần này ngư dân gặp đúng luồng lớn, nên chỉ sau vài giờ đánh bắt trên biển, đã có thể thu từ 4 - 6 tạ, có tàu nhiều lên đến cả tấn cá.

Người dân chủ yếu sử dụng thuyền thúng, để dễ dàng vận chuyển các khay cá mờm, từ thuyền ngoài biển vào bờ. Được mùa cá mờm cơm, không chỉ mang đến niềm vui cho ngư dân, mà còn tạo điều kiện cho phụ nữ miền biển kiếm thêm thu nhập.

Từ sáng sớm đến chiều tối, hoạt động mua bán diễn ra tấp nập tại bãi biển của xã Thạch Kim mỗi khi tàu đánh bắt về.

Những sọt cá mờm cơm tươi trong, óng ánh trong nắng, mang về niềm vui lớn cho ngư dân vùng biển. Cá mờm cơm có kích thước chỉ bằng que diêm, toàn thân có màu trắng đục, chất lượng thịt ngon và bổ dưỡng. Theo chia sẻ của người dân, loài cá này xuất hiện nhiều nhất là từ tháng 8 đến tháng 9 dương lịch.

Đánh bắt gần bờ, chi phí không cao, cá vừa cập bến thương lái đã chờ mua ngay nên có “tiền tươi”. Thuyền đi hơn 3 tiếng và đánh được gần 8 tạ cá, giá bán từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, chúng tôi có thể thu về  từ 20 – 30 triệu đồng.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, thuyền tiếp tục ra khơi với hy vọng đánh bắt được những mẻ cá tươi ngon” - ngư dân Văn Dũng (thị trấn Lộc Hà) bày tỏ.

Đang tất bật chuyển cá đi, anh Trần Văn Hoan (Thạch Kim) vui vẻ chia sẻ: "Tôi chuyên kinh doanh hàng hải sản, nên thu mua loại cá này của thuyền, rồi bán lại cho người dân để phơi khô.

Đây là một trong những đợt, đánh bắt được khối lượng cá lớn nhất, trong vòng mấy năm trở lại đây mà tôi từng thấy, các thuyền về liên tục, đầy ắp cá tươi rói. Vì thế, chỉ trong 2 ngày qua, tôi đã mua được gần 5 - 6 tấn, để bán cho bà con làm nghề hoặc chuyển ra các chợ”.

Từng sọt cá đầy ắp chuyển từ ghe vào, nhanh chóng được tiểu thương, bà con “ngã giá” và vận chuyển lên bờ. Cá này chủ yếu được người dân phơi khô, rồi bán lại cho các mối quen.

Chị Nguyễn Thị Hoà (Thạch Kim) chia sẻ: “Trúng cá mờm cơm thì ai cũng mừng, riêng tôi trung bình những ngày qua thu mua từ 5 – 8 tạ cá tươi/ngày để phơi.

Đợt này đang được nắng, cá về tươi ngon, nên phơi sẽ đạt chất lượng tốt, và không bị hao hụt nhiều, bà con làm nghề như chúng tôi càng phải tranh thủ thời gian hơn”.

Bình Thuận: Tái tạo nguồn lợi thủy sản vẫn còn nan giải

Hiện, Bình Thuận có hơn 7.000 tàu thuyền đánh bắt thủy sản, với hàng trăm ngàn lao động, khai thác thủy sản tuyến bờ, tuyến lộng và xa bờ.

Ngư trường Bình Thuận những năm gần đây nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt nghiêm trọng do đánh bắt cá con, hủy hoại nguồn lợi thủy sản.

 

bt-99.jpg

 Thả rùa về biển

 

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp – PTNT tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý hành vi phá hủy nguồn lợi; đồng thời, tổ chức các hoạt động tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản.

Theo đó, các địa phương cùng ngành Nông nghiệp – PTNT đã có nhiều hoạt động tái tạo như: Bảo vệ rùa biển; cấm khai thác có thời hạn một số loài hải đặc sản; quản lý và điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác; triển khai một số mô hình thí điểm đồng quản lý nguồn lợi thủy sản.

Tuyên truyền, vận động ngư dân tự giác chấm dứt hoạt động nghề cào nhám, chuyển sang nghề khác thân thiện với môi trường…

Nhờ vậy, bước đầu đã góp phần tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản, nhất là các loài có giá trị cao. Hiện, Sở Nông nghiệp – PTNT đã xây dựng đề án: “Quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản vùng biển Bình Thuận đến năm 2025”.

Nôi dung đề án gồm nhiều chương trình quản lý, bảo vệ, khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản ven bờ; sắp xếp, cơ cấu lại hoạt động khai thác  vùng bờ, vùng lộng; đề xuất chính sách chuyển đổi nghề cấm, nghề hạn chế, nghề mang tính xâm hại nguồn lợi cao, nghề hoạt động ven bờ… sang các nghề khác cho ngư dân.

Đề án đã được UBND tỉnh thông qua, hiện đang chờ Trung ương ban hành cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi. Đề án này được thực hiện sẽ góp phần tích cực trong công tác bảo vệ, phục hồi, tái tạo, ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản trên vùng biển Bình Thuận.

Tuy nhiên, thực tế việc tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn còn nhiều nan giải. Tình trạng vi phạm quy định bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn diễn biến phức tạp.

Đáng lưu ý là, gần đây một số tàu thuyền hành nghề đánh bắt thủy sản giã cào nhám sai tuyến, vẫn diễn ra tại vùng biển Tân Tiến, Bình Tân (La Gi), Hòa Thắng (Bắc Bình) làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, cào mất lưới của ngư dân hành nghề đánh bắt ven bờ.

Trong những tháng đầu năm 2020 cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm (tàng trữ, sử dụng ngư cụ cấm để hoạt động nghề cào nhám).

Các trường hợp nói trên đều bị phạt tiền từ 15 - 25 triệu đồng và tịch thu ngư cụ cấm sử dụng khai thác. Mặc dù vậy, tình trạng tàu cá hành nghề cào nhám vẫn hoạt động lén lút, trái phép trên vùng biển Bình Thuận.

Thời gian hoạt động thường diễn ra vào ban đêm nên rất khó phát hiện. Các đối tượng thường xuyên đối phó, trốn, tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Để bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, cần phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn lợi, hiểu rõ tác hại của việc hành nghề sai tuyến, dẫn đến hủy hoại nguồn lợi thủy sản trên biển, từ đó chuyển đổi nghề.

Mặt khác, tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền trên biển qua “nhắn tin”, thiết bị giám sát hành trình của từng tàu thuyền trên biển.

Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề phù hợp, nhằm bảo đảm cuộc sống của bản thân và gia đình ngư dân.

Quảng Ngãi: Nan tre vẫn đạp sóng... vươn khơi

Không đủ khả năng đóng tàu cá đắt tiền, ngư dân ở tổ dân phố (TDP) Trung Lý, phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ) dùng tre kết lại thành bó rồi đạp sóng vươn khơi.

 

nan-33.jpg

Lão ngư Nguyễn Yến, phường Phổ Vinh cùng với phương tiện vươn khơi độc đáo.

 

Đây là nghề "cha truyền con nối" từ bao đời nay ở vạn chài này.

Không vươn khơi bằng thuyền hay thúng, ngư dân ven biển tại TDP Trung Lý, kết tre lại thành bó, rồi ngồi lên đấy để câu cá ven bờ. Để giữ cho bó tre luôn nổi lên mặt nước, ngư dân đặt các miếng xốp ở giữa, rồi chèn từ 5 - 6 thanh tre mỏng xung quanh.

Với phương tiện vươn khơi độc đáo này, mỗi ngư dân chỉ tiêu tốn từ 1 - 2 cây tre là đã có ngay phương tiện mưu sinh. 

Kể về phương tiện đánh bắt cá độc đáo của làng chài, lão ngư Nguyễn Lượng, TDP  Trung Lý hào hứng bảo: "Các phương tiện đánh bắt khác thường nặng nề và cồng kềnh, chứ phương tiện đánh bắt của chúng tôi chỉ nặng 5 - 6kg, nên gọn nhẹ lắm.

Vào thời ông cha tôi, mút xốp chưa phổ biến như bây giờ, thì mọi người bó 3 - 4 cây tre lại thành bè tre nhỏ để vươn khơi. Đến thời chúng tôi, thì mọi người mới bắt đầu sáng tạo, kết hợp tre với mút xốp để giảm bớt độ nặng của bè".

Theo các ngư dân làm nghề này, dù cái lợi của nghề là phương tiện đánh bắt khá đơn giản và dễ làm, nhưng để đi biển thành thục bằng phương tiện này lại không phải là chuyện giản đơn.

Bởi bó tre luôn dập dềnh, chao đảo theo con sóng, nên ngư dân muốn "trụ vững" phải rất dày dạn sóng gió và giữ được thăng bằng để không bị té ngã. 

"Chúng tôi tập ngồi trên bó tre và giữ thăng bằng từ lúc 9 - 10 tuổi, thì may ra đến lúc trưởng thành mới làm được nghề. Nhiều người tập mãi, nhưng vẫn không giữ thăng bằng được nên đành bỏ, không nối nghiệp được nghề của cha ông", ngư dân trẻ Nguyễn Quyên tâm sự.

Phương tiện đánh bắt thô sơ, không có chỗ để đựng ngư lưới cụ, nên ngư dân vừa phải căng mình giữ thăng bằng, vừa đeo giỏ đựng cá, mồi câu trên cổ, còn hai tay thì liên tục giữ lấy hai dây câu và chờ đợi cá đớp mồi.

Vươn khơi từ 5 giờ sáng, đến 7 giờ sáng thì về bờ. Suốt hai tiếng đồng hồ dập dềnh trên những con sóng bạc đầu cách bờ từ 1 - 1,5 hải lý, trung bình mỗi ngư dân câu được từ 3 - 5kg cá, trong đó, nhiều nhất là cá thuẫn - một loại cá có giá bán ra từ 50 - 60 nghìn đồng/kg.

Nhờ đó, bình quân mỗi ngày, mỗi ngư dân làm nghề này có thể kiếm được từ 150 - 300 nghìn đồng.

Là nghề "làm chơi, ăn thật", nhưng do nguồn lợi thủy sản ven bờ tại Phổ Vinh đang dần cạn kiệt, nên dù là nghề truyền thống, với sự tham gia của gần 30 ngư dân, nhưng hiện tại, số lượng ngư dân địa phương còn giữ lấy nghề chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

"Ngày trước, leo lên bè tre ra biển 2 - 3 tiếng đồng hồ là câu ít nhất cũng được mươi ký cá. Còn giờ, một bữa cao lắm cũng chỉ câu được cỡ 5kg thôi. Biển không còn "đãi" nghề, nên chúng tôi chỉ coi nó như phương tiện để kiếm tiền chợ hằng ngày.

Còn lại, phải bám thêm vào nghề nông, trồng đủ thứ từ mè, đậu phụng... làm sinh kế lâu dài", ông Nguyễn Yến, người gắn bó hơn 30 năm với nghề câu độc đáo này trầm ngâm...

 

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top