Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 4 năm 2022 | 9:10

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Biểu tượng sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc

Hiếm có quốc gia nào trên thế giới có một ngày Giỗ Tổ như Việt Nam chúng ta, ngày này, bất kể ở đâu, nếu là con dân Đất Việt đều thành kính hướng về vùng đất Phong Châu linh thiêng, tưởng nhớ đến các Vua Hùng, những người đã có công dựng nước.

Đây một truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, là nguồn gốc của sự đoàn kết để tạo nên sức mạnh Việt Nam.

“Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương”

Cách đây 10 năm, tại kỳ họp lần thứ 7, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong quyết định, UNESCO công nhận: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên và từ đó nâng lên lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng.

4.jpg

Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng.

 

Như vậy, có thể thấy “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của chúng ta là một trong những di sản văn hóa có giá trị vô cùng to lớn, được thế giới công nhận, bởi thông qua việc “Thờ cúng Hùng Vương” , người dân đã gìn giữ được một nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của Dân tộc Việt Nam là “Uống nước nhớ nguồn”.

Ông Phạm Cao Phong, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam thời điểm đó đã bày tỏ niềm vui và tự hào:  “Việc thế giới công nhận di sản này đánh giá cao tính nhân văn của các dân tộc ở Việt Nam là tục lệ thờ cúng tổ tiên. Đây như là một biểu tượng khuyến khích các dân tộc cũng có hành vi tương tự như vậy. Và một điểm nữa là tín ngưỡng này thể hiện tính đoàn kết của các cộng đồng. Trong tiếp xúc với chúng tôi bên lề cuộc họp, tất cả các đại biểu đều đánh giá cao tính nhân văn của hồ sơ này của chúng ta”.

Còn ông Hoàng Dân Mạc, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cũng có mặt trong buổi UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhấn mạnh: “Đây là một quyết định có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam về lịch sử, văn hoá và tâm linh bởi lẽ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ ngàn đời nay là niềm tin thiêng liêng, là sức mạnh gắn kết cộng đồng, là điểm tựa tinh thần để dân tộc chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức của lịch sử để tồn tại và phát triển…”.

Nguyên Đại sứ Dương Văn Quảng Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO nói: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được công nhận thể hiện sự đánh giá cao của thế giới đối với đời sống tâm linh của con người Việt Nam, đặc biệt, thể hiện qua sự thờ cúng tổ tiên. Các thế hệ Vua Hùng đã lập nên nước Việt Nam chúng ta và chúng ta coi Vua Hùng là tổ tiên chúng ta và chúng ta có ngày Quốc giỗ”.

Thực sự tín ngưỡng “Thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam là một nét văn hóa đặc sắc, không một quốc gia nào trên thế giới có được. Vì những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc Việt Nam mà tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO vinh danh và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị cốt lõi, thiêng liêng của dân tộc Việt Nam chúng ta.

“Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương” là chủ đề của Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần – 2022. Lễ Giỗ Tổ năm nay do UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức được gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban Tổ chức cho biết, Giỗ Tổ gồm nhiều hoạt động giới thiệu và quảng bá đậm nét về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” để đồng bào trong nước và nước ngoài hiểu thêm về giá trị to lớn của di sản.

2-2.jpgĐoàn nghi lễ chuẩn bị dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng.

 

Giỗ Tổ Hùng Vương với những dòng chảy của thời gian

Trong tâm thức của người Việt Nam, Giỗ Tổ Hùng Vương luôn có một vị trí rất trang trọng, chả thế mà dân gian luôn có câu: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3”.

Theo các thư tịch cổ có ghi chép lại, thời Trần năm 1470 đời Vua Lê Thánh Tông và đời Vua Lê Kính Tông năm 1601, sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, ghi rằng: “Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần... vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi”.

Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình Bộ Lễ lấy ngày 10/3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc lễ. Điều này được tấm bia lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận. Như vậy, kể từ đó, Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.

Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng các Vua Hùng. Ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ tịch nước số 22/SL-CTN ngày 18/2/1946 cho công chức nghỉ ngày 10/3 âm lịch hàng năm để tham gia các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc. Trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý kính cáo với tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã hai lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Ngày 19/9/1954, trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, tại Đền Giếng (Đền Hùng - Phú Thọ), Bác đã nói chuyện với Đại đoàn  Quân Tiên Phong - Đại đoàn 308, đơn vị chủ lực đầu tiên của quân đội ta. Tại đây, Người để lại câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan.

Vào năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư xác định là ngày lễ lớn trong năm. Tại Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 6/11/2001 về nghi lễ nhà nước, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương.

Ngày 2/4/2007, Quốc hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10/3 âm lịch). Và cho đến ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam, là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Chỉ nguyên những dấu mốc thời gian trên thôi, cũng đủ cho chúng ta thấy ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được các triều đại phòng kiến coi trọng đến nhường nào. Nối tiếp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn đó” ngay từ sau khi giành được độc lập cho đến ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành một ngày Quốc lễ.

Đến nay, không chỉ có ở Phú Thọ mới có đền thờ các Vua Hùng, mà rất nhiều địa phương đã xây dựng đền thờ Vua Hùng một cách trang trọng. Tại TP. Hồ Chí Minh, có ít nhất 3 ngôi đền thờ Vua Hùng. Mới đây, vào ngày 6/3 âm lịch, tại TP. Cần Thơ, Thành ủy, HĐND, UBND TP Cần Thơ tổ chức trọng thể Lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng...

Cội nguồn Đoàn kết dân tộc

Với truyền thuyết Mẹ Âu Cơ sinh ra 100 trứng, 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên rừng, để đến ngày hôm nay 54 dân tộc anh em chúng ta chung sống với nhau từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau. Tất cả đều là anh em chung nhà, đều cùng một cha mẹ sinh ra. Vì thế nên trải qua bao tháng năm, bao thăng trầm của lịch sử, trong tâm thức mỗi con dân đất Việt Nam hai chữ “đồng bào” luôn là sức mạnh nội lực có sức lan tỏa mãnh liệt để kết nối đại đoàn kết toàn dân tộc chúng ta từ quá khứ tới hiện tại và tương lai. Sức mạnh đoàn kết đó đã đưa dân tộc Việt Nam ta vượt qua bao khó khăn gian khổ, chiến thắng mọi kẻ thù.

người-dân-vùng-đất-cực-nam-thành-kính-dâng-hương-tại-đền-thờ-vua-hùng-ấp-giao-khẩu-xã-tân-phú-huyện-thới-bình-cà-mau-ảnh-huỳnh-anh.jpgNgười dân vùng đất cực Nam thành kính dâng hương tại đền thờ Vua Hùng, ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú (Thới Bình - Cà Mau).  Ảnh: Huỳnh Anh

 

Chỉ mới đây thôi, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì tinh thần “Đồng bào” đã được kết nối lại để trở thành một sức mạnh, vượt qua mọi khó khăn do dịch bệnh gây ra. Từ người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Quốc hội…, các ban ngành đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân đều chung tay vào công cuộc phòng chống dịch bệnh. Cả nước chung tay xây dựng lên “quỹ vắc xin” từ sự đóng góp nhỏ bé của các cụ ông, cụ bà, các em nhỏ tiết kiệm từng đồng ăn sáng, các tổ chức, ban ngành, cơ quan đoàn thể và nhân dân.

Khi Bắc Giang là tỉnh đầu tiên bùng phát dịch bệnh, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành, đặc biệt là sự chi viện về nguồn lực, nhân lực của các tỉnh thành, đã chia sẻ với Bắc Giang vượt qua đại dịch. Chúng ta không thể quên được những y, bác sỹ, những người lái xe rất đỗi bình thường đã tự nguyện vượt hàng nghìn km từ các tỉnh miền Nam, xung phong ra  Bắc Giang chỉ với một tâm nguyện là lái xe vận chuyển bệnh nhân.

Rồi đến khi TP. Hồ Chí Minh là tâm dịch, cả nước lại một lần nữa “không ngủ yên”. Hàng đoàn xe chở nhân viên y tế từ các tỉnh, thành, các đơn vị quân đội “hành quân” vào miền Nam ruột thịt để cùng nhau phòng chống dịch bệnh. Nhiều tấn hàng hóa, lương thực, rau, củ quả được người dân cả nước chi viện cho người dân miền Nam, để bảo đảm bà con không ai bị bỏ đói, không ai bị bỏ rơi.

Và cũng có nhiều tấm gương y, bác sỹ, những tình nguyện viên, những người dân bình thường tham gia vào công tác phòng chống dịch đã mãi mãi ra đi, không bao giờ trở về, sự hy sinh của họ đã làm nên chiến thắng dịch bệnh ngày hôm nay.

Có thể nói, hiếm có nơi nào trên trái đất này, khi gian khó, hoạn nạn người dân lại biết đoàn kết, yêu thương nhau, giúp đỡ nhau, chia ngọt sẻ bùi để vượt qua mọi khó khăn gian khó như ở đất nước Việt Nam. Một đất nước giàu lòng nhân ái, yêu chuộng hòa bình. Ở đó, người dân luôn sát cánh với Đảng, Nhà nước, luôn ủng hộ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và mọi người cảm thấy được bình an khi sống trên mảnh đất quê hương. Trước cơn đại dịch hung tàn, trong lòng chúng ta vẫn luôn ấm áp và tràn đầy niềm tin khi nghĩ về hai tiếng “Đồng bào”.

Trong phát biểu tại Lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng tại TP. Cần Thơ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng vẫn được bền bỉ trao truyền, vun đắp qua bao thế hệ, như một điểm tựa tâm linh vững chắc, cố kết tinh thần dân tộc Việt, là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc ta luôn đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thử thách, độc lập, trường tồn với “sông núi Nước Nam, Vua Nam ở” và gìn giữ thái bình, không ngừng mở mang, hợp tác phát triển”.

Vua Hùng “dựng nước”, chúng ta phải “giữ nước”

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần đến thăm Đền Hùng, ngày 19/9/1954, trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, nói chuyện cùng cán bộ, chiến sĩ Đại Đoàn Quân tiên phong, Người nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền Hùng không những có ý nghĩa giáo dục lớn về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và tinh thần đại đoàn kết, mà còn là sự tôn vinh tổ tiên, tôn vinh Quốc tổ Hùng Vương, nơi cội nguồn dân tộc. Câu nói của Người vừa thể hiện lòng biết ơn với các vua Hùng “đã có công dựng nước”, đồng thời đề ra nhiệm vụ kế tục, tiếp nối sứ mệnh lịch sử cao cả của lớp cháu con: “Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời nói của Bác như lời hiệu triệu và kết tinh tinh thần đoàn kết toàn dân tộc của những người chung một dòng dõi Lạc Hồng cùng nhau bảo vệ bờ cõi non sông, đất nước.

234.JPG

Dòng người trở về Khu di tích lịch sử Đền Hùng ngày 10 tháng 3 âm lịch. Ảnh: Minh Quyết.

Theo lời Bác dạy, cả dân tộc ta dưới sự lãnh đạo Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã làm nên cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược bằng chiến thắng Điện Biên Phủ, lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Sau này là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước khi chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975 toàn thắng.

Ngày nay, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Có phải đây là một kỳ tích trong bối cảnh nước ta đứng trước những bề bộn khó khăn và tình hình thế giới có nhiều biến động mạnh mẽ, phức tạp? Điều quan trọng hơn là, qua đây đã cho chúng ta thêm nhiều bài học kinh nghiệm quý”.

Chúng ta đã thực hiện được lời của Bác Hồ muôn vàn kính yêu mong muốn, không những giữ được đất nước, mà chúng ta còn làm cho đất nước chúng ta phát triển mạnh mẽ. Kinh tế phát triển, nhân dân có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, an sinh xã hội luôn được bảo đảm. Từ một đất nước bị cô lập, chúng ta đã làm bạn được với rất nhiều quốc gia khác trên thế giới, lãnh thổ quốc gia được bảo vệ toàn vẹn.

Lấy lời phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong buổi lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng tại TP. Cần Thơ làm câu kết trong bài viết này, để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân chúng ta hứa với các Vua Hùng, với Bác Hồ và những người đã ngã xuống cho nền độc lập, tự do và hạnh phúc hôm nay: “Trong không khí kính lễ trang nghiêm hôm nay, trước anh linh các vua Hùng, chúng ta hãy cùng nhau kết đoàn, nối nghiệp các bậc Tiên Tổ, như lời Bác Hồ dạy: Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Lời dạy thiêng liêng của Bác không chỉ là lời căn dặn về quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mà với Đồng bằng sông Cửu Long chúng ta còn có thêm sứ mệnh gìn giữ vùng đất màu mỡ trước các tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu khắc nghiệt”.

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top