Ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh, thời tiết bất thường, nhiều loại nông sản đang có chiều hướng tăng - giảm biến thiên. Các cơ quan chức năng và nhiều địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp cân bằng, bình ổn giá trên thị trường.
Giá thịt gà rớt thảm hại
Người chăn nuôi gà bất ngờ rơi vào tình cảnh thê thảm do giá gà bán ra hiện chỉ bằng 1/2 chi phí.
Thông tin từ các trại chăn nuôi gà ở Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết giá gà, vịt từ sau Tết đến nay giảm liên tục. Trước Tết giá gà trắng (gà công nghiệp) tiêu chuẩn (2-2,5 kg/con) dao động từ 25.000-26.000 đồng/kg, sau Tết rớt còn 21.000-22.000 đồng/kg, đến nay giảm còn 12.000-13.000 đồng/kg, tức giảm 50% trong chưa đầy 1 tháng và thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Riêng gà quá lứa, vượt trong lượng chuẩn, khoảng 3-4 kg/con hiện có mức giá rất thấp, chưa tới 10.000 đồng/kg, rẻ hơn cả giá rau muống đang bán ở chợ (khoảng 15.000 đồng/kg).
Tương tự, giá gà màu hay còn gọi là gà thả vườn trước Tết từ 55.000-65.000 đồng/kg, nay giảm mạnh còn 25.000 đồng/kg, gà tam hoàng từ 50.000-60.000 đồng cũng giảm còn 17.000-18.000 đồng/kg. Giá vịt tại các trại chăn nuôi ở Đồng Nai trước Tết từ 46.000-51.000 đồng/kg, nay giảm còn 18.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết người nuôi gia cầm đang lỗ nặng, do giá bán ra thấp, bằng khoảng ½ chi phí chăn nuôi. Nguyên nhân dẫn đến giá gà, vịt giảm sâu là do học sinh nghỉ học dài ngày, nhiều nhà máy xí nghiệp cũng chưa hoạt động bình thường trở lại nên các bếp ăn tập thể đồng loạt cắt giảm nhiều loại thực phẩm.
Giá trái cây tăng trở lại
Sau thời gian nông sản bị rớt giá tại Đồng Tháp, những ngày qua, ớt, thanh long, ổi, mít, xoài Đài Loan… đã tăng giá trở lại.
Ông Trần Văn Tuấn – GĐ HTX Thanh Long Hội Quán, xã Phú Hựu, huyện Châu Thành cho biết: Cả tuần nay giá thanh long bắt đầu tăng trở lại. Thương lái đến tận vườn mua thanh long của bà con nông dân từ 10.000 – 12.000 đồng/kg, tăng hơn 4.000 - 5.000 đồng so với tuần trước.
Gắn bó nhiều năm với loại cây trồng này, ông Huỳnh Văn Quận, ở xã Phú Đức, huyện Tam Nông cho biết, 15ha thanh long trong tổ hợp tác tại huyện đang vào vụ chín rộ, nay thương lái đã đến thu mua trở lại.
Không riêng thanh long tăng giá, mặt hàng ớt trồng ở các huyện như Thanh Bình, thị xã Hồng Ngự giá cũng tăng trở lại. Tuần trước giá ớt chỉ bán có 6.000 đồng/kg nhưng rất khó tìm thương lái, thì hiện tại đã tăng lên 12.000 – 13.000 đồng/kg.
Trước tình trạng khó khăn của nông dân trong thời điểm dịch Covid-19, Sở Công Thương Đồng Tháp đã chủ động liên hệ nhiều đơn vị thu mua, nhà bán lẻ thực hiện liên kết, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Thêm tín hiệu vui đến với bà con trồng thanh long, đại diện Siêu thị Big C đã đến khảo sát vùng trồng và kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm tại huyện Châu Thành, Lai Vung, Tam Nông.
Đại diện Siêu thị Big C, GĐ thu mua khu vực phía Nam Nguyễn Tô Kiều Trinh cho biết, trong giai đoạn nông dân gặp khó trong việc tiêu thụ sản phẩm do dịch bệnh, siêu thị đồng hành hỗ trợ tiêu thụ sản lượng thanh long ruột đỏ, giúp bà con vượt qua giai đoạn khó khăn và không phải lâm vào cảnh trắng tay trong mùa đại dịch. Ông Trinh đánh giá, sản phẩm thanh long ruột đỏ của nông dân Đồng Tháp có chất lượng khá tốt, đồng đều. Dự kiến trung bình mỗi tuần siêu thị sẽ tiêu thụ khoảng từ 15 – 20 tấn thanh long.
Bà Võ Phương Thủy – Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp cho biết, ngành Công thương sẽ trở thành khâu trung gian phối hợp các siêu thị, nhà bán lẻ với nông dân. Sở Công thương khuyến nghị nông dân chú ý vào phương thức sản xuất, liên kết với nhà phân phối trong khâu tiêu thụ để từ đó định hướng khâu sản xuất, tránh rơi vào tình trạng "giải cứu" không mong muốn.
Thời tiết bất thường, giá rau "nhảy múa"
Những ngày qua, tại nhiều khu vực ở miền Bắc, rau xanh mất mùa do mưa lớn. Tại nhiều chợ và siêu thị ở Hà Nội, giá mặt hàng này tăng mạnh so với trước.
Sau Tết, trên các cánh đồng chuyên trồng rau ở xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), hầu hết rau cải ngọt và cải cúc nằm bẹp trên ruộng vì mưa lớn trong Tết. Thậm chí, có ruộng bị ngập úng nhiều ngày, dẫn đến hiện tượng rau bị thối rễ héo chết.
Nhiều vùng trồng rau ngoại thành Hà Nội cũng chịu tác động từ thời tiết bất thường thời gian qua. Xã Vân Côn được xem là một vùng trồng rau lớn của huyện Hoài Đức với khoảng 140 ha đất trồng rau. Bà Ngô Thị Luận, một người chuyên trồng rau trong xã này buồn bã nhìn ruộng rau thưa thớt. Thời gian này, bà cố gắng chăm bón cho những cây rau còn sống sót sau những trận mưa lớn trong dịp Tết.
Bà Đào Thị Vui, Chủ nhiệm HTX rau an toàn Đông Hưng (xã Đông Lỗ, Hiệp Hòa, Bắc Giang), chuyên cung cấp rau cho bếp ăn của nhiều công ty may mặc ở Bắc Giang cho hay, sau dịp nghỉ Tết, nhiều thành viên trong hợp tác xã không có nhiều rau bán do ảnh hưởng thời tiết thất thường vừa qua. “Tôi phải thu mua tại ruộng với giá cao hơn gấp 2 - 3 lần so với trước Tết, như rau cải canh có giá 15.000 - 20.000 đồng/kg, cần tây giá hơn 10.000 đồng/kg”, bà Vui chia sẻ.
Tại nhiều chợ ở nội thành Hà Nội những ngày gần đây giá các loại rau cao gấp nhiều lần so với trước Tết. Tại chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng), một mớ rau muống có giá 20.000 - 30.000 đồng, súp lơ xanh có giá 80.000 đồng/cân, rau cải bắp bán với giá 17.000 đồng/kg... “Tôi phải nhập các loại rau với giá tăng lên 2 -3 lần so với trước Tết và chưa có dấu hiệu hạ xuống”, một tiểu thương chuyên buôn rau ở chợ Hôm cho biết.
Ngành thủy sản xây dựng nhiều kịch bản ứng phó COVID-19
Ngành xuất khẩu thủy sản đặt nhiều kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2020 sau khi trải qua năm 2019 khá khó khăn và về đích chưa được như mong đợi.
Tuy nhiên, ngay trong tháng đầu tiên năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm khá sâu và đối diện với nhiều khó khăn hơn khi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) diễn biến phức tạp.
Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, xuất khẩu thủy sản của cả nước tháng 1/2020 ước đạt 556 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, sở dĩ kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1/2020 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 là do trùng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên việc xuất nhập khẩu bị gián đoạn trong khoảng 10 ngày.
Tiếp đó, đầu tháng 2 dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại Trung Quốc đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rất nhiều lĩnh vực như giao thông vận tải, du lịch, bán lẻ, do vậy hoạt động sản xuất, xuất khẩu thủy sản cũng không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực.
Ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá cho biết, thị trường Trung Quốc hiện chiếm từ 20-30% tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm cá tra của công ty.
Từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến nay, thực hiện công tác kiểm soát lây lan dịch COVID-19, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã nhiều lần thông báo tạm hoãn nhận các đơn hàng đặt trước và chưa có kế hoạch đặt thêm đơn hàng nào mới.
"Với những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lâu năm, đã có chiến lược đa dạng hóa thị trường từ trước thì sự gián đoạn xuất khẩu vào Trung Quốc chỉ ảnh hưởng một phần đến hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp nhỏ, mới hình thành trong giai đoạn xuất khẩu cá tra tăng trưởng nóng, chủ yếu xuất khẩu đi Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại nặng nề nếu dịch COVID-19 không được khống chế sớm," ông Trần Văn Hùng chia sẻ.
So với cá tra, mặt hàng tôm được đánh giá ít chịu tác động hơn từ dịch bệnh do thị trường Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu tôm sú cỡ lớn từ Việt Nam nhưng thời điểm này tôm sú cỡ lớn đã hết vụ, sản lượng cuối mùa chỉ dùng trả hợp đồng các thị trường khác.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho biết hiện nay đang phải lưu kho các đơn hàng đặt trước của Trung Quốc do nhà nhập khẩu thông báo lùi thời gian giao hàng. Trong khi đó, giá tôm thế giới thời gian tới được dự báo sẽ giảm vì nguồn cung tăng mạnh.
Theo tính toán của VASEP, trường hợp khả quan nhất là dịch COVID-19 được khống chế trong quý I/2020 thì xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trong quý I/2020 cũng sẽ giảm ít nhất là 40% so với quý IV năm 2019.
Xuất khẩu thủy sản trong các quý tiếp theo sẽ hồi phục và guồng sản xuất xuất khẩu lại vận hành bình thường trong nửa cuối năm. Ngược lại trong tình huống dịch bệnh kéo dài hơn nữa, xuất khẩu vào Trung Quốc giảm mạnh, kéo theo sự sụt giảm của các thị trường khác thì kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2020 có thể chỉ tăng trưởng khoảng 3-4% so với năm 2019.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, VASEP đã khuyến nghị, các doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin từ đối tác phía Trung Quốc để tranh thủ thông quan các đơn hàng đặt trước ngay khi được phép, giảm thiểu chi phí bảo quản, kho bãi.
Tùy vào diễn biến thực tế, các doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch chế biến và thông tin cho các vùng nuôi điều chỉnh thời vụ, sản lượng nguyên liệu cho phù hợp, tránh tình trạng dư thừa nguyên liệu, gây thiệt hại cho cả người nuôi và doanh nghiệp.
Song song đó, hiệp hội cũng sẽ kiến nghị lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ nuôi trồng bị thiệt hại thông qua việc giảm lãi suất vay vốn và gia hạn thời gian trả nợ ngân hàng, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…