Chăn nuôi ngày càng đem lại tỷ trọng cao trong ngành nông nghiệp. Việc xây dựng, nhân rộng những mô hình chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường đang được ngành chuyên môn và đông đảo hộ sản xuất quan tâm.
Hưng Yên: Chăn nuôi không chất thải hướng tới phát triển bền vững
Với đàn trâu, bò khoảng 40 nghìn con, đàn lợn khoảng 500 nghìn con, lượng chất thải hàng ngày ở các trang trại, hộ chăn nuôi trong tỉnh rất lớn. Trong khi đó, việc xử lý chất thải bằng bể bi ô ga ở nhiều hộ chưa hiệu quả, chất thải vẫn gây ô nhiễm môi trường. Một bộ phận hộ chăn nuôi khác không xử lý chất thải, chỉ sử dụng một phần cho trồng trọt, phần lớn thải trực tiếp ra cống rãnh, sông, hồ.
Trang trại của gia đình bà Võ Thị Phương ở xã Hồng Tiến (Khoái Châu) vừa chăn nuôi bò, vừa chăn nuôi lợn với số lượng vài trăm con. 3 năm trở lại đây, gia đình bà đã sử dụng hệ thống thu, ép chất thải gia súc để xử lý triệt để chất thải, bảo vệ môi trường. 100% chất thải gia súc của trang trại được thu vào bể sau mỗi lần rửa chuồng, đưa lên máy ép. Phân ép khô được đóng vào bao, bán cho các hộ trồng trọt. Nước thải được ủ, trở thành phân bón cho diện tích hơn 5 mẫu trồng cỏ nuôi bò của gia đình bà. Từ khi áp dụng hệ thống này, trang trại chăn nuôi hàng trăm con gia súc lớn của gia đình bà Phương không có chất thải dư thừa ra môi trường. Hoạt động chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học giúp giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh. Mỗi lần bán phân ép khô, trang trại lại có thêm nguồn kinh phí để tái sản xuất.
Loại máy ép này đã được sử dụng trên địa bàn tỉnh nhiều năm nay, chi phí cho mỗi máy khoảng 100 triệu đồng, phù hợp với các trang trại chăn nuôi gia súc quy mô từ 100 con trở lên. Các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ liền kề có thể liên kết với nhau trong việc thu gom, xử lý chất thải để giảm chi phí đầu tư và tăng hiệu quả xử lý.
Vừa bảo vệ môi trường, vừa bảo vệ hoạt động chăn nuôi bền vững, đó là mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học của anh Đỗ Trọng Toán ở xã Đông Kết (Khoái Châu).
Chăn nuôi gà đã nhiều năm nay nhưng đến khi áp dụng đệm lót sinh học, mô hình sản xuất của gia đình anh mới thực sự bền vững. Anh Toán cho biết: Tôi sử dụng trấu, mùn cưa, một phần bột ngô hoặc cám gạo, trộn với men vi sinh, tạo thành hỗn hợp đệm lót trải xuống nền chuồng. Khi gà thải phân xuống, vi sinh vật sẽ tự động phân hủy phân. Mỗi lứa tôi nuôi 2 nghìn con gà Đông Tảo lai, kết hợp vận hành máy ấp trứng, bán gà giống, trứng giống, nhiều năm không có dịch bệnh xảy ra.
Trên thực tế, việc sử dụng đệm lót sinh học đem lại lợi ích kép cho người chăn nuôi, vừa xử lý chất thải tại chỗ, mùa đông tăng nhiệt cho chuồng trại, lại không gây mùi hôi trong quá trình chăn nuôi. Sau mỗi lứa sản xuất, đệm lót trở thành phân hữu cơ rất tốt cho cây trồng, được người trồng cây ăn quả, cây cảnh đến tận nơi thu mua. Trong các dãy chuồng gà khép kín của gia đình anh Toán, đàn gà khỏe mạnh, đẻ trứng to và đều, chuồng trại luôn thoáng sạch.
Loại đệm lót sinh học này có thể thay đổi linh hoạt cho từng đối tượng gia cầm, từ gà, vịt, chim cút... Đồng thời áp dụng cho cả chuồng kín và chuồng hở. Đàn gia cầm của tỉnh ngày càng tăng, tuy nhiên việc áp dụng đệm lót sinh học mới chỉ được thực hiện ở một bộ phận các hộ chăn nuôi quy mô lớn. Nhiều người e ngại chi phí cao. Song, trên thực tế, chi phí cho đệm lót sinh học sẽ được hoàn lại khi đệm lót trở thành phân hữu cơ bán cho hộ trồng trọt với giá 15 – 30 nghìn đồng/bao (sử dụng vỏ bao đựng cám 25kg).
Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn, hiện nay, cơ giới hóa trong xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm bi ô ga trên địa bàn tỉnh đạt 85%; dùng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia cầm đạt gần 56%; khoảng trên 30 hộ chăn nuôi đang sử dụng máy tách, ép phân gia súc. Trong giai đoạn 2017 – 2020, thông qua một số dự án khuyến nông, tỉnh đã hỗ trợ hơn 20 hộ chăn nuôi mua máy tách, ép phân gia súc. Năm 2021, các dự án chăn nuôi an toàn sinh học của tỉnh có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ người chăn nuôi kinh phí, kỹ thuật để đầu tư và vận hành máy xử lý phân gia súc, làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia cầm. Nông dân quan tâm có thể liên hệ trực tiếp với các phòng nông nghiệp và PTNT, phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố để được tư vấn, hỗ trợ. Đây là hướng đi mà các địa phương, nông hộ và cộng đồng đều mong muốn được các cấp, các ngành, đơn vị chuyên môn quan tâm, hỗ trợ để nông dân sản xuất bền vững, an toàn hơn.
Thanh Hóa: Tăng cường phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò
Xuất hiện từ giữa tháng 10-2020, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) đã lây lan ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại Thanh Hóa, đến ngày 17-3-2021 bệnh VDNC đã xảy ra tại 196 hộ chăn nuôi tại 38 thôn, 12 xã, phường của các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa và thị xã Nghi Sơn. Tổng số có 274 con bò mắc bệnh, trong đó, buộc phải tiêu hủy 3 con.
Theo đó, tại huyện Yên Định, từ ngày 4 đến ngày 17-3, bệnh VDNC đã xảy ra tại 155 hộ chăn nuôi tại 32 thôn của 9 xã; tổng số có 213 con bò mắc bệnh, tiêu hủy 3 con.
Tại huyện Vĩnh Lộc, từ ngày 14 đến ngày 17-3, bệnh VDNC đã xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi tại thôn Yên Lặc, xã Ninh Khang làm 1 con bò mắc bệnh.
Huyện Hoằng Hóa từ ngày 14 đến ngày 16-3, bệnh đã xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi tại 2 thôn xã Hoằng Đạo làm 2 con bò mắc bệnh.
Tại thị xã Nghi Sơn, từ ngày 3 đến ngày 5-3, bệnh VDNC đã xảy ra tại 38 hộ chăn nuôi ở 3 tổ dân phố làm 58 con bò mắc bệnh, trong đó có 56 con đã khỏi về mặt triệu chứng lâm sàng. Tính đến ngày 17-3, dịch bệnh tại Thị xã Nghi Sơn đã qua 40 ngày không phát sinh thêm trâu, bò mắc bệnh.
Ngay sau khi có thông tin dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các huyện, thị xã có dịch thành lập tổ công tác phòng, chống dịch để điều tra tổng đàn, nắm bắt tình hình dịch bệnh. Tổ cức tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu rõ mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, thực hiện ký cam kết giữa người chăn nuôi với chính quyền địa phương về việc không mổ thịt, không bán chạy, không vứt xác gia súc chết, gia súc bệnh ra môi trường, thực hiện nuôi nhốt toàn bộ trâu, bò trong vùng dịch. Tổ chức tiêm phòng vắc- xin viêm da nổi cục trâu, bò cho đàn trâu, bò tại vùng đệm, vùng bị dịch uy hiếp và vùng bị dịch.
Nghiêm cấm việc mua bán, giết thịt trâu, bò trong vùng dịch, trong thời gian có dịch, lập các chốt kiểm dịch hoạt động 24/24 giờ không cho mang trâu, bò, các sản phẩm từ trâu, bò ra khỏi vùng dịch.
Đồng thời, tổ chức phun tiêu độc khử trùng, sát trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại, đường làng, bãi chăn thả tại các vùng có dịch và nghi bị nhiễm bệnh.
Đến nay, tổng số hóa chất đã được sử dụng là 2.720 lít, 3 tấn vôi bột, 50 lít thuốc diệt côn trùng, ve, mòng,…
Hà Nam: Triển khai kế hoạch tiêm phòng cho đàn vật nuôi
Theo báo cáo, năm 2020, việc tiêm vắc xin được triển khai tích cực trên đàn vật nuôi. Cụ thể, toàn tỉnh tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng (LMLM) cho đàn gia súc được hơn 187.000 con, gồm: Đàn lợn tiêm phòng được gần 151.000 con, đàn trâu, bò 27.265 con, đàn dê 9.500 con. Tiêm vắc xin dịch tả lợn được hơn 202.000 con (tiêm phòng từ nguồn vắc xin tỉnh hỗ trợ được hơn 165.000 con, đạt 31,5% kế hoạch). Tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo 55.915 con, đạt 90,3% kế hoạch. Với một số loại vắc xin khác vẫn được duy trì tiêm phòng, như: Bệnh tụ huyết trùng trâu, bò, tai xanh lợn, phó thương hàn và tụ huyết trùng lợn, cúm gia cầm, dịch tả vịt…
Tuy nhiên, công tác tiêm phòng năm 2020 còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh cho phần lớn các loại bệnh đều đạt thấp, trong đó có cả các loại vắc xin do tỉnh hỗ trợ (LMLM, dịch tả lợn).
Với tiêm phòng vụ xuân 2021, ngành NN & PTNT đặt ra yêu cầu triển khai tập trung, đạt tỷ lệ cao ở tất cả các đối tượng trong diện tiêm, trong đó, tiêm phòng vắc xin LMLM cho đàn gia súc trong diện tiêm đạt trên 70%, riêng đàn bò sữa đạt 100%; bệnh tụ huyết trùng trâu, bò trên 70%, đàn bò sữa đạt 100%; dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn trên đàn lợn đạt trên 70%; tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo đạt tỷ lệ trên 85%.
Thời gian tiêm phòng được tổ chức đồng loạt từ ngày 23/3 đến 25/4. Trước đó, các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch tiêm phòng vụ xuân trên địa bàn. Đồng thời, rà soát, đăng ký đủ lượng vắc xin phục vụ công tác tiêm phòng với cơ quan chuyên môn. Với việc tiêm phòng bổ sung các tháng 5,6,7 được duy trì từ ngày 10 – 20 hàng tháng.
Để thực hiện tốt công tác tiêm phòng, các địa phương bố trí đầy đủ lực lượng, trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác tiêm phòng. Cùng với đó, tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ về tác dụng tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi và thời gian, địa điểm tổ chức tiêm phòng…
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…