Để các sản phẩm OCOP có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất, các cấp, ngành chức năng đang triển khai nhiều giải pháp phù hợp, hiệu quả, từ đó tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế.
Hà Nội: Định vị và ghi dấu ấn cho sản phẩm OCOP
Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), dự kiến đến hết năm 2020, Hà Nội sẽ có 1.000 sản phẩm được công nhận, cấp sao. Để các sản phẩm này có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất, các cấp, ngành chức năng thành phố đang triển khai nhiều giải pháp phù hợp, hiệu quả, từ đó tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế của các địa phương.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, sau gần 2 năm triển khai, toàn thành phố đã có 301 sản phẩm nông sản, làng nghề được cấp sao. Tiếp tục xác định OCOP là một trong những mũi nhọn để thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đang đẩy mạnh chương trình này. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh thông tin, huyện đã xây dựng Đề án về phát triển OCOP và cơ chế, chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia. Hiện nay, Đông Anh có 270 sản phẩm tiềm năng, huyện phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 150 sản phẩm được đánh giá, phân hạng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Trên thực tế, để được công nhận OCOP, các sản phẩm phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, các quy định về an toàn thực phẩm, môi trường và có “câu chuyện sản phẩm”. Do vậy, có thể khẳng định: Mỗi sản phẩm OCOP thật sự là tinh hoa làng nghề, tinh hoa của vùng đất và là niềm tự hào của người Hà Nội.
Tuy nhiên, đưa sản phẩm này ra thị trường và được người tiêu dùng lựa chọn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt là điều không đơn giản. Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh Hà Thị Vinh cho biết, 80% sản phẩm của công ty phục vụ xuất khẩu nhưng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ đầu năm tới nay, xuất khẩu giảm, từ đó đặt ra vấn đề phải phát triển thị trường trong nước để duy trì sản xuất. Tuy nhiên, theo Trưởng ban đại diện nhân dân làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) Hà Văn Lâm, những sản phẩm của làng nghề dù rất đẹp nhưng vẫn chịu cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc vì có giá thành thấp hơn.
Về vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm, Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thụy Lâm (huyện Đông Anh) Nguyễn Thị Cúc cho hay, xã Thụy Lâm hiện có 570ha trồng lúa nếp cái hoa vàng/vụ, chiếm 98% diện tích trồng lúa của địa phương. Gạo nếp cái hoa vàng Thụy Lâm đã được thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 3 sao nhưng nông dân chủ yếu bán gạo trên thị trường tự do. Vì chưa có sự liên kết với các nhà bán lẻ nên chưa hình thành được đầu ra ổn định.
Những vấn đề nêu trên hiện là khó khăn, thách thức chung với các sản phẩm OCOP ở nhiều địa phương. Việc này rất cần được tháo gỡ để những sản phẩm tinh hoa của Hà Nội có vị thế xứng đáng ghi dấu ấn trên thị trường và trong lòng người tiêu dùng.
Thực tế, việc tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP luôn được thành phố quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thị trường nội địa chịu nhiều áp lực cạnh tranh từ hội nhập kinh tế quốc tế.
Thời gian gần đây, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp kết nối, quảng bá, giới thiệu, kích cầu tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước. Nổi bật là mới đây, tại chuỗi sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc diễn ra tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), thành phố đã khâu nối để các doanh nghiệp ký kết 179 biên bản ghi nhớ về hợp tác, liên kết, tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa các tỉnh, thành phố và các chủ thể tham gia chương trình OCOP. Theo Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam Đỗ Hoàng Thạch, các doanh nghiệp không dễ đến gặp gỡ từng đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP ở các vùng, miền nên những sự kiện như vậy có rất nhiều ý nghĩa.
Ở góc độ người tiêu dùng, bà Huỳnh Thị Ngọc Trâm, phường Xuân Phương, (quận Bắc Từ Liêm) cho rằng: "Các sản phẩm được chứng nhận OCOP đều có chất lượng tốt. Do vậy, cùng với các chính sách hỗ trợ kích cầu của thành phố, chủ thể tham gia chương trình OCOP cần chủ động thực hiện các giải pháp đưa sản phẩm ra thị trường; đồng thời đầu tư đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm để thu hút người tiêu dùng".
Trao đổi về các giải pháp trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Để giúp sản phẩm OCOP chinh phục thị trường, Hà Nội sẽ hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa sản phẩm OCOP, đặt tên gọi riêng cho mỗi sản phẩm để người tiêu dùng dễ nhận biết trên thị trường. Thành phố cũng sẽ quyết liệt trong quản lý thị trường để loại bỏ hàng giả, hàng nhái, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các sản phẩm, kích thích người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm chất lượng tốt.
"Từ kinh nghiệm tổ chức các hội chợ OCOP, chúng tôi nhận thấy đã thu hút được nhiều người tiêu dùng Thủ đô mua sắm. Do vậy, thời gian tới Hà Nội sẽ tổ chức các hội chợ OCOP thường xuyên hơn; đưa sản phẩm vào các chợ đầu mối để phân phối rộng rãi ra thị trường. Việc này sẽ giúp người tiêu dùng tiếp cận được những sản phẩm bảo đảm chất lượng", ông Tạ Văn Tường thông tin.
Hưng Yên: Sôi động hội thi nhãn ngon năm 2020
Ngày 31.7, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương phối hợp tổ chức hội thi nhãn ngon tỉnh Hưng Yên năm 2020. Hội thi thu hút sự tham gia của 30 nhà vườn chuyên trồng nhãn với tổng số 55 sản phẩm nhãn quả tươi dự thi.
Ban giám khảo đã căn cứ vào 10 tiêu chí của quả nhãn như: Khối lượng, vị ngọt, hương thơm, độ đường, màu sắc... để chấm với thang điểm cao nhất là 200.
Kết thúc hội thi, ban tổ chức đã chọn 4 sản phẩm có điểm cao nhất để trao giải, trong đó giải nhất trao cho sản phẩm của nhà vườn Bùi Văn Thừa, thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên); giải nhì trao cho sản phẩm của nhà vườn Đỗ Đức Kha, xã Hạ Lễ (Ân Thi); 2 giải ba trao cho sản phẩm của nhà vườn Đặng Văn Liêm ở thôn Điện Biên, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) và sản phẩm của nhà vườn Nguyễn Văn Thế, xã Hàm Tử (Khoái Châu).
Hà Nam: Triển vọng chăn nuôi bò sữa trong chuồng kín
Từ đầu mùa hè năm nay, anh Lê Văn Tuấn, Khu chăn nuôi bò sữa tập trung xã Mộc Bắc (thị xã Duy Tiên) chăn nuôi 20 con bò sữa trong chuồng kín. Đây là hộ đầu tiên trên địa bàn tỉnh áp dụng kỹ thuật chăn nuôi bò sữa trong chuồng kín.
Được biết, khu chuồng kín này mới được anh Tuấn xây dựng từ đầu năm, áp dụng tương tự cách làm chuồng kín nuôi gia cầm và lợn. Theo đó, khu chuồng được xây dựng kín, lắp đặt giàn lạnh và sử dụng quạt hút, đồng thời được cải tiến có thêm cửa để khi trời mát có thể mở cho bò ra sân.
Với cách làm này, nhiệt độ trong chuồng bò luôn ở mức không quá 30oC (dù nhiệt độ bên ngoài có thể lên 38 – 40oC), đây là nền nhiệt độ thuận lợi cho chăn nuôi bò sữa. Anh Tuấn cho biết: Mùa hè năm nay xuất hiện những đợt nắng nóng đỉnh điểm và kéo dài rất dễ tác động tiêu cực đến bò sữa vốn xuất xứ từ vùng ôn đới. Tuy nhiên, với mô hình chuồng kín, đàn bò sữa của gia đình tôi luôn được chăm sóc tốt nhất.
Chi phí xây dựng chuồng kín cho bò sữa cũng chỉ gấp khoảng 1,5 lần so với chuồng hở. Lượng điện tiêu thụ gấp gần 2 lần do sử dụng giàn lạnh và quạt hút công suất lớn hơn quạt gió trước đây. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn rất nhiều so với nuôi bò sữa trong chuồng hở mùa nắng nóng.
Anh Tuấn chia sẻ: Những thiệt hại trong mùa nắng nóng buộc tôi phải nghĩ tới biện pháp cải tiến chuồng trại. Mục tiêu chính là bảo đảm bò được nuôi trong điều kiện nhiệt độ ổn định, tốt nhất trong mùa hè. Cách làm này cũng giúp giữ ấm, ngăn gió lùa trong mùa đông, ngăn ngừa sự lây lan khi xuất hiện dịch bệnh trên địa bàn…
Hiệu quả bước đầu từ chăn nuôi bò sữa trong chuồng kín của anh Tuấn đã được chứng minh. Nhiều hộ chăn nuôi bò sữa trong vùng đã đến tham quan, học tập để cải tạo chuồng trại của gia đình.
Anh Nguyễn Tiến Đạt, Khu chăn nuôi bò sữa kiểu mẫu của Công ty TNHH Friesland Campina Hà Nam (xã Mộc Bắc) đang có đàn bò sữa 80 con, nuôi trong hệ thống chuồng hở. Qua theo dõi quá trình chăn nuôi bò sữa trong chuồng kín của anh Tuấn, anh đang tính toán áp dụng cho trang trại của mình.
Theo anh Đạt, chăn nuôi bò sữa chuồng kín của anh Tuấn là giải pháp tối ưu để bảo vệ đàn bò sữa trước nắng nóng mùa hè và gió rét mùa đông. Tới đây, tôi sẽ tính toán cải tạo chuồng trại chăn nuôi bò sữa của gia đình theo hướng chuồng kín. Do làm sau nên sẽ rút được kinh nghiệm để chuồng trại phát huy hiệu quả cao nhất.
Đàn bò sữa của tỉnh hiện có 3.946 con của 195 hộ và trang trại chăn nuôi. Gần như toàn bộ các hộ đều đang áp dụng chăn nuôi theo dạng chuồng hở truyền thống. Vào mùa nắng nóng, dù kết hợp rất nhiều biện pháp hạ nhiệt, nhưng hiện tượng bò bị sốc nhiệt, sảy thai, giảm năng suất sữa… vẫn xảy ra thường xuyên. Do vậy, mô hình chăn nuôi chuồng kín của anh Lê Văn Tuấn cần được các hộ chăn nuôi bò sữa xem xét áp dụng.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở NN & PTNT) cho biết: Việc cải tiến chuồng trại của hộ anh Lê Văn Tuấn đã đem lại hiệu quả, mở ra hướng mới trong xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò sữa. Từ mô hình chuồng kín này, tới đây, Chi cục sẽ cử cán bộ kỹ thuật tìm hiểu, nghiên cứu để khuyến cáo và hướng dẫn các hộ chăn nuôi. Giải quyết tốt được vấn đề chuồng trại, nhất là chống nóng sẽ giúp đàn bò sữa của tỉnh có điều kiện phát triển, nâng cao được cả tổng đàn và sản lượng sữa.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…