Ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất là giải pháp then chốt nhằm nâng cao giá trị, tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập phát triển hiện nay.
Hà Nội: Đưa khoa học công nghệ đến với nông dân
Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã phối hợp các sở, ngành và chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn, đào tạo để đưa khoa học công nghệ đến với nông dân.
Những năm qua, cây ổi ở Đông Dư đã giúp nhiều người dân nâng cao thu nhập. Bà Lê Thị Vui ở thôn 8, xã Đông Dư (huyện Gia Lâm) chia sẻ: “Với 4 sào trồng ổi, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu được hơn 6 tấn quả. Cây ổi cho quả quanh năm, năng suất cao, quả giòn, ngọt, thơm nên giá bán cũng cao. Trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu được từ 150 đến 170 triệu đồng”.
Nói về sự chuyển đổi của cây ổi ở Đông Dư, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Dư Nguyễn Thống Nhất cho biết: Để phát huy thế mạnh từ cây ổi - một loại cây truyền thống của xã, Hội Nông dân xã đã phối hợp Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con ứng dụng những phương thức canh tác mới như: Bón thúc theo định kỳ bằng phân hữu cơ hoặc phân vi sinh để cây sinh trưởng tốt; hay cuối mỗi đợt thu hoạch, tỉa bớt cành, tạo độ thông thoáng nhằm giảm nấm mốc và hạn chế sâu bệnh… Với việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất, chất lượng ổi Đông Dư được cải thiện rất nhiều.
Tương tự, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chương Mỹ Chu Văn Khang cho biết: Phát triển đàn lợn, đàn bò, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội hướng dẫn nông dân chuyển từ thụ tinh lợn, bò trực tiếp sang thụ tinh nhân tạo với nhiều giống lợn, giống bò chất lượng cao. Hiện tại, giống bò BBB đã chiếm tới 47% tổng đàn bò của huyện và hơn 90% đàn lợn là giống chất lượng cao, từ đó tăng cả sản lượng và chất lượng thịt so với các giống truyền thống.
Thực tế, để nâng cao giá trị sản xuất, đặc biệt tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn, có sức cạnh tranh trên thị trường, những năm qua, Hội Nông dân thành phố đã phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; giới thiệu các giống cây, con; các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mới cũng như phương thức chăm sóc, thu hái, sơ chế…
Theo Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Lê Trọng Khuê, khoa học công nghệ là giải pháp then chốt nhằm nâng cao giá trị, tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Do đó, Hội Nông dân đặc biệt coi trong việc đưa khoa học công nghệ đến với bà con.
Đưa khoa học công nghệ đến với nông dân là con đường ngắn nhất để nâng cao giá trị, tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Do vậy, việc Hội Nông dân thành phố Hà Nội phối hợp các sở, ngành và chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn, đào tạo đưa khoa học công nghệ đến với nông dân mang ý nghĩa lâu dài, tạo nền tảng mới cho sự phát triển.
Ninh Bình: Lò sấy lúa - giải pháp nâng cao chất lượng nông sản
Thực hiện Chương trình kế hoạch năm 2020 về việc hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc phục vụ hoạt động sơ chế bảo quản nông sản cho các HTX trên địa bàn tỉnh; từ nguồn đầu tư hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ hoạt động của các HTX trong xây dựng nông thôn mới, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ cho HTX Hoa Tiên (xã Gia Hưng-Gia Viễn) xây dựng mô hình lò sấy lúa.
Ông Đinh Quang Bằng, Phó Giám đốc HTX Hoa Tiên cho biết: Công trình được hỗ trợ đầu tư với tổng trị giá là 300 triệu đồng; trong đó vốn hỗ trợ Nhà nước thông qua Liên minh HTX tỉnh là 250 triệu đồng, vốn đối ứng của HTX là 50 triệu đồng. Lò sấy tiêu thụ điện hết 7,2 KW/giờ; sấy tối đa 6 tấn/mẻ, để sấy khô một mẻ lúa cần khoảng 24 giờ. Dự kiến HTX sẽ đưa hệ thống lò sấy lúa vào khai thác, sử dụng trong vụ mùa sắp tới phục vụ tối đa nhu cầu của thành viên và làm thêm dịch vụ phục vụ các đơn vị có nhu cầu.
Đến nay, công trình đã hoàn thành lắp đặt xây dựng khoảng 90% khối lượng theo hợp đồng đã ký kết và đưa vào chạy thử nghiệm mẻ lúa đầu với 3 tấn/mẻ, thời gian sấy 18 giờ/mẻ với giá lúa sấy 500.000 đồng/tấn. Đánh giá bước đầu cho thấy mô hình sấy lúa cho hiệu quả tốt, giúp thành viên HTX chủ động trong quá trình thu hoạch và đảm bảo chất lượng hạt lúa, gạo ngon, hạt gạo rộng đều, chất lượng gạo tốt hơn phơi tự nhiên.
Thực tiễn cho thấy ở miền Bắc, nhiều địa phương đã có tình trạng dư thừa thóc lúa nhưng không thể xuất khẩu được, nông sản dư thừa thường chỉ dùng để làm thức ăn chăn nuôi và bán với giá trị khá thấp.
Ông Bùi Hữu Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng: Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng thất thường, đồng ruộng manh mún, sản lượng không tập trung và không có hệ thống máy sấy nông sản... hầu hết các loại nông sản của khu vực miền Bắc đều được nông dân phơi trực tiếp dưới nắng. Khi đưa lúa vào máy xay xát dễ bị nứt vỡ cho loại gạo tới 25% tấm; phẩm cấp kém, nên giá bán thấp. Đặc biệt, khi mưa to, thời gian kéo dài, lại đúng vào thời kỳ thu hoạch rộ nông sản (nhất là ở vụ lúa mùa) thì sản phẩm nông sản bị úng lụt, ngập nước khi thu hoạch xong sẽ bị lên men, mọc mầm và bỏ đi.
Thấy được mấu chốt của vấn đề, trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ xây hàng loạt lò sấy thóc ở vùng sản xuất lúa hàng hóa (xã Khánh Cường, xã Khánh Nhạc, Công ty cổ phần Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình) với mức hỗ trợ 50% và lò sấy đầu tiên đi vào hoạt động là của HTX Đông Cường (Yên Khánh), với công suất 8 tấn/mẻ, mỗi ngày sấy được từ 18-20 tấn thóc. Đây là lò sấy được xây bằng những vật liệu rẻ tiền, sẵn có với nguyên tắc hoạt động đơn giản, đốt bằng than và thổi gió cưỡng bức bằng quạt điện với tổng đầu tư một lò sấy khoảng 200 triệu đồng.
Chủ nhiệm HTX Đông Cường cho biết: Ngoài sấy lúa, lò có thể dùng để sấy đậu tương, lạc, ngô, tránh những vụ mất mùa vì khi gặp thời tiết bất thuận nông sản thu hoạch xong không thể phơi phóng được.
Hưng Yên: Chi 35 tỷ đồng hỗ trợ phát triển thủy sản
Hiện nay, nguồn lợi thủy sản tự nhiên của tỉnh không dồi dào. Khu vực khai thác chủ yếu tại các sông lớn trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.000 ha ruộng cấy hiệu quả thấp có thể chuyển sang nuôi trồng thủy sản.
Theo Đề án phát triển Thủy sản tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng phát triển thủy sản trong giai đoạn này tập trung vào nuôi thủy sản ở ao, hồ, đầm nhỏ; nuôi cá lồng và nuôi thủy sản đặc sản. Dự kiến mỗi năm chuyển khoảng 100 ha ruộng cấy hiệu quả thấp sang nuôi thủy sản, trong đó, tập trung ở các huyện: Khoái Châu; Kim Động; Ân Thi; Phù Cừ; Tiên Lữ... Đây là những địa phương có điều kiện thuận lợi về phát triển thủy sản. Đến năm 2025, diện tích nuôi trồng thủy sản tỉnh Hưng Yên dự kiến 6.100 ha; sản lượng đạt 65.000 tấn thủy sản. Trong đó, 3000 ha diện tích nuôi thâm canh; 800 lồng nuôi cá; khoảng 80-100 ha diện tích nuôi thủy sản đặc sản...
Bên cạnh đó, nghiêm cấm việc khai thác mang tính hủy diệt và tiếp tục thả bổ sung các loài cá ra nguồn nước tự nhiên để tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Để phát triển dịch vụ nuôi trồng thủy sản, đề án khuyến khích thành lập các hợp tác xã chuyên về sản xuất, kinh doanh giống thủy sản; đáp ứng đủ nhu cầu cá giống trên địa bàn tỉnh, với 50% là giống thủy sản truyền thống và 50% là giống thủy sản có năng suất và giá trị kinh tế cao. Mỗi xã có ít nhất 1-2 cơ sở ương nuôi, dịch vụ giống thủy sản.
Tỉnh sẽ từng bước sắp xếp tổ chức lại hệ thống dịch vụ kiểm soát các cơ sở kinh doanh thức ăn thủy sản; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh thuốc hóa chất và việc sử dụng thuốc, hóa chất tại các vùng nuôi trồng thủy sản.
Theo đề án, các dự án ưu tiên gồm: Thả bổ sung cá giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung nuôi thâm canh; xây dựng cơ sở chế biến thủy sản đông lạnh tỉnh Hưng Yên công suất 3 - 5 nghìn tấn/năm.
Nhiều giải pháp được đề ra trong đề án nhằm thực hiện các mục tiêu trên như: giải pháp về cơ sở hạ tầng vùng nuôi; khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết với tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích nuôi trồng thủy sản; phát triển giống thủy sản; vốn đầu tư; giải pháp khoa học công nghệ; phòng chống dịch bệnh; thị trường...
Tổng kinh phí thực hiện một số nội dung thuộc Đề án phát triển thủy sản tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 là 113 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 35 tỷ đồng; nguồn vốn khác là 78 tỷ đồng...
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…