Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 1 năm 2020 | 16:2

Tin NN: Hết thời trái cây “đội lốt” xuất xứ

Nhằm tránh mua phải hàng gian, hàng “mượn nhờ” nguồn gốc các nước nhằm đánh lừa người tiêu dùng, ban quản lý một số chợ tại TPHCM buộc tiểu thương phải ghi rõ xuất xứ, cắm “chứng minh thư” vào từng mặt hàng trái cây ngoại.

Mới đây, Ban quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) TPHCM đã tổ chức đoàn khảo sát công tác đảm bào ATTP tết 2020 tại chợ đầu mối và chợ truyền thống trên địa bàn.

Tại chợ đầu mối Thủ Đức – chợ nông sản lớn nhất tại TPHCM, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng BQL ATTP TP nhấn mạnh, tiểu thương chợ đầu mối rất quan trọng vì họ là người phân phối sản phẩm cho các tiểu thương khác. Do vậy, việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, sổ sách, chứng từ rất quan trọng, để nếu xảy ra sự số có thể truy ngược lại, tìm ra khâu sai phạm để truy trách nhiệm.

 

photo-3-1578386942507773179913.jpg
Các trường hợp phát hiện thực phẩm không rõ nguồn gốc, không chứng minh được xuất xứ sẽ bị tiêu hủy ngay tại chỗ.

 

“Xuất xứ của trái cây nhập khẩu rất cần thiết, nhằm phòng chống hành vi gian lận thương mại, của Trung Quốc mà khai sinh của Việt Nam rất nguy hiểm. Chưa kể vấn đề  nhập tiểu ngạch, sản phẩm kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng" - bà Phong Lan nhìn nhận.

Theo ông Nguyễn Nhu, Phó Tổng giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức, lượng hàng về chợ trung bình 3.500 tấn/ngày. BQL chợ thường xuyên kiểm tra hồ sơ chứng từ, tập huấn về ATTP cho tiểu thương. “Nhằm tránh hàng gian, hàng giả, chúng tôi yêu cầu thương nhân ghi bảng xuất xứ từng loại trái cây nhập khẩu, rồi cắm lên ô trái cây để người mua không bị lầm. Ngoài ra sản phẩm còn phải có nhãn phụ trên sản phẩm” – ông Nhu nói.

Liên quan đến vấn đề ATTP, đại diện BQL chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, đang gặp phải một nguy cơ mới từ thực phẩm. Nếu như trước đây, tiểu thương còn dùng chất cấm để tẩm ướp thực phẩm tươi ngon thì nay, họ không dùng cách này nữa mà sử dụng hóa chất cho phép nhưng dùng với nồng độ cao để tẩm ướp thực phẩm.

“Đây thực sự là điều làm đau đầu BQL chợ, chúng tôi thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm nhanh và đem về kiểm nghiệm. Tuy nhiên không phải mẫu nào mình cũng lấy mẫu hết được” – lãnh đạo chợ chia sẻ.

Còn tại chợ Thủ Đức (Q.Thủ Đức), đoàn đã khảo sát qua nhiều gian hàng thực phẩm tươi sống như thịt cá, rau củ, trái cây...

Tiểu thương ngành hàng mắm đều biết cách giữ vệ sinh, an toàn thực phẩm như dùng nilon, hộp nhựa có nắp để đậy mắm kỹ lưỡng, không để côn trùng, ruồi nhặng “đi lạc” vào âu mắm.

Tuy nhiên, bà Phong Lan phát hiện một số sản phẩm tại chợ không ghi cơ sở sản xuất trên bao bì. Tiểu thương cho biết lấy hàng từ người bỏ mối, chỉ có số điện thoại của người giao hàng chứ không có giấy tờ, hóa đơn gì khi mua hàng.

Trưởng BQL ATTP TP Phạm Khánh Phong Lan cho biết, các trường hợp phát hiện thực phẩm không rõ nguồn gốc, không chứng minh được xuất xứ sẽ bị tiêu hủy ngay tại chỗ. .

"Ban luôn xử lý đúng theo luật và ngay 1 Nghị định 115, các mức xử phạt cũng đã tăng rất cao như với cùng hành vi tự công bố, nếu tự công bố mà sau đó không làm đúng, nếu bị phát hiện sẽ bị phạt rất nặng, lên cả chục triệu đồng.Với những hộ nhiều lần vi phạm ATTP, chúng tôi có thể đề nghị xử lý hình sự. Bên cạnh đó, ban cũng công khai những đơn vị vi phạm lên phương tiện thông tin truyền thống để người tiêu dùng có sự lựa chọn" - bà Phong Lan nói.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2019: Chăn nuôi và cao su là điểm sáng

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong tổng kim ngạch 41,3 tỷ USD xuất khẩu nông lâm thủy sản của năm 2019, thì giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 18,5 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

 

tải-xuống6.jpg
Xuất khẩu cả năm 2019 đạt 1,68 triệu tấn và 2,26 tỷ USD, tăng 7,7% về khối lượng và tăng 8,3% về giá trị so với năm 2018.

 

Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 12 năm 2019 ước đạt 65 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này cả năm 2019 lên 710 triệu USD, tăng 10,6% so với năm 2018. Xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trở thành điểm sáng nhất trong xuất khẩu nông sản.

Xuất khẩu gạo chứng kiến sự sụt giảm sâu trong năm 2019 vừa qua. Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 12/2019 đạt 474 nghìn tấn với giá trị đạt 214 triệu USD. Tổng kết cả năm 2019, nước ta xuất khẩu 6,34 triệu tấn gạo, đem về 2,79 tỷ USD, tăng 3,9% về khối lượng nhưng giảm 9,7% về giá trị so với năm 2018.

Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm vừa qua với 31,5% thị phần, đạt hơn 2,15 triệu tấn và gần 900 triệu USD, cao gấp 2,55 lần về khối lượng và gấp 2,34 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Ở mặt hàng rau, tháng 12/2019 đã thu về 320 triệu USD kim ngạch xuất khẩu. Tổng giá trị xuất khẩu rau quả năm 2019 đạt 3,74 tỷ USD, giảm 1,9% so với năm 2018. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2019 với 65,7% thị phần.

Xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 2,5 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp đến là Hoa Kỳ chiếm 4% thị phần và tăng  9,2%; Hàn Quốc chiếm 3,5%, tăng 14,2%; Nhật Bản chiếm 3,3%, tăng 14,4%; Hà Lan chiếm 2,2%, tăng 34,8%... so vớí năm 2018.

Xuất khẩu cà phê tháng 12/2019 ước đạt 126 nghìn tấn với giá trị đạt 218 triệu USD, lũy kế xuất khẩu cà phê năm 2019 ước đạt 1,59 triệu tấn và 2,75 tỷ USD, giảm 15,2% về khối lượng và giảm 22,4% về giá trị so với năm 2018. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 12,9% và 8,7%.

Ngoại trừ thị trường Philippines có giá trị xuất khẩu cà phê tăng (9,4%), hầu hết các thị trường chính đều giảm so với cùng kỳ năm 2018. Giá cà phê xuất khẩu bình năm 2019 đạt 1.724 USD/tấn, giảm 8,9% so với năm 2018.

Trong năm 2019, giá cà phê trong nước biến động giảm 2.200 – 2.300 đồng/kg so với cuối năm 2018. Giá cà phê giảm do thị trường chịu áp lực từ dư thừa nguồn cung toàn cầu và người trồng cà phê Brazil tăng cường bán ra.

Dự báo, trong ngắn hạn, giá cà phê Robusta khó có khả năng tăng do phần lớn người trồng cà phê Việt Nam sẽ hoàn tất thu hoạch trước Tết Nguyên đán. Trong khi, nhu cầu tiền mặt tăng cao trong dịp này góp phần gia tăng áp lực bán hàng ở vùng giá thấp hiện hành. Bên cạnh đó, sản lượng Robusta toàn cầu tăng cao so với vụ trước gây áp lực lên giá Robusta.

Đối với mặt hàng hồ tiêu, tháng 12/2019 xuất khẩu 17 nghìn tấn, thu về 41 triệu USD. Lũy kế cả năm 2019, xuất khẩu hồ tiêu đạt 284 nghìn tấn và 715 triệu USD, tăng 23,4% về khối lượng nhưng giảm 5,7% về giá trị so với năm 2018. Năm 2019, giá xuất khẩu hồ tiêu bình quân ước đạt 2.516 USD/tấn, giảm 23,6% so với năm 2018.

Trong tháng 12/2019, khối lượng điều nhân Việt Nam xuất khẩu 43 nghìn tấn với giá trị 300 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hạt điều năm 2019 ước đạt 457 nghìn tấn và 3,29 tỷ USD, tăng 22,4% về khối lượng nhưng giảm 2,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Trong nhóm các ngành hàng nông sản, ngoài sản phẩm chăn nuôi tăng trưởng mạnh về giá trị xuất khẩu, thì cao su cũng đạt được tăng trưởng dương. Khối lượng xuất khẩu cao su tháng 12/2019 đạt 181 nghìn tấn với giá trị đạt 238 triệu USD, đưa xuất khẩu cả năm 2019 đạt 1,68 triệu tấn và 2,26 tỷ USD, tăng 7,7% về khối lượng và tăng 8,3% về giá trị so với năm 2018.

Trung Quốc, Ấn Độ, và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 66,5%, 8,3% và 3%./.

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top