Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 3 tháng 2 năm 2021 | 15:47

Tin NN Tây Bắc: Cà chua Tam Đường rớt giá, nông dân gặp khó

Hiện, nông dân huyện Tam Đường (Lai Châu) đang lao đao do thất thu vụ cà chua. Cà chua năm nay được mùa nhưng mất giá, chỉ khoảng 5.000 đồng/kg.

ca-chua.jpg

Gia đình chị Nguyễn Thị Nụ ở bản Hưng Bình (xã Bình Lư) thu hoạch cà chua. Ảnh: Báo Lai Châu.

 

Những ngày đầu tháng 2, chúng tôi trở lại bản Hưng Bình - địa phương có diện tích trồng cà chua lớn nhất xã Bình Lư. Bản có 89 hộ thì 32 hộ trồng cà chua với diện tích 3,5ha. Cây cà chua được trồng trên đồng đất nơi đây từ nhiều năm nay, kỹ thuật trồng và chăm sóc tương đối đơn giản, cho thu hoạch trong thời gian dài, năng suất ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao, gấp từ 5 - 7 lần so với các loại rau màu khác. Từ trồng cà chua đem lại nguồn thu nhập từ 60 - 90 triệu đồng/năm cho nông dân. 

Đầu vụ cà chua năm nay, nhiều thương lái đến tận vườn thu mua, quả chín đến đâu tiêu thụ hết tới đó với giá thành tương đối cao từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Khác hẳn với hình ảnh vài tháng trước, hiện nay, thị trường cà chua ảm đạm. Mặc dù, vườn cà chua của bà con đang độ chín, người dân đã thu hoạch về nhà nhưng ít khách tới mua. Những thùng cà chua được bà con xếp khắp sân, chín đỏ rực.

Năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Nụ ở bản Hưng Bình trồng hơn 300m2 cà chua, hiện đang thời kỳ thu hoạch rộ nhưng thương lái không tới thu mua nên cà chua ế ẩm. Chị Nụ buồn bã nói: “Đầu mùa, lượng cà chua ít nên các thương lái trực tiếp tới vườn thu mua, gia đình tôi thu hái tới đâu, bán hết tới đó. Thời điểm này, cà chua được mùa, sai quả, chín mọng, nhiều bột, những thùng cà chua quả to, đẹp chỉ được thương lái mua với giá 5.000 đồng/kg. Giá thành giảm mạnh gây thiệt hại lớn tới thu nhập của gia đình tôi”.

Anh Nguyễn Hồng Quân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tam Đường cho biết: “Năm 2020, huyện triển khai trồng 260ha rau, củ, quả, tập trung tại các xã: Hồ Thầu, Bình Lư và thị trấn Tam Đường. Cà chua là một trong những cây trồng thế mạnh đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây. Nhờ thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc, cà chua cho năng suất cao. Thực tế hiện nay, lượng cung vượt quá cầu dẫn tới giá cà chua giảm mạnh. Cơ quan chuyên môn cũng đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn hướng dẫn bà con cách bảo quản, mang đi các chợ tiêu thụ nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nông dân”.

Tín hiệu vui khi diện tích thảo quả giảm

Thời gian qua, với sự vào cuộc chủ động của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân, diện tích cây thảo quả trên địa bàn huyện Bát Xát (Lào Cai) đã giảm.

 

thao-qua.jpg

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên người dân Bát Xát đã không mở rộng diện tích thảo quả từ nhiều năm nay. Ảnh: Báo Lào Cai.

 

Ông Lý A Gấu ở thôn Phìn Páo, xã Trung Lèng Hồ (huyện Bát Xát) cho biết: Gia đình tôi trồng hơn chục ha thảo quả. Những năm được mùa, được giá, gia đình tôi thu về 300 - 400 triệu đồng. Cây thảo quả không tốn nhiều công chăm sóc nhưng mang lại giá trị cao nên hầu như gia đình nào ở Trung Lèng Hồ cũng trồng.

Hiệu quả là thế nhưng cây thảo quả là “sát thủ” thầm lặng với rừng tự nhiên. Cây thảo quả lan đến đâu thì rừng tự nhiên hao mòn đến đó. Đặc biệt, mỗi năm người dân phải chặt rất nhiều cây rừng để lấy củi sấy thảo quả. Theo ước tính, để sấy 1 kg thảo quả khô cần khoảng 60 - 70 kg củi. Để bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên bền vững, các cấp, ngành và địa phương trên địa bàn huyện Bát Xát đã có nhiều biện pháp quyết liệt để người dân không mở rộng diện tích trồng cây thảo quả, tiến đến xóa bỏ hoàn toàn cây thảo quả trong rừng tự nhiên trước năm 2030.

Ông Sùng A Tỷ, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lèng Hồ cho biết: Trung Lèng Hồ là một trong những xã trồng thảo quả đầu tiên của huyện Bát Xát, với khoảng 800 ha, phân bố đều ở tất cả các thôn. Cây thảo quả đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, trong thời gian qua xã đã tuyên truyền, vận động người dân không mở rộng diện tích cây thảo quả; xóa bỏ lều lán canh tác thảo quả trong rừng tự nhiên; tăng cường tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, xử lý người cố tình mở rộng diện tích cây thảo quả.

Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định 12 về quản lý sản xuất và kinh doanh thảo quả trên địa bàn tỉnh, UBND huyện Bát Xát đã giao Hạt Kiểm lâm huyện là cơ quan chủ trì phối hợp với các xã, thị trấn, các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền đến người dân. Đồng thời, tuyên truyền kỹ thuật sản xuất thảo quả bền vững không ảnh hưởng nhiều tới rừng tự nhiên; quy định phòng cháy, chữa cháy rừng trong việc sấy thảo quả trong rừng, gần rừng; nghiêm cấm phát, phá rừng trồng mới, mở rộng diện tích thảo quả; rà soát, lập danh sách các gia đình trồng thảo quả dưới tán rừng tự nhiên để đưa vào quản lý; tổ chức ký cam kết sản xuất thảo quả bền vững gắn với bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ông Ngô Kiên Trung, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát cho biết: Toàn bộ diện tích thảo quả của huyện Bát Xát đã được chúng tôi phối hợp với chủ rừng và UBND cấp xã lập danh sách quản lý; xây dựng phương án phục hồi rừng khu vực canh tác thảo quả đang bị suy thoái; tổ chức thực hiện các mô hình kinh tế để tạo sinh kế gắn với triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ người dân; từng bước di chuyển các hộ đang sinh sống trong vùng lõi rừng tự nhiên… tiến tới xóa bỏ hoàn toàn diện tích trồng cây thảo quả ở rừng tự nhiên đặc dụng, rừng phòng hộ xung yếu.

Việc triển khai đồng bộ các biện pháp đã mang lại kết quả trong việc giảm diện tích cây thảo quả. Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện Bát Xát không có diện tích trồng mới, trồng lại, vì vậy diện tích cây thảo quả ngày càng thu hẹp, nhất là trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Theo số liệu rà soát năm 2020, huyện Bát Xát có khoảng 4.267,08 ha thảo quả, thấp hơn 400 ha so với rà soát năm 2015.

Một thực tế nữa là vài năm gần đây thời tiết không thuận lợi, sương muối và băng giá xuất hiện nhiều nên cây thảo quả kém phát triển, thậm chí bị chết, năng suất rất thấp. Ngoài ra, giá bán thảo quả không ổn định (giảm hơn 50% so với trước đây), chỉ còn khoảng 100.000 - 110.000 đồng/kg nên nhiều hộ đã tìm cây trồng khác để phát triển kinh tế, không còn quá phụ thuộc vào cây thảo quả.

Việc chuyển đổi, xóa bỏ cây thảo quả trong rừng tự nhiên phòng hộ và rừng đặc dụng là không dễ dàng. Để làm được điều này, huyện Bát Xát mong tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi cây thảo quả sang cây trồng khác phù hợp và nghiên cứu xây dựng nhiều mô hình trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao để người dân đưa vào sản xuất.

Triển vọng cây khôi nhung ở Việt Hồng

Những năm gần đây, cùng với quan tâm phát triển một số cây trồng chủ lực, người dân ở xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đang chú trọng đưa vào trồng cây khôi (khôi nhung) để cung cấp dược liệu cho thị trường.

 

khoi-nhung.jpg

Cây khôi nhung được người dân xã Việt Hồng trồng xen dưới tán rừng, tạo điều kiện cho cây phát triển tốt. Ảnh: Báo Yên Bái

 

Cây khôi nhung được dùng trong bài thuốc điều trị bệnh đau dạ dày, tiểu đường, tim mạch, huyết áp, những bệnh dị ứng với thuốc kháng sinh, kháng viêm rất an toàn, không có tác dụng phụ. Loại cây này ưa ẩm và bóng râm, có thể trồng xen với một số loài cây khác dưới tán rừng hoặc ven các khe suối, chân đồi, quanh nhà.

Từ năm 2019, chính quyền xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên vận động, hỗ trợ nhân dân trồng được 10 ha cây khôi nhung, giúp nhiều hộ trao đổi kiến thức khoa học, kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất và tạo sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông. 

Ông Trần Đình Ngôn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Việt Hồng cho biết: "Trong năm 2020, xã đã triển khai xây dựng Chi hội Nông dân nghề nghiệp nuôi vịt bầu (vịt cổ xanh), trồng cây dược liệu gắn với du lịch truyền thống xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên giai đoạn 2020 - 2023 và đã có 30 hội viên tham gia. Trong đó, có 2 tổ trồng cây khôi nhung tại thôn Dọc và thôn Vần do 19 hộ tham gia và hiện cây khôi nhung đang phát triển tốt, bước đầu mang lại hiệu quả. Ngoài việc huyện hỗ trợ 50% tiền mua cây giống ban đầu, người dân còn được tham gia tập huấn kỹ thuật trồng và được huyện quan tâm tìm đầu ra cho sản phẩm”. 

Ngay trong năm 2020, sản lượng thu bói lá khôi nhung tại Việt Hồng đã đạt trên 1.100 kg lá tươi bán với giá 30.000/kg và 60 kg lá khô giá bán 220.000 đồng/kg. Mô hình trồng cây khôi nhung tại địa phương bước đầu đem lại giá trị kinh tế. Tuy nhiên, quy mô trồng còn nhỏ lẻ, cách chăm sóc chưa được quan tâm triệt để làm hạn chế sự phát triển của cây, giảm năng suất thu hoạch lá. 

Hiện, chính quyền xã Việt Hồng đang tiếp tục chỉ đạo tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây lá khôi, tạo sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm để giúp bà con yên tâm sản xuất. 

Hiện, Trấn Yên đã trồng được trên 50 ha cây khôi nhung tập trung tại các xã: Cường Thịnh, Việt Thành, Việt Hồng, Đào Thịnh, Hồng Ca, Y Can, Quy Mông; trong đó, đã có trên 30 ha đang cho thu hoạch.

Bảo tồn chè cổ thụ Mường Do gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

 

che.jpg

Thành viên THT thu hái chè cổ thụ Mường Do. Ảnh: Báo Sơn La

 

Ai đã từng về với xã Mường Do (Phù Yên, Sơn La) chắc không thể quên hương chè Shan tuyết cổ thụ nơi đây, với màu vàng sánh, hương thơm dịu, uống vào mới đầu có vị chát, đắng, vị ngọt đọng lại. Nay sản phẩm đó, ngày càng được khẳng định về giá trị và thương hiệu khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh năm 2020.

Chị Hà Thị Nu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất chè sạch Mường Do đưa chúng tôi đến bản Lằn, nơi có nhiều cây chè cổ thụ nhất của xã Mường Do. Quả thực ấn tượng với những cây chè cao tới 2-3m, thân mốc, sần sùi, người dân phải bắc thang để thu hái. Trong câu chuyện với chị Nu chúng tôi được biết, hiện nay, vùng chè Shan tuyết ở xã Mường Do hiện có hơn 11.000 cây, được thế hệ cha ông vào rừng lấy giống trồng từ những năm 58 của thế kỷ trước. Qua hơn 60 năm ươm mầm, bén rễ tại vùng đất này, cây chè đã trải qua nhiều bước thăng trầm, đã có thời gian dài, cây chè bị lãng quên. Đặc biệt, từ năm 1994 đến năm 2004, giá chè xuống thấp, người trồng chè không còn mặn mà, nhiều diện tích trồng chè bị phá để làm nương, nhiều gốc chè cổ thụ bị đào về làm cảnh, khu vực những cây còn lại cỏ mọc um tùm, trở thành thức ăn cho trâu, bò...

Trầm ngâm giây lát, chị Nu kể tiếp: Nhìn vùng chè cổ thụ do cha ông để lại trước nguy cơ không còn nữa xót lắm! Với vai trò là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, tôi xin ý kiến của cấp ủy, chính quyền xã triển khai các giải pháp để bảo vệ cây chè và được đồng ý ngay. Tôi vận động hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên tổ chức phát quang bụi rậm, bảo vệ diện tích chè còn lại. Đến tháng 9/2017, được sự hỗ trợ của một số đơn vị, tôi cùng với các hộ dân có chè Shan tuyết trong xã thành lập Tổ hợp tác sản xuất chè sạch Mường Do. Với mục tiêu khôi phục, bảo tồn và phát triển vùng chè Shan tuyết, liên kết phát triển sản xuất bền vững, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người trồng chè…

Trong quá trình khôi phục lại vùng chè cổ thụ, Tổ hợp tác được các đơn vị hỗ trợ giúp đỡ, cải tạo những diện tích chè già cỗi, tận dụng các quỹ đất để trồng dặm diện tích chè mới. Theo đó, các thành viên được tập huấn về chăm sóc, thu hoạch và chế biến. Hệ thống máy móc hoàn thiện khâu chế biến, đóng gói, bao bì, quảng bá cho sản phẩm cũng được Tổ hợp tác đầu tư... Đặc biệt, là Tổ hợp tác đã liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu một phần sản phẩm nên đầu ra tương đối ổn định.

Nhờ giải pháp đó, vùng chè Shan tuyết cổ thụ tại Mường Do từng bước được khôi phục và phát triển. Sản lượng chè búp tươi toàn xã đạt khoảng 14 tấn/năm, trong đó, Tổ hợp tác đứng ra mua khoảng 10 tấn/năm với giá 15 - 20 nghìn đồng/kg nhằm phục vụ chế biến sản phẩm. Hiện nay, Tổ hợp tác đang tập trung sản xuất 3 loại trà: trà vàng, trà xanh và trà đen, trong đó, sản phẩm chè xanh là chủ yếu với sản lượng 1,8 tấn chè khô/năm. Vì được sản xuất theo quy trình thủ công bằng nguồn nguyên liệu chè sạch tự nhiên, không bón phân hóa học hay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên các sản phẩm chè Mường Do an toàn cho người sử dụng, được nhiều khách hàng tin dùng.

Năm 2020, Tổ hợp tác đã đăng ký sản phẩm chè Shan tuyết Mường Do và được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh, được đánh giá 3 sao.

 

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top