Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 11 tháng 2 năm 2020 | 11:25

Tin NN Tây Bắc: Hòa Bình duy trì trên 200 mô hình sản xuất hiệu quả

Năm 2019, Hòa Bình triển khai xây dựng được trên 200 mô hình phát triển sản xuất, với kinh phí huy động khoảng 48.205 triệu đồng.

hoa-binh.jpg

Huyện Lương Sơn mở rộng diện tích trồng rau hữu cơ nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Báo Hòa Bình

 

Trong đó, từ nguồn vốn sự nghiệp T.Ư cấp triển khai 9 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giai đoạn 2019 - 2020 với kinh phí 6.514 triệu đồng. Nhiều địa phương đã xây dựng, triển khai thực hiện phương án phát triển sản xuất quy mô vừa và nhỏ theo hình thức liên kết giữa các hộ dân với doanh nghiệp đem lại hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Đến nay, các địa phương tiếp tục duy trì các mô hình sản xuất hiệu quả và mở rộng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hoá như: vùng sản xuất cây ăn quả có múi Cao Phong, Lạc Thủy, Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy; rau hữu cơ Lương Sơn; mía tím Tân Lạc, Cao Phong; dê, gà Lạc Thủy; cá sông Đà…

Bắc Hà trồng mới 100 ha cây lê địa phương

Ngay từ đầu năm 2020, huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã hỗ trợ nông dân 3 xã Thải Giàng Phố, Lầu Thí Ngài và Lùng Phình trồng mới 100 ha cây lê địa phương để tạo thêm sản phẩm phục vụ du lịch.

 

trong-le.jpg

Lãnh đạo huyện Bắc Hà kiểm tra diện tích lê mới trồng tại xã Lầu Thí Ngài. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Diện tích lê được trồng dọc hai bên tuyến đường du lịch từ trung tâm huyện đến xã Lùng Phình, thuộc địa phận 3 xã Thải Giàng Phố, Lầu Thí Ngài và Lùng Phình. Các hộ dân tham gia được hỗ trợ 100% giống, phân bón và kỹ thuật trồng, chăm sóc để cây phát triển hiệu quả.

Được biết, cây lê địa phương Bắc Hà có hoa trắng, trước kia cũng là loại cây tạo nên thương hiệu cao nguyên trắng Bắc Hà cùng với hoa mận. Sản phẩm quả lê địa phương những năm gần đây cũng mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân, với giá bán bình quân 40.0000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà cho biết, cây lê địa phương Bắc Hà có năng suất trung bình đạt khoảng 8 tấn quả/ha, mỗi ha thu hoạch mang lại cho người dân trên 300 triệu đồng. Việc trồng lại cây lê địa phương nhằm chuyển đổi vùng trồng cây kém hiệu quả, giúp nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần tạo thêm sản phẩm du lịch cho huyện Bắc Hà.

Điện Biên tập trung sản xuất vụ đông xuân

Dưới sự chỉ đạo tích cực của chính quyền các cấp và ngành chuyên môn, nông dân trên địa bàn tỉnh đã hăng hái xuống đồng đẩy mạnh sản xuất vụ xuân.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, đến nay, lúa đông xuân 2019 - 2020 toàn tỉnh đã gieo cấy được 8.177,4ha, nhanh hơn cùng kỳ năm trước 7,8ha.

 

vu-xuan-dien-bien.jpg

Nông dân xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) cấy lúa đông xuân. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ

 

Với ngô vụ mùa (hè thu và thu đông) đã gieo trồng 4.235,7ha cao hơn cùng kỳ năm trước 2.758,9ha; trong đó đã thu hoạch 4.126,5ha, năng suất bình quân đạt 28,4 tạ/ha, sản lượng ước đạt 11.729,8 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 6.872,3 tấn. Thời gian qua, thời tiết diễn biến phức tạp, tạo điều kiện phát sinh dịch bệnh, tổng diện tích nhiễm sinh vật gây hại trong kỳ sản xuất là 1.190,4ha (tăng 62,6ha so với kỳ trước), như: Lúa đông xuân có tổng diện tích nhiễm bệnh, sinh vật gây hại là 795ha, trong đó có 5ha nhiễm nặng; rau màu bị nhiễm 9,5ha; các loại cây có múi (25ha), dứa (6ha), lạc (2ha), chanh leo (0,7ha); thông (27ha); keo (13,1ha), cao su (251,9ha), cà phê (58,2ha), macca (2ha)… Ðến nay tổng diện tích đã thực hiện phòng trừ được 228,5ha, chủ yếu trên lúa đông xuân. Ðối với chăn nuôi, trên địa bàn toàn tỉnh, từ ngày 2/10/2019 đến nay tình hình dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng giảm, tuy nhiên do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh, nguy cơ dịch phát sinh và lây lan cao nên người dân cần chú ý vệ sinh chuồng trại.

Vụ đông xuân 2019 - 2020 huyện Tủa Chùa có kế hoạch gieo trồng 560ha lúa; 705ha đậu tương; 55ha lạc… Ðến thời điểm này, người dân trên địa bàn đã cày ải được 421ha (đạt 75,18% diện tích gieo trồng); tiến hành gieo cấy được 125ha lúa đông xuân (đạt 22,32%), hiện nay cây lúa đang trong giai đoạn bén rễ hồi xanh.

Bà Vũ Ngọc Ánh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tủa Chùa cho biết: Sau tết Nguyên đán Canh Tý, trên địa bàn xảy ra rét đậm, ngày 31/1/2020 phòng đã có Văn bản số 07/NN-TH đề nghị chính quyền các xã tăng cường phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi vụ xuân năm 2020. Ðến nay trên địa bàn huyện không có diện tích lúa mới cấy nào bị thiệt hại do giá rét.

Ðối với các cây trồng khác trong vụ này: Diện tích trồng ngô xuân đã cày ải được 82/142ha, tập trung chủ yếu tại xã Sính Phình. Ðối với cây chè, cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục vận động các hộ dân tích cực chăm sóc, làm cỏ 595,89ha chè hiện có; hướng dẫn người dân đốn tỉa tạo tán, chăm sóc chè để chuẩn bị thu hái. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đói rét trên đàn gia súc, gia cầm; quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Nông dân Yên Bái tấp nập xuống đồng

Vụ xuân 2019 - 2020, toàn tỉnh sẽ gieo cấy trên 18.780 ha.

 

yen-bai.jpg

Tranh thủ thời tiết thuận lợi ngay sau tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống đồng cấy lúa xuân. Ảnh: Báo Yên Bái

 

Vụ xuân năm nay, gia đình chị Hoàng Thị Nguyệt, thôn Yên Thịnh, xã Vĩnh Lạc gieo cấy 5 sào giống lúa Thái Xuyên, ngay từ mùng 4 tết gia đình chị đã bắt tay xuống đồng, thời tiết thuận lợi phù hợp cho việc sản xuất đầu năm nên đến nay gia đình chị đã hoàn thành việc gieo cấy. Chị Nguyệt chia sẻ: "Sáng mùng 4 là chúng tôi đã xuống đồng, hy vọng năm nay sẽ có một vụ mùa bội thu”. 

Theo kế hoạch, vụ xuân năm nay, huyện Lục Yên phấn đấu gieo cấy 3.350 ha lúa, về cơ cấu giống lúa lai 60%, lúa thuần 40% với các giống chính như: Nhị ưu 838, Nghi hương 305, Chiêm hương, Bắc thơm số 7... 

Huyện Văn Chấn năm nay gieo cấy trên 4.000 ha lúa xuân với cơ cấu giống chủ yếu tập trung vào các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao. Đến trung tuần tháng 1, toàn huyện đã cấy được trên 1.000 ha, tập trung chủ yếu tại các xã nằm trên cánh đồng Mường Lò; các xã vùng ngoài và vùng cao của huyện sẽ tập trung cấy trong tháng 2 này. 

Vụ xuân 2019 - 2020, toàn tỉnh đưa vào gieo cấy trên 18.780 ha, năng suất dự kiến 52,3 tạ/ha, sản lượng 98.000 tấn. Để đạt được mục tiêu trên, ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái đã đề ra các biện pháp hết sức cụ thể, đặc biệt khung lịch thời vụ và cơ cấu giống được chỉ đạo rất sát sao. 

Sơn La: Thành công từ trồng dưa lưới trên đất ruộng

Thay vì thâm canh, tăng vụ bằng các loại cây rau màu truyền thống trên đất ruộng, một số hộ dân ở xã Chiềng Đông (Yên Châu) đã trồng dưa lưới trên đất ruộng trồng lúa. Sau một thời gian trồng thử nghiệm, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế, mở ra triển vọng nâng cao thu nhập cho người dân.

 

dua-luoi.jpg

Mô hình trồng dưa lưới Nhật Bản của anh Hoàng Văn Đông. Ảnh: Báo Sơn La

 

Là hộ đầu tiên trồng dưa lưới trên địa bàn xã Chiềng Đông, sau khi khảo sát thị trường và cách trồng, anh Hoàng Văn Đông, bản Luông Mé đã trồng thử nghiệm 1.300 gốc giống dưa lưới Nhật Bản trên 600 m² ruộng lúa của gia đình.

Đưa chúng tôi tham quan vườn dưa đang vào độ thu hoạch, anh Đông chia sẻ: Được Hội Nông dân huyện và xã khuyến khích chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế, tháng 10/2019, tôi đã mạnh dạn đưa vào trồng giống dưa lưới Nhật Bản. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng nên ruộng dưa sinh trưởng nhanh, mặc dù là vụ dưa đầu tiên nhưng tỷ lệ đậu quả trên 90%, chỉ sau 70 ngày trồng, vườn dưa đã bắt đầu cho thu hoạch. Dự kiến vụ này, gia đình thu trên 1 tấn quả (chính vụ có thể đạt từ 1,5-2 tấn) với giá bán 60.000 đồng/kg; sau khi trừ chi phí, sẽ cho thu lãi khoảng 50 triệu đồng/vụ.

Được biết, dưa lưới Nhật Bản rất dễ trồng, là cây ăn quả thân leo, tự thụ phấn, cho quả quanh năm, vì vậy một năm có thể trồng từ 3-4 vụ. Trước khi trồng, chỉ cần đóng cọc cho cây leo lên hoặc lấy dây ni-lông làm giàn cho cây bám vào phát triển. Để đảm bảo chất dinh dưỡng từ phân bón cũng như không lãng phí nguồn nước tưới, anh Đông đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel.

Từ khi ra hoa đến khi quả được 15 ngày, anh thường xuyên tưới ẩm để quả phát triển, sau 20 ngày khi quả bắt đầu nổi gân lưới, mới hạn chế tưới nước để tránh nứt quả. Mỗi gốc có thể ra 3-4 quả, nhưng anh chỉ để lại 1 quả để giúp cây khỏe, quả phát triển tốt, đến khi thu hoạch khoảng 1,2-1,5 kg và đạt chất lượng cao.

Với ưu điểm không tốn nhiều công chăm sóc và chi phí đầu tư ban đầu thấp, mô hình dưa lưới hứa hẹn sẽ đưa về nguồn thu nhập cao. Đánh giá về mô hình trồng dưa lưới, ông Trần Sỹ Hứng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu, chia sẻ: Mô hình trồng dưa lưới của hội viên nông dân Hoàng Văn Đông đã mở ra nhiều triển vọng trong phát triển kinh tế  cho các hộ gia đình ở xã Chiềng Đông nói riêng và huyện Yên Châu nói chung. Sau khi trồng thử nghiệm và đưa ra thị trường, sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao hơn hẳn so với các giống dưa của địa phương. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật cho nông dân, giúp bà con có điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top