Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 15 tháng 6 năm 2019 | 15:16

Tin NN Tây Bắc: Lai Châu đưa mắc ca thành cây trồng chủ lực

Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đang cố gắng đưa những tiến bộ nghiên cứu mới nhất về mắc ca trên thế giới vào Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Lai Châu.

 

mac-ca.jpg
Ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Việt Nam (thứ 2 từ trái sang) thăm vườn cây mắc ca tại xã Bản Giang (huyện Tam Đường). Ảnh: Báo Lai Châu.

 

Theo ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Việt Nam: Lai Châu có diện tích đất tự nhiên rộng trên 9.068km2, trong đó diện tích cây lương thực mới chiếm 57% diện tích tự nhiên nên đất trồng mắc ca còn rất nhiều (chủ yếu là đất dốc). Trong khi đó, tỉnh có khí hậu nhiệt đới gió mùa, khô, mát, ít chịu ảnh hưởng của bão, gió thích hợp trồng cây mắc ca. Mắc ca được tỉnh trồng năm 2011 đến nay có 1.800ha, trong đó 1.097,96ha trồng thuần, 714,34ha trồng xen với cơ cấu giống thuộc dòng: OC, 816, 246...

Mắc ca ở Lai Châu đặc biệt hơn tỉnh khác là trồng nơi nào cũng thích nghi và ra hoa, kết trái. Qua đánh giá diện tích trồng năm 2011 và 2013 đã có quả, năng suất 2,5-5,5kg quả tươi/cây (cá biệt có cây đạt 20kg quả), giá bán 80 – 120 nghìn đồng/kg. Thu nhập bình quân 1ha, trừ chi phí lãi khoảng 48 triệu đồng, từ năm thứ 10 trở đi sản lượng ổn định hơn. Mắc ca rất có tiềm năng phát triển ở Lai Châu.

Hiện, Hiệp hội mắc ca Việt Nam đang cố gắng đưa những tiến bộ nghiên cứu mới nhất về mắc ca trên thế giới vào Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Lai Châu. Riêng về khâu chế biến, tiêu thụ, Hiệp hội có chủ trương, kế hoạch giao cho các công ty trên từng địa bàn xây dựng nhà máy để bao tiêu sản lượng. Hiệp hội sẽ có nhà máy đặt tại Hà Nội bao tiêu toàn bộ sản phẩm các tỉnh phía Bắc; hướng tới các sản phẩm có chất lượng cao xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Hiệp hội có phương án và cam kết với các vùng trồng mắc ca tiêu thụ sản phẩm với giá tốt nhất, ổn định. Về quy hoạch, xây dựng nhà máy chế biến: UBND tỉnh Lai Châu đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 2 doanh nghiệp tại huyện Phong Thổ (công suất 500 tấn/năm), Than Uyên (2.500-4.000 tấn/năm) nên bà con yên tâm sản xuất.

Tiềm năng phát triển cây mắc ca gắn với du lịch ở Lai Châu rất lớn. Trước hết, việc trồng mắc ca có thể thay thế toàn bộ diện tích nương, đồi núi trọc, nhất là góp phần cải tạo môi trường sinh thái. Đồng thời tạo ra sản phẩm, mang lại thu nhập cho người dân; từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng nông thôn mới. Phát triển mắc ca sẽ tạo ra sản phẩm chủ lực đặc trưng của tỉnh; trong đó tổ chức các tua du lịch gắn với thăm quan vườn cây mắc ca, sự kiện hội hoa mắc ca, bán sản phẩm mật ong mắc ca, nơi chế biến, giới thiệu sản phẩm mắc ca…

Thời gian tới, Hiệp hội sẽ phối hợp với tỉnh Lai Châu từng bước xây dựng định hướng cho việc liên kết giữa phát triển mắc ca với du lịch. Riêng đối với việc xây dựng sản phẩm chủ lực, trước hết Lai Châu cần có định hướng về chủ trương, chiến lược, quy hoạch về lộ trình phát triển mắc ca. Đặc biệt, cần chuẩn bị tốt việc xác định bộ giống và những cơ sở sản xuất giống mắc ca đủ tiêu chuẩn, song song với đó thu hút các doanh nghiệp vào liên kết với bà con làm cùng; tận dụng tốt lực lượng lao động và sự đồng thuận của Nhân dân để thực hiện.

 

Sơn La: Sản xuất tinh dầu từ quả màng tang

Màng tang dùng để chiết xuất tinh dầu dùng trong y học, mỹ phẩm... Tại bản Phiêng Bay, xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai, Sơn La), mấy năm nay, ông Lò Xuân Hồ, Giám đốc HTX Chiềng Khay Xanh đã tổ chức thu mua và sản xuất tinh dầu màng tang, mang lại hiệu quả kinh tế khá.

 

mang-tang.jpg
Cây màng tang được sử dụng để sản xuất tinh dầu ở xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai). Ảnh: Báo Sơn La

 

Năm 2016, sau khi tham quan mô hình sản xuất tinh dầu màng tang của một người bạn ở Tuyên Quang, ông Hồ quyết định học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái quả và thực hành các phương pháp chưng cất tinh dầu màng tang. Ban đầu, để có nguyên liệu chưng cất, ông đi khảo sát và chọn một số bản có nhiều cây màng tang mọc tự nhiên, vận động mỗi bản 3-4 người, hướng dẫn kỹ thuật hái quả bảo đảm tươi nguyên, không bị dập nát và tổ chức thu mua cho bà con với giá từ 5.000 - 7.000 đồng/kg.

Theo ông Hồ, thời gian thu hoạch và sản xuất tinh dầu màng tang kéo dài từ đầu tháng 7 đến trung tuần tháng 8. Quả màng tang sau khi thu hái được chưng cất thủ công (giống như chưng cất rượu truyền thống). Với 3 tạ quả, chưng cất từ 8-10 tiếng sẽ thu được 8 kg tinh dầu. Muốn có hàm lượng tinh dầu cao nhất, thì sau thu hái phải chưng cất ngay, nếu không phải bảo quản trong túi nilon đóng kín. Trong quá trình chưng cất, nhiệt độ là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng tinh dầu, nên lửa phải đều, không quá to hoặc quá nhỏ. Tinh dầu thu được bảo quản trong bình inox sạch và đậy kín.

Ông Hồ cho biết đang bán sản phẩm tinh dầu màng tang cho doanh nghiệp tư nhân Liên Sơn Đức (Tuyên Quang) và Công ty TNHH Hương liệu và gia vị Bạch Cúc (TP Hồ Chí Minh) với giá 500.000 đồng/kg. Riêng năm 2018, nhà ông sản xuất 1,2 tấn, lãi hơn 100 triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí. Với mô hình sản xuất tinh dầu màng tang, vào vụ, gia đình ông Hồ còn tạo việc làm cho 4 nhân công với mức thu nhập 170.000 đồng/ngày.

 

Đa Phúc mở rộng diện tích trồng cà gai leo

Với nhiều tác dụng trong điều trị các bệnh về gan, chống ôxy hóa, phong tê thấp, xương khớp..., cây cà gai leo được người dân xã Đa Phúc (Yên Thủy, Hòa Bình) trồng nhiều năm nay như một vị thuốc quý, đồng thời cũng là nguồn thu nhập của nhiều gia đình. Tiếp tục khẳng định là sản phẩm uy tín trên thị trường, chính quyền xã đã chỉ đạo nhân dân mở rộng diện tích trồng cà gai leo, áp dụng KH-KT, xây dựng cơ sở chế biến nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định đầu ra cho sản phẩm.

 

ca-gai.jpg
Người dân xóm Pơng, xã Đa Phúc (Yên Thủy) đầu tư trồng cà gai leo đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Báo Hòa Bình.

 

Hiện, người dân 15/15 xóm của xã đều trồng cà gai leo với tổng diện tích 110,8 ha, tăng 7,3 ha so với cùng kỳ năm ngoái. Tận dụng khả năng chịu hạn của cây, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, người dân đã chuyển các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cà gai leo, mở rộng diện tích nhằm tạo thêm nguồn thu nhập từ các sản phẩm chế biến từ cà gai leo.

Đồng chí Bùi Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Đa Phúc cho biết: "Thực hiện nghị quyết của Đảng ủy xã về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, những năm qua, xã đã triển khai mở rộng diện tích trồng cà gai leo, đưa KH-KT vào sản xuất, chế biến sản phẩm theo mô hình khép kín. Cà gai leo được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, cho hiệu quả kinh tế cao trên một diện tích canh tác, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương".

Theo thống kê, toàn xã hiện có trên 80% hộ trồng cà gai leo, hộ trồng nhiều từ 2.000 - 3.000 m2, hộ trồng ít vài trăm m2. Thời gian thu hoạch cà gai leo ngắn, 4 tháng cho thu 1 lần. Rễ, thân, lá cà gai leo đều có thể làm thuốc, sau khi thu hoạch phơi khô rồi chế biến thành phẩm. Trung bình mỗi vụ, cứ 1.000 m2 cho thu 200 kg sản phẩm khô. Trước đây, sau khi thu hoạch, các hộ đều bán thô cho tiểu thương, cơ sở đông y với giá thấp, lợi nhuận không cao.

Từ đầu năm 2018, được chính quyền xã và các tổ chức tín dụng hỗ trợ dây chuyền sản xuất cà gai leo thành dạng túi lọc, đóng hộp đã đem đến tín hiệu tích cực. Bên cạnh đó, xã tổ chức lớp tập huấn trồng, chế biến cà gai leo theo công nghệ sạch, giúp bà con nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Hiện, xã đã thành lập tổ hợp tác sản xuất cà gai leo tại xóm Pơng và xóm Ráng, sử dụng dây chuyền sản xuất khép kín, hiện đại, đưa ra thị trường các sản phẩm uy tín, chất lượng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

 

Tuyên Quang: Trồng Sa chi thu nhập cao

Tháng 6/2018, xã Bình Nhân (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) phối hợp với Công ty cổ phần Sachainchi Việt Nam tại Hà Nội tổ chức khảo sát và tập huấn kỹ thuật trồng cây dược liệu Sa chi. Thời điểm đó, nhiều người còn e ngại nhưng bà Hoàng Thị Thúy ở thôn Bình Tiến xung phong nhận trồng 3,5 ha tại vườn đồi của gia đình. 

sa-chi.jpg
Bà Hoàng Thị Thúy, thôn Bình Tiến, xã Bình Nhân bên vườn Sa chi của gia đình. Ảnh: Báo Tuyên Quang.

 

Bà vay vốn anh em đầu tư 150 triệu đồng thuê nhân công cải tạo toàn bộ diện tích trồng sắn và keo không hiệu quả để trồng giống Sa chi S18 do Công ty cổ phần Sachainchi Việt Nam cung cấp và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp chứng nhận chất lượng. Bà Thúy bảo, khó khăn nhất khi trồng Sa chi là làm giàn cho cây phát triển, là loài thân thòng nên ngọn đua nhanh, gia đình phải thường xuyên tỉa ngọn để tạo độ thoáng cho cây sai quả, thuận lợi cho việc thu hái. 

Năm 2019, cây Sa chi đã cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên do được Công ty Sachainchi Việt Nam bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Hiện tại, mỗi tháng bà thu khoảng 500kg quả tươi với giá 40.000 đồng/1kg, trừ chi phí, lãi khoảng 15 triệu đồng. Ngoài trồng Sa chi, bà Thúy còn trồng thêm 3 ha rừng mỡ, trám và nuôi gà ri thả vườn quy mô 500 con bán cho các siêu thị ở Hà Nội. Hiện từ các nguồn kinh tế, hàng năm gia đình bà thu lãi khoảng 300 triệu đồng.

 

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top