Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 17 tháng 11 năm 2018 | 16:57

Tin NN Tây Bắc: Lần đầu tiên tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội bưởi

Huyện Đoan Hùng lần đầu tiên UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội bưởi Đoan Hùng và Hội chợ nông sản.

phu-tho-lehoi-buoi.jpg

Lễ hội có 80 gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông sản, trong đó chủ yếu là giới thiệu quả bưởi sửu Đoan Hùng, một sản phẩm nông nghiệp thế mạnh giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo vươn lên làm giàu trong những năm vừa qua. Ngoài ra, còn nhiều sản phẩm là các loại quả như bưởi diễn, da xanh, cam, quýt, hàng nông sản được trồng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, việc tổ chức lễ hội bưởi Đoan Hùng và hội chợ nông sản là dịp để các địa phương trong tỉnh quảng bá, giữ gìn và nâng cao thương hiệu bưởi Đoan Hùng nói riêng và các nông sản chủ lực của tỉnh nói chung; tạo cơ hội xúc tiến thương mại, giới thiệu tiềm năng và thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; liên doanh, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại, đẩy mạnh các hoạt động du lịch vùng miền.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, cây bưởi được các nhà khoa học, chuyên gia về nông nghiệp lựa chọn là một trong số 59 thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, được vinh danh “Thương hiệu vàng nông nghiệp năm 2015”. Từ năm 2006, nhiều loại bưởi của các địa phương trong cả nước đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận có chỉ dẫn địa lý và được bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Do đó, tỉnh Phú Thọ cần khai thác và tận dụng lợi thế về sản xuất nông nghiệp để các sản phẩm nông nghiệp nói chung, bưởi đặc sản Đoan Hùng nói riêng ngày càng vươn xa.

Hiện, Phú Thọ có hơn 4.000ha bưởi Đoan Hùng, sản lượng ước đạt 25 nghìn tấn, giá trị ước đạt khoảng 400 đến 500 tỷ đồng. Nhiều địa phương đã phát triển thành vùng bưởi hàng hóa, cho thu nhập từ 300 đến 600 triệu đồng/ha, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.

Văn Bàn trồng được 1.288 ha cây vụ đông

Nét mới trong vụ đông năm 2018 ở Văn Bàn (Lào Cai) đó là diện tích liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân được mở rộng.

cay-vu-dong.JPG
Xã Khánh Yên Thượng áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất trồng cây vụ đông.

Đến nay, huyện Văn Bàn đã gieo trồng được 1.288 ha cây vụ đông, đạt 75,3% kế hoạch giao, trong đó chủ yếu là ngô 350 ha; rau, đậu các loại 495 ha; khoai tây 110 ha; khoai lang 150 ha; ớt 6 ha...

Đặc biệt, diện tích sản xuất liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân đạt 228,5 ha, trên địa bàn 15 xã, thị trấn, trong đó: Khoai tây 125,5 ha; khoai lang 20 ha; rau các loại 27,5 ha; ngô nếp 51,5 ha.

Tham gia liên kết sản xuất vụ đông gắn với tiêu thụ sản phẩm có 4 doanh nghiệp và 5 hợp tác xã, gồm: Công ty Cổ phần Nông nghiệp quốc tế An Việt; Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Phát triển nông nghiệp Gia Bảo; Công ty Giống cây trồng Bắc Ninh; Công ty Nam dược Đông Nam Á; các Hợp tác xã: Mai Anh (Sa Pa), Bình Minh, Sam Xa, Nậm Mả, Văn Sơn (Văn Bàn).

Để đạt kết quả trên, ngay từ đầu vụ sản xuất, UBND huyện Văn Bàn đã tổ chức hội nghị, mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết với nông dân; sử dụng kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn hỗ trợ theo Quyết định 293/QĐ-TTg của Chính phủ về việc hỗ trợ nhân dân sản xuất vụ đông có liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã gắn với tiêu thụ sản phẩm, quy mô thực hiện từ 3 ha trở lên.     

Năng suất cam VietGAP ước đạt 50 tấn/ha

Triển khai thu hoạch từ tháng 10, năng suất cam VietGAP niên vụ 2018 - 2019 của các hộ tham gia chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp cam đảm bảo ATTP xóm Mỗ 2, xã Bình Thanh (Cao Phong – Hòa Bình) ước đạt 50 tấn/ha, cao hơn 20 tấn so với năng suất cam bình quân của huyện.

 

camhb.jpg

 

Đến thời điểm này, các hộ đã bán trên 20 tấn sản phẩm ra thị trường, chủ yếu là cam lòng vàng CS1. Với việc tuân thủ quy trình thực hành nông nghiệp tốt đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, 100% sản phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng tươi ngon, được đóng gói bao bì, tem nhãn đầy đủ và xuất bán tại các cửa hàng thực phẩm sạch, chuỗi nhà hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Giá bán tại vườn ổn định từ 20.000 đồng – 22.000 đồng/kg. Ước tổng sản lượng vùng cam VietGAP 25 ha đạt trên 1.200 tấn.

Năm 2019, Ngân Sơn phấn đấu trồng 700ha thuốc lá

Huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) vừa tổ chức đánh giá kết quả sản xuất, thu mua thuốc lá năm 2018, triển khai công tác sản xuất, thu mua thuốc lá năm 2019.

Năm 2018, toàn huyện trồng được hơn 680ha thuốc lá, sản lượng đạt 1.649,7 tấn. Giá trung bình thu mua từ 35.000 - 48.000 đồng/kg; tổng doanh thu của các hộ dân trên địa bàn huyện đạt hơn 60 tỷ đồng. Vụ xuân năm 2019, huyện Ngân Sơn phấn đấu gieo trồng 700ha, sản lượng đạt 1.680 tấn; dự kiến sẽ hỗ trợ cải tạo 202 lò sấy thuốc lá, đến nay các hộ dân đã đăng ký cải tạo 230 lò sấy.

Để thực hiện đạt kế hoạch đề ra, huyện chỉ đạo các địa phương khẩn trương làm đất, gieo giống đảm bảo trồng thuốc lá trong khung thời vụ tốt nhất. Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị đầu tư sản xuất, thu mua thuốc lá trên địa bàn tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật về giống, phân bón, chăm sóc. Về nguyên liệu chất đốt để sấy thuốc lá, các đơn vị phối hợp triển khai với địa phương và các hộ dân sửa chữa, cải tạo lò sấy áp dụng công nghệ sấy thuốc lá tiết kiệm nguyên liệu bằng việc chuyển đổi lò sấy từ nhiên liệu củi sang sấy bằng than kết hợp củi.

Hà Quảng phát triển chăn nuôi lợn đen

Nhận thấy việc phát triển chăn nuôi lợn đen đem lại hiệu quả kinh tế, những năm gần đây, nhân dân các xã vùng cao huyện Hà Quảng (Cao Bằng) đã chú trọng đầu tư, góp phần làm tăng thêm thu nhập, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương.

 

lon-den.jpg

Trên địa bàn huyện, việc đầu tư phát triển chăn nuôi lợn đen chủ yếu tập trung tại 12 xã vùng cao, như: Hạ Thôn, Thượng Thôn, Kéo Yên, Tổng Cọt, Mã Ba, Sỹ Hai... Do các địa phương có sẵn nguồn lương thực, nhiều hộ nông dân đầu tư phát triển mạnh. Tại xã Thượng Thôn, nhân dân đã có kinh nghiệm trong việc đầu tư phát triển đàn lợn. Hiện cả xã có 2.138 con lợn, trong đó có 1.207 con lợn đen, chiếm 56% tổng đàn lợn. Để đảm bảo được nguồn giống lợn phục vụ cho việc chăn nuôi, cả xã có 252/503 hộ nuôi lợn nái để cung cấp con giống, đồng thời bán ra thị trường. Bình quân, hằng năm xuất bán ra thị trường trên 1.900 con lợn thịt, trong đó lợn đen chiếm 55%. Cả xã có sản lượng đạt 55 tấn lợn hơi, thu được trên 3 tỷ đồng. Từ hiệu quả kinh tế, nhiều hộ đầu tư phát triển chăn nuôi, duy trì tổng đàn lợn thịt từ 40 - 50 con, hằng năm cho thu nhập từ 60 - 100 triệu đồng. 


Chủ tịch UBND xã Thượng Thôn Đàm Văn Huỳnh, chia sẻ: Nguồn lợn đen của nhân dân trong xã có chất lượng thịt tốt, được thị trường chấp nhận, sản phẩm lợn đen dễ tiêu thụ, giá cả tương đối ổn định so với nhiều giống lợn khác. Trong thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích chuồng trại, đặc biệt là lợn đen. Theo đó, thông qua các chương trình 30a, 135..., tiếp tục hỗ trợ cho hộ nghèo về con giống để đầu phát triển chăn nuôi.


Do hiệu quả kinh tế từ việc đầu tư phát triển chăn nuôi lợn đen, nhiều năm trở lại đây, huyện Hà Quảng đã đưa vào Nghị quyết phát triển lợn đen trở thành hàng hóa và triển khai công tác hỗ trợ về con giống cho nhân dân, đặc biệt đối với 12 xã vùng cao có điều kiện tự nhiên phù hợp với việc phát triển lợn đen. Trong năm 2017, từ chương trình 30a, 135, huyện đã hỗ trợ cho nhân dân 822 con lợn đen, với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng, góp phần cải thiện đàn lợn nái, nâng cao chất lượng đàn lợn đen. Bình quân cả huyện mỗi năm xuất bán ra thị trường trên 39.000 con lợn thịt, sản lượng trên 2.556 tấn, giá trị thu nhập trên 107 tỷ đồng; trong đó lợn đen gần 10.000 con, sản lượng trên 625 tấn, tương đương với giá trị 31,3 tỷ đồng.


Lợn đen đã trở thành vật nuôi mũi nhọn của huyện, đặc biệt đối với các xã vùng cao. Từ đó, mở hướng cho nông dân trong việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập cho nông dân vùng khó khăn.

 

 

 

Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top