Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 26 tháng 5 năm 2020 | 11:40

Tin NN Tây Bắc: Mường Khương trồng hơn 10ha rau trái vụ

Năm 2020, huyện Mường Khương (Lào Cai) triển khai trồng rau trái vụ với diện tích 10,5 ha, tại 6 xã vùng thượng huyện gồm: Tả Ngải Chồ, Pha Long, Nấm Lư, Lùng Khấu Nhin, La Pan Tẩn, Cao Sơn.

rau-trai-vu.jpg

Rau súp lơ sinh trưởng tốt tại xã Nấm Lư. Ảnh: Báo Lài Cai

 

Tham gia dự án các hộ được hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn theo hướng VietGAP; hộ dân có đất và thực hiện trồng, chăm sóc rau đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật.

Thời gian trồng từ tháng 4 đến tháng 8 (âm lịch), các loại rau được đưa vào trồng vụ này gồm: Bắp cải, su hào, súp lơ, đây là những giống rau phù hợp với điệu kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bao tiêu toàn bộ sản phẩm rau cho người dân. Theo tính toán của ngành nông nghiệp huyện, với mỗi ha rau trái vụ sẽ đem lại thu nhập cho người dân từ 50 – 60 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa 1 vụ.

Dự án được triển khai nhằm giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, có điều kiện phát triển tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững ở các xã còn nhiều khó khăn này.

Lai Châu: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng dưa hấu

Sau 3 năm, người dân bản Thẳm Phé, xã Mường Kim (huyện Than Uyên) tích cực đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, mở rộng diện tích trồng dưa hấu. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.

 

dua-hau.jpg

Người dân bản Thẳm Phé kiểm tra sự phát triển của dưa hấu. Ảnh: Báo Lai Châu

 

Cùng Bí thư Đoàn xã Mường Kim đến thăm mô hình trồng dưa hấu của bà con bản Thẳm Phé. Từ ngoài đường nhìn vào các vườn, những quả dưa hấu sai trĩu đang nằm trên đất với đủ kích thước. Ghé thăm vườn dưa của vợ chồng anh Lò Văn Sơn, đúng lúc vợ chồng anh đang chọn những quả dưa to, già, căng mọng nhất để thu hoạch, bán đổ cho các thương lái vào thu mua.

Anh Sơn phấn khởi cho biết: Từ hơn 2 năm nay, tận dụng diện tích đất ruộng 1 vụ, xen với trồng ngô, vợ chồng tôi trồng hơn 1 sào dưa hấu. 4 tháng sau gia đình tôi thu hoạch, bán được giá cao, bán đổ cho thương lái 12.000 đồng/kg, còn bán lẻ từ 15.000 đồng - 18.000 đồng/kg. Từ đầu vụ đến nay vợ chồng tôi bán được hơn 5 triệu đồng, còn hơn một nửa số quả chưa thu hoạch. Vụ năm trước gia đình tôi thu về 15 triệu đồng. Tôi thấy trồng dưa hấu hiệu quả kinh tế cao hơn so với cấy lúa nhiều; nếu như cấy lúa, chăm sóc tốt, vụ mùa thắng lợi cũng chỉ cho thu nhập 5 - 7 triệu đồng, còn trồng dưa hấu thì thu về gấp hơn 2 lần. Vợ chồng tôi đang có dự định sẽ trồng dưa hấu gối vụ tiếp để có quả bán vào dịp Tết.

Bản Thẳm Phé có 90 hộ với 442 nhân khẩu, 100% là dân tộc Khơ Mú. Từ 3 năm nay, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập gia đình, người dân bản Thẳm Phé mạnh dạn trồng dưa hấu trên chân ruộng 1 vụ kém năng suất do đất khô cằn vì thiếu nước.

Bí thư Chi bộ bản Thẳm Phé Hoàng Văn Phó cho biết: Hiện, bản có hơn 70 hộ tham gia trồng dưa hấu với diện tích trên 2,5ha. Ngay từ lúc bắt đầu trồng, chúng tôi xác định không chỉ trồng để tăng thu nhập, giúp bà con thoát nghèo mà còn hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm dưa sạch, an toàn của bản. Vì vậy, trong quá trình chăm sóc dưa hấu, chúng tôi hướng dẫn các hộ thường xuyên thăm vườn, theo dõi sự phát triển của cây; khi phát hiện có sâu bệnh hại thì sử dụng tỏi, ớt pha nước để phun thay cho việc dùng thuốc hóa học.

Năm 2019, bản thu được hơn 200 triệu đồng từ trồng dưa hấu, nhờ đó nhiều hộ thoát được nghèo. Hiện, bản Thẳm Phé còn 15 hộ nghèo (giảm 4 hộ so với cuối năm 2018), thu nhập bình quân đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm 2019.

Nuôi ngựa - hướng đi mới của ngành chăn nuôi Bát Xát

 

nuoi-ngua.jpg

Cách đây khoảng chục năm, gia đình ông Trần Văn Nam, ở thôn Lâm Tiến, xã Mường Vi (Bát Xát, Lào Cai) thuộc diện hộ nghèo, dù làm việc quần quật, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng vẫn không đủ ăn. Khi được cán bộ ngành nông nghiệp hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông Nam nhận thấy ngựa có đặc tính sinh trưởng, phát triển phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương nên quyết định vay vốn ngân hàng để mua một cặp ngựa về nuôi. Ông Nam cho biết: Nuôi ngựa rất đơn giản, hằng ngày thả ra bãi cỏ, tối dắt về. Đồng đất Mường Vi cỏ xanh tốt quanh năm nên nuôi gia súc nói chung và ngựa nói riêng rất nhanh lớn, khỏe mạnh, sinh sản tốt. Đàn ngựa của gia đình tôi đã có hàng chục con lớn, nhỏ, nếu bán đi cũng thu về ngót 300 triệu đồng.

Ông Vùi Văn Từa là một trong những hộ nuôi ngựa đầu tiên của thôn Ná Rin, xã Mường Vi. Trước đây, ông nghĩ nuôi ngựa khó hơn nuôi trâu, bò nên không đầu tư. Tuy nhiên, sau khi được hướng dẫn kỹ thuật cách chăm sóc ngựa, ông đã bán bớt trâu để chuyển sang nuôi ngựa hàng hóa. Hiện nay, gia đình ông có đàn ngựa 4 con đến kỳ xuất bán, tổng trị giá khoảng 120 triệu đồng. Ông Từa cho biết: “Ngoài việc chăn thả hằng ngày, gia đình tôi còn trồng thêm cỏ voi để làm thức ăn cho ngựa. Ngựa là gia súc có thịt ngon, ngọt, mềm nên được thị trường ưa chuộng. Thời gian tới, tôi sẽ xây dựng thêm chuồng, mở rộng diện tích cỏ voi để tăng số lượng ngựa”.

Thời gian qua, Dự án “Phát triển đàn ngựa hàng hóa” được triển khai đã tạo động lực, điều kiện thuận lợi cho người dân trên địa bàn huyện Bát Xát phát triển đàn ngựa. Nhờ sự hỗ trợ lãi suất của dự án, anh Thào A Hừ, ở thôn Làng Mới, xã Sàng Ma Sáo mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua 10 con ngựa về nuôi. Sau gần 3 năm chăm sóc, đến nay đàn ngựa của gia đình anh đã tăng thêm 7 con. Nhằm đáp ứng nguồn thức ăn cho đàn ngựa, gia đình anh mở rộng diện tích trồng cỏ voi. Anh Hừ tâm sự: Nhờ có cán bộ ngành nông nghiệp giúp đỡ về kỹ thuật chăm sóc mà đàn ngựa của gia đình tôi phát triển tốt, không mắc các loại dịch bệnh.

Dự án “Phát triển đàn ngựa hàng hóa” của huyện Bát Xát có kinh phí hỗ trợ hơn 1,4 tỷ đồng. Mỗi hộ tham gia dự án được hỗ trợ vay 170 triệu đồng không lãi suất trong 3 năm để mua 10 con ngựa. Các hộ tham gia dự án còn được huyện hỗ trợ vật liệu xây dựng chuồng nuôi. Dự án đã thu hút hàng chục hộ ở các xã Sàng Ma Sáo, Cốc Mỳ, Ngải Thầu tham gia.

Huyện Bát Xát hiện có đàn ngựa gần 2.000 con, tăng gần gấp đôi so với 3 năm trước. Từ đó có thể khẳng định, con ngựa phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện Bát Xát và mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Ông Sí Trung Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: So với các loại gia súc khác như trâu, bò… thì ngựa có những ưu điểm vượt trội. Ngựa không những ăn cỏ mà ăn tinh bột vẫn phát triển rất tốt, phù hợp với điều kiện chăm sóc của người dân địa phương, nhất là vào mùa đông. Hơn nữa, giống ngựa thuần chủng ở Bát Xát rất khỏe, ít bị bệnh, nuôi nhanh lớn, thịt ngon nên được thị trường ưa chuộng. Bước đầu đánh giá việc nuôi ngựa của nông dân Bát Xát đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống người dân. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, mở rộng và phát triển đàn ngựa.

Nuôi gà Đông Tảo lai ở Mường Cơi

 

ga-dong-tao.jpg

Người dân bản Văn Tân, xã Mường Cơi (Phù Yên) nuôi gà Đông Tảo lai.

 

Những năm gần đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc nuôi gà Đông Tảo lai, nhiều hộ gia đình ở xã Mường Cơi (Phù Yên, Sơn La) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi gà Đông Tảo lai, cung cấp sản phẩm thịt cho thị trường, đem lại thu nhập ổn định.

Xã Mường Cơi hiện có trên 100 hộ nuôi gà Đông Tảo lai, tập trung ở các bản: Văn Tân, Văn Cơi, Ngã Ba, Nghĩa Hưng, trong đó 6 hộ nuôi quy mô từ 300 - 1.000 con, còn lại các hộ nuôi với số lượng từ 50 con trở lên. Điển hình là gia đình ông Lê Văn Lệ, bản Văn Tân, một trong những hộ đầu tiên đưa giống gà Đông Tảo lai về nuôi. Năm 2015, ông Lệ về  huyện Khoái Châu (Hưng Yên) tham quan, học tập kỹ thuật nuôi gà Đông Tảo thuần và lai, sau đó ông mua giống về nuôi, vì nhận thấy phù hợp với khí hậu tại địa phương. Hiện nay, gia đình ông duy trì đàn gà Đông Tảo lai gần 1.000 con/lứa, 1 năm nuôi 2 lứa, với giá bán gà thịt từ 90-110 nghìn đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm thu nhập gần 200 triệu đồng.

Ông Lệ chia sẻ:  Gà Đông Tảo lai có thân hình cao lớn, thịt thơm ngon, tăng trưởng nhanh, trọng lượng từ 3,5 - 4,5 kg/con khi trưởng thành, đặc biệt gà có cặp chân to hiếm thấy, có sức đề kháng tốt, mau lớn. Trong quá trình nuôi, nguồn nước dùng cho gà phải sạch; tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ; giữ gìn vệ sinh khu vực nuôi. Chuồng nuôi đảm bảo ấm áp về mùa đông, thoáng mát về mùa hè. Đặc biệt, nền chuồng sử dụng đệm lót sinh học để đảm bảo vệ sinh môi trường. Đàn gà của gia đình từ lúc nhỏ đến khi xuất bán ít bị mắc bệnh. Hiện nay, nhu cầu về gà Đông Tảo lai trên thị trường cao, nên gà của gia đình được nhiều thương lái trong và ngoài huyện đến đặt mua, không phải lo đầu ra của sản phẩm.

Xã Mường Cơi hiện có gần 6.000 con gà Đông Tảo lai. Để hỗ trợ người dân nuôi gà, tháng 12/2019, Hội Nông dân xã đã giúp 6 hộ vay vốn, với mức 10 triệu đồng/hộ từ Quỹ hỗ trợ nông dân để nuôi gà Đông Tảo lai và gà khác. Đồng thời, cử cán bộ thú y theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phương pháp phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng các bệnh thường gặp ở gà, bảo đảm đàn gà phát triển tốt.

Để hỗ trợ bà con mở rộng quy mô nuôi và thị trường tiêu thụ sản phẩm, xã Mường Cơi đang đề nghị các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, thông tin và quảng bá giới thiệu sản phẩm, giúp người dân nuôi gà Đông Tảo lai trong xã tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống.

Nắng nóng, mía trắng ép nước vẫn khó tiêu thụ, giá rẻ

Những ngày sau cách ly xã hội, thời tiết nắng nóng gay gắt, các dịch vụ giải khát, giải nhiệt mùa hè bắt đầu nóng lên. Thế nhưng, nếu ở thời điểm này năm ngoái, việc mua bán cây mía trắng ép nước đã diễn ra sôi động, thì năm nay, người trồng mía vẫn mỏi mắt chờ tư thương đến hỏi mua. Không khí mua bán mía ở chợ Bảm, xã Tây Phong (Cao Phong, Hòa Bình) nhộn nhịp trong 2 - 3 ngày đầu thời tiết mới nắng nóng.

 

mia.jpg
Ảnh: Báo Hòa Bình

 

Suốt hơn một tuần qua, bà Bùi Thị Xuyến, xóm Bảm, xã Tây Phong cùng nhiều hộ trồng mía ở các xã lân cận chặt mía chở ra chợ Bảm chào bán, vậy nhưng, chỉ tiêu thụ được trong 2 hôm đầu. Bà Xuyến ngao ngán cho biết: Gia đình tôi trồng khoảng 3.000 m2 mía trắng ép nước, thời điểm này năm ngoái đã bán hết mía, tư thương đến thu mua tận vườn với giá 5.000 đồng/cây. Còn năm nay, giá bán chỉ 3.000 – 4.000 đồng/cây mà không bán được. Nắng nóng nhưng tôi vẫn mang mía ra đây để giới thiệu cho khách vào mua cả vườn.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Cao Phong, toàn huyện có trên 1.600 ha diện tích trồng cây mía trắng ép nước, đến nay mới tiêu thụ được khoảng 15% diện tích. Nhiều năm qua, cây mía trắng ép nước là một trong những cây trồng chủ lực, được trồng rộng khắp các xã, thị trấn của huyện. Trong đó, mía của xã Thạch Yên nổi tiếng với chất lượng thơm ngon, bán được giá cao hơn so với các vùng khác.

Ngược lên xã vùng cao Thạch Yên trong những ngày nắng nóng gay gắt, hai bên đường vẫn bạt ngàn mía. Đồng chí Bùi Văn Tương, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Yên cho biết: Nhiều năm nay, mía trắng ép nước là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của xã. Hiện, cả xã có 256 ha mía, đến nay mới chỉ tiêu thụ được khoảng 10 ha. Thời điểm này năm ngoái, đã có trên 50% diện tích mía được tiêu thụ, giá bán từ 5.000 – 7.000 đồng/cây. So với những năm trước, chất lượng cây mía của xã khá đồng đều. Mía có màu sắc đẹp, không nứt nẻ, không bị thối. Tuy nhiên, giá thu mua của tư thương năm nay thấp hơn mọi năm, mà lại khó bán, nên ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của bà con.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top