Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 1 tháng 12 năm 2020 | 14:3

Tin NN Tây Bắc: Nà Nghịu mở rộng diện tích cây ăn quả

Phát huy lợi thế đất đai và nguồn nước dồi dào từ các sông, suối, những năm gần đây, xã Nà Nghịu (Sông Mã, Sơn La) đã cải tạo đất vườn đồi và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để trồng cây ăn quả, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác.

caq.jpg

 Vườn cây ăn quả chất lượng cao của người dân xã Nà Nghịu (Sông Mã). Ảnh: Báo Sơn La

 

Nà Nghịu có truyền thống trồng cây ăn quả từ rất lâu, nhất là cây nhãn lồng được trồng từ những năm 1960 và cây xoài địa phương, nhưng phân tán, nhỏ lẻ, chưa trở thành hàng hóa. Nhận thấy lợi thế từ trồng cây ăn quả, năm 2010, xã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động người nông dân đầu tư cải tạo vườn tạp và chuyển đổi diện tích đất dốc trồng cây ngô, sắn năng suất thấp sang trồng cây ăn quả. Đặc biệt, năm 2018, người dân xã Nà Nghịu đã trồng trên 50 ha cây bưởi da xanh ở bản Tây Hồ và cây mít Thái bản Huổi Lìu.

Năm 2019, từ nguồn vốn của Chương trình 135 hỗ trợ 400 triệu đồng mua cây nhãn, xoài giống cho bản Mé Bon, Lọng Lằn, là những bản đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất, đã nâng diện tích cây ăn quả của xã từ 200 ha năm 2010 lên trên 1.200 ha cây ăn quả vào năm 2020, với các loại cây chủ yếu là nhãn ghép, xoài địa phương, xoài Đài Loan... Nhờ phát triển cây ăn quả, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt 21 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 30%.

Cây ăn quả ở Nà Nghịu trồng tập trung chủ yếu tại các bản: Tây Hồ, Cánh Kiến, Hưng Mai, Tiền Phong, Mé Bon. Đây là các bản có lợi thế về đất đai, độ dốc vừa phải, nguồn nước tương đối ổn định so với các bản khác trong xã, phù hợp với việc phát triển các loại cây ăn quả. Chỉ sau khi ghép năm thứ 2, thứ 3 thì các vườn nhãn ghép, xoài ghép đã bắt đầu cho thu hoạch. Nhiều hộ có vườn cây ăn quả lên đến hàng nghìn cây, giàu lên từ cây ăn quả, điển hình như gia đình ông Trần Văn Trung, bản Hưng Mai trồng 2 ha xoài, nhãn, thu hơn 200 triệu đồng/năm; anh Đinh Công Mai, bản Cánh Kiến, thu gần 400 triệu đồng/năm từ vườn nhãn; nhiều hộ thu từ 100-150 triệu đồng/năm.

Tại bản Tây Hồ, một số mô hình trồng cây ăn quả đã giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Vườn cây ăn quả của hộ ông Dương Tự Thanh trồng trên sườn đồi có độ dốc thoải và trồng theo hàng lối giống như ruộng bậc thang, thuận tiện cho việc chăm sóc. Sau hơn 8 năm cải tạo và mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, đến nay, gia đình ông Thanh trồng trên 1,5 ha nhãn ghép, 0,6 ha xoài Đài Loan, 1 ha bưởi diễn, thu trên 400 triệu đồng/năm.

Ông Thanh chia sẻ: Để có vườn cây sai quả này, năm 2012, tôi đã phá bỏ diện tích trồng ngô kém hiệu quả và mua 400 cây bưởi giống, cải tạo ghép mắt nhãn chín muộn, xoài Đài Loan. Đầu tư hàng trăm triệu đồng san ủi vườn đồi, lắp đặt hệ thống tưới chủ động, nhằm phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Không riêng gia đình tôi mà trong bản còn nhiều hộ có thu nhập từ 100-300 triệu đồng/năm từ cây ăn quả.

Việc phát triển cây ăn quả ở xã Nà Nghịu đã mở ra triển vọng tích cực trong phát triển kinh tế. Để duy trì và mở rộng diện tích, ngoài sự hỗ trợ của địa phương và các cấp, các ngành trong sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, người dân cần chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng, chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tích cực cải tạo, chọn lọc các loại giống cây ăn quả chất lượng cao; liên kết thành lập các hợp tác xã trồng cây ăn quả, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo quy trình VietGAP để đáp ứng yêu cầu thị trường. 

Lục Yên: Hỗ trợ mô hình trồng cây sả chanh “sả Java”

Để đẩy mạnh Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và thực hiện một số mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp năm 2020, UBND huyện Lục Yên (Yên Bái) đã hỗ trợ mô hình trồng cây sả chanh “sả Java” để sản xuất túi lọc tắm thảo dược tại xã Liễu Đô.

 

_trong-sa.jpg

Mô hình trồng cây sả chanh để sản xuất túi lọc thảo dược tại xã Liễu Đô. Ảnh: Báo Yên Bái.

 

Đây là giống sả mới, lần đầu tiên được trồng tại địa phương, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, mỗi năm thu hoạch tối thiểu 4 lứa, được sử dụng để sản xuất tinh dầu, túi lọc tắm thảo dược… 

Mô hình được thực hiện với 10 hộ trên diện tích 1 ha. Trong đó, UBND huyện Lục Yên hỗ trợ giống, phân bón trị giá 40 triệu đồng. Mô hình triển khai sẽ giúp bà con nông dân có thêm giống mới cũng như sản phẩm mới, góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, hướng tới xây dựng sản phẩm túi lọc tắm thảo dược đạt tiêu chuẩn OCOP.

Trồng thành công mô hình thanh long ruột đỏ giống mới

 

thanh-long.jpg
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ giống mới của ông Bùi Văn Nhưng, xóm Thóng, xã Vũ Bình (Lạc Sơn) cho giá trị kinh tế cao. ẢNh: Báo Hòa Bình
 

Trong các năm 2013-2014, vì chọn sai giống thanh long, sản phẩm không đạt chất lượng, ông Bùi Văn Nhưng, nông dân xóm Thóng, xã Vũ Bình (Lạc Sơn, Hòa Bình) từng 2 lần phải phá bỏ cả vườn. Thất bại không làm ông nản chí mà càng khiến ông quyết tâm, kiên trì theo đuổi mô hình trồng thanh long ruột đỏ giống mới.  

Chúng tôi đến thăm mô hình của nông dân Bùi Văn, ông cho biết: Mấy năm nay, sản phẩm làm ra được thị trường biết đến, điều kiện cuộc sống đã khá hơn. Quan trọng hơn cả là từ những khởi đầu thất bại, tôi đã chứng minh được hiệu quả, giá trị của mô hình, hài lòng với con đường mình đã quyết tâm theo đuổi.

Sinh ra và lớn lên tại vùng nông thôn, ông Nhưng từng tham gia quân ngũ và trở về địa phương từ năm 1985 đến nay. Cũng như các hộ dân trong xóm, gia đình ông duy trì nghề nông, thu nhập chính từ trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi con lợn, con gà. Điều kiện kinh tế gia đình chỉ thực sự vươn lên từ khi thực hiện mô hình trồng thanh long ruột đỏ kết hợp nuôi cá ao, trên diện tích 1 ha đất vườn và 1.500 m2 ao liền kề sẵn có của gia đình.

Theo ông Nhưng tâm sự, khi bắt tay vào thực hiện mô hình, thuận lợi là khu đất đảm bảo nguồn nước, thổ nhưỡng phù hợp với cây thanh long. Tuy nhiên, khó khăn lại chiếm phần nhiều: Gia đình chưa có kinh nghiệm trồng, trong khi các địa phương lân cận cũng chưa có mô hình trồng thanh long hiệu quả để có dịp học hỏi. Do kinh tế chỉ ở mức đủ ăn nên không có nguồn vốn đầu tư. Giao thông trên địa bàn khó khăn, thị trường tiêu thụ bấp bênh, sản phẩm còn mới mẻ.

Nhiều người bảo ông liều lĩnh khi thực hiện mô hình mới, chưa kể còn gặp thất bại đến 2 lần. Những lần trước, ông dùng vốn vay từ ngân hàng và huy động một phần từ anh em, họ hàng nội ngoại để mua giống, đầu tư hệ thống tưới tiêu, thuê nhân công lao động. Đến lần thứ 3, ông chỉ còn cách tự xoay sở vốn để làm lại từ đầu. Việc phải làm trước tiên là ông tìm về tận nơi có cây giống chuẩn để mua giống. Thay vì giống Đài Loan và giống Long Định 15 từng phải phá bỏ trước đây, ông lặn lội vào miền Nam để lấy giống rải vụ Long Định 5, với ưu điểm vượt trội là màu da sáng đẹp, ruột tím hồng, cho nhiều quả.

Thấm thoắt 5 năm nay, vườn thanh long ruột đỏ của ông Nhưng cho sản lượng đều đặn, từ 20 - 25 tấn/vụ. Nhờ giá cả, thị trường tiêu thụ khá ổn định, với trên 1.000 gốc, tương đương 1 ha diện tích, gia đình ông có thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng/năm. Cũng với giống Long Định chất lượng cao, ông trở thành người cung ứng giống uy tín và chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm cho người dân vùng Lạc Sơn, Tân Lạc và địa phương tỉnh bạn như huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Bình quân, mỗi năm ông cấp được 4 ha giống cho các hộ có nhu cầu.

Hiện nay, mô hình sản xuất của ông Nhưng đang được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản hướng dẫn các thủ tục để được chứng nhận VietGAP, nhằm khẳng định chất lượng, thương hiệu riêng cho sản phẩm, giúp mô hình thành công bền vững, đảm bảo hơn về đầu ra cho sản phẩm. Quá trình sản xuất, ông đã tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên, 5 lao động thời vụ với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ xây dựng mô hình cho cá nhân mình, ông còn tích cực, nhiệt tình hỗ trợ hàng chục hộ dân trong xóm và vùng lân cận về giống, kỹ thuật để hiệu quả mô hình ngày càng được nhân rộng. 

Nuôi cá dầm xanh hiệu quả ở xã Mai Hịch

 

ca-dam-xanh.jpg
Mô hình nuôi cá dầm xanh của gia đình bà Vì Thị Luyến, xóm Hịch 2, xã Mai Hịch (Mai Châu, Hòa Bình) cho thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/năm. Ảnh: Báo Hòa Bình
 

Cá dầm xanh được xem như đặc sản bởi mùi vị thơm ngon, chế biến món gì cũng hấp dẫn, luôn được niêm yết giá cao tại các nhà hàng. Tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xã Mai Hịch (Mai Châu) đã duy trì, mở rộng diện tích ao cá, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Ông Ngần Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Xã có 9 xóm, xóm nào cũng có mô hình nuôi cá dầm xanh, tập trung nhiều ở xóm Hịch 1, Hịch 2 với trên 70% hộ nuôi. Hộ nuôi nhiều diện tích ao từ 500 - 1.000m2, hộ ít từ 100 - 200 m2. Chất lượng cá được thị trường đánh giá cao, đầu ra ổn định, bán được giá, do đó, nhiều hộ có thu nhập khá, cũng có hộ thoát nghèo từ nuôi cá. Việc duy trì, mở rộng diện tích ao cá, nâng cao chất lượng cá dầm xanh được xã đưa vào nghị quyết, xây dựng thành sản phẩm hàng hóa chủ lực, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế địa phương”.

Xóm Hịch 2 có 151 hộ, hầu như hộ nào cũng có ao cá. Cá dầm xanh phải được nuôi trong môi trường nước lạnh, có dòng chảy liên tục, nếu không sẽ kị khí dẫn đến phát triển kém, thậm chí là chết. Nguồn nước sạch được bà con tận dụng là các con suối chảy từ khe núi, nhiệt độ thấp, mát lạnh, phù hợp để nuôi cá. Theo người dân đánh giá, chất lượng cá tại địa phương có vị đậm đà hơn các vùng khác, thịt cũng chắc hơn. Cá nuôi càng lâu, trọng lượng càng lớn, có con đến 3 - 4 kg. Là giống cá quý, không dễ nuôi nên giá bán khá cao, có thời điểm 70.000 - 80.000 đồng/kg, cá càng to, giá trị mỗi kg càng tăng cao.

Thăm ao cá của hộ bà Vì Thị Luyến, xóm Hịch 2, bà Luyến cho biết: "Nhà tôi nuôi cá dầm xanh hơn chục năm nay với 400 m2 ao, đây là giống cá quý, được thu mua với giá cao, phù hợp điều kiện địa phương. Được tham gia các lớp tập huấn về nuôi cá dầm xanh, đúc kết kinh nghiệm từ thăm quan các mô hình, tôi chưa gặp thiệt hại gì, mặc dù đây là giống cá khó nuôi, chất lượng tốt, đầu ra ổn định. Đều đặn mỗi năm, gia đình tôi xuất bán 1,5 - 2 tấn cá, thu khoảng 70 - 80 triệu đồng/năm.

Điều quan trọng nhất là thiết kế xây ao cá phù hợp. Ao được thiết kế với 1 cửa nước vào, 1 cửa nước ra để đảm bảo nước được sạch, nếu không cá phát triển chậm, sản lượng hàng năm thấp, lời lãi không được nhiều vì giá con giống đã rất cao, 5.000 - 6.000 đồng/con giống. Nuôi cá dầm xanh chỉ hợp với vùng có suối nước lạnh chảy qua, chứ dùng máy bơm, lọc nước rất tốn kém. So với những loài thủy sinh khác, cá dầm xanh có khả năng kháng bệnh tốt, chịu được điều kiện bất thường của thời tiết, khi đã xây ao cá hợp lý thì việc nuôi dễ dàng”.

Để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, xã đã triển khai các chương trình vốn vay ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật, mở lớp tập huấn về nuôi cá dầm xanh cho người dân trên địa bàn. Khuyến khích nhân rộng mô hình, tăng cường quảng bá, tìm kiếm thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm. Cùng với dịch vụ du lịch cộng đồng và sản phẩm vịt cổ xanh, cá dầm xanh sẽ là nguồn thu đáng kể cho nhiều hộ dân tại địa phương. Đến nay, thu nhập bình quân toàn xã đạt 32,5 triệu đồng/người/năm.

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top