Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 18 tháng 11 năm 2020 | 13:46

Tin NN Tây Bắc: Nậm Giôn phát triển nuôi cá lồng

Khai thác lợi thế, tiềm năng về diện tích mặt nước vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, các hộ dân xã Nậm Giôn (Mường La) đã liên kết thành lập Hợp tác xã Thủy sản Nậm Giôn, phát triển nuôi cá lồng.

ca-long.jpg

Thành viên HTX thủy sản Nậm Giôn, xã Nậm Giôn (Mường La) nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Ảnh: Báo Sơn La.

 

Thăm những lồng cá trên mặt lòng hồ thủy điện Sơn La được làm bằng khung thép chắc chắn, anh Quàng Văn Hùng, Giám đốc HTX Thủy sản Nậm Giôn, cho biết: Để liên kết các hộ dân tham gia nuôi cá tập trung và tìm đầu ra cho sản phẩm, tháng 7/2017, HTX thủy sản Nậm Giôn được thành lập. Hiện, HTX có 10 thành viên, quy mô sản xuất 100 lồng cá, trung bình mỗi lồng cá có diện tích hơn 30 m², nuôi chủ yếu các loại cá rô, chép, nheo, trắm...

Khi mới thành lập HTX còn thiếu vốn đầu tư sản xuất; đầu ra sản phẩm không ổn định; thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc đàn cá nên chất lượng, sản lượng cá thương phẩm không cao.

Ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn đầu tư lồng, HTX cử các thành viên tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá trên lòng hồ do tỉnh và các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức để áp dụng vào thực tế sản xuất. Các thành viên trong HTX cũng tự tìm tòi, nghiên cứu học hỏi kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh cho đàn cá; đi tham quan học tập kinh nghiệm những mô hình nuôi cá lồng hiệu quả ở các địa phương trong và ngoài huyện để áp dụng trong quá trình sản xuất của gia đình. Nhờ vậy, cá lồng của HTX phát triển ổn định, trung bình mỗi lồng thu từ 3 - 4 tạ cá/năm, sản lượng đạt hơn 30 tấn cá/năm, tùy thuộc vào từng loại cá, giá bán trung bình từ 40 - 90 nghìn đồng/kg, doanh thu mỗi năm đạt trên 1 tỷ đồng.

Gia đình ông Lò Văn Phát, bản Pá Mồng, thành viên HTX Thủy sản Nậm Giôn, từ năm 2017, gia đình ông đã đầu tư nuôi cá lồng. Tham gia HTX, gia đình ông có 6 lồng cá, chủ yếu là cá trắm, chép, rô phi... Đến nay, gia đình có 10 lồng cá, mỗi năm thu gần 4 tấn cá, thu hơn 200 triệu đồng.

Ông Phát chia sẻ: Nuôi cá lồng tận dụng được sức lao động; thức ăn chủ yếu là cỏ voi, ngô, sắn, chuối, cá tạp có sẵn... nên không mất nhiều chi phí đầu tư... So với trồng ngô, sắn trước đây, nuôi cá lồng mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn, nên đang được người dân nơi đây lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình.

Sau hơn 3 năm thành lập, HTX Thủy sản Nậm Giôn đã và đang hoạt động hiệu quả, giúp các thành viên từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Triển vọng mô hình trồng thanh long ruột đỏ và trám đen ở xã Thạch Yên

Với mục tiêu xác định giống và biện pháp kỹ thuật phù hợp cho việc phát triển cây thanh long ruột đỏ, trám đen tại xã sẽ góp phần từng bước phát triển một nền nông nghiệp bền vững, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người nông dân, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau, hoa, quả Gia Lâm phối hợp Sở KH&CN Hòa Bình thực hiện đề tài: "Ứng dụng kỹ thuật tiến bộ xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây thanh long ruột đỏ và cây trám đen tại 2 xã Yên Lập và Yên Thượng (nay là xã Thạch Yên), huyện Cao Phong”, đưa cây trám đen ghép và cây thanh long ruột đỏ vào trồng tại địa phương, thời gian thực hiện mô hình từ tháng 8/2018 - 11/2020.

 

thanh-long.jpg

Mô hình thử nghiệm trồng cây thanh long ruột đỏ tại xã Thạch Yên (Cao Phong) đem lại hiệu quả kinh tế cao so với các cây trồng khác. Ảnh: Báo Hòa Bình

 

Qua khảo sát, cây thanh long và cây trám đen cũng được trồng ở xã, nhưng số lượng không nhiều, không tập trung thành mô hình sản xuất. Cây thanh long chủ yếu trồng ở bờ tường, bờ rào; cây trám được trồng rải rác trong vườn tạp, vườn đồi, quanh nhà của các gia đình, trong điều kiện đất đồi núi và xen kẽ với nhiều loại cây trồng khác. Các hộ dân trồng cây chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chưa để ý đến việc thâm canh, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây.

Mô hình trồng thử nghiệm thanh long ruột đỏ quy mô 1,2 ha với 7 hộ tham gia, 3 giống TL4, TL5, LĐ1; mỗi giống 0,4 ha. Tổng kinh phí thực hiện mô hình trên 826 triệu đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước 680 triệu đồng. Mô hình trồng thử nghiệm trám đen giống trám đen ghép Thanh Chương (Nghệ An) quy mô 1 ha, với 6 hộ tham gia. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ cây giống, phân bón, trụ bê tông; cán bộ kỹ thuật tập huấn kỹ thuật sản xuất thanh long ruột đỏ và kỹ thuật thâm canh cây trám đen, theo phương pháp vừa học lý thuyết trong phòng kết hợp ra thực tế trên đồng ruộng.

Trong đó, mô hình trồng trám đen là 420 cây giống cho 1 ha; mô hình trồng thanh long ruột đỏ là 1.330 trụ bê tông cho 1,2 ha. Đồng thời, tổ chức 1 chuyến thăm quan học tập kinh nghiệm mô hình cây trám đen, cây thanh long ruột đỏ, mô hình chế biến quả trám đen tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cho 30 người dân.

Qua theo dõi, đánh giá, đối với cây thanh long ruột đỏ, cây sinh trưởng, phát triển tốt, ra quả sau 17 tháng trồng. Tính đến thời điểm báo cáo cho thu hoạch 5 đợt quả. Năng suất trung bình đạt 12 kg/trụ, giá bán trung bình tại vườn 15.000 đồng/kg, như vậy, với 1,2 ha thanh long ruột đỏ, năm đầu tiên cho thu nhập trên 200 triệu đồng, chất lượng quả ngon, mã quả đẹp. Cây trám đen sinh trưởng, phát triển tốt, không nhiễm các loại sâu bệnh hại nguy hiểm, tỷ lệ sống đạt trên 90%; chiều cao cây  >1,5 m, đường kính thân > 3 cm.

Đồng chí Nguyễn Thành Vinh, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh cho biết: Từ thành công của mô hình thử nghiệm trồng cây thanh long ruột đỏ và cây trám đen, giúp người dân xã Thạch Yên và phụ cận có thêm lựa chọn, đưa vào trồng các giống cây ăn quả mới, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp điều kiện sinh thái vùng, đồng thời áp dụng được các phương pháp bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại an toàn, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Việc mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ và trám đen sẽ tạo thêm việc làm, nâng cao sản lượng, chất lượng, nâng cao thu nhập và đời sống người dân, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tại các xã còn khó khăn của huyện Cao Phong.

Hòa Mạc trồng 20 ha khoai lang mật

Vụ đông năm nay, người dân xã Hòa Mạc (Văn Bàn, Lào Cai) đăng ký trồng khoảng 20 ha khoai lang mật, tăng 15 ha so với năm 2019.

 

khoai-lang.jpg

Vụ đông năm nay nông dân xã Hòa Mạc trồng khoảng 20 ha khoai lang mật. Ảnh: Báo Lào Cai.

 

Cây khoai lang mật rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của đồng đất Hòa Mạc, sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Năm 2019, cây khoai lang mật trồng thử nghiệm ở xã Hòa Mạc cho năng suất từ 15 – 20 tấn/ha, giá bán bình quân 6 nghìn đồng/kg, trừ hết chi phí người dân thu lợi từ 50 – 60 triệu đồng/ha. Đây là mức lợi nhuận lớn hơn nhiều so với những cây trồng truyền thống như ngô, lúa…

Hiện, người dân xã Hòa Mạc đã trồng được hơn 10 ha khoai lang mật, diện tích còn lại đang được làm đất và sẽ trồng trong thời gian tới. Được biết, Công ty Gia Bảo (Hà Nội) là đơn vị liên kết, trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống, phân bón và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân trồng khoai lang mật ở xã Hòa Mạc.

Văn Yên tập trung chăm sóc ngô đông

Đến nay, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã gieo trồng 1.750 ha ngô đông với cơ cấu 80 - 90% diện tích là ngô tẻ. Sau khi gieo trồng, nhân dân đã tập trung chăm sóc, tuân thủ các quy định sản xuất an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái.

 

ngo-dong.jpg

Nông dân huyện Văn Yên chăm sóc ngô đông.

 

Ở xã Ngòi A, ngô đông đang sinh trưởng và phát triển tốt, chưa có sâu bệnh hại xuất hiện. Người dân đang tiến hành bón thúc đợt 1 bổ sung đạm và kali cho cây. Đồng thời, tích cực thăm đồng, sớm phát hiện sâu bệnh hại để phòng trừ kịp thời; chủ động khơi thông và làm rãnh thoát nước không để cho cây trồng bị ngập úng. 

Vụ đông này, xã Ngòi A được huyện giao chỉ tiêu gieo trồng 30 ha ngô. Lãnh đạo xã đã chỉ đạo quyết liệt nên sớm hoàn thành việc gieo trồng ngô đông, trong đó có trên 11 ha ngô địa phương được trợ giá giống theo Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh. 

Với xã vùng cao đặc biệt khó khăn Phong Dụ Hạ, dù không phải gieo trồng ngô đông theo kế hoạch của huyện, nhưng hiện nay ở các cánh đồng: Làng Cang, Lắc Mường, Khe Lầu, Khe Kìa, Khe Hao đã phủ một màu xanh của ngô. 

Ông Hoàng Văn Tuân - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Mặc dù không phải thực hiện chỉ tiêu trồng ngô đông trên đất hai vụ lúa, song xã vẫn khuyến khích bà con làm ngô đông để người dân từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, tận dụng quỹ đất, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, đặc biệt là góp phần đắc lực vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương”. 

Vụ đông năm 2020, xã đề ra mục tiêu gieo trồng 25 ha ngô đông trên đất ruộng hai vụ lúa với tập đoàn ngô giống phong phú như DK6919 NK4300, NK66, SB099, Bioseed 9698… Hiện tại, Phong Dụ Hạ đã hoàn thành trồng 25 ha ngô đông, đạt 100% kế hoạch.  

Trong đó, trên 13ha được huyện hỗ trợ tiền giống theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh; diện tích còn lại do người dân tự mua giống để gieo trồng. Vụ đông năm 2020, Văn Yên xác định cây ngô vẫn là cây trồng chủ lực với mục tiêu trồng 1.750 ha trở lên, riêng diện tích ngô đông trên đất ruộng hai vụ lúa từ 1.000 ha trở lên, ngô trên đất màu bãi  trên 600 ha. 

Hiện, Văn Yên đang tập trung chỉ đạo tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học vào sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng thuốc, đúng liều lượng, nồng độ, đúng lúc, đúng cách... Đồng thời, hướng dẫn nhân dân bón phân phù hợp, phòng chống sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh chân trì huyết dụ; khơi thông chân ruộng trũng thấp để phòng ngập úng… 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top