Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 7 tháng 8 năm 2019 | 11:1

Tin NN Tây Bắc: Nhãn Sơn Thủy vào vụ

Những ngày này, về xã Sơn Thủy (Kim Bôi, Hòa Bình) vui như có hội. Các nhà vườn phấn khởi vì nhãn được mùa, được giá.

nhan.jpg

Gia đình anh Bùi Văn Dũng, xóm Khoang, xã Sơn Thủy đầu tư trồng nhãn sạch, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ảnh: Báo Hòa Bình

 

Bà Bùi Thị Chiến ở xóm Khoang vừa xuất 2 tấn nhãn cho các tư thương ngoài tỉnh chia sẻ: Nhãn năm nay được giá. Đầu vụ, gia đình bán 35.000 đồng/kg, bây giờ cũng phải 27 - 28.000 đồng. Nhà tôi trồng khoảng 2 ha giống nhãn Hương Chi. Gia đình luôn tuân thủ quy trình kỹ thuật về chăm sóc, phòng, chống sâu bệnh, kích thích ra hoa, đậu quả, nên cây nào cũng sai trĩu trịt. Vụ này, dự kiến thu hoạch 35 tấn quả, doanh thu khoảng 800 - 900 triệu đồng.

Không ngừng nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm là mục tiêu mà gia đình anh Bùi Văn Dũng, cán bộ khuyến nông của xã đang hướng tới. Anh Dũng cho biết: Gia đình có 2.000 m2 trồng nhãn. Diện tích này trước đây chủ yếu trồng mía tím, thu nhập năm được, năm mất. Năm nay, vườn nhãn cho sản lượng khoảng 7 - 8 tấn, tăng hơn 3 tấn so với năm ngoái. Qua nhiều năm cho thấy, cây nhãn có thu nhập cao hơn nhiều so với trồng màu, tuy nhiên lại đòi hỏi tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật và khâu chăm sóc để đảm bảo quả to, đều, mẫu mã đẹp, ngọt sắc.

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh, gia đình đã đầu tư sản xuất theo quy trình VietGAP, trong đó, thực hiện chặt chẽ việc ghi sổ nhật ký đầy đủ, ngày nào bón phân, phun thuốc, lượng thuốc, thời gian cách ly trước khi cung cấp ra thị trường...

“Chúng tôi đang hướng tới sản phẩm có mã QR, mã vạch để khi người tiêu dùng check in bằng điện thoại thì biết được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Việc làm này nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường ngày càng khó tính và mong thời gian tới phẩm sản nhãn Sơn Thủy có thể xuất khẩu để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”, anh Dũng cho biết.

Nhãn Sơn Thủy vỏ mỏng, cùi dày, không bị ướt, ngọt đậm, vị thơm nên được người tiêu dùng ưu chuộng. Cứ vào vụ là tư thương từ Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An, Hải Phòng tấp nập đến thu mua.

Ông Bạch Công Lương, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Sơn Thủy là xã thuần nông. Từ quy mô nhỏ hẹp, đến nay, toàn xã đã có 140 ha nhãn và gần 200 ha cây ăn quả các loại. Theo đánh giá, khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây phù hợp với trồng nhãn nên bà con đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, đất trống, đồi thấp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là trồng nhãn, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. Năm 2016, nhãn Sơn Thủy được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đồng thời, 34 ha nhãn của 41 hộ thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy được Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật trao giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Nhờ đó, cây trồng này ngày càng có tiếng trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Nhằm mở rộng vùng sản xuất tập trung, hàng năm, xã có kế hoạch trồng mới từ 3-5 ha và đang triển khai chương trình trồng nhãn sạch theo tiêu chuẩn VietGAP để giữ được thương hiệu trên thị trường và đảm bảo phát triển bền vững. Sau khi chương trình trồng nhãn VietGAP hoàn thành, xã sẽ triển khai tiếp chương trình đăng ký mã số, mã vạch để truy suất nguồn gốc nhằm giữ uy tín lâu dài, góp phần nâng cao thu nhập cho các gia đình.

Trồng chanh leo hiệu quả ở Quang Huy

Một năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở bản Nà Xá xã Quang Huy (Phù Yên, Sơn La) đã chuyển đổi sang trồng cây chanh leo trên diện tích trồng các loại cây lâu năm kém hiệu quả, bước đầu đem lại nguồn thu nhập khá, mở ra hướng phát triển kinh tế mới.

 

chanh-leo.jpg

Người dân bản Nà Xá, xã Quang Huy (Phù Yên) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây chanh leo. Ảnh: Báo Sơn La

 

Đến bản Nà Xá mùa này, khi vườn chanh leo của các gia đình đang độ ra hoa, hầu như nhà nào cũng tập trung bón phân, làm cỏ cho cây. Trò chuyện với anh Đinh Văn Thiết, người đầu tiên đưa cây chanh leo về trồng tại bản, anh cho chúng tôi hay: Thấy ở Mường Do người dân trồng loại cây này đem lại hiệu quả kinh tế cao, tôi liền đến tận nơi học hỏi kinh nghiệm, về bản vận động 6 hộ khác chung vốn, góp sức trồng 600 gốc chanh leo trên 7.000m2 đất.

Đến nay, chanh leo đã thu hoạch được 2 lứa, sản lượng 8 tấn quả, bán được 125 triệu đồng. Cũng diện tích này, trước đây trồng cây keo chỉ thu trên 9 triệu đồng thôi. Chúng tôi dự tính từ giờ đến đầu năm sau thu hoạch 3-4 lứa nữa, mỗi lứa chừng 4-5 tấn quả. Thấy mô hình đem lại hiệu quả, nhiều bà con trong bản, trong xã đã đến học hỏi kinh nghiệm để mở rộng sản xuất.

Đưa cho chúng tôi xem những quả chanh leo mới hái, ông Đinh Công Vinh, một trong những thành viên tham gia mô hình chanh leo ở bản, nói: Chanh leo hợp đất đai, khí hậu ở đây, lại được chăm sóc tốt nên quả to, vỏ màu đỏ thẫm, có mùi thơm đậm đà và ngọt hơn các vùng khác. Năng suất cao, mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo nên được khách hàng ưa chuộng. Các hộ gia đình cũng đã mang sản phẩm chanh leo tham gia các hội chợ thương mại nông sản tổ chức trên địa bàn huyện, Mộc Châu và tỉnh. Vào vụ thu hoạch, do chưa ký hợp đồng với Công ty Nafood Tây Bắc nên các hộ gia đình bán trực tiếp cho thương lái, giá có cao hơn nhưng theo tôi như thế không ổn định. 

Lào Cai đạt 105,2% kế hoạch trồng rừng năm 2019

Theo kế hoạch năm 2019, toàn tỉnh sẽ trồng mới 2.500 ha rừng, gồm huy động xã hội hóa trồng rừng sản xuất 1.300 ha, trồng lại rừng 1.200 ha. Riêng trong tháng 7, toàn tỉnh trồng mới 261 ha rừng, lũy kế 7 tháng trồng được 2.631,2 ha, đạt 105,2% kế hoạch năm. Các giống cây lâm nghiệp được đưa vào trồng chủ yếu là quế, trẩu, keo, bồ đề.

 

trong-rng.jpg

Nông dân huyện Bắc Hà chăm sóc vườn ươm quế. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Năm 2019, tỉnh Lào Cai không đặt mục tiêu phải trồng nhiều diện tích rừng, do nguồn vốn Trung ương đầu tư cho trồng rừng đến nay không còn và hiện độ tán che phủ rừng của đã đạt 55,2%. Đây là mức cao so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước (tỷ lệ che phủ rừng chung toàn quốc đạt 41,65%). Do đó, chủ trương của tỉnh là tập trung vào việc chăm sóc nhằm nâng cao chất lượng rừng và tập trung cho chế biến lâm sản.

Cùng với việc trồng rừng, lực lượng chức năng của tỉnh đã phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong 7 tháng năm 2019, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và xử lý 72 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, giảm 44 vụ so với cùng kỳ năm 2018. Tang vật, phương tiện tịch thu gồm 87,9 mét khối gỗ các loại; xử phạt thu nộp vào ngân sách nhà nước gần 654 triệu đồng.

Điện Biên: Hơn 1.820ha lúa mùa nhiễm sâu bệnh

Vụ mùa năm 2019, toàn tỉnh gieo cấy trên 19.140ha lúa nước. Thời điểm này, thời tiết diễn biến thất thường, sáng sớm có sương mù nhẹ, mưa, đến trưa, chiều trời nắng đã tạo điều kiện thuận lợi cho tập đoàn rầy, sâu cuốn lá nhỏ... lây lan trên diện rộng và các bệnh: Ðạo ôn, khô vằn, bạc lá, đốm nâu, chuột... gây hại.

 

dien-bien.jpg

Người dân xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) thăm đồng, kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa mùa. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ.

 

Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay toàn tỉnh có hơn 1.820ha lúa mùa nhiễm sâu bệnh, diện tích nhiễm nặng trên 50ha, diện tích cần phòng trừ 661ha. Trong đó, diện tích lúa mùa bị bệnh khô vằn hơn 690ha; chuột phá hại trên 312ha; bệnh đạo ôn lá trên 280ha và tập trung nhiều nhất tại các huyện: Ðiện Biên, TP. Ðiện Biên Phủ, Mường Chà, Mường Ảng, Tuần Giáo...

Trước tình hình thời tiết phức tạp, sâu bệnh có khả năng phát triển, gây hại trên diện rộng, Chi cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo các địa phương tập trung chỉ đạo người dân thường xuyên thăm đồng, nắm tình hình sâu bệnh hại trên lúa; chủ động phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, không để phát sinh ra diện rộng. 

 

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top