Huyện Bắc Yên (Sơn La) có trên 2.500 ha cây sơn tra, trong đó hơn 1.500 ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân hàng năm đạt 15 tạ/ha.
Năm nay, những diễn biến bất thường của thời tiết đã làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện, bà con các xã vùng cao, trồng cây sơn tra với diện tích lớn, đang triển khai nhiều biện pháp để giữ được năng suất, chất lượng quả sơn tra.
Xã Hang Chú là địa phương có diện tích sơn tra lớn nhất của huyện Bắc Yên, với 1.160 ha. Theo tỉnh lộ 112 dẫn đến xã Hang Chú mùa này, màu xanh của cây sơn tra trải dài ngút tầm mắt, phủ xanh núi đồi. Sơn Tra sẽ chín rộ vào tháng 9-10 hằng năm, vào thời điểm này, quả phát triển nhanh nhất và cũng dễ rụng nhất, do những thay đổi bất thường của thời tiết, nên cần có biện pháp chăm sóc phù hợp. Theo người dân, để cây đạt chất lượng quả tốt nhất cần phải thường xuyên phát dọn thực bì, cây bụi, dây leo lên cây sơn tra, xới, vun đất xung quanh gốc, làm rào ngăn cách không để vật nuôi lại gần khu vực trồng cây.
Anh Giàng A Chinh, Giám đốc HTX sơn tra Nậm Lộng, cho biết: Nậm Lộng có trên 500 ha sơn tra, năm 2018, chúng tôi đã liên kết thành lập HTX sơn tra Nậm Lộng. Để giúp người dân và các thành viên có kiến thức chăm sóc cây sơn tra, tôi đã tìm mua các cuốn sách hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây và đến Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện học cách ươm cây giống, cải tạo, ghép mắt. Từ đó, về truyền đạt lại cho người dân trong bản và các thành viên HTX để triển khai ghép mắt, cải tạo lại những cây sơn tra đã thoái hóa. Còn thời điểm này, cây đang chuẩn bị cho thu hoạch, HTX tập trung hướng dẫn bà con phòng chống sâu bệnh, đảm bảo cây đạt năng suất cao nhất.
Chanh leo vàng Thái Bảo được giá
Trong 2 tuần trở lại đây, quả chanh leo vàng Thái Bảo (hay còn gọi là chanh leo ngọt) của nông dân Thuận Châu (Sơn La) được rất nhiều tư thương đặt mua, cung không đủ cầu.
Vườn chanh leo vàng Thái Bảo tại xã Phổng Lái (Thuận Châu) đang vào vụ thu hoạch. Ảnh: Báo Sơn La
Những ngày này, hơn 20 hộ đa phần là đồng bào dân tộc Mông của xã Phổng Lái, thành viên của HTX Chanh leo Thuận Châu đang vui mừng bước vào vụ thu hoạch chanh leo vàng Thái Bảo. Đối với nhiều địa phương trong tỉnh, chanh leo vàng Thái Bảo không phải là loại cây quá lạ lẫm.
Tuy nhiên, trên đất Phổng Lái thì đây là niên vụ đầu tiên, giống chanh leo vàng Thái Bảo được đưa vào trồng. Mùa đầu tiên bén rễ, nhưng đã cho thu hoạch chất lượng quả vượt trội. Trung bình cây cho thu hoạch trên 70 quả, mỗi quả nặng 200 gam. Tư thương trên địa bàn trong và ngoài tỉnh hằng ngày đến thu mua tận vườn với giá 25.000 đồng/kg, mang lại niềm vui lớn cho bà con.
Tìm hiểu lý do vì sao quả chanh leo vàng Thái Bảo Sơn La đang được tư thương lùng mua, bà con cho biết: Đây là giống chanh mới, có vị ngọt, khi ăn chỉ cần cắt đôi quả và lấy thìa múc ăn trực tiếp hoặc dùng để pha thức uống có vị ngọt mát, mùi thơm hấp dẫn.
Quả chanh leo vàng Thái Bảo có chứa nhiều chất dinh dưỡng: Photpho, magie, sắt..., đặc biệt, sử dụng 1 thìa dịch chanh leo vàng trưng cùng với mật ong, húng chanh và bạc hà sẽ giúp đẩy lùi cơn ho, cảm; thường xuyên sử dụng chanh leo còn giúp người bị mất ngủ, rối loạn giấc ngủ có được giấc ngủ ngon hơn. Thời tiết đang bước vào giai đoạn giao mùa, với vị thơm ngon, ngọt và những ưu điểm vượt trội của chất dinh dưỡng có trong quả chanh leo vàng, chính là yếu tố góp phần đẩy giá chanh vàng Thái Bảo lên cao hơn cả chục giá so với chanh leo thường.
Chanh leo vàng Thái Bảo là cây trồng mới phù hợp với thời tiết, khí hậu Thuận Châu, bước đầu đem lại giá trị kinh tế cao. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần có hướng quy hoạch, phát triển bền vững và xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết đối với sản phẩm chanh leo vàng Thái Bảo, nhằm mục đích đưa sản phẩm quả chanh leo vàng xuất ngoại, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho nhân dân, tránh được mùa lại mất giá.
Bát Xát: Chỉ đạo nhân dân dừng thu hoạch củ hoàng sin cô non
Thời điểm này cây hoàng sin cô đang trong giai đoạn quan trọng để sinh trưởng và phát triển, tích tụ dưỡng chất trong củ. Theo ngành nông nghiệp huyện Bát Xát (Lào Cai), củ hoàng sin cô chỉ đảm bảo năng suất, chất lượng nếu được thu hoạch đúng thời vụ (25 – 30/10).
Hoàng sin cô mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với những cây trồng truyền thống như ngô, lúa. Ảnh: Báo Lào Cai
Tuy nhiên, thời điểm này một số gia đình đã và đang thu hoạch non, hoặc đào chọn củ hoàng sin cô to để bán ra thị trường. Việc làm này ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của củ hoàng sin cô; mất uy tín trên thị trường theo đăng ký và công bố chất lượng sản phẩm củ hoàng sin cô.
Trước thực trạng này, UBND huyện Bát Xát yêu cầu Chủ tịch UBND các xã: Trịnh Tường, A Lù, Y Tý chỉ đạo nhân dân dừng ngay việc thu hoạch non củ hoàng sin cô. Khi đến thời điểm thu hoạch củ hoàng sin cô, ngành nông nghiệp huyện Bát Xát sẽ thông báo rộng rãi đến nhân dân, đồng thời tổ chức liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm.
Được biết, trong những năm qua, cây hoàng sin cô được trồng nhiều ở các xã: Trịnh Tường, A Lù, Y Tý, diện tích trên 200 ha. Cây hoàng sin cô rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của nhiều xã trên địa bàn huyện Bát Xát, năng suất khoảng 15 – 20 tấn/ha, giá bán tại ruộng khoảng 8 – 10 nghìn đồng/kg. Củ hoàng sin cô hiện được thương lái đến tận ruộng thu mua đem đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành trong cả nước, mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với những cây trồng truyền thống như ngô, lúa.
Hiệu quả giống lúa thuần HANA 112 ở Liễu Đô
Các đại biểu và nông dân tham quan mô hình trình diễn giống lúa thuần HANA 112 vụ xuân 2020 ở thôn Đồng Tâm, xã Liễu Đô, huyện Lục Yên. Ảnh: Báo Yên Bái
Vụ xuân năm 2020, thôn Đồng Tâm, xã Liễu Đô, huyện Lục Yên (Yên Bái) được Công ty TNHH Hạt giống HANA phối hợp với Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Lục Yên lựa chọn xây dựng mô hình trình diễn giống lúa thuần HANA 112 trên quy mô diện tích 5 sào.
Giống lúa HANA 112 tính từ ngày gieo mạ đến ngày thu hoạch, giống lúa này có thời gian sinh trưởng và phát triển là 128 ngày.
Trong vụ xuân năm 2020, tình hình thời tiết có nhiều biến động. Giai đoạn cây lúa đẻ nhánh, thời tiết thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.
Giai đoạn cây lúa làm đòng, có lúc thời tiết lạnh, ảnh hưởng đến quá trình hình thành bông. Giai đoạn cây lúa trỗ, thời tiết tương đối thuận lợi cho việc trỗ bông, phơi màu. HANA 112 ở vụ xuân 2020 không nhiễm đến nhiễm nhẹ các loại sâu bệnh hại chính. Giống nhiễm nhẹ bệnh khô vằn, đạo ôn, rầy nâu nhẹ hơn so với Bắc thơm số 7 tại địa phương.
Ông Trần Quốc Toản - hộ nông dân thực hiện mô hình cho biết: "Cùng điều kiện chăm sóc, giống lúa HANA 112 nhiễm nhẹ sâu bệnh hại hơn so với đối chứng Bắc thơm số 7. Khi phun thuốc phòng trừ đạo ôn và khô vằn, đối với giống HANA 112 chỉ cần phun 1 lần so với đối chứng phải phun nhắc lại lần 2. Thực tế khi trồng lúa HANA 112 thì giảm được chi phí đối với thuốc bảo vệ thực vật và công phun thuốc của gia đình”.
Theo tính toán cụ thể của 1 sào lúa HANA 112 so với giống đối chứng Bắc thơm số 7 thì có chi phí ít hơn, giá thóc bán cao hơn nên có lợi nhuận cao hơn là 662.000 đồng/sào.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…