Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 12 tháng 1 năm 2019 | 16:39

Tin NN Tây Bắc: San Thàng mở rộng diện tích trồng hoa

5 năm qua, diện tích hoa, cây cảnh của xã San Thàng (Lai Châu) đã tăng trên 60%. Nghề trồng hoa, cây cảnh đang có sức hút mạnh mẽ, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân nơi đây.

 

002.JPG
Ảnh: Báo Lai Châu

Phó Chủ tịch UBND xã San Thàng Đào Mạnh Sơn cho biết, vài năm trở lại đây, San Thàng đã trở thành vùng trồng hoa, cây cảnh lớn nhất thành phố Lai Châu. Nhận thức được việc trồng hoa, cây cảnh đang mở ra tiềm năng lớn, mang lại thu nhập cao cho người dân, trung bình mỗi hécta hoa thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí đầu tư mỗi hécta hoa lãi từ 400-450 triệu đồng/ha.

Vì vậy, trong những năm qua cấp ủy chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng thâm canh tập trung và sản xuất hàng hóa, nhờ đó mà diện tích trồng hoa của xã tăng mạnh từ 6ha năm 2017 đến nay lên gần 50ha. Những hộ dân chưa có kinh nghiệm trồng, kinh doanh hoa, cây cảnh thì cho các chủ vườn hoa thuê lại ruộng canh tác, rồi đi làm thuê cũng có nguồn thu nhập ổn định và học được kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa… Đây là nền tảng để chính quyền xã cùng Nhân dân địa phương đầu tư quy hoạch và mở rộng diện tích trồng hoa. Đồng thời, đầu tư hệ thống kênh mương, tưới tiêu, kéo điện ra đồng để sản xuất.

Hỗ trợ nông dân Cốc Ly trồng 5ha cây dược liệu dưới tán rừng

Để giúp người dân có thêm thu nhập từ việc bảo vệ rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đã xây dựng mô hình hỗ trợ nông dân xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà trồng 5 ha cây dược liệu dưới tán rừng.

001.jpg
Ảnh: Báo Lào Cai

 

Mô hình được thực hiện với sự liên kết của các hộ dân thôn Cốc Sâm, xã Cốc Ly với Hợp tác xã Bảo Lâm (xã Bảo Nhai, Bắc Hà). Theo đó, Hợp tác xã sẽ hỗ trợ người dân 100% giống cây dược liệu, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ. Các loại cây dược liệu được lựa chọn ban đầu gồm: Cây mía giò, giảo cổ lam, núc nác và cây bò khai. Hiện, nhân dân thôn Cốc Sâm đã bắt đầu trồng cây dược liệu.

Qua khảo sát, xã Cốc Ly là địa bàn có thế mạnh về rừng tự nhiên, dưới tán rừng có nhiều loài cây dược liệu quý đang được người dân khai thác như: Giảo cổ lam, hà thủ ô, ấu tàu, mộc hương và các nhóm cây thuốc tắm của người Dao…

Được biết, trong thời gian tới để tiếp tục mở rộng mô hình, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ lập quy hoạch tổng thể về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trong tự nhiên, hỗ trợ kinh phí theo hướng phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị nâng cao sinh kế cho người dân gắn với quản lý rừng bền vững tại xã Cốc Ly.

Mô hình được thực hiện sẽ giúp nhân dân xã Cốc Ly có thêm thu nhập từ rừng để vươn lên thoát nghèo, đồng thời nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng tự nhiên đầu nguồn, đặc biệt là rừng gỗ trai, gỗ nghiến nghìn năm tuổi.

Xã Tuân Lộ mở rộng diện tích cây có múi

Năm 2010, nhiều hộ dân xã Tuân Lộ (Tân Lạc, Hòa Bình) đã mạnh dạn cải tạo diện tích vườn tạp để thí điểm phát triển mô hình trồng cây có múi, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực. Đến hết năm 2018, toàn xã đã mở rộng được gần 50 ha cây có múi, trong đó diện tích trong thời kỳ kinh doanh đạt khoảng 20 ha. Cây có múi đã giúp nhiều hộ dân có thu nhập khá, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống. Năm 2018, thu nhập bình quân toàn xã đạt 31 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 16,33%.

 

003.jpg
Ảnh: Báo Hòa Bình

Đồng chí Bùi Đình Đinh, Chủ tịch UBND xã Tuân Lộ cho biết: "Nhận thấy một số hộ gia đình tiên phong trồng cây có múi cho thu nhập khá, từ năm 2016 đến nay, cây có múi được người dân trong xã lựa chọn là cây trồng mũi nhọn. Theo đánh giá, địa phương hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi để phát triển cây có múi như điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn nước tưới dồi dào. Hệ thống các trục đường giao thông liên xã, liên xóm được đầu tư cứng hóa đồng bộ dẫn ra quốc lộ 6, tạo điều kiện thuận lợi cho tư thương dễ thu mua, vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, một số hộ gia đình phát triển quy mô nhỏ lẻ thường tiêu thụ sản phẩm tại các chợ trong vùng và các khu vực lân cận như chợ Lồ (xã Phong Phú), chợ Phú Cường (xã Phú Cường). 

Dự kiến trong khoảng 3- 4 năm nữa, hầu hết các vườn cây có múi trên địa bàn xã sẽ cho thu hoạch sản phẩm. Tuy nhiên, với thị trường hiện không đủ để tiêu thụ toàn bộ diện tích cây ăn quả tại địa phương. Chính vì vậy, chính quyền xã mong muốn các ban, ngành, đoàn thể quan tâm, hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục tạo điều kiện cho các hộ  được tiếp cận nguồn vốn, giống, kỹ thuật. Qua đó phát triển hiệu quả mô hình trồng cây có múi, nâng cao thu nhập và góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH. 

Thanh Sơn phát triển sản xuất chè theo hướng an toàn

Thanh Sơn (Phú Thọ) hiện có trên 2.400ha chè, trong đó diện tích chè trong dân là 1.900ha, còn lại là của các doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến; năng suất chè búp tươi bình quân đạt 15,3 tạ/ha, sản lượng đạt 36.700 tấn. Chè, được trồng tập trung chủ yếu ở các xã Địch Quả, Võ Miếu, Văn Miếu, Thục Luyện, Sơn Hùng...

 

004.JPG

Ảnh: Báo Phú Thọ

Để đẩy mạnh phát triển sản xuất chè an toàn, cấp ủy, chính quyền huyện Thanh Sơn luôn chú trọng quy hoạch vùng nguyên liệu chất lượng phục vụ chế biến; tập trung phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, mở rộng diện tích trồng chè theo các tiêu chuẩn chất lượng cao như: VietGAP, UTZ, Rainforest Alliance… kết hợp các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), áp dụng sản xuất hữu cơ. Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây chè, nâng cao chất lượng, giá trị đầu vào phục vụ chế biến, huyện đưa các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao như LDP1, LDP, PH11, Kim Tuyên, Phúc Văn Tiên, Bát Tiên… trồng thay thế các giống chè kém hiệu quả. 

Ông Kiều Đức Mạnh - Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: Để khắc phục những khó khăn trên, huyện đang tập trung mở rộng diện tích các vùng sản xuất chè an toàn theo các tiêu chuẩn chất lượng cao, áp dụng phương pháp IPM. Thời gian tới, Phòng NN&PTNN sẽ tập trung tuyên truyền, khuyến khích người dân đầu tư thâm canh, chủ động ứng dụng tiến bộ KH-KT, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, chế biến. Đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất, chế biến chè, tập trung xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất.

Những mô hình thâm canh tăng năng suất mía ở Tuyên Quang

Niên vụ 2018 - 2019, toàn tỉnh có 8.251 ha mía nguyên liệu cho thu hoạch. Thời điểm này, mía đã chín, hai nhà máy của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương bắt đầu thu mua mía nguyên liệu. So với các vụ trước, năm nay mía có năng suất, chất lượng cao hơn do triển khai nhiều mô hình thâm canh hiệu quả.

 

005.jpg
Ảnh: Báo Tuyên Quang

Các huyện đã thực hiện 76 mô hình thâm canh tăng năng suất mía, cánh đồng mía lớn với tổng diện tích thực hiện 307 ha, trong đó nhiều nhất là huyện Sơn Dương 37 mô hình, diện tích 106,7 ha; huyện Chiêm Hóa 26 mô hình, diện tích 54,4 ha; Hàm Yên 13 mô hình, diện tích 146 ha... Dự kiến năng suất mía tại các mô hình đạt từ  80 tấn/ha trở lên; các mô hình chủ yếu là giống mía mới, chăm sóc sớm, tưới ẩm, cánh đồng mía lớn.

Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương thực hiện tốt các chính sách đầu tư về giống, vật tư phân bón và kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây mía, chú trọng việc đưa các giống mía mới có năng suất cao vào trồng đại trà. Tổng số tiền công ty đã đầu tư cho toàn vùng nguyên liệu của 2 nhà máy niên vụ này là trên 86,34 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty khẳng định, để kịp thời vận chuyển mía sau thu hoạch cho người dân, công ty đã bố trí 460 xe vận chuyển mía; thời điểm hiện tại công suất ép của hai nhà máy đạt gần 6.000 tấn mía/ngày. Công ty xây dựng phương án thu mua, vận chuyển mía với 3 kỳ, phấn đấu thu hoạch hết sản lượng dự kiến 457.516 tấn mía nguyên liệu toàn tỉnh trong quý I-2019.

 

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

Top