Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 1 tháng 9 năm 2020 | 14:16

Tin NN Tây Bắc: Văn Bàn mở rộng diện tích măng đặc sản

Mùa nào Văn Bàn (Lào Cai) cũng có măng. Mùa măng vầu kéo dài từ tháng 10 âm năm trước đến tháng 3 năm sau; mùa măng sặt bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 5; hết mùa măng sặt là đến mùa măng mai, măng tre, măng nứa kéo dài đến hết tháng 9.

mang.jpg
Nhiều gia đình ở xã Dần Thàng có thu nhập ổn định từ thu hoạch măng sặt. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn cho biết: Điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác là lợi thế để Văn Bàn trồng măng đặc sản. Thực tế 5 năm gần đây, huyện đã đầu tư phát triển măng đặc sản thành sản phẩm hàng hóa, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Văn Bàn, huyện có gần 4 nghìn ha cây vầu, 6 trăm ha cây sặt và cây bói (măng bói); 40 ha cây mai, nứa. Mỗi năm, người dân trên địa bàn huyện khai thác và cung cấp ra thị trường gần 1 nghìn tấn măng sặt, măng bói; khai thác có kiểm soát khoảng 1,5 nghìn tấn măng vầu. Thu nhập mỗi năm từ khai thác măng vầu, măng bói và măng sặt khoảng 35 tỷ đồng.

Xã Khánh Yên Thượng có diện tích măng bói nhiều nhất huyện (50 ha). Măng bói đã trở thành nông sản chủ lực của xã, giúp nhiều hộ làm giàu. Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Khánh Yên Thượng cho biết: Là địa phương đầu tiên của huyện phát triển măng bói theo hướng sản xuất hàng hóa, đến nay xã có 30/50 ha cây bói cho thu hoạch măng. Trong chủ trương phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025, xã phấn đấu mỗi năm trồng 20 ha cây bói, phấn đấu có khoảng 200 ha măng bói.

Chủ trương của xã được người dân ủng hộ bởi thực tế có nhiều hộ trong xã làm giàu từ cây trồng này. Đơn cử như gia đình ông Phan Văn Chế, thôn Văn Tiến đã trồng 1,2 nghìn khóm măng bói (4 ha), mỗi vụ cho thu hoạch 36 tấn măng bói, thu nhập hơn 500 triệu đồng. Ông Chế cho biết: Gia đình tôi đã trồng nhiều loại cây nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi đầu tư trồng măng bói, gia đình tôi có thu nhập cao, trở thành hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện thì Huyện ủy Văn Bàn đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển nông - lâm nghiệp trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt. Trong nghị quyết này, một trong những nội dung mà Văn Bàn đề nghị là tỉnh cho phép mở rộng diện tích thành vùng hàng hóa và xây dựng thương hiệu măng đặc sản. Mục tiêu Văn Bàn đặt ra đến năm 2025 có 1 nghìn ha cây sặt và cây bói, sản lượng khoảng 3 nghìn tấn măng (giá trị thu nhập đạt khoảng 80 - 100 triệu đồng/ha); khoanh nuôi bảo vệ 4 nghìn ha cây vầu, sản lượng khai thác có kiểm soát hơn 5 nghìn tấn.

Nậm Mạ phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện

Tận dụng diện tích mặt nước lớn của lòng hồ thủy điện Sơn La, ngoài đánh bắt, nhiều hộ dân xã Nậm Mạ, huyện Sìn Hồ đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống lồng bè để nuôi các loại cá. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần giảm nghèo trên địa bàn.

 

thuy-san.jpg

Người dân bản Sông Đà, xã Nậm Mạ chăm sóc cá lồng. Ảnh: Báo Lai Châu

 

Đến thăm lồng nuôi cá của gia đình anh Lò Văn Thoai - bản Sông Đà, nhìn những con cá đua nhau ăn cám, anh Thoai phấn khởi chia sẻ: “Từ khi hình thành vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, đất sản xuất ít vì vậy gia đình tôi đầu tư nuôi cá lồng, duy trì nuôi khoảng 5-6 lồng cá trên mặt nước của vùng lòng hồ. Với những loại cá: chép, chê, lăng, rô phi đơn tính. Để cá khỏe mạnh đem lại thu nhập trong quá trình nuôi tôi tích cực chăm sóc, chủ động vệ sinh lồng sau mỗi đợt thu hoạch nhằm phòng chống dịch bệnh trên đàn cá. Sử dụng những loại tôm, cá bé đánh bắt được ở hồ làm thức ăn cho cá; lựa chọn những địa chỉ tin cậy để mua cám cho cá ăn.

Nhờ đó, cá lớn nhanh, không bị dịch bệnh. Trung bình mỗi năm từ tiền bán cá gia đình thu về khoảng 60-80 triệu đồng. Hiện mặt nước lòng hồ đang rút, tôi nuôi cá số lượng ít phục vụ ăn là chủ yếu và chú trọng khâu giữ gìn vệ sinh lồng, khoảng tháng 10 nước dâng sẽ đầu tư nuôi cá với số lượng lớn phục vụ nhu cầu tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên đán”.

Nậm Mạ có 4 bản với 391 hộ. Đất sản xuất ít, diện tích tự nhiên chỉ hơn 3.000ha, chủ yếu là vùng lòng hồ thủy điện. Là xã thuần nông, do đó để nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho Nhân dân trên địa bàn, xã đã vận động người dân tận dụng lợi thế của vùng lòng hồ để phát triển kinh tế.

Ông Hồ Văn Thơi - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã tích cực tuyên truyền, vận động bà con mạnh dạn đầu tư thuyền bè, ngư cụ đánh bắt tôm, cá và nuôi cá lồng trên lòng hồ để có nguồn thu nhập ổn định. Nhằm hỗ trợ người dân về kiến thức trong nuôi cá, xã đã phối hợp với phòng Nông nghiệp và Nông thôn huyện tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng cho các hộ nuôi cá trên địa bàn. Chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể xã ký ủy thác với các Ngân hàng tạo điều kiện cho người dân vay vốn đầu tư nuôi cá, vận động người dân đầu tư khoanh nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ”.

Đến nay, trên địa bàn xã có 37 hộ nuôi cá lồng với 162 lồng nuôi các loại cá như: trắm, trôi, chê lai, rô phi đơn tính... tập trung nhiều ở bản Sông Đà, Co Lẹ, Huổi Ca. Sản lượng cá nuôi trung bình đạt khoảng 0,5 đến 1 tấn/lồng/năm, ước tổng giá trị hằng năm là trên 3 tỷ đồng và là xã có số lượng lồng nuôi cá trên lòng hồ lớn nhất của huyện.

Từ việc nuôi thủy sản trên lòng hồ thủy điện đã giúp người dân xã Nậm Mạ có thêm việc làm, tạo thu nhập, nâng cao mức sống. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 21,4% (năm 2015) xuống còn 11,08 % (cuối năm 2019); thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/năm, đời sống người dân ngày càng phát triển, góp phần giảm nghèo bền vững.

Công nhận 18 cây hồng không hạt đầu dòng

Sau 3 năm (2016 - 2019) theo dõi sinh trưởng của cây hồng không hạt cổ thụ tại thôn Khau Bút, xã Cao Thượng (Ba Bể), Hội đồng bình tuyển cây hồng không hạt đầu dòng- Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Kạn vừa tiến hành bình tuyển, công nhận 18 cây đạt tiêu chuẩn đầu dòng.

 

hong-k-hat.jpg

Cán bộ sở NN&PTNT kiểm tra sinh trưởng của cây hồng không hạt. Ảnh: Báo Bắc Kạn

 

Dựa trên báo cáo kết quả theo dõi, kiểm tra, thẩm định tại thực địa đối với 23 cây hồng không hạt của hộ bà Vương Thị Hà, tại thôn Khau Bút, xã Cao Thượng và đề nghị bình tuyển của tổ thẩm định, Hội đồng bình tuyển đã tiến hành bình tuyển và thống nhất công nhận 18/23 cây đạt tiêu chuẩn cây đầu dòng. Tất cả các cây hồng không hạt đầu dòng này sẽ được phép khai thác mắt ghép và chiết cành, cung cấp giống cây hồng không hạt phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Tuyên Quang: 861 ha lúa mùa bị nhiễm bệnh khô vằn

Báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh sâu, bệnh hại lúa mùa đang có xu hướng gia tăng, nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình làm đòng, trỗ bông, phơi màu của lúa.

 

lua-bị-sau-benh.jpg

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra sâu, bệnh hại. Ảnh: Báo Tuyên Quang

 

Hiện, Tuyên Quang đã ghi nhận 861 ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn, 48 ha nhiễm bệnh đốm sọc vi khuẩn, 30,5 ha nhiễm bệnh bạc lá, 26 ha nhiễm rày nâu, rày lưng trắng...

Diện tích lúa bị nhiễm sâu, bệnh hại tập trung nhiều nhất tại huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, Yên Sơn và Hàm Yên.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố tăng cường điều tra, dự tính, dự báo, hướng dẫn bà con phòng, trừ hạn chế sâu, bệnh hại lan rộng, bảo vệ năng suất, sản lượng lúa mùa. 

 

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top