Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019 | 13:31

Tin NN: Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ dự kiến tăng khoảng 5%

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 10 tăng 4,8% đạt 71,3 triệu USD. Lũy kế 10 tháng, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 548,2 triệu USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

xk-thuy-san1-1574840139984599443941-crop-15748401487521486344163.jpg
Chế biến tôm phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: IT)

 

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, sau khi giảm trong tháng 9/2019, xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 10 tiếp tục giảm tuy nhiên mức giảm đã chậm hơn so với tháng 9.

Cụ thể, trong tháng 10/2019, xuất khẩu tôm Việt Nam giảm nhẹ 0,8% đạt 345,2 triệu USD. Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 2,8 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính tới tháng 10 năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất (EU) tăng trưởng dương duy nhất trong tháng 7, các tháng còn lại đều tăng trưởng âm. Tháng 10/2019, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt hơn 67,4 triệu USD, giảm 11,6% so với tháng 10/2018. Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang EU đạt 580,8 triệu USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 3 thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam trong khối EU (Anh, Hà Lan, Đức), xuất khẩu sang Anh và Hà Lan giảm 2 con số, lần lượt 15,5% và 37,6%, xuất khẩu sang Đức giảm 5,6%.

Tôm chân trắng là sản phẩm chủ đạo xuất khẩu sang EU, chiếm tỷ trọng 79,5% tổng các sản phẩm tôm xuất sang EU, tôm sú chiếm 12,6%, còn lại là các sản phẩm tôm biển. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm tôm chân trắng sang EU trong 10 tháng đầu năm nay giảm mạnh hơn giá trị xuất khẩu tôm sú sang thị trường này.

EU chiếm khoảng 31% tổng nhập khẩu tôm thế giới và chiếm 21% xuất khẩu tôm của Việt Nam. VASEP cho rằng nếu biết tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU, áp dụng hiệu quả quy tắc xuất xứ, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU sẽ có cơ hội gia tăng từ năm 2020. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường này trong nửa cuối năm chưa thể phục hồi.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 10 tăng 4,8% đạt 71,3 triệu USD. Lũy kế 10 tháng, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 548,2 triệu USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam sau EU, chiếm 19,7% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm chân trắng lớn nhất Việt Nam. Về cơ cấu xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ, tôm chân trắng chiếm tỷ trọng lớn 83,3%, tôm sú chỉ chiếm 12,6%. 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh sang Mỹ tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả khả quan về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ trong POR 13 đã góp phần tạo động lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường này. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ dự kiến tăng khoảng 5% trong quý cuối năm nay.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 10/2019 đạt 56,3 triệu USD, tăng 20,4%. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất trong số 6 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam. Tính tới tháng 10 năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 438,6 triệu USD, tăng 8,7%.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc từ nay đến cuối năm dự kiến vẫn duy trì đà tăng trưởng do nhu cầu nhập khẩu tôm từ Trung Quốc vẫn cao để phục vụ Tết Nguyên đán.

Theo VASEP tôm có chiều hướng khả quan hơn tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản vào những tháng cuối năm khi lượng tồn kho giảm. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường EU những tháng cuối năm chưa thể phục hồi. Cạnh tranh về giá tôm vẫn là áp lực lớn đối với doanh nghiệp. VASEP dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam cả năm 2019 đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2018.

XK 10 tỷ USD, nhưng chỉ 5% nhân lực ngành gỗ có trình độ... đại học   

Thị trường xuất khẩu (XK) của ngành gỗ Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ khi XK trực tiếp sang 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đứng trước nhiều cơ hội và thị trường rộng lớn để tiêu thụ sản phẩm, nhưng một lo ngại không nhỏ với ngành này là đang thiếu hụt lao động trầm trọng.

 

xkgoalbg-15581519472361007840684-crop-1558151953117976144140-15691548273271152438510-crop-15691548326951387487553.jpg
Ảnh minh họa.

 

Hiện nay, đồ gỗ Việt Nam đã XK trực tiếp sang trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á và thứ nhất Đông Nam Á về kim ngạch XK đồ gỗ; chiếm 6% thị phần sản phẩm gỗ toàn cầu. Nhiều DN có nguồn vốn lớn, năng lực quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ mới nên bước đầu đã phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ.

Tại hội nghị “Xúc tiến đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam” tổ chức tại TP.HCM chiều 27/11, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Cao Chí Công nhận định, nhu cầu thị trường về gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản ngày càng cao nhưng trong thời gian qua, ngành gỗ vẫn chưa đáp ứng được.

Bước vào giai đoạn công nghiệp hóa nhưng ngành gỗ chỉ có khoảng 5% lao động có trình độ đại học, trên đại học, công nhân kỹ thuật chiếm khoảng 30%. Không chỉ thiếu trầm trọng lao động có trình độ cao, ngay cả lao động phổ thông cũng thiếu hụt một số lượng không nhỏ. Một số DN sản xuất tại Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM... thậm chí còn phải thuê nhân lực phổ thông ở nước ngoài về phục vụ sản xuất, chế biến.

Bên cạnh đó, mặc dù kim ngạch XK gỗ những năm vừa qua tăng trưởng cao nhưng chủ yếu nằm ở nhóm hàng gỗ nguyên liệu, đặc biệt là viên nén gỗ, dăm gỗ... trong khi số lượng rừng trồng có chất lượng, có chứng chỉ để đưa vào XK còn hạn chế. Theo ông Cao Chí Công, muốn cải thiện điều này thì phải cải thiện công tác giống. Ngoài ra, nếu muốn mở rộng được quy mô sản xuất, các DN buộc phải học cách thích ứng với các tiêu chuẩn, hiệp định của thế giới và vượt qua các rào cản thương mại.

Về chính sách đầu tư và thu hút đầu tư của ngành chế biến gỗ, lâm sản, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho rằng, những chính sách của Nhà nước trong việc thu hút đầu tư ngành chế biến gỗ tương đối đầy đủ, tuy nhiên việc tiếp cận, thực hiện những chính sách còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do Nhà nước không đủ kinh phí để thực hiện; điều kiện để được hưởng những chính sách này còn phức tạp, chưa hấp dẫn DN… Đặc biệt, Việt Nam có quá ít trung tâm nguyên liệu để phục vụ cho ngành gỗ.

Việt Nam cũng đã phê chuẩn và đang triển khai lộ trình của các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA... giúp thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của các nước tham gia hiệp định sẽ tiếp tục được cắt giảm hoặc xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa XK của Việt Nam. Thêm vào đó, Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA) đã được ký kết với các quốc gia tạo thuận lợi cho Việt Nam do lợi thế cắt giảm thuế quan, cam kết giảm thiểu các hàng rào phi thuế quan, cam kết giảm thiểu các hàng rào phi thuế quan. Đây đều là những cơ hội rất tốt để các DN gỗ Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.

Nho ba màu mang thu nhập ''khủng'' cho nông dân Ninh Thuận

Với ưu điểm vượt trội về chất lượng quả, trọng lượng, khi chín có màu đỏ vang đẹp mắt, giống nho mới NH 01-152 (còn gọi là nho ba màu) đang được thương lái thu mua tại vườn với giá dao động từ 100.000-120.000 đồng/kg.

 

ttxvnnho.jpg
Nho ba màu chuẩn bị cho thu hoạch. (Ảnh: Nguyễn Thành)

 

Nho được giá cao và ổn định nên bà con nông dân ở Ninh Thuận phấn khởi. Ông Nguyễn Văn Lợi, nhà vườn trồng nho NH 01-152 ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, chia sẻ vừa qua, vườn nho 2 sào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho thu hoạch đợt đầu với năng suất đạt trên 1 tấn quả/sào, giá bán tại vườn bình quân 100.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư gia đình có lãi gần 200 triệu đồng.

Đầu tháng 12 này, ông Lợi sẽ thu hoạch 5 sào nho NH 01-152 còn lại với giá bán bình quân 100.000 đồng/kg, hy vọng sẽ thu lãi lớn.

Tương tự, ông Đoàn Văn Hoàng cùng ở xã Vĩnh Hải đang canh tác 2 sào nho NH 01-152 phấn khởi, gia đình vừa mới thu hoạch khoảng 100kg nho NH 01-152 bán cho khách du lịch và mối quen thu về hơn 10 triệu đồng.

Vụ nho này, dự kiến 2 sào nho NH 01-152 sẽ cho thu hoạch trên 2 tấn quả. Với giá bán trên dưới 100.000 đồng/kg, gia đình thấy vui, yên tâm sản xuất.

Hiện, ông Hoàng đang lên kế hoạch mở rộng diện tích trồng loại giống nho này.

Giống nho mới NH 01-152 có tên khoa học Mariaue finger, do Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (trực thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) nghiên cứu, lai tạo thành công và chuyển giao cho người dân trồng nhân rộng nhằm thay thế cho một số giống nho cũ đang bị thoái hóa.

Qua đó, góp phần làm đa dạng hóa các giống nho ăn tươi chất lượng cao của tỉnh Ninh Thuận.

Theo các hộ trồng nho, chi phí đầu tư ban đầu (gồm giống, vật tư) cho 1 sào nho NH 01-152 khoảng từ 30-40 triệu đồng, tương đương với chi phí đầu tư trồng các giống nho truyền thống khác, song hiệu quả kinh tế mang lại khá cao.

Qua khảo sát, giống nho ăn tươi NH 01-152 có thể trồng trên nhiều nền chân đất khác nhau, vào mùa mưa hay thời tiết nắng nóng, cây vẫn đậu được quả, tỷ lệ đậu quả cao, khả năng kháng sâu bệnh tốt.

Tùy theo chế độ canh tác, giống nho NH 01-152 cho năng suất bình quân từ 15-18 tấn/ha/vụ; trong điều kiện thâm canh đạt từ 20-25 tấn/ha/vụ, sản xuất được 2 vụ/năm.

Tùy theo giai đoạn, quả nho có màu vàng nhạt, màu đỏ hồng, khi chín toàn phần trái có màu đỏ vang rất đẹp.

Với đặc điểm trái to, trọng lượng chùm đạt từ 0,5-2 kg/chùm, vỏ quả dày, thịt chắc, giòn, độ ngọt thanh, có vị thơm rất đặc trưng nên nho NH 01-152 được thị trường ưa chuộng dù có giá cao gấp nhiều lần so với nho đỏ quả tròn truyền thống.

Ông Phạm Dũng, Chi Cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Thuận cho biết, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và tính ưu việt của giống nho mới NH 01-152, ngành trồng trọt phối hợp các cơ quan nghiên cứu khoa học hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật trồng, sử dụng mắt ghép của giống nho NH 01-152 ghép trên nền tảng gốc nho dại để giúp cho cây nho NH 01-152 sinh trưởng, phát triển mạnh hơn, thích ứng tốt trong điều kiện biến đổi khí hậu để nâng hiệu quả canh tác.

Tỉnh Ninh Thuận hiện có khoảng 10ha nho giống nho NH 01-152. Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ giống nho mới, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận hiện đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành phối hợp đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng diện tích trồng giống nho NH 01-152 theo tiêu chuẩn VietGAP tại các vùng trồng nho trên địa bàn thông qua các dự án hỗ trợ sản xuất, phát triển du lịch sinh thái nhằm giúp người trồng nho gia tăng lợi nhuận trên đơn vị diện tích đất sản xuất./.

Thanh Tâm (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top