Có tới 2 vụ vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ với số lượng lớn được vận chuyển qua đường hàng không chỉ trong vòng 1 tháng. Qua đây, dấy lên những lo ngại về hiện tượng lợi dụng đường hàng không nội địa để buôn lậu.
Lực lượng Quản lý thị trường TP. HCM cho biết, mới phát hiện, kiểm tra, tạm giữ hơn 4 tấn hàng không hóa đơn chứng từ được vận chuyển trên chuyến bay VN1820 của Vietnam Airlines.
Theo đó, ngày 15-16/6, Đội Quản lý thị trường số 3, (Cục Quản lý thị trường TP.HCM) đã khám phương tiện vận tải, đồ vật tại kho hàng quốc nội Vietnam Airlines (sân bay Tân Sơn Nhất). Toàn bộ các kiện hàng này thuộc vận đơn 73845261742 trên chuyến bay VN1820.
Đội Quản lý thị trường đã lập biên bản khám phương tiện vận tải, đồ vật với ông Mai Ngọc Duẩn, nhân viên Công ty TNHH thương mại dịch vụ vận tải YES. Kiểm tra hàng hóa thực tế phát hiện 168 kiện hàng hóa (hơn 4 tấn hàng) gồm quần áo, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em. Đây là số lượng hàng hóa rất lớn vận chuyển theo đường hàng không.
Do điều kiện tại kho hàng quốc nội Vietnam Airlines không thuận lợi để kiểm đếm hàng hóa thực tế, cùng với đó ông Mai Ngọc Duẩn chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ nên Cục Quản lý thị trường TP. HCM đã tạm giữ, niêm phong toàn bộ hàng hóa chuyển về kho tang vật để kiểm đếm thực tế.
Ban hành quyết định tạm giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa trên, đồng thời thông báo cho chủ lô hàng trên đến cơ quan chức năng làm việc theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 4/6/2020, Tổng cục Quản lý thị trường cũng tạm giữ hơn 1.800 mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, sữa các loại đựng trong 43 kiện và 10 thùng chứa hàng. Toàn bộ số hàng hóa là do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ kèm theo. Số hàng này nhập lậu tại kho hàng hóa nội địa (NCTS) thuộc Công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường đây là lô hàng có giá trị lớn nằm trong một đường dây chuyên vận chuyển hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thường xuyên lợi dụng đường hàng không để tiến hành việc đưa hàng vào sâu nội địa, cất giấu cả trong các kho chứa chuyên nghiệp. Lực lượng Quản lý thị trường đã ban hành quyết định tạm giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa trên để ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính.
Vụ việc trên cho thấy đã xuất hiện chiêu trò buôn lậu mới, các đối tượng buôn lậu không chỉ dừng ở việc vận chuyển buôn bán hàng giả, hàng lậu bằng đường bộ, các đối tượng tiếp tục lợi dụng đường hàng không để vận chuyển hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, lợi dụng đường hàng không để tiến hành đưa hàng vào sâu nội địa, cất giữ cả trong các kho chứa chuyên nghiệp. Những vụ việc trên đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng buôn lậu hàng hàng hóa qua đường hàng không nội địa.
Để kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả tình hình buôn lậu qua đường hàng không, các lực lượng chức năng phải nâng cao khả năng nghiệp vụ, đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật soi chiếu, giám sát hiện đại. Điều quan trọng hơn là cần phải tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia đang “nóng” về vấn nạn buôn hàng cấm.
Cùng với đó, các lực lượng cũng cần phối hợp, thông báo kịp thời về các phương thức, thủ đoạn và các diễn biến mới của tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa để phối hợp, ngăn chặn, xử lý. Ngoài ra, các lực lượng cũng nên đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường đào tạo nghiệp vụ điều tra cho đội ngũ cán bộ làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Hà Nội: Kinh doanh hàng nhái, hàng lậu 6 cơ sở bị xử phạt
Mới đây, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 6/7 cơ sở kinh doanh hàng lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu tại phố cổ Hà Nội, với số tiền hơn 220 triệu đồng.
Trước đó, ngày 21/5/2020, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục QLTT, các đội QLTT thuộc Cục QLTT Hà Nội đã chia thành nhiều đoàn, đột xuất kiểm tra hàng hóa tại nhiều cửa hàng trên khu vực phố cổ (quận Hoàn Kiếm).
Lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất 7 cơ sở kinh doanh tại các điểm nóng về hàng lậu đã phát hiện và tạm giữ nhiều hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu như: túi xách, ví da, phụ kiện thời trang, thắt lưng, quần, mũ, dép, áo sơ mi, giày…
Toàn bộ số hàng hóa vi phạm lực lượng QLTT Hà Nội tạm giữ là 2.370 sản phẩm. Sau thời gian xác minh thông tin và xử lý, Cục QLTT Hà Nội ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 6/7 cơ sở, phạt tiền 220.250.000 đồng về các hành vi vi phạm không thực hiện niêm yết giá theo quy định, kinh doanh hàng hóa nhập lậu và bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Đồng thời, tịch thu 755 sản phẩm nhập lậu, trị giá 71,950 triệu đồng và buộc tiêu hủy 1.435 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, trị giá 326,800 triệu đồng.
Ngoài ra, Cục QLTT Hà Nội đã đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm có thời hạn 2 tháng đối với 6 đơn vị kinh doanh vi phạm trên.
Tiền Giang: Phát hiện trường hợp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật giả
Ngày 1/7, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết, đang phối hợp với các ngành chức năng điều tra, làm rõ một vụ buôn bán thuốc bảo vệ thực vật giả tại ấp 3, xã An Hữu, huyện Cái Bè.
Theo đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an tỉnh Tiền Giang) phát hiện ông Nguyễn Xuân Sơn (48 tuổi), thường trú ấp 4, xã An Hữu, huyện Cái Bè đang vận chuyển sản phẩm thuốc trừ sâu bệnh, nhãn hiệu Antracol 70WP nghi vấn là hàng giả.
Số hàng hóa nghi vấn này bốc xếp từ một căn nhà ở tổ 12, ấp 3, xã An Hữu lên xe mô tô loại ba bánh do ông Ngô Quang Thảo điều khiển để đưa đi tiêu thụ. Trên đường đi thì bị lực lượng chức năng bắt quả tang.
Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ gồm 367 gói thuốc trừ sâu nhãn hiệu Antracol 70WP, hơn 3.000 gói thuốc trừ sâu nhãn hiệu BEAM 75WP, 319 chai thuốc trừ sâu bệnh nhãn hiệu Trobin Top 325SC, thể tích thực in trên nhãn dán của chai là 240 ml... Ngoài số lượng hàng nói trên, lực lượng Công an tỉnh Tiền Giang còn phát hiện 299 chai nhựa, bên trong có chứa dung dịch, chưa dán nhãn hiệu.
Làm việc với cơ quan chức năng, ông Nguyễn Xuân Sơn khai nhận, các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật trên là hàng giả. Ông bán ra thị trường số hàng giả này khoảng 149 triệu đồng .
Liên quan tới làm giả thuốc bảo vệ thực vật, mới đây, VKSND TP.HCM vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ra trước tòa cùng cấp để xét xử đối với bốn bị can Nguyễn Tiến Đạt, Nguyễn Văn Được, Hồ Văn Tài và Đào Chí Linh.
Trong đó, Đạt và Được bị truy tố về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc bảo vệ thực vật. Tài, Linh bị truy tố về tội sản xuất hàng giả là thuốc bảo vệ thực vật.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.