Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 11 tháng 9 năm 2021 | 8:40

Tổ Covid cộng đồng góp phần giúp Bắc Giang sớm chiến thắng đại dịch

Từng là tâm dịch Covid-19, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giúp đỡ kịp thời của các bộ, ngành,địa phương, đặc biệt là có sự đóng góp của 10.963 Tổ Covid cộng đồng, Bắc Giang đã chiến thắng và trở lại trạng thái bình thường mới.

Tổ Covid cộng đồng làm nên thắng lợi vụ vải thiều

Đó là thông tin được ông Nguyễn Thế Thi, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn về vai trò của Tổ Covid cộng đồng tham gia vào công tác chống dịch và tiêu thụ vải thiều trên địa bàn.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 xâm nhập đúng thời điểm Bắc Giang đang vào vụ thu hoạch vải thiều, do vậy, áp lực vừa chống dịch, vừa thu hoạch, tiêu thụ vải là một vấn đề rất lớn. Với sự chủ động xây dựng kịch bản tiêu thụ, quyết liệt trong chỉ đạo của chính quyền địa phương, sự tham gia của các Tổ Covid cộng đồng đã góp phần làm nên thắng lợi vụ vải ở huyện Lục Ngạn nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung.  

Ông Nguyễn Thế Thi cho biết, để khoanh vùng, truy vết, dập dịch nhanh nếu chỉ dựa vào lực lượng chức năng thì không đủ mà phải dựa vào Tổ Covid cộng đồng (gọi tắt là Tổ).

Các thành viên Tổ Covid cộng đồng thôn Tân Tiến, xã Trù Hựu (Lục Ngạn) phối hợp tham gia trực chốt kiểm soát phòng, chống Covid-19 trên địa bàn.

 

Hàng ngày, Tổ trực tiếp đến từng ngõ, xóm tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm công tác phòng dịch, là người có thông tin nhanh nhất, chính xác nhất. Ví dụ, khi truy vết có người ho sốt, gia đình có người ốm nhưng không dám khai báo, không dám đi viện, hay có người thân đi làm ăn xa trốn về nhà mà không khai báo y tế, Tổ sẽ thông báo cho chính quyền xuống lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

Ông Thi nhấn mạnh, là huyện miền núi, nếu không có Tổ Covid cộng đồng, rất khó để quanh vùng dập dịch, vì lực lượng chức năng chỉ lập chốt chặn, kiểm soát người, phương tiện ở những đường chính. Cũng chính lực lượng này làm cầu nối vận chuyển lương thực, thực phẩm của những gia đình dư thừa đưa đến các hộ thiếu, có nhu cầu.

Đặc biệt, vụ vải năm 2021, Tổ Covid cộng đồng đóng vai trò quan trọng. Cao điểm, huyện có 4 xã gồm: Thanh Hải, Trù Hựu, Kiên Lao, Kiên Thành bị cách ly y tế, thời điểm này các xã đã thu hoạch khoảng 60% sản lượng vải, mỗi xã còn khoảng 7.000 tấn phải thu hoạch, tiêu thụ (tổng khoảng 28.000 tấn). Lúc này, Tổ Covid sẽ nắm bắt số lượng vải còn lại của từng gia đình, từ đó sắp xếp thời gian thu hoạch, hẹn giờ, hướng dẫn thương lái vào thu mua theo đúng nguyên tắc "một cung đường hai điểm đến", ông Thi cho biết.

Tổ Covid cộng đồng thôn Mùi Xá, xã Kiên Thành (huyện Lục Ngạn) tổng hợp kết quả vào sổ nhật ký sau buổi tuyên truyền trong nhân dân.

 

Hàng ngày, Tổ đến các điểm cân giám sát thương lái thu mua, không để cân sai, cân lùi; ghi nhật trình, nhật ký người lao động tại đây để tiện có việc truy vết nếu cần, yêu cầu thực hiện đúng khuyến cáo 5K theo quy định. Đặc biệt, một số gia đình F0, Tổ sẽ cử người trực tiếp đến thu hoạch và bán hộ vải cho người dân.

Ông Thi cho biết thêm, Lục Ngạn hiện có hơn 2.000 Tổ Covid cộng đồng, khi có sự việc gì Tổ sẵn sàng làm nhiệm vụ. Khi dịch lắng xuống, các thành viên trong tổ không thực hiện nhiệm vụ nhưng huyện xác định đây là những tổ hoạt động bán chuyên lâu dài, thực hiện nhiều nhiệm vụ khác.

Ngày 19/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang quyết định tặng Bằng khen cho Tổ Covid cộng đồng số 1, tổ dân phố Hùng Vương, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) do đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Tổ Covid cộng đồng số 1 có 4 thành viên, phụ trách tuyên truyền, nắm bắt thông tin về việc chấp hành phòng dịch của 30 hộ dân tại đường Võ Thị Sáu. Thời gian qua, các thành viên của tổ không quản ngại vất vả, nguy hiểm, thường xuyên đi đo thân nhiệt cho các hộ dân tại địa bàn; tích cực tuyên truyền bằng loa truyền thanh, loa tay lưu động đến từng ngõ, ngách, vận động người dân chấp hành quy định 5K.

 Ghi nhận thành tích xuất sắc của các thành viên, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã tặng Bằng khen cho Tổ Covid cộng đồng số 1. 

 

Ông Phan Xuân Thông, Tổ trưởng Tổ dân phố Hùng Vương, Tổ trưởng Tổ Covid cộng đồng số 1 cho biết, qua việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để nắm bắt tình hình sức khỏe và chấp hành quy định phòng dịch của người dân, tổ đã biết được thông tin về một trường hợp người dân có biểu hiện ho sốt để kịp thời báo cáo lên Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch phường. Qua xét nghiệm, lực lượng chức năng đã phát hiện ca dương tính với Covid-19 và khẩn trương đưa đi điều trị. Đồng thời phối hợp phong tỏa, cách ly khu vực liên quan ngăn ngừa dịch lây lan. 

Hiện các thành viên trong tổ tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng phường chốt trực tại khu vực phong tỏa kiểm soát người ra vào và tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch cũng như hỗ trợ người dân tại khu vực.

 

Nhân rộng Tổ Covid cộng đồng ở Bắc Giang

Tính từ ngày 7/5 đến ngày 11/7/2021, tổng số ca F0 trên toàn tỉnh Bắc Giang là 5.766 trường hợp. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Bắc Giang đã xác định “Các xã, phường phải là pháo đài, mỗi người dân là 1 chiến sĩ trong phòng, chống dịch và Tổ Covid cộng đồng là vũ khí chiến lược, hạt nhân quan trọng để huy động sức mạnh toàn dân, quyết định chiến thắng và bảo vệ vững chắc thành quả phòng, chống dịch Covid -19”, nhất là trong điều kiện tiêm chủng vắc - xin chưa đạt được miễn dịch cộng đồng.         

Tổ Covid cộng đồng do UBND cấp xã ban hành Quyết định thành 1ập, với số lượng từ 03-05 người, thành phần là cán bộ, thôn, xóm, tổ dân phố, các đoàn thể, đặc biết là có sự tham gia của một số người dân có sức khỏe, nhiệt tình, tâm huyết tại khu dân cư. Điều hành tổ là 01 đồng chí Tổ trưởng. Mỗi tổ phụ trách từ 30-50 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể.

Các thành viên Tổ Covid cộng đồng được tập huấn, hướng dẫn chi tiết về nhiệm vụ, các quy định, quy trình, cách thức tiến hành nhiệm vụ đảm bảo an toàn theo đúng quy định về công tác phòng, chống dịch. Nhiệm vụ của Tổ Covid cộng đồng được tỉnh Bắc Giang chỉ đạo biên tập với nội dung đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện. Để thông tin được thông suốt, kịp thời, thống nhất, tỉnh đã chỉ đạo thành lập nhóm Zalo từ tỉnh đến khu dân cư.

Tổ Covid cộng đồng thôn Lam Sơn, xã Kiên Thành (Lục Ngạn) thường xuyên giám sát, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19.

 

Hằng ngày, các thành viên trong tổ sẽ đi từng ngõ, gõ của từng nhà, rà từng đối tượng để thực hiện 5 nhiệm vụ chính. Tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp 5K. Yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, tự đo thân nhiệt hằng ngày cho các thành viên trong hộ gia đình. Cung cấp số điện thoại và yêu cầu người dân chủ động khai báo y tế ngay khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid -19; tuyên truyền, vận động các gia đình và công nhân ký cam kết thực hiện các quy định phòng, chống dịch.

Giám sát, phát hiện và báo cáo ngay bằng điện thoại, Zalo cho chính quyền địa phương và y tế xã những trường hợp nghi mắc Covid -19 phát hiện được tại các hộ gia đình như: sốt, ho, đau họng, cảm cúm, ốm mệt, viêm đường hô hấp…, để tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời.

Phối hợp, phát hiện, báo cáo các cấp có thẩm quyền những trường hợp không tự giác khai báo y tế; không chấp hành thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; đi từ vùng dịch về, nhập cảnh trái phép.

Tổ Covid cộng đồng tham gia cùng lực lượng chức năng chống cân sai, cân lùi cân khi thu mua vải thiều.
 

Trợ giúp chính quyền và cơ quan y tế truy vế các trường hợp F1, F2 khi có ca bệnh trên địa bàn phụ trách; phối hợp và hỗ trợ công tác xét nghiệm đảm bảo phòng dịch và chính xác các đối tượng phải lấy mẫu.

Nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống cùa nhân dân, công nhân vầ địa phương; vận động, hỗ trợ đời sống nhân dân; hướng dẫn các hộ gia đình và giám sát việc thu hoạch sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn phòng dịch. Thực hiện các nhiệm vụ khác phù hợp với khả năng do Ban chỉ đạo cấp xã phân công.

Kết quả thực hiện các nhiệm vụ trên, hằng ngày được tổ ghi chép đầy đủ vào sổ nhật ký (sổ được phát theo mẫu thống nhất trong toàn tỉnh) và gửi báo cáo qua Zalo cho xã, xã báo cáo lên huyện, huyện báo cáo lên tỉnh.

Ngoài ra, đợt dịch bùng phát lần thứ 4, đúng đợt thu hoạch vải thiều, thu hoạch lúa, nông sản; Tổ Covid cộng đồng đã góp phần quan trọng, là lực lượng nòng cốt thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa sản xuất. Tổ chủ động tổ chức việc thu hoạch, bán sản phẩm giúp các gia đình không có lao động hoặc bị cách ly tại nhà, cách ly tập trung; sắp xếp lịch cho các gia đình tổ chức thu hoạch nông sàn đảm bào an toàn phòng dịch; phân chia hàng hoá, thực phẩm được hỗ trợ, chi viện tới các hộ gia đình đảm bảo công bằng...

Tổ xung kích của thị trấn Chũ tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch.

 

Thực tiễn cho thấy, trong giai đoạn đầu của đợt dịch lần thứ 4, Bắc Giang là tỉnh có số ca mắc Covid -19 nhiều nhất nước với tốc độ lây nhiễm nhanh, trong khoàng thời gian ngắn. Trước tình hình đó, tỉnh đã thành lập 10.963 Tổ Covid cộng đồng, Tổ Covid nhà trọ công nhân và Tổ Covid chung cư với gần 40.000 thành viên. Các Tổ Covid cộng đồng đã thể hiện rõ vai trò, vị trí rất quan trọng trong việc.

Nhằm phát huy sức mạnh nhân dân tham gia tích cực phòng, chống dịch Covid - 19 trong thời gian tới, Ban Dân vận Trung ương giới thiệu mô hình hoạt động của Tổ Covid cộng đồng ở Bắc Giang đến Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm nghiên cứu chỉ đạo tuyên truyền, nhân rộng. 

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được kiểm soát chặt chẽ; để các hoạt động kinh tế - xã hội từng bước được hoạt động trở lại, kể từ ngày 11/9/2021, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh cho phép một số hoạt động được thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.

Cụ thể, cho phép các hoạt động thể dục, thể thao trong nhà và ngoài trời được hoạt động trở lại (không tổ chức các giải thi đấu thể thao). Trước mắt, Sân Golf dịch vụ Yên Dũng chỉ được nhận khách là người đang cư trú tại tỉnh Bắc Giang. Việc thực hiện các hoạt động trên phải đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

 

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top