Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 4 năm 2018 | 22:41

Tội ác mang tên thuốc giả trị ung thư

Sản xuất thuốc trị ung thư từ bột than tre, nhập khẩu 9.000 hộp thuốc trị ung thư H-Capita 500mg không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người vì kém chất lượng. Phải xem đây là một tội ác, cần xử lý nghiêm trước pháp luật.

 

tang-vật-thu-giư-tại-hiện-trường.jpg
 Tang vật Công an quận Kiến An thu giữ tại hiện trường.

 

Mới nghe nhiều người không khỏi giật mình khi biết thuốc trị ung thư lại được sản xuất từ bột than tre. Nhưng đây là sự thật khi Công an quận Kiến An (TP Hải Phòng) phát hiện và vạch trần việc làm sai trái của công ty TNHH Vinaca ở phường Ngọc Sơn (Kiến An).

Các sản phẩm được đóng gói gồm: Vinaca Vi5 (loại 874ml), Vinaca ung thư CO3.2, Baby Vinaca Vi6, Vinaca Activated Carbon đa dụng, Vinaca vi lượng (nhỏ mũi), Vinaca đa dụng và một số chất lỏng và bột không có nhãn mác.

Theo cơ quan chức năng, lợi dụng việc được quyền đặt tên sản phẩm, Công ty Vinaca đã lập lờ rằng đây là sản phẩm hỗ trợ chữa bệnh ung thư và lấy than tre đóng gói thành viên thuốc hỗ trợ chữa bệnh ung thư, bán ra thị trường để đánh lừa người tiêu dùng.

Một công nhân tại đây cho biết, bột than tre là thành phần chủ yếu tạo ra các sản phẩm Vinaca, chỉ cần bột than trộn với một số hợp chất và chất lỏng theo tỷ lệ khác nhau sẽ cho ra các sản phẩm khác nhau.

Cục Quản lý Thị trường (QLTT) đã có văn bản yêu cầu Chi cục QLTT Hải Phòng khẩn trương báo cáo vụ việc để phục vụ công tác chỉ đạo chuyên môn. Đồng thời, Cục QLTT cũng đã yêu cầu QLTT các địa phương có liên quan kiểm tra việc tiêu thụ sản phẩm mang nhãn hiệu VINACA, phát hiện các sai phạm, xử lý theo quy định.

Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công thương) Trần Hùng cho biết, bước đầu tìm hiểu vụ việc cho thấy việc sản xuất các sản phẩm mang nhãn hiệu VINACA tại Kiến An (Hải Phòng) cho dù là mỹ phẩm, hay thực phẩm chức năng đều vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. Trong đó có nhiều yếu tố về nhãn mác, xuất xứ, bao bì… là hàng giả và cần được tiếp tục điều tra xử lý nghiêm theo quy định.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, một công ty TNHH tên Hồng An Phong đã được Sở Y tế Hải Phòng cấp phép trong lĩnh vực sản xuất mỹ phẩm. Sau đó, công ty này đăng ký giấy phép với Sở về việc tung ra thị trường 6 sản phẩm mỹ phẩm đều mang nhãn hàng là Vinaca.

Tuy nhiên, công ty lại không sản xuất mà đem bán lại giấy phép của 6 sản phẩm trên cho một công ty khác là công ty TNHH VINACA. Đây là hành vi cố tình tạo ra sự nhầm lẫn rằng chính công ty VINACA là người có giấy phép hợp pháp để bán các sản phẩm mang tên mình.

 

các-sản-phẩm-hỗ-trợ-điều-trị-ung-thư-và-nhiều-loại-bệnh-khác-từ-than-tro-tre-nứa-tại-quận-kiến-an-hải-phòng.jpg
các sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư và nhiều loại bệnh khác từ bột than tre nứa tại quận Kiến An.

 

Không chỉ bán giấy phép, công ty Hồng An Phong còn trực tiếp tổ chức hoạt động đốt tre để cung cấp bột than làm nguyên liệu đầu vào cho công ty VINACA. Thực tế, 2 công ty này có phải thực chất là 1, 1 bên đi xin giấy phép, 1 bên sản xuất sản phẩm giả hay không thì vẫn là một dấu hỏi.

Chi cục Quản lý thị trường Hải Phòng đã quyết định xử phạt hành chính Công ty VINACA với số tiền là 44 triệu đồng về hành vi không có giấy phép đăng ký kinh doanh, nguyên liệu sản xuất không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đối với những dấu hiệu vi phạm pháp luật khác như làm sản phẩm giả, lừa dối người bệnh, cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục làm rõ để xử lý.

Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia Đàm Thanh Thế cho rằng, đây là vụ việc rất đáng tiếc ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng. Vì vậy, cần xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân quản lý địa bàn.

Trước đó, dư luận cũng phẫn nộ với Công ty cổ phần VN Pharma đã nhập khẩu lô thuốc trị ung thư  9.000 hộp thuốc H-Capita 500mg. Khi kết luận giám định của Bộ Y tế, lô thuốc trị ung thư H-Capita 500mg chứa 97% hoạt chất capecitabine - là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.

Ngày 25/8/2017, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng (nguyên tổng giám đốc VN Pharma) 12 năm tù về tội buôn lậu. Đây là mức án thấp nhất trong khung hình phạt mà bị cáo Hùng bị truy tố.

 

anhthumb_nast.jpg
Dư luận cho rằng phải xem sản xuất, nhập khẩu thuốc trị ung thư giả là một tội ác, cần xử lý nghiêm trước pháp luật.

Cùng vụ án, Võ Mạnh Cường, người môi giới cho VN Pharma nhập lô thuốc trị ung thư không rõ nguồn gốc cũng bị tuyên 12 năm tù về tội danh nêu trên.

Sau khi vụ án được tuyên, dư luận đã có nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ vì cho rằng hành vi của các bị cáo là buôn bán thuốc chữa bệnh giả chứ không phải tội buôn lậu.

Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) có Công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xử lý tội buôn bán hàng giả đối với Công ty VN Pharma.

VATAP đề nghị Thủ tướng chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý thích đáng tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý đã để xảy ra vụ án trên; đồng thời có ý kiến đề nghị Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC xem xét chỉ đạo xử lý nghiêm khắc, đúng pháp luật với hình thức xử phạt đúng người, đúng tội theo quy định.

 

 

 


 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top