Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 21 tháng 6 năm 2018 | 9:30

Tôi đi làm báo

Tôi không học báo, nhưng nghề làm báo đã vận vào tôi như một định mệnh. Bây giờ, khi đã trở thành một nhà báo, tôi tự rút ra cho mình một bài học, làm nghề này không hề đơn giản chút nào.

tr7.jpg

 Tác giả (giữa) trong một buổi tác nghiệp báo chí tại Lễ hội vải thiều Hải Dương.

 

Những kỹ năng vào nghề

Đó là những năm đầu khi tôi là học viên của Trường sỹ quan Chính trị - Quân sự, trường đóng quân ở thị xã Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) trước kia, bây giờ đã lên thành phố.

Nhiệm vụ chính của trường là đào tạo các thế hệ cán bộ sỹ quan làm công tác Đảng, công tác chính trị trong các đơn vị toàn quân; học viên là các chiến sỹ đang thực hiện nghĩa vụ quân sự có nguyện vọng phục vụ trong quân đội lâu dài và trúng tuyển sau một kỳ thi.

Đối với học viên của trường sỹ quan chính trị, ngoài việc học tập kỹ năng chỉ huy chiến thuật cấp phân đội, thì phải học tập và rèn luyện để trở thành những cán bộ làm công tác tư tưởng giỏi, để thực hiện tốt vị trí nhiệm vụ được giao là lãnh đạo tổ chức Đảng các cấp. Vì vậy, việc nói và viết đối với học viên được đặt lên hàng đầu.

Theo đó, đơn vị có lựa chọn một số học viên đưa đi đào tạo để làm nòng cốt về công tác tuyên truyền cho các hoạt động đơn vị. Và tôi may mắn được chọn là thành viên của lớp học đó.

Giáo viên lớp học chúng tôi là một Thượng tá quân đội, cộng tác viên thường xuyên của Báo Quân đội nhân dân, tên là Trần Vọng. Với yêu cầu của lớp học chỉ gói gọn một thời gian rất ngắn, nên nhà báo Trần Vọng chủ yếu hướng dẫn và dạy chúng tôi viết những tin, bài ngắn về các hoạt động của đơn vị, về những gương sáng trong học tập và rèn luyện của đơn vị mình.

Kỹ năng đầu tiên mà Thượng tá  Trần Vọng dạy cho chúng tôi là rút tít, đây là một kỹ năng rất quan trọng, bởi chỉ cần rút một tít ngắn, cô đọng, chính xác, thu hút được độc giả là thành công rồi.

Điều cần thiết thứ hai là viết sapo, đây là kỹ năng để tóm tắt nội dung của bài viết, đưa ra những nội dung chủ yếu cần viết trong bài này… Yếu tố khách quan, trung thực của một bài báo luôn được Thượng tá Trần Vọng đặt lên hàng đầu khi hướng dẫn chúng tôi viết báo.

Bằng những kiến thức và một số bài báo đã được đăng tải trên Báo Quân đội nhân dân, Thượng tá  Trần Vọng đã cho chúng tôi những kiến thức cơ bản nhất, quan trọng nhất về cách viết một tin và một bài báo.

Sau thời gian ngắn học về cách viết tin, bài, tôi đã trở thành người viết tin, bài phản ánh về những cá nhân, tập thể điển hình trong học tập và hoạt động của đơn vị diễn ra trong ngày, những tin ngắn này đều được truyền thanh của đơn vị đọc sau giờ điểm danh.

Bài viết đầu tiên

Bài báo đầu tiên tôi được đăng tải trên Báo điện tử Vietnamnet là bài: “Lãnh đạo chưa đến chưa khai... được”. Đây là  bài viết phản ánh về một hiện tượng trong ngày khai giảng của các trường trên cả nước. Với tình trạng là học sinh phải chờ lãnh đạo đến dự mới làm lễ khai giảng. 

Hôm đó, tôi đưa con trai đến trường để tham dự lễ khai giảng. Không chỉ riêng  con tôi mà nhiều cháu nhỏ khác rất háo hức, bởi đây là lần đầu tiên các con được dự buổi lễ khai giảng đúng nghĩa, đánh dấu những ngày tháng đầu tiên trong bước đường học tập của mình.

Khi tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh, đại diện các tổ chức và nhiều phụ huynh đưa con em đến trường dự lễ khai giảng tề tựu đông đủ, giờ khai giảng đã quá hơn 30 phút, nhưng buổi lễ vẫn chưa được diễn ra. Mà lý do, chỉ bởi một đồng chí lãnh đạo cao nhất quận chưa đến, nên việc tổ chức phải chờ đến đến khi nào có sự hiện diện của lãnh đạo đó, nhà trường mới tổ chức khai giảng.

Trời nắng, học sinh và nhất là các em học sinh lần đầu tiên được tham dự lễ khai giảng, tinh thần từ sự háo hức dần dần chuyển sang chán nản, mệt mỏi bởi bị đứng quá lâu. Cả sân trường nhốn nháo, không còn trật tự, lãnh đạo nhà trường thì hết ra ngóng vào trông, các cô giáo thì khản cổ nhắc nhở học sinh đứng đúng hàng, đúng lối.

Nhiều phụ huynh phàn nàn bởi sự chậm trễ của vị lãnh đạo này, có vị còn nói với tôi khi biết tôi công tác trong ngành báo chí, nên có một bài viết về hiện tượng này để lãnh đạo rút kinh nghiệm.

Rồi vị lãnh đạo cao nhất của quận cũng đến và chương trình lễ khai giảng được nhà trường tổ chức diễn ra theo đúng trình tự. Tuy nhiên, vì phải đứng chờ đợi khá lâu dưới trời nắng, nên trên khuôn mặt của các em học sinh không còn những nét vui tươi như ban đầu nữa.

Ngay sau khi rời buổi lễ khai giảng, tôi đặt bút viết bài báo đó và gửi cho Báo Vietnamnet. Chỉ không đầy hai tiếng sau, bài báo được Ban biên tập xuất bản. Biết tôi là tác giả, nhiều phụ huynh có con em tham dự buổi khai giảng hôm đó đã gọi điện và chia sẻ về hiện tượng này. Không biết có phải do hiệu ứng của bài viết của tôi hay không mà sau này lãnh đạo Chính phủ cũng đã có chỉ đạo cho ngành giáo dục, trong ngày khai giảng không phải chờ lãnh đạo đến dự để bảo đảm sức khỏe cho học sinh. Lãnh đạo được mời phải đến trước giờ khai giảng để tham dự.

Tiếp cận thông tin đa chiều

 Hiện nay, có nhiều thông tin gửi đến các cơ quan báo chí, hay trực tiếp gửi đến cho các nhà báo chuyên mục bạn đọc - pháp luật để tố cáo, phản ánh những vấn đề lãnh đạo, chính quyền đã làm sai, không đúng theo với các quy định pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, nếu phóng viên không tiếp cận được thông tin đa chiều, sẽ dẫn đến việc thông tin được đăng tải trên báo không khách quan, phiến diện một chiều. Điều này, làm ảnh hưởng không nhỏ đối với những đối tượng bị phản ánh, tố cáo.

Báo Kinh tế nông thôn nhận được thông tin do người dân cung cấp, tố cáo chính quyền đã tiếp tay cho doanh nghiệp thực hiện dự án, lấn chiếm đất của dân, lấp đi hệ thống thoát nước cả khu dân cư, gây rất nhiều bức xúc tại địa phương. Tôi được Ban biên tập cử đi điều tra, tìm hiểu. Tiếp cận tố cáo, phản ánh của nhân dân, tôi được cung cấp các giấy tờ, bản vẽ liên quan đến toàn bộ khu dân cư đang có tranh chấp. Điều lạ lùng là, các giấy tờ này đều không có dấu đỏ của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, mà đây chỉ là những bản vẽ do chính một cá nhân trong khu dân cư, người trực tiếp đứng đơn để đòi quyền lợi và tố cáo về dự án này.

Chính vì sự mập mờ này, mà tôi đã trực tiếp gặp gỡ chính quyền và đơn vị chủ dự án để tìm hiểu thêm thông tin. Điều làm tôi bất ngờ là toàn bộ hồ sơ của dự án đều được các cơ quan chức năng xác nhận và có dấu đỏ, thậm chí cả nguồn gốc về khu đất đó cũng được cung cấp đầy đủ.

Qua xác minh điều tra, tôi mới nhận thấy, việc cư dân ở đây tố cáo phản ánh là không đúng sự thật, không những vậy, chính cư dân ở đây còn lấn chiếm cả đất của dự án này.

Do đó, sự chính xác của một bài báo là điều rất quan trọng, nếu không có sự chính xác, bạn đọc và dư luận sẽ không thể biết đâu là đúng, đâu là sai.

Nghề làm báo là một nghề đầy rẫy những cám dỗ, nguy hiểm rình rập đối với từng phóng viên, chính vì vậy, đòi hỏi những người cầm bút phải bình tĩnh, suy xét thật kỹ càng trước khi đặt bút. Một bài viết sẽ có sức lan tỏa và tạo hiệu ứng tốt trong xã hội nếu đó là bài viết trung thực, ngược lại sẽ tạo những hệ lụy khôn lường khi những bài viết không chính xác, thậm chí có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người, xa hơn nữa là đến vận mệnh của quốc gia.

Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2018), đôi dòng suy nghĩ và một vài trải nghiệm của tôi trong nghề báo chỉ là một trong những ý kiến rất nhỏ để chia sẻ với anh em đồng nghiệp. Nhưng là người làm báo, tôi tâm huyết giữ trong mình ngọn lửa đam mê và nhà báo luôn phải “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.

Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp trong đời sống xã hội hiện nay, những người làm báo cần phải thấm nhuần những lời dạy của Bác đối với mình: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”; “Bài báo là tờ hịch cách mạng”. Người làm báo phải hiểu rõ mục tiêu và nhiệm vụ của mình trên mặt trận tư tưởng văn hoá.

 


 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top