Dư luận đang xôn xao với việc sinh vật ngoại lai được nuôi lén ở Đồng Tháp. Loại sinh vật này được cho là tôm hùm đỏ hay còn gọi là tôm hùm đất, có tên khoa học Procambarus clarkii. Theo quy định, loại tôm này muốn nhập khẩu vào Việt Nam phải xin giấy phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Bị cấm vì giá trị thấp lại gây hại cho nông nghiệp
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, đại diện đơn vị duy nhất được cấp phép nhập loài tôm này về nghiên cứu, cho hay nguyên nhân loại này bị “cấm” tại Việt Nam là chúng không có giá trị kinh tế cao, thậm chí có thể phá hoại mùa màng nếu quản lý không tốt.
“Sau khi nghiên cứu, chúng tôi đã đưa ra khuyến cáo không phát triển loại tôm này ở nước ta từ nhiều năm nay”, ông Huy cho biết.
Tôm hùm đỏ (tôm hùm đất) bị cấm nhập khẩu về Việt Nam nuôi do nguy cơ phá hoại mùa màng. (Ảnh minh họa: KT) |
Trong khi đó, trên báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp thừa nhận đó là động vật ngoại lai nguy hại không được phép nuôi. “Nếu phát hiện cá nhân, tổ chức nào nuôi lén lút, ngoài việc buộc tiêu hủy còn xử lý mạnh tay”, ông Công khẳng định.
PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện Xã hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) cũng từng cho rằng loài tôm này vừa phá hại lúa, kênh mương, tiêu diệt tôm bản địa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật kể cả người.
Tôm từ Trung Quốc: Dân buôn cũng không dám mua
Theo tìm hiểu, loại tôm này hiện được nuôi ở hơn 20 quốc gia như Mỹ, Australia, Anh, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Pháp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc…
Năm 2000, tổng sản lượng tôm hùm nước ngọt thương mại khoảng trên 110.000 tấn trong đó Mỹ chiếm 55%, Trung Quốc 35%, các nước châu Âu 8%, châu Úc 2%.... Mỗi kg tôm này có giá xuất khẩu từ vài USD đến hơn 10 USD.
Tại Việt Nam, dù bị cấm nhập khẩu về nuôi, loại tôm hùm này vẫn đang được rao bán tràn lan với giá sỉ 180.000-250.000 đồng/kg (chưa sơ chế), bán lẻ 300.000-400.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hầu hết mối buôn chỉ bán hàng qua mạng Internet, không có địa chỉ cửa hàng cụ thể.
Chị Thúy, một chủ buôn tại TP HCM cho hay, tôm hùm đất ở Việt Nam chủ yếu là hàng đông lạnh, có nguồn gốc từ Mỹ. Là người bán hàng nhưng chị cũng không biết sản phẩm của mình có được cấp phép hay không. Dẫu vậy, trung bình 1-2 tháng, chị cho hay tiêu thụ hết một container vài chục tấn tôm hùm đất, chủ yếu bán buôn.
“Loại tươi sống là tôm từ Trung Quốc, giá rẻ như cho, rẻ hơn cả tôm đông lạnh, nhưng chúng tôi không dám mua. Người mua loại tôm này chủ yếu là chủ nhà hàng ở TP HCM, Vũng Tàu, Hà Nội,… Ai muốn mua gọi vào đường dây nóng chúng tôi giao hàng tận nơi chứ không có địa chỉ cửa hàng”, chị Thúy nói.
Tại Hà Nội, nhiều nhà hàng có tiếng cũng nhập loại tôm này về để làm đặc sản “khai xuân”. Đơn cử một nhà hàng ở Yên Phụ (Tây Hồ) quảng cáo ăn tôm hùm đất sẽ “đỏ” cả năm do loại tôm này sau chế biến có màu đỏ rực rỡ, bắt mắt. Giá của âu tôm 1,3 kg đã qua chế biến khoảng 700.000 đồng.
Chị Trịnh Hiền, người vừa đặt mua 2 âu tôm trên với giá gần 1,5 triệu đồng (cả phí ship), cho hay: “Tôi thấy chúng lạ, màu sắc bắt mắt lại được gắn mác tôm hùm nên mua về ăn thử. Tuy nhiên chất lượng thực sự không ngon, tuyệt vời như quảng cáo. Loại tôm này nhiều vỏ cứng, không dễ ăn”.
Tương tự chị Hiền, nhiều “thượng đế” mua loại tôm này cũng không hề biết chúng bị “cấm cửa” tại Việt Nam. Phần lớn những người này mua về ăn thử do tò mò.
Tôm hùm đỏ sống bò đáy, thích đào hang, ưa tối, chuyên hoạt động về đêm. Chúng có thể đào hang trú ẩn sâu 100-200 cm, có thể sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn và chịu được nhiệt độ 0-37 độ C. Thức ăn chủ yếu của loại tôm này là mùn bã hữu cơ, ngũ cốc, khô đậu, rau quả, cỏ non, rong cỏ nước, tảo sống bám, côn trùng, sinh vật đáy cỡ nhỏ, xác động vật, thức ăn chế biến... |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…