Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 10 tháng 4 năm 2019 | 21:49

Tổng Bí thư gặp mặt thân mật đại diện Đoàn Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ VN

Tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao hoạt động của Mặt trận ngày càng phong phú, thiết thực.

Sáng 10/4 tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp mặt thân mật đại diện Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để nghe báo cáo về tình hình công tác Mặt trận năm 2018 và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân với lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Cùng dự cuộc gặp mặt có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. 

tong bi thu, chu tich nuoc gap mat than mat dai dien doan chu tich uy ban trung uong mttq viet nam hinh 1
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp mặt các đại biểu

Tại cuộc gặp mặt, thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo những kết quả nổi bật trong công tác Mặt trận năm 2018, một số trọng tâm công tác năm 2019 và phản ánh tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Theo đó, trong năm qua, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng về cơ sở, phát huy dân chủ để vận động, đoàn kết các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, nhiệm vụ năm 2018 của mỗi địa phương và của cả nước.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo” có nhiều đổi mới, ngày càng đi vào thực chất, vận động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau” thu hút được sự ủng hộ, vào cuộc của xã hội, khơi dậy nhiều nguồn lực, giúp đỡ người nghèo, người gặp khó khăn hoạn nạn.

Công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện dân chủ tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, hoạt động đối ngoại nhân dân được tăng cường, góp phần cùng với đối ngoại của Đảng và ngoại giao của Nhà nước nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhân dân cả nước phấn khởi trước những kết quả đạt được trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn bức xúc về nạn “tham nhũng vặt”, chưa hài lòng khi những biểu hiện tiêu cực chủ yếu được phát hiện thông qua phản ánh, tố giác của người dân hoặc qua báo chí mà rất ít được phát hiện thông qua đấu tranh nội bộ, tư phê bình và phê bình của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức hay hoạt động của các cơ quan chức năng.

Trong việc lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế, xã hội, bên cạnh vui mừng với những kết quả đạt được, nhân dân cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng vì năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn những bất cập; thủ tục hành chính có lĩnh vực còn rườm rà. Đời sống của một bộ phận người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn…

Tại cuộc gặp mặt, các đại biểu nêu nhiều ý kiến, kiến nghị đối với Đảng và Nhà nước, trong đó đề nghị cần quan tâm hơn nữa nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, vì đây là nền tảng tinh thần của xã hội, một trong ba trụ cột phát triển bền vững. Cùng với phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, cần chăm lo phát triển văn hóa, giải quyết tốt các vấn đề xã hội; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại biểu đề nghị, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo đảm tập trung dân chủ với phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, làm sao ràng buộc lẫn nhau, không để thành tích là của mình, còn khó khăn, mất mát dồn cho tập thể. 

Có đại biểu mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư mạnh hơn nữa cho khoa học công nghệ, tập hợp, động viên khuyến khích đội ngũ trí thức, tổ chức tốt công tác tư vấn, phản biện chủ trương chính sách, tạo đồng thuận cao trong nhân dân, đặc biệt là những vấn đề dư luận quan tâm.

Các đại biểu cho rằng, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát động, đã gây được tiếng vang lớn, có tác dụng răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Tuy vậy, đại biểu đề nghị cần tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực, nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, tăng cường kỷ cương kỷ luật trong bộ máy nhà nước. Cụ thể, phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, để nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước, phát huy dân chủ thông qua tổ chức xã hội nghề nghiệp và tăng cường kiểm soát theo luật định.

Các đại biểu cũng nêu một số vấn đề cụ thể nhằm phát huy nguồn lực kiều bào, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tuyên truyền vận động thế hệ trẻ Việt kiều có ý thức giữ gìn truyền thống cha ông, hướng về nguồn cội, là cầu nối hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với các nước.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao hoạt động của Mặt trận ngày càng phong phú, thiết thực. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, trong thời gian qua, đất nước ta đạt được nhiều kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, thế và lực của đất nước không ngừng được tăng cường, vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Đạt được những kết quả đó, trước hết là do Đoàn kết, trong đó Mặt trận đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, là nền tảng, cơ sở chính trị của hệ thống chính trị, nơi tập trung tinh hoa trí tuệ của đất nước, Mặt trận đã đóng vai trò hết sức to lớn trong việc xây dựng hình ảnh khối đại đoàn kết toàn dân và đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến những thành tựu mà đất nước đạt được.

tong bi thu, chu tich nuoc gap mat than mat dai dien doan chu tich uy ban trung uong mttq viet nam hinh 2
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với các đại biểu.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, Mặt trận tổ quốc Việt Nam cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của mình, không chỉ đoàn kết trong nước mà còn đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Trao đổi với các đại biểu về công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Xây là cơ bản, chống là quan trọng, xây cũng là để chống mà chống chính là để xây, để cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn ngừa, răn đe. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần có cơ chế kiểm soát quyền lực cho tốt, nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, kiểm tra ngang, kiểm tra dọc, từ trên xuống, từ dưới lên, nhân dân giám sát, từng đoàn thể phải có cơ chế kiểm tra, giám sát, chống lạm quyền.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, văn hóa nền tảng tinh thần của xã hội, quốc phòng an ninh là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu. Không thể để đạo đức xuống cấp, không ham tăng trưởng, chạy theo kinh tế, càng kinh tế thị trường càng phải chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng văn hóa, giữ gìn đạo đức, đó là bản chất xã hội chủ nghĩa. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định nhất quán đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, đổi mới nhưng không đổi màu, kiên định Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Kinh tế nhà nước là chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. 

Về vấn đề tự do tín ngưỡng tôn giáo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: Đảng, Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo tự do phát triển, không định kiến, không phân biệt. Nhưng lợi dụng tôn giáo, vi phạm pháp luật thì phải ngăn chặn, xử lý nghiêm. 

Tại cuộc gặp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trao đổi về từng vấn đề các thành viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốcViệt Nam nêu. Cụ thể là vấn đề chống tham nhũng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; việc tạo điều kiện thuận lợi, thu hút nguồn lực kiều bào hướng về quê hương, đất nước; vấn đề tái định cư vùng lòng hồ thủy điện; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; đầu tư nhiều hơn cho khoa học công nghệ; động viên các đồng chí lão thành, nhân sỹ trí thức tham gia tư vấn, phản biện chính sách…/.

 

 

Xuân Dần
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top