Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 19 tháng 10 năm 2017 | 7:46

TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Xây dựng hỗ trợ nguồn cung cát xây dựng

Trước tình trạng giá cát tăng mạnh như hiện nay, UBND TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép các doanh nghiệp được phép khai thác mỏ cát còn thời hạn tại khu vực miền Tây, miền Đông hỗ trợ tăng cường nguồn cung cho TP. Hồ Chí Minh để nhanh chóng ổn định thị trường xây dựng.

Theo đó, trong quý 2 và 3 năm 2017, giá cát xây dựng trên địa bàn thành phố đã tăng với tốc độ mạnh và có sự chênh lệch lớn giữa các địa bàn. Cụ thể, giá cát vàng có thời điểm đã tăng đến 560.000 đồng/m3, cát xây tô có giá hơn 436.000 đồng/m3, cát san lấp có giá hơn 231.000 đồng/m3. Nguyên nhân giá cát xây dựng tăng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh được cho do thời gian qua tình trạng cấm khai thác cát nhiều nơi, trùng với thời điểm các công trình đẩy mạnh việc xây dựng để vào mùa nghiệm thu và quyết toán. Lợi dụng cơ hội đó, các chủ mỏ bắt tay với sà lan đẩy giá tạo nên cơn sốt cát trong thời gian qua.

Trước vấn đề này, chính quyền thành phố kiến nghị Bộ Công an và Bộ Công Thương cần ngăn chặn, xử lý các trường hợp đầu cơ, lũng đoạn thị trường, đẩy giá lên cao trong hoạt động kinh doanh cát trái, nhằm giúp ổn định tình hình giá cát hiện nay. Bên cạnh đó về mặt văn bản pháp luật, thành phố cũng kiến nghị các Bộ liên quan sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật cho việc xử lý, sử dụng và hạch toán chi phí liên quan đến xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao, thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ cát khẩn trương thực hiện chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy. Khi bán hàng phải thực hiện các nghĩa vụ của người sản xuất, người bán hàng và cung cấp kèm theo hồ sơ quản lý chất lượng theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Giá cát xây dựng tăng đột biến đã ảnh hưởng rất lớn tới các công trình nhà ở, hạ tầng kỹ thuật – xã hội của thành phố trong thời gian qua

Cùng với đó những giải pháp trước mắt và lâu dài cũng được thành phố yêu cầu các sở ngành thực hiện. Cụ thể, UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các quận, huyện thực hiện kiểm tra chất lượng cát xây dựng trên địa bàn thành phố năm 2017. Sau khi kiểm tra, tổng hợp các bảng niêm yết giá của các doanh nghiệp để chuyển Sở Tài chính nghiên cứu, chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với các đơn vị có giá cát có biến động bất thường. Nhằm hạn chế các tác động xấu về môi trường do khai thác cát tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt, Sở Xây dựng có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin về các nghiên cứu, giải pháp ứng dụng vật liệu khác thay thế cát tự nhiên trong xây dựng công trình đã được nghiệm thu đạt yêu cầu. Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp chống các hành vi đầu cơ, lũng đoạn thị trường trong hoạt động kinh doanh cát trái quy định của pháp luật nhằm tránh tình trạng ghim hàng, đẩy giá lên cao. Sở Khoa học và Công nghệ đưa vào danh sách đặt hàng các đề tài nghiên cứu, giải pháp ứng dụng vật liệu khác thay thế cát tự nhiên trong xây dựng công trình.

Đối với nguồn cung cát xây dựng đối với các công trình nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết. Theo đó, đề nghị UBND 19 tỉnh miền Đông và Nam bộ chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường của các tỉnh này yêu cầu các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép khai thác mỏ cát còn thời hạn khai thác, hỗ trợ tăng cường nguồn cung để nhanh chóng ổn định thị trường xây dựng của thành phố./.

Mạnh Tiến

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top