Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 14 tháng 8 năm 2016 | 1:23

TP. Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp đầu tư hệ thống cấp điện tại các dự án nhà ở

Trước những bất cập trong việc đầu tư hệ thống cấp điện đến các đồng hồ nhà, căn hộ của dự án bất động sản, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) và Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVN HCMC) đã có nhiều giải pháp nhằm giảm giá thành, giá bán nhà cho người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị.

Nhiều bất cập

Trước đây, EVN HCMC chỉ bán điện đến đồng hồ điện tổng của dự án nhà ở. Sau đồng hồ điện tổng, chủ đầu tư dự án nhà ở cả thấp tầng lẫn cao tầng đều phải đầu tư hệ thống cấp điện (đường dây trung thế, trạm biến thế, đường dây hạ thế đến đồng hồ căn hộ, lưới điện trong căn hộ) và phải trực tiếp quản lý hệ thống điện để bán điện cho các hộ dân. Do thiếu tính chuyên nghiệp nên thường các hệ thống điện này không đạt chuẩn, gây thất thoát và các hộ dân phải trả tiền điện cao hơn. Sau đó UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao EVN HCMC tiếp nhận toàn bộ hệ thống lưới điện này để quản lý vận hành và kinh doanh. Chính điều này đã tạo bước ngoặt, chuẩn hóa lưới điện tại các khu dân cư và mở ra phương thức xã hội hóa. Cụ thể, chủ đầu tư dự án bất động sản bỏ vốn đầu tư công trình điện sau đó bàn giao tài sản này cho Công ty Điện lực quản lý vận hành, kinh doanh.

Nhiều giải pháp đầu tư hệ thống cấp điện tại các dự án nhà ở sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm.

Những năm qua, tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, nhiều dự án bất động sản được đầu tư cùng chủ trương của thành phố ngầm hóa lưới điện ở nội thành và các khu vực đô thị hóa. Tuy nhiên, bên cạnh loại hình nhà ở, căn hộ chung cư được sở hữu ổn định lâu dài được Công ty Điện lực trực tiếp bán điện, còn có loại hình căn hộ dịch vụ (officetel), văn phòng cho thuê, khu thương mại, dịch vụ thì Công ty Điện lực bán điện cho chủ đầu tư qua đồng hồ điện tổng và người thuê trả tiền điện cho chủ đầu tư. EVN HCMC cũng nêu ra những khó khăn của ngành điện do có một số bất cập trong quá trình đầu tư phát triển các dự án bất động sản như: "Tiến độ xây dựng và khai thác của chủ đầu tư thường kéo dài, thậm chí một số dự án sau khi thực hiện xong phần xây dựng thô thì do việc huy động vốn của chủ đầu tư bị trở ngại dẫn đến ngưng thi công, không triển khai tiếp. Đồng thời, sau khi dự án hoàn thành các căn hộ cũng chưa đưa vào sử dụng ngay do chưa có khách hàng, hoặc có thể khách hàng mua để kinh doanh, đầu cơ nên không có tiến độ sử dụng điện. Do đó, nếu ngành điện đầu tư (bằng nguồn vốn nhà nước ngoài ngân sách) cho hệ thống điện bên trong dự án bất động sản có khả năng sẽ dẫn đến không hiệu quả, thậm chí lãng phí vốn nhà nước (trong trường hợp các dự án bất động sản ngưng hoặc kéo dài tiến độ triển khai dự án), tạo áp lực vốn rất lớn cho ngành điện và làm tăng giá thành điện".       

Nhiều giải pháp

Theo đó, HoREA và EVN HCMC đã có nhiều giải pháp cụ thể nhằm đầu tư hệ thống cấp điện đến đồng hồ nhà, căn hộ trong dự án nhà ở trên địa bàn thành phố. Cụ thể, việc đầu tư hệ thống cung cấp điện cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư mà chủ đầu tư đang tiến hành các thủ tục chuẩn bị đầu tư thì chủ đầu tư trực tiếp liên hệ với Công ty Điện lực để thỏa thuận ranh giới đầu tư trên sơ sở quyết định chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền. Thực hiện đầu tư hệ thống cung cấp điện cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư đến trạm biến thế cung cấp điện cho dự án, và từ trạm biến thế đi cáp tổng hạ thế cấp điện đến mỗi tủ điện tổng cung cấp điện cho từng tầng của dự án. Riêng các nhánh mắc điện (âm tường) xuất phát từ tủ điện tổng để cung cấp điện đến từng điện kế tại mỗi căn hộ, thì sẽ do chủ đầu tư thực hiện để đồng bộ với quá trình xây dựng các tòa nhà của chủ đầu tư. Chi phí đầu tư hệ thống cấp điện này không được tính vào giá thành dự án của chủ đầu tư.

Liên quan đến việc đầu tư hệ thống cung cấp điện đến điện kế nhà, căn hộ trong các dự án nhà ở thương mại, thì chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải đầu tư toàn bộ hệ thống cấp điện, sau đó bàn giao tài sản này cho Công ty Điện lực sở hữu, quản lý, vận hành và bán điện cho các hộ dân trong dự án như cơ chế hiện nay. Hoặc chủ đầu tư có thể không bàn giao hệ thống điện dự án nhà ở mà mua điện qua đồng hồ điện tổng của Công ty Điện lực và phân phối lại cho các hộ dân như cơ chế cũ.

Liên quan tới việc đề nghị hoàn trả vốn đầu tư hệ thống cung cấp điện cho chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại bình dân, không tính vào giá thành nhằm làm giảm giá bán, giá cho thuê căn hộ, tạo cơ hội cho người có nhu cầu tiếp cận nhà ở. Trong trường hợp chủ đầu tư bỏ vốn đầu tư hệ thống cấp điện thì kiến nghị các cấp thẩm quyền và EVN xem xét chấp thuận cho hoàn trả chi phí đã đầu tư hệ thống điện tại các khu nhà ở thương mại giá thấp nêu trên cho chủ đầu tư để góp phần giảm giá thành, giá bán, giá cho thuê nhà cho người tiêu dùngtheo phương thức hoàn trảđược cấp có thẩm quyền quy định theo lộ trình hợp lý./.

Lại Hùng

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top