Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ 10, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã thông qua Chương trình đột phá thứ 7 về “Chỉnh trang và phát triển đô thị”.
Theo đó, thành phố sẽ tập trung mọi nguồn lực để chỉnh trang và phát triển đô thị, di dời 20.000 người dân đang sống trên và ven các kênh rạch. Tuy nhiên, để thực hiện điều này không hề dễ, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp căn cơ từ quỹ đất, nguồn lực…
Thiếu quỹ đất để di dời
Thời gian qua, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, việc cải tạo hệ thống kênh rạch là một phần quan trọng trong chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị, giai đoạn 2016 - 2020 và những năm kế tiếp. Tổng số vốn dự kiến cho việc cải tạo kênh rạch ước khoảng 30.000 tỷ đồng.
Theo Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), trong hơn 20 năm qua, thành phố đã thực hiện thành công dự án chỉnh trang kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Ruột Ngựa - Tàu Hũ, phần nào đã làm thay đổi diện mạo đô thị. Việc chỉnh trang kênh rạch vẫn luôn được thành phố ưu tiên và quan tâm. Trong đó có các dự án trọng tâm như Nam Kênh Đôi khu vực quận 8 với quy mô hơn 7.500 hộ dân, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng. Dự án Rạch Xuyên Tâm, thuộc khu vực quận Bình Thạnh, có quy mô khoảng 2.500 hộ dân với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng...
Tuy nhiên, dù đã có kế hoạch di dời, tái định cư bằng vốn ngân sách cho khoảng 22.0000 căn nhà trên và ven kênh rạch, thuộc 61 dự án trên toàn địa bàn, nhưng trong nhiều năm, thành phố vẫn loay hoay tìm giải pháp do thiếu quỹ đất trầm trọng. Cụ thể, nhà ven và trên kênh rạch được chia làm ba nhóm triển khai di dời. Trong đó, nhóm 1 thực hiện 52 dự án di dời, với khoảng 14.400 căn trong diện giải tỏa, di dời, với kinh phí bồi thường, tái định cư khoảng gần 22.400 tỉ đồng. Nhóm 2 di dời khoảng 1.800 căn, với kinh phí dự kiến để di dời là hơn 2.700 tỉ đồng và nhóm 3 sẽ thực hiện 6 dự án di dời hơn 6.200 căn, với kinh phí khoảng 19.000 tỉ đồng (theo hình thức đối tác công - tư, PPP). Tuy nhiên, thời điểm trong hai năm đầu, thành phố mới thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, xây dựng quy hoạch.
Vấn đề đặt ra là, khó khăn do thiếu quỹ nhà tái định cư cho các hộ dân khi tiến hành di dời nhà trên, ven kênh rạch. Cụ thể, quỹ nhà tái định cư của một số quận hiện nay không còn, nên rất khó khăn trong tìm giải pháp giải tỏa, di dời cho các hộ dân trong khu vực chịu ảnh hưởng.
Minh chứng mới đây khi thực hiện dự án xây dựng, mở rộng đường Tôn Thất Thuyết (quận 4) và dự án công viên cây xanh bên bờ kênh Tẻ (giai đoạn 1 và 2), kết hợp với giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch, UBND quận 4 thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố dự kiến giải tỏa trắng 468 nhà và giải tỏa một phần 428 nhà còn lại, với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 1.466 tỷ đồng.
Để thực hiện được Dự án xây dựng công viên hồ Khánh Hội (giai đoạn 4), UBND quận 4 dự kiến giải tỏa toàn bộ 609 nhà dân và giải tỏa một phần 74 nhà dân, tuy nhiên, quỹ đất tái định cư vẫn là vấn đề khiến chính quyền đau đầu tìm giải pháp tháo gỡ.
Chương trình đột phá
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ 10, nhiệm kỳ 2015 – 2020, đã thông qua Chương trình đột phá thứ 7 về “Chỉnh trang và phát triển đô thị”. Trong đó, chương trình di dời nhà ven, trên kênh rạch là một trong những chương trình đột phá của thành phố. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình đột phá này vẫn khá chậm.
Theo đó, vẫn chưa có sự phối hợp với sở ngành, quận huyện trong triển khai dự án. Cụ thể, tại Dự án bờ Nam Kênh Đôi (quận 8) có gần 10.000 căn nhà được di dời, bao gồm khoảng 32.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng bởi chủ trương di dời của thành phố. Đây là một trong những dự án có số người phải di dời đông nhất, nhưng cho đến nay cũng chưa có tiến triển, báo cáo khả thi.
Nhiều ý kiến cho rằng, trước mắt, thành phố cần tập trung thực hiện những dự án đơn giản trước, nếu không làm nhanh sẽ không đạt được kế hoạch đề ra, vì chương trình chỉnh trang đô thị sẽ kết thúc giai đoạn đầu vào năm 2020. Ngoài thiếu quỹ đất, thách thức lớn hiện nay là nguồn kinh phí thực hiện chương trình do liên quan đến 52 dự án, phải di dời 13.827 căn nhà trên, ven kênh rạch, với tổng mức bồi thường dự kiến lên đến hơn 21.000 tỷ đồng.
Theo thống kê, hiện TP. Hồ Chí Minh có quy mô dân số trên 13 triệu người, trong đó có hơn 3 triệu người nhập cư. Trừ những khu vực trung tâm tương đối khang trang, đa phần các quận, nhất là các quận vùng ven, vẫn đang tồn tại nhiều khu dân cư lụp xụp cần phải được chỉnh trang để phát triển đô thị của thành phố. Trong thực tế triển khai cần sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch về cơ chế, chính sách tái điều chỉnh đất đai, tái phân lô đất đai với sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư để thực hiện công tác chỉnh trang và tái phát triển đô thị. Điều này sẽ nâng cao hiệu quả đối với các dự án chỉnh trang các khu dân cư lụp xụp, xây dựng lại, cải tạo các chung cư cũ hư hỏng, chỉnh trang các khu nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch trên địa bàn thành phố.
Trước đó, UBND TP. Hồ Chí Minh ước tính, trong giai đoạn năm 2016 – 2020, để thực hiện được 7 chương trình đột phá của thành phố sẽ cần khoảng 850.000 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường, ngập nước chiếm tới 60% nguồn vốn. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách của TP. Hồ Chí Minh hiện chỉ đáp ứng được khoảng 20% tổng nhu cầu vốn đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.