Thành phố Thái Nguyên là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Quyết định công nhận từ năm 2017). Đây cũng là đơn vị có nhiều sản phẩm OCOP nhất tỉnh.
Coi trọng tái cơ cấu nông nghiệp
Một trong những điểm nhấn nổi bật trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở thành phố Thái Nguyên là vấn đề đầu tư cho sản xuất, giúp hoàn thành và nâng cao tiêu chí thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Hàng năm, trên cơ sở đồ án quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới, UBND thành phố chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng tăng hiệu quả trên một đơn vị diện tích canh tác; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng cường đầu tư cơ giới vào sản xuất để nâng cao năng suất, hiệu quả lao động.
Những năm qua, nhiều chương trình, dự án đã được thành phố triển khai tới các xã, các HTX, các hộ dân như: Chương trình hỗ trợ giống gà Mía, gà Đông Tảo; hỗ trợ Tôn sao inox, giàn tưới phun mưa, phân bón, giống cho các hộ dân trồng chè; hỗ trợ mô hình sản xuất rau trong nhà kính, mô hình nuôi lợn rừng; triển khai trên 60 mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất; triển khai mô hình cánh đồng một giống tại xã Thịnh Đức; mô hình hỗ trợ nông dân sản xuất chè theo hướng an toàn, tiêu chuẩn VietGap, UTZ…
Bên cạnh đó, thành phố còn coi trọng tính hiệu quả sản xuất kinh doanh của các HTX, tạo mọi điều kiện để duy trì và mở rộng HTX ngành nghề nông thôn làm ăn hiệu quả; coi trọng việc phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương, tiến tới xây dựng các sản phẩm OCOP.
Thành công nhờ chủ động
Ông Ngô Danh Thùy, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Thái Nguyên, cho biết: Thành phố luôn quan tâm xây dựng các sản phẩm OCOP; không chỉ nhiệm kỳ này mà từ những nhiệm kỳ trước, thành phố đã có nhiều đề án quy hoạch vùng sản xuất tập trung tạo ra những sản phẩm mang tính hàng hóa và nông nghiệp theo hướng phát triển đô thị, là nền tảng cho nông nghiệp theo các tiêu chuẩn, yêu cầu cao của thị trường.
Bởi vậy, khi Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) chính thức được Chính phủ đề ra, ngay năm đầu tiên tham gia, thành phố đã có 8/25 sản phẩm OCOP trên toàn tỉnh; trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao, còn lại đều 3 sao.
Những năm tới, thành phố xác định sản phẩm OCOP về chè vẫn là chủ lực, ngoài ra, sẽ mở rộng sang một số sản phẩm khác và các loại hình mới như ống hút tự nhiên (ống tre), du lịch cộng đồng, đông trùng hạ thảo, một số mặt hàng ăn nhanh, các sản phẩm hoa quả. Để sớm đạt được nhiều sản phẩm OCOP, thành phố chỉ đạo các xã tiếp tục đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap và hướng tới sản xuất theo hướng hữu cơ.
“Tuy nhiên, vấn đề xây dựng tiêu chí đánh giá các sản phẩm OCOP vẫn còn bất cập. Cụ thể: nếu xét về truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm bánh làm từ nguyên liệu bột mỳ, theo cách đánh giá hiện nay là rất khó đạt vì bột mỳ có nguồn gốc từ nước ngoài; hay bao bì bằng chai thủy tinh, người nông dân đều phải thuê; nếu mổ xẻ ra, các giống cây đều từ viện nghiên cứu, giống mới, giống hiệu quả nông dân không thể tạo ra được... Do vậy, bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP cần được bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp”, ông Thùy nói.
Tiếng nói từ cơ sở
Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên), cho biết: HTX hiện tại có 30 thành viên chính thức và 50 thành viên liên kết, với 30ha chè; bình quân mỗi năm HTX sản xuất và chế biến được từ 400 đến 700 tấn chè búp tươi. Từ sản phẩm chè truyền thống, HTX đã phát triển 3 dòng sản phẩm chè có giá trị, được thị trường đón nhận, nhiều đối tác trong và ngoài nước tham gia tiêu thụ sản phẩm cho HTX. Tháng 8 năm 2019, tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm, HTX được 3 sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Từ khi đạt sản phẩm OCOP, khách hàng lại càng tin tưởng sản phẩm và HTX hơn, tới nay, sản lượng tiêu thụ tăng khoảng 20% so với trước. Mục tiêu của HTX là tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP trở thành hàng hoá có thương hiệu, trong đó có những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia OCOP 5 sao.
“Để xây dựng sản phẩm OCOP thành công, phải có sự đóng góp rất lớn của các thành viên trong HTX nên các xã viên phải được tiếp cận OCOP và các quy định về nó. Thế nhưng, từ trước tới nay, các lớp tập huấn, học tập về OCOP vẫn chỉ dành cho lãnh đạo HTX, chưa có lớp nào dành cho bà con nông dân, xã viên HTX”, bà Hảo nói.
Bà Đỗ Thị Hiệp, Giám đốc HTX chè Tân Hương (xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên), chia sẻ: HTX thành lập năm 2001, tự hào là đơn vị đầu tiên được cấp chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế UTZ Certified tại Việt Nam cho sản phẩm trà. Hiện nay, HTX có 38 hộ thành viên là đại diện cho các hộ sản xuất và chế biến chè tại 4 xóm của xã Phúc Xuân, với 25ha chè, trong đó có 20ha chè đang thu hái, còn 5ha trồng mới, sản lượng ước đạt 70 tấn chè búp khô các loại/năm; trong đó, sản lượng chè khô sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế UTZ là 29 tấn. Cuối năm 2019, khi tham dự Chương trình mỗi xã một sản phẩm, HTX đã có một sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao.
“Chúng tôi thấy khó nhất trong việc xây dựng sản phẩm OCOP là viết câu chuyện về trà, để sản phẩm đạt chứng nhận OCOP phải có câu chuyện về trà của sản phẩm ấy. Chúng tôi là những người nông dân, làm nhiều viết ít, làm sao mà viết câu chuyện về trà hay được; nên chăng, vấn đề này các cơ quan chức năng cần xem lại”, bà Hiệp nói.
Việc chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP đã mang lại cho thành phố Thái Nguyên ngày càng nhiều sản phẩm chất lượng; tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thu ngân sách cho nhà nước cũng không ngừng tăng lên. Đơn cử như HTX chè Hảo Đạt mỗi năm nộp ngân sách Nhà nước 200 - 400 triệu đồng; giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 30 - 50 lao động là con em trong vùng, với mức thu nhập bình quân 4,5 - 6,5 triệu đồng/người/ tháng.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.