Năm nay, nhiều loại trái cây được mùa và đang vào vụ thu hoạch nhưng giá lại lao dốc. Thậm chí, nông dân trồng xoài đêm ngủ mơ còn gặp 'ác mộng' vì giá xoài rẻ đến mức không buồn thu hái.
Nam Bộ thu hoạch 1,2 triệu tấn trái cây
Vài ngày gần đây, nhiều cửa khẩu ở các tỉnh phía Bắc nước ta với Trung Quốc đã khôi phục thông quan hàng hoá. Các xe container chở nông sản xuất khẩu bị “mắc kẹt” đang dần được giải quyết thông quan. Song, sau một thời gian dài hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bị ách tắc, thậm chí có thời điểm tê liệt, giá nhiều mặt hàng trái cây lao dốc.
Tại miền Tây những ngày này, các vựa xoài đang vào vụ thu hoạch rộ. Thế nhưng, từ xoài Thái, xoài hạt lép đến xoài Cát Chu, Cát Hoà Lộc… giá đều giảm sâu. Thậm chí xoài Đài Loan giá còn “chạm đáy”, người dân không buồn thu hái đem bán.
Thông tin từ "vương quốc xoài" Cái Bè (Tiền Giang) phản ánh qua Nông Nghiệp Việt Nam cho thấy, người bán xoài Đài Loan than dài vì giá quá rẻ. Rẻ đến nỗi đêm mơ gặp… ác mộng! Có thương lái chịu khó tới tận vườn, xoài Đài Loan trái to cỡ 2 trái 4kg, giá bèo bọt 500 đồng/kg…
Trong khi đó, tại huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ), xoài Cát Chu cũng rớt giá. Loại ngon giá cũng chỉ 8.000-10.000 đồng/kg. Riêng xoài Đài Loan hái bán tại vườn giá rẻ như cho, 500-1.000 đồng/kg. Vậy nhưng, thương lái vẫn không tha thiết thu mua.
Ở vựa xoài Cam Lâm (Khánh Hoà) hơn một tháng nay giá xoài Úc giảm dần đều. Tại đây, nhà vườn trồng xoài cho biết, cách đây 6-7 năm xoài Úc đỉnh điểm giá lên tới 120.000 đồng/kg. Song vài vụ gần đây giá cả bấp bênh, nhà vườn gần như chỉ hoà gốc, thậm chí là thua lỗ.
Hiện, xoài Úc loại 1 được thu mua với giá 12.000-13.000 đồng/kg, loại 2 giảm còn 4.000-5.000 đồng/kg, loại 3 đã xuống mức 2.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nông dân trồng xoài chỉ thu về 5-7 triệu đồng/sào, trong khi chi phí sản xuất bỏ ra khoảng 10 triệu đồng/sào.
Thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), sản lượng 8 loại cây ăn quả chính của các tỉnh Nam Bộ trong quý II/2022 ước đạt 1,2 triệu tấn, trong đó vùng Đông Nam Bộ là 246,6 nghìn tấn, đồng bằng sông Cửu Long khoảng 943,5 nghìn tấn. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu nông sản, trong đó có trái cây suốt từ cuối năm 2021 đến nay khiến giá giảm mạnh.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin, trong quý I năm 2022, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh chỉ đạt 455,4 triệu USD, giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2021, tỷ trọng xuất khẩu rau quả sang thị trường này chiếm 53,6%, giảm 9,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.
Gặp khó khi xuất khẩu sang Trung Quốc, trái cây đành đổ dồn về thị trường nội địa tiêu thụ. Cung vượt cầu kéo giá giảm mạnh. Theo đó, sau khi thanh long rớt giá thê thảm, bán đổ đống tại với giá chỉ vài nghìn đồng mỗi cân thì dưa hấu, chuối cũng chung cảnh ngộ.
Thời điểm cuối tháng 3, chuối tiêu hồng hàng xuất khẩu được chào bán la liệt trên thị trường với giá chỉ 5.000-6.000 đồng/kg. Thậm chí có nơi rao bán giá chỉ 3.000 đồng/kg, rẻ hơn cả giá một cốc trà đá ở vỉa hè Hà Nội.
Gần đây, roi đỏ An Phước trên thị trường giá cũng giảm còn 20.000-30.000 đồng/kg. Trong khi, các loại xoài giá chỉ trên dưới 10.000 đồng/kg, riêng roài Cát Chu, xoài Cát Hoà Lộc vốn có giá đắt đỏ cũng rớt còn 19.000-25.000 đồng/kg…
Điệp khúc trồng – chặt tái diễn
Bế tắc trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm ngày thu hoạch, thậm chí còn chịu thua lỗ nặng, một số nông dân trồng xoài ở Cam Lâm không còn mặn mà chăm sóc, bỏ vườn hoang hoặc treo biển cho thuê đất.
Tại Bình Thuận, Long An và Tiền Giang, thanh long vốn là cây trồng chủ lực giúp người dân thoát nghèo, thậm chí có thời còn là cây làm giàu. Nhưng vài năm trở lại đây, giá loại trái cây này “chạm đáy” đã thành điện khúc.
Từ cuối năm 2021 đến nay, thanh long rớt giá thảm do không thể xuất khẩu sang Trung Quốc khiến nhiều nhà vườn thua lỗ nặng. Tại Long An, nông dân cũng cắn răng chặt bỏ hơn 200 ha thanh long.
Ở “thủ phủ thanh long” Bình Thuận, theo Sở NN-PTNT, từ đầu năm 2022 đến nay đã có hơn 2.500 ha thanh long bị đốn hạ. Trong đó, có hơn 900 ha được chuyển đổi sang cây trồng khác, gần 1.500 ha vườn thanh long ngừng sản xuất.
Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường chính của rau quả Việt xuất khẩu. Trung Quốc đã đồng ý cho 9 loại trái của nước ta được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này. Song, đa phần trái cây Việt vẫn chọn đi theo con đường tiểu ngạch đầy rủi ro.
Mới đây, trong toạ đàm về nông sản ùn ứ khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho hay, cách đây 3-4 năm, cũng có tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu nhưng không nặng nề như thời điểm trước và sau Tết do dịch Covid-19.
Khi sự việc xảy ra, lần nào các câu hỏi: tại sao lại lệ thuộc một thị trường lớn, không đa dạng, không phát triển thị trường 100 triệu dân, sao không tăng chế biến hàng hoá mà lại xuất khẩu thô, sao không chuẩn hoá chất lượng, xuất khẩu chính ngạch, đầu tư phát triển logistic?... lại được đặt ra.
“Nhưng chúng ta mắc chứng 'hay quên', vì khi giải phóng được hàng thì những câu hỏi đó lại trôi đi mà không kiên trì tìm các giải pháp đối phó việc đứt gãy”, Bộ trưởng nói.
Chưa kể, chúng ta còn mắc bệnh tự bằng lòng, hài lòng với cái đang có nên ngại thay đổi. Cách làm kinh tế vẫn "mù mờ" về đầu cung và đầu cầu, không đi vào quỹ đạo, đôi khi giống như đi buôn chuyến nhiều hơn là hợp tác bài bản nên gặp nhiều rủi ro. Việc nông dân trồng rồi chặt, được mùa rớt giá cứ thành điệp khúc.
Theo ông, mỗi sự thay đổi đều không đơn giản và đều phải có lộ trình, nhưng nếu chúng ta không khởi hành thì sẽ không có kết thúc. Phải ngồi lại, bàn việc nào của bộ ngành, việc nào địa phương cần làm để chuyển dần từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Phải tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại từ khâu sản xuất đến thị trường thông qua hệ thống hạ tầng logistics.
Theo vietnamnet.vn
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…