Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 30 tháng 11 năm 2020 | 20:54

Trân quý truyền thống, chung sức, chung lòng xây dựng Nghệ An ngày càng giàu đẹp, văn minh

Tối 30/11, tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh, Nghệ An), diễn ra lễ kỉ niệm 990 năm danh xưng Nghệ An và đón bằng di tích Quốc gia đặc biệt Đình Hoành Sơn.

Kinh tế nông thôn trân trọng gửi đến bạn đọc toàn văn phát biểu của ông Thái Thanh Quý, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An. Tít do Tòa soạn đặt.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Nghệ An và đón Bằng công nhận di tích Quốc gia đặc biệt Đình Hoành Sơn, ông Thái Thanh Quý, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An,  nhấn mạnh, trong tiến trình phát triển của dân tộc, Nghệ An là vùng đất không thể tách rời của một dải non sông Việt Nam thống nhất. Ngay từ buổi bình minh của lịch sử, vùng đất Nghệ An đã có sự cư trú của người Việt Cổ. Đến nay, các di chỉ khảo cổ học được tìm thấy trên nhiều vùng miền trong tỉnh, đã khẳng định sự hiện diện và đóng góp của cộng đồng cư dân Nghệ An đối với sự hình thành nền văn hóa, văn minh đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

vmixcapture30november2020201947_20201130202746.jpg
Ông Thái Thanh Quý phát biểu tại buổi lễ (Ảnh Đài truyền hình Nghệ An)

Qua các cứ liệu lịch sử, Nghệ An xưa thuộc nước Việt Thường. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, vùng đất này đã mang nhiều tên gọi khác nhau như: Hoài Hoan, Cửu Chân, Cửu Đức, Nhật Nam, Hoan Châu. Đến đầu thời đại Nhà Lý, tên Hoan Châu được đổi thành Nghệ An. Danh xưng Nghệ An có từ đó, trở thành tên gọi gần gũi, thân thương gắn liền vào lịch sử hào hùng của dân tộc và tồn tại sâu thẳm trong tâm thức các thế hệ người dân Nghệ An cho tới ngày nay. 

Vị trí nằm trên đường thiên lý Bắc Nam, cách xa kinh thành Thăng Long xưa, Nghệ An là đất "phên dậu", "trọng trấn" của quốc gia, có tầm quan trọng chiến lược về chính trị và quân sự, "tiến có thế công, lui có thế thủ", nên nhiều triều đại xưa thường dựa vào vùng đất này để chống giặc, giữ nước và dựng nên đại nghiệp. 

20201130_200048.jpg
Lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Nghệ An và đón bằng di tích Quốc gia đặc biệt Đình Hoành Sơn.

Với địa thế lưng tựa dải Trường Sơn hùng vĩ, trước mặt là Biển Đông bao la, thiên nhiên đã ban tặng cho Nghệ An cảnh sắc "non xanh nước biếc như tranh họa đồ", nhưng cũng đặt con người nơi đây thường xuyên phải đối mặt, chống chọi với thiên tai, giặc dã. Chính điều đó, đã tôi luyện và hun đúc nên con người Nghệ An vừa có những phẩm chất tốt đẹp chung của con người Việt Nam, vừa có những nét tính cách đặc sắc riêng của người Xứ Nghệ, đó là: một lối sống mộc mạc, ân tình; tấm lòng sâu lắng, thủy chung; khí chất cương trực, gan góc, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn; đức tính cần cù, luôn tìm cái mới mà không quên cội nguồn để đi lên, sớm tỏa đi muôn phương nhưng vẫn luôn hướng về và hẹn ngày trở lại. 

Bởi vậy, suốt chiều dài lịch sử cùng dân tộc, mảnh đất địa linh này thời nào cũng có những anh hùng, hào kiệt, danh tướng, danh nhân đóng góp công trạng vẻ vang cho đất nước và quê hương. Đồng thời, có sự gắn kết hữu cơ trong tiến trình mở mang bờ cõi, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Trong hầu hết các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của dân tộc ta, luôn có sự hiện hữu nổi trội, quan trọng, tích cực của người dân xứ Nghệ. 

Ngay trong thời kỳ chống Bắc thuộc, nhân dân Nghệ An đã hưởng ứng mạnh mẽ các cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Phùng Hưng. Trong đó, ghi dấu ấn đậm nét là khởi nghĩa Hoan Châu cách đây 1.300 năm, đã lật đổ ách thống trị của nhà Đường, lập nên thành Vạn An của một quốc gia độc lập. 

Trong giai đoạn tự chủ của quốc gia Đại Việt, Nghệ An là nơi cung cấp nhân tài, vật lực cho các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc, đồng thời là chiến trường, tiền tuyến của các cuộc chiến tranh chống các thế lực xâm lược ở phía Nam, phía Tây. 

20201130_200513.jpg
Kỷ niệm 990 năm danh xưng Nghệ An, khẳng định một dấu mốc quan trọng, một chặng đường lịch sử vẻ vang mà biết bao thế hệ đã đổ công sức, xương máu đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt và kẻ thù xâm lược để xây dựng, bảo vệ vùng đất Nghệ An tươi đẹp hôm nay.

Khi cả dân tộc trong đêm tối nô lệ dưới ách thực dân phong kiến, nhiều người con quê hương Nghệ An nặng lòng với nước, nhạy cảm với thời cuộc đã nuôi chí lớn, vượt trùng dương để ra đi tìm con đường đưa đất nước đến với tự do, độc lập, tiêu biểu nhất là hành trình vĩ đại của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, mà sau này chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta. 

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng, tinh thần yêu nước của những con người Nghệ An kiên trung, bất khuất càng được khơi dậy và thăng hoa, lòng yêu nước của Nhân dân được hun đúc và phát huy cao độ trở thành chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhiều người con Nghệ An ưu tú đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, trở thành những chiến sỹ cộng sản tiêu biểu của Đảng như Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hồ Tùng Mậu.v.v…Nhân dân Nghệ An “đứng đầu dậy trước” làm nên một Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng, trở thành cuộc tổng diễn tập đầu tiên góp phần đưa đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. 

Một Nghệ An làm hậu phương lớn cung cấp sức người, sức của bằng tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xe chưa qua nhà không tiếc”, góp phần cùng cả nước làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh, làm trọn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Một Nghệ An tiền tuyến của những “tọa độ lửa”, chống đế quốc Mỹ phá hoại miền Bắc với những chiến công hào hùng, bi tráng, trở thành biểu tượng cao đẹp chủ nghĩa anh hùng cách mạng, như Truông Bồn, Cầu Cấm, Bến Thủy…Đi qua các cuộc kháng chiến, hơn 45 ngàn người con ưu tú của quê hương đã anh dũng ngã xuống, hơn 61 ngàn người để lại một phần thân thể trên các chiến trường, tô thắm thêm truyền thống yêu nước sáng ngời của quê hương. 

Nghệ An không chỉ là "thành đồng ao nóng" của nước nhà mà còn tự hào là một vùng đất học. Từ bao đời nay, dù phải chắt chiu từng hạt gạo, củ khoai nhưng người dân vẫn lấy sự học làm trọng. Thế hệ nối tiếp thế hệ, tạo nên một dòng chảy, bồi đắp nên một truyền thống hiếu học, khổ học và quyết học thành tài của đất và người nơi đây. Những truyền thống tốt đẹp đó, vẫn được tiếp tục phát huy và tỏa sáng cho đến mãi ngày nay, trở thành nguồn lực nội sinh to lớn trên mảnh đất này. 

Quá trình khai cơ lập nghiệp, lao động cần cù, sáng tạo, không ngừng đấu tranh để tồn tại và phát triển đi lên, cùng với sự tiếp nhận, giao thoa văn hóa của các vùng miền trong và ngoài tỉnh đã bồi lắng một trầm tích văn hóa xứ Nghệ đậm đà bản sắc, kết tinh nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo, có sức sống lâu bền. Trong đó, dân ca Ví Dặm Nghệ Tĩnh là “thổ sản độc đáo", tiêu biểu cho cốt cách, tâm hồn con người xứ Nghệ: mộc mạc mà ý nhị; dung dị mà mượt mà; sôi nổi mà sâu lắng... đã vượt ra khỏi không gian và thời gian, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Nghệ An là quê hương của nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật, lễ hội truyền thống đặc sắc, gắn với đời sống văn hóa tâm linh phong phú, những huyền tích, nhân vật lịch sử của dân tộc và quê hương. Từ Đền Cuông linh thiêng nơi ghi dấu câu chuyện bi tráng của Đức Tổ An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu; đến một ước vọng Phượng Hoàng – Trung Đô lưu danh muôn thuở của Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ. Trong niềm hân hoan của Đại lễ hôm nay, tỉnh Nghệ An vui mừng có thêm di tích cấp quốc gia đặc biệt Đình Hoành Sơn, một công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu về sự tài hoa, sáng tạo của ông cha để lại cho hậu thế. 

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nêu rõ: Tỉnh Nghệ An ngày nay, có diện tích lớn nhất cả nước với gần 16.500km2 và dân số đứng thứ 4 với hơn 3,3 triệu người. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã tích cực khơi dậy các nguồn lực, nỗ lực khắc phục khó khăn, giành được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trong quá trình phát triển. Từ một tỉnh thuần nông, điểm xuất phát thấp, đến nay Nghệ An đã xây dựng được một nền tảng kinh tế - xã hội ngày càng vững chắc trên các mặt. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại, là một trong những điểm sáng của cả nước về xây dựng nông thôn mới. Văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Đời sống của nhân dân ở các vùng, miền từng bước được nâng lên rõ rệt. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đối ngoại được tăng cường, mở rộng. Khối đại đoàn kết toàn dân, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố.  

Bí thư Tỉnh ủy khẳng định những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta đã đạt được là rất đáng tự hào. Nhưng ngay trong thời khắc lịch sử này, chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, Nghệ An vẫn đang còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần khơi dậy và phát huy mạnh mẽ ý chí, bản lĩnh kiên cường, tinh thần cách mạng, khát vọng vươn lên; đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chú trọng xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, để đưa Nghệ An phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu trở thành tỉnh khá trong khu vực phía bắc vào năm 2025, tỉnh khá trong cả nước vào năm 2030.  

"Kỷ niệm 990 năm danh xưng Nghệ An, khẳng định một dấu mốc quan trọng, một chặng đường lịch sử vẻ vang mà biết bao thế hệ đã đổ công sức, xương máu đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt và kẻ thù xâm lược để xây dựng, bảo vệ vùng đất Nghệ An tươi đẹp hôm nay. Là dịp để chúng ta ôn lại, hiểu hơn, trân quý hơn truyền thống lịch sử của quê hương; vững tin, quyết tâm chung sức, chung lòng hơn để xây dựng tỉnh Nghệ An ngày càng giàu đẹp, văn minh, viết tiếp trang sử hào hùng của vùng đất "địa linh nhân kiệt", của quê hương Bác Hồ kính yêu" - ông Thái Thanh Quý nhấn mạnh.

 

 

Lưu Khuyên
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top