Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 10 năm 2021 | 15:39

Trao cơ chế chính sách đặc thù để 4 tỉnh, thành phát triển bứt phá

Các nghị quyết về cơ chế đặc thù nhằm phát huy tiềm năng lợi thế của Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An và Thừa Thiên Huế, đưa các địa phương này trở thành đầu tàu kéo các tỉnh xung quanh.

ct-qh.jpg

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại tổ sáng 22/10. Ảnh: Quốc hội

 

Sáng nay (22/10), Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên - Huế.

"Nâng trên và đỡ dưới"

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dù thể chế nước ta là một khuôn khổ thống nhất cho toàn quốc nhưng vẫn thí điểm một số khuôn khổ chính sách mới. Trên cơ sở kết quả thí điểm này chúng ta sẽ tổng kết, đánh giá và nhân rộng trên toàn quốc. Việc thí điểm vì mục tiêu chung cho sự phát triển của quốc gia.

Theo Chủ tịch Quốc hội, chủ trương của Đảng ta đều nhất quán “nâng trên và đỡ dưới. Nếu địa phương nào có điều kiện phát triển, đầu tàu, động lực thì có những cơ chế chính sách đột phá mạnh hơn để tạo điều kiện cho phát triển để tạo sự lan toả cho những địa phương khác, cho cả vùng, thậm chí cho cả nước. Còn với những địa phương, địa bàn khó khăn sẽ có những cơ chế chính sách đặc thù giúp họ vươn lên, rút ngắn khoảng cách phát triển với địa phương khác.

Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên Huế là những địa phương đều có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị về phát triển. Riêng Hải Phòng là một trong những tam giác phát triển của phía bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh), cực tăng trưởng mạnh. Trong thời gian gần đây Hải Phòng có những bứt phát mạnh mẽ cả về GDP, thu ngân sách, kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, đầu tư nhiều cho các xã. Còn với những huyện có khả năng lên quận cũng được đầu tư mạnh mẽ.

Khẳng định nhu cầu phát triển của Hải Phòng là rất lớn, ông Vương Đình Huệ cho biết thành phố này xác định tầm nhìn không chỉ là một cực tăng trưởng mà còn là động lực tăng trưởng của khu vực và cả nước.

Với Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Quốc hội cho biết trước đây Bộ Chính trị đã có Nghị quyết phấn đấu đưa địa phương này trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Quá trình tổ chức thực hiện, Huế đã có tốc độ phát triển tốt. Tuy nhiên, phần đặc thù nông thôn của Huế có xuất phát điểm khó khăn, khó đạt được tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị đã có đề xuất, có quyết sách xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương với cốt lõi là Cố đô Huế. Do đó các tiêu chí về dân số, thu nhập không nhất thiết như các thành phố trực thuộc khác. Đây là cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố di sản.

Với tỉnh Thanh Hoá, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại khi Bác Hồ vào thăm đã nói: “Tỉnh Thanh theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”. Thanh Hoá đã hiện nay đang phấn đấu trở thành một trong tứ giác phát triển của phía bắc bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Thanh Hoá. Bên cạnh đó, Thanh Hoá có động lực phát triển kinh tế Nghi Sơn. Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho biết lúc này Thanh Hoá chỉ thiếu cơ chế để tổ chức thực hiện và phát triển.

Nghệ An cũng tương tự như Thanh Hóa, là tỉnh có diện tích lớn, dân số đứng thứ 4 cả nước.

Cho cơ chế tốt mà kết quả không tốt thì không được

Phát biểu tại phiên họp tổ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các nghị quyết về cơ chế đặc thù nhằm phát huy tiềm năng lợi thế của các địa phương này, qua đó tăng đóng góp ngân sách, việc làm và đưa các địa phương này trở thành đầu tàu kéo các tỉnh xung quanh.

 “Các cơ chế, chính sách của 4 địa phương trình Quốc hội đều được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng đảm bảo tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã cho áp dụng tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng”, ông Dũng nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh, 4 địa phương nêu trên mong chờ nhất hai vấn đề lớn: phân cấp đặc quyền cho địa phương, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, ông đồng tình quan điểm đã cho phép cơ chế như thế thì làm sao nghiên cứu kỹ, đầy đủ, phù hợp với điều kiện đặc thù riêng có từng địa phương.

Về khuôn khổ phạm vi của dự thảo, ông Nguyễn Chí Dũng thông tin, đây là các nội dung được địa phương đề xuất, các bộ ngành thẩm định. Cũng có thể có thêm những cơ chế chính sách khác nhưng do vấn đề thời gian, nên sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm và có thể bổ sung trong quá trình thực hiện, ví dụ như đề xuất Hải Phòng có thêm khu thương mại tự do.

“Đặc biệt trong tổ chức thực hiện thế nào phát huy được hết các cơ chế đã trao”, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, vì nếu cho cơ chế rồi mà tăng trưởng vẫn thế, không có đóng góp gì thêm thì ý nghĩa giảm đi rất nhiều. Do đó sẽ bám sát với địa phương xem các chính sách có phát huy được hết không, đánh giá lại. Cơ chế là để làm sao các địa phương thực hiện chủ động, chứ không được lạm dụng. Cơ chế cho tốt nhưng kết quả lại không tốt thì cũng không được.

 

Theo Ngọc Thành/VOV.VN

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top