Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 10 năm 2020 | 14:23

Triển vọng nuôi cá lồng trên sông Cầu

Tận dụng dòng sông Cầu đi qua địa bàn, mấy năm gần đây, một số hộ tại các xã Châu Minh, Xuân Cẩm (Hiệp Hoà - Bắc Giang) mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng.

Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra triển vọng mới về phát triển thủy sản tại địa phương.

 

t38.JPG

Anh Nguyễn Tá Dương với con cá trắm 3kg chuẩn bị được xuất bán.

 

Thu hàng trăm triệu đồng

Đứng trên cầu Đông Xuyên, ngắm nhìn dòng sông Cầu, tôi thấy thấp thoáng ở đằng xa những lồng nuôi thủy sản. Đây là địa phận xã Châu Minh (Hiệp Hòa). Bước lên thuyền, tiếp đón tôi là sự niềm nở của anh Nguyễn Tá Dương, chủ nhân khu nuôi cá. Chiếc thuyền rẽ sóng đưa tôi tới bờ bên kia, nơi đặt những lồng cá của gia đình. Trên mặt nước, những lồng cá vuông vắn ngăn cách nhau bằng lưới, khung sắt kiên cố, dưới có gắn phao đỡ vững vàng. Xen lẫn với tiếng sóng vỗ ì oạp quanh nhà bè là tiếng cá quẫy xáo động trong lồng. Từng đàn cá bơi đen đặc mặt nước, tiếng bước chân của chúng tôi đi tới đâu, cá bơi theo đó.

Khu nuôi hoàn toàn sử dụng năng lượng điện mặt trời để thắp sáng, được thiết kế với 8 lồng cá, quy mô hơn 300m2, tương đương 3 vạn con. Trong đó, hai lồng nuôi cá giống, còn lại là cá thương phẩm như trắm, rô phi, cá điêu hồng. Chỉ vào lồng cá to nhất, anh Dương phấn khởi chia sẻ: “Hơn 2 vạn cá trắm, cá rô phi sẽ được thu hoạch vào cuối năm nay, ước đạt hơn 20 tấn cá phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán. Với giá thị trường 47-50 nghìn đồng/kg cá trắm, 33 nghìn đồng/kg cá rô phi, ước thu về khoảng 1,1 tỷ đồng”.

Dù mới gắn bó với nghề nuôi cá, song anh đã tìm hiểu về đặc tính cũng như cách chăm sóc cá ngót nghét chục năm. Kiến thức chăn nuôi đã có nhưng khi áp dụng thực tế lại hoàn toàn khác. Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm, cá trong lồng chết quá nửa khiến anh muốn bỏ nghề. Được sự động viên của chính quyền địa phương, người thân, bạn bè cùng với ý chí vượt khó, anh quyết tâm không bỏ cuộc. Anh tự thiết kế lồng, nhập giống, chăm sóc, học hỏi kinh nghiệm từ các hợp tác xã nuôi cá lồng thành công ở Bắc Ninh nhằm nắm chắc kỹ thuật chăm sóc và tìm đầu ra cho cá.

Theo anh Dương, để thành công khi nuôi cá thì cần chú trọng nhất là kỹ thuật. Ví như để xử lý mầm bệnh, anh tiến hành khoanh vùng để tiêu huỷ đàn cá bệnh và có biện pháp khử trùng ao nuôi kịp thời bằng thảo dược, tránh lây lan sang vùng nuôi khác. Trời trưa nắng hay ban đêm, anh cho chạy sục khí nhằm làm mát nước, tăng hàm lượng ôxy. Mùa lũ, anh cùng gia đình kéo bè cá sang bờ bên kia tránh luồng nước xấu ảnh hưởng tới cá, trời yên bể lặng anh lại kéo lồng về. Mỗi lần tới giờ cho ăn, anh cầm gáo gõ vào thau thức ăn là cá nhao tới đớp mồi khiến cho bọt nước tung lên trắng xóa.

Nhờ làm chủ kỹ thuật, đến nay, anh đang mở rộng quy mô lên 11 lồng, mỗi lồng nuôi gần 4 tấn cá. Anh Dương cho hay, đợt cá đầu tiên thu hoạch tháng 5  hơn 8 tấn, sau khi trừ chi phí, hai lồng cá thương phẩm cho thu lãi 100 triệu đồng. Cá thương phẩm đạt trọng lượng từ 2,5 - 3kg/con và phải bảo đảm thời gian nuôi từ 8 tháng mới xuất bán.

 

t39.JPG

Anh Dương cho cá ăn.

 

“Cả vụ trước, tôi thu mua toàn bộ số cá nhà anh Dương. Do cá được nuôi bằng ngô, bèo, cỏ lại sinh sống ở sông nên thịt cá săn chắc và thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng”, ông Biên Sen, thương lái thu mua cá nhà anh Dương cho biết.

Trăn trở về nghề

Ngoài anh Dương, còn 3 hộ tại 2 xã Châu Minh, Xuân Cẩm cũng đầu tư nuôi cá lồng cho thu nhập cao. Anh Đào Xuân Quý (xã Xuân Cẩm), người dân nuôi cá lồng, cho hay, nhận thấy diện tích mặt nước là cơ hội để phát triển nghề nuôi cá lồng, có thể tận dụng nguồn thức ăn hữu cơ, thuận tiện trong chăm sóc và thu hoạch; cá được nuôi trên sông mau lớn, ít bị nhiễm bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, thịt thơm ngon, giá bán cao nên gia đình đầu tư làm 4 lồng nuôi cá. Ngay đợt thu hoạch đầu tiên vào tháng 5 năm ngoái, khoảng 4 tấn cá thương phẩm được xuất bán, thu nhập 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, hiện những người nuôi cá lồng vẫn còn không ít băn khoăn, trăn trở khi mở rộng mô hình. Bởi lẽ, đoạn chảy qua các xã là hạ lưu sông Cầu, nguồn nước sông tại đây thi thoảng đen sì, ô nhiễm, nhất là vào tháng 3 – 4, khiến cho cá chết nhiều. Theo một số hộ nuôi cá, do lượng nước thải xả ra từ các nhà máy, xí nghiệp và các làng nghề nằm dọc hai bên bờ sông Cầu, việc khai thác cát sỏi khiến cho dòng nước sông bị ô nhiễm, biến đổi dòng chảy. Bên cạnh đó, vấn đề lựa chọn nguồn giống có chất lượng bảo đảm, có xuất xứ rõ ràng ở cơ sở cung cấp chưa được kiểm soát tại mỗi vụ đối với các hộ nuôi cá lồng nên việc đầu tư, mở rộng số lượng lồng còn hạn chế. Trên thực tế, diện tích nuôi thủy sản của Hiệp Hòa còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hiệp Hòa, hiện, trên địa bàn huyện có khoảng 20 lồng cá. Thực tế cho thấy, việc phát triển nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần không nhỏ trong việc tận dụng điều kiện tự nhiên, thay đổi nhận thức của người dân về việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương.

Từ hiệu quả đạt được, thời gian tới, huyện đã có định hướng, tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng, hỗ trợ thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, vay vốn. Để mở rộng, phát triển bền vững và khai thác lợi thế tài nguyên nước, các cấp chính quyền và ngành chức năng cần tuyên truyền người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh chung tay bảo vệ nguồn nước, đánh thức tiềm năng nuôi trồng thủy sản của sông Cầu.


 

Nguyễn Mai Anh
Ý kiến bạn đọc
  • Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Chương trình “Kết nối chuỗi cung ứng và đáp ứng nhu cầu thị trường” là cầu nối giúp cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tại Việt Nam có điều kiện kết nối với các đối tác Nhật Bản trong việc tham gia chuỗi cung ứng nông sản cho thị trường.

  • Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Những năm qua, việc thực hiện trồng thử nghiệm dưới tán rừng tại các huyện Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Núi Thành và Tiên Phước, cây sâm Ngọc Linh đều không thích ứng, sinh trưởng và phát triển kém.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top