Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 22 tháng 3 năm 2017 | 9:47

Trồng cây lên tới trời - Chuyện làm nông ở quốc đảo Singapore

Tháng 3/2017, chính phủ Singapore công bố Lộ trình chuyển đổi ngành nông nghiệp (Farm Transformation Map), trong đó đề ra những chiến lược chủ chốt có thể giúp quốc đảo siêu nhỏ này vượt qua hạn chế về diện tích đất nông nghiệp bằng việc áp dụng công nghệ, sử dụng các nguồn tài nguyên hiệu quả hơn và phát triển cả một thế hệ “chuyên gia nông nghiệp” cho tương lai.

trong cay len toi troi va chuyen lam nong o quoc dao singapore hinh 1
Vườn rau ở Kangkong, Singapore, sử dụng hệ thống tưới tiêu tự động tiên tiến. Ảnh: Channel News Asia.

Chủ tịch Hiệp hội Đồng quê Kranji (thành lập từ năm 2005 với sứ mệnh củng cố an ninh lương thực cho Singapore), ông Kenny Eng đặt nhiều kỳ vọng vào kế hoạch này, cho rằng đây là minh chứng của việc dù là quốc gia vô cùng nhỏ bé, Singpore vẫn tự sản xuất được lương thực.

Đánh đổi an ninh lương thực lấy phát triển kinh tế

Đã từng có thời gian Singapore đáp ứng được hầu hết nhu cầu lương thực trong nước. Khi tuyên bố độc lập năm 1965, sản xuất nông nghiệp của nước này đáp ứng 60% nhu cầu rau xanh, 80% nhu cầu về gia cầm, 100% nhu cầu về trứng và thậm chí còn xuất khẩu thịt lợn.

Tuy nhiên, trong cơn khát tăng trưởng kinh tế, Singapore đã chọn công nghiệp hóa nhanh chóng và cái giá mà họ phải trả là những trang trại dần bị xóa sổ.

Đến năm 2014, chỉ còn 1% diện tích đất của Singapore, tương đương chưa đầy 72km2 đất dành cho nông nghiệp và hầu hết trong số này tập trung ở vùng nông thôn Kranji.

Theo lộ trình đó, đến năm 2019, 62 trang trại tại Singapore sẽ bị di rời để nhường đất cho huấn luyện quốc phòng. Tùy vào quy mô của các trang trại này mà diện tích đất nông nghiệp của Singapore có thể thu hẹp xuống còn 0,5%.

“Con hổ châu Á”. “Phép màu kinh tế Singapore dưới bàn tay Lý Quang Diệu”. Những thành tựu không thể phủ nhận đó cho thấy định hướng kinh tế đúng đắn của Singapore, biến nước này thành chuẩn mực cho nhiều nền kinh tế phát triển và mới nổi noi gương.

Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi. Rõ ràng, đối với một thị trường nhập khẩu đến 90% lương thực như Singapore, nguồn cung chịu tác động lớn bởi biến đổi khí hậu và những bất ổn địa chính trị gia tăng trong khu vực và trên thế giới trong thời gian gần đây.

Hồi chuông nào đã cảnh tỉnh Singapore?

Đó có thể là cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2007 khi trung bình giá lương thực thực phẩm nhập khẩu vào Singapore tăng đến 12%.

Chính lúc đó, chính phủ Singapore đã nhận ra sự cấp thiết của việc phải có chính sách nông nghiệp đảm bảo tự cung cấp các loại lương thực, thực phẩm cơ bản để chống chịu với những cú sốc từ nguồn cung.

Người đứng đầu cơ quan củng cố an ninh lương thực cho Singapore, ông Kenny Eng thừa nhận việc củng cố ngành nông nghiệp vào giai đoạn này có thể là bước đi muộn màng nhưng “thà muộn còn hơn không bao giờ”.

Tuy nhiên, ngoài hạn chế vì thiếu đất và áp lực phát triển của các đô thị, không giống như các lĩnh vực khác mà Singapore có những chính sách dài hạn, cơ sở hạ tầng và các hình thức hỗ trợ khác, các nông trại trên quốc đảo nhỏ bé này không có nền tảng vững chắc về kinh doanh để đầu tư vào những công nghệ đắt tiền.

Trồng cây lên tới trời và câu chuyện sức người vô hạn ở Singapore

trong cay len toi troi va chuyen lam nong o quoc dao singapore hinh 2

Nhà kính 4 tầng Sky Greens của Singapore sử dụng hệ thống thủy lực quay

và ánh sáng nhân tạo có thể sản xuất được 1 tấn rau lá mỗi ngày. Ảnh: Sky Greens.

Lộ trình chuyển đổi ngành nông nghiệp của chính phủ Singapore sẽ được triển khai trên 4 lĩnh vực là diện tích sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển con người và mở rộng hệ sinh thái.

“Lên tới trời, xuống tận biển sâu và len vào các tòa nhà”. Đó là phương châm mà Bộ trưởng Bộ Phát triển quốc gia Singapore Koh Poh Koon đề ra để vượt qua những hạn chế về đất nông nghiệp.

Điển hình cho mô hình này là một trang trại trồng rau truyền thống ở Kok Fah sử dụng nhà kính tiên tiến và hệ thống tưới tiêu để giảm thiểu tác động của thay đổi khí hậu hay trang trại nuôi cá chình trong lồng nước sâu Barramundi Asia.

Giải pháp đổi mới công nghệ được cho là chìa khóa then chốt để Singapore có thể sản xuất nhiều lương thực thực phẩm hơn khi diện tích không gian sử dụng không tăng.

Lộ trình chuyển đổi nông nghiệp Singpore xác định những công nghệ có thể áp dụng để tăng sản lượng như: làm nông nghiệp “theo chiều thẳng đứng”, chiếu sáng nhân tạo, sản xuất trong nhà kính, hệ thống tưới tiêu tiết kiệm, kiểm soát nhiệt độ, robot làm nông…

Sản xuất lương thực ở hòn đảo “người khôn của khó” này còn bao gồm việc tái chế rác từ cây trồng thành phân bón, gieo hạt tối ưu, tưới nước tự động, thu hoạch và đóng gói hoàn toàn bằng máy.

Bộ trưởng Bộ Phát triển quốc gia Singapore Koh Poh Koon cho biết, kể từ tháng 4/2017, Quỹ Sản lượng Nông nghiệp (APF) trị giá 63 triệu đôla Singapore (SGD), tương đương với hơn 45 triệu USD, sẽ dành 30% tiền giải ngân để giúp nông dân địa phương áp dụng công nghệ.

Cơ quan Chăn nuôi và trồng trọt Singapore (AVA) cũng sẽ hỗ trợ nông dân bằng cách chỉ định các nhà quản trị cố vấn cho từng nông trại về hướng phát triển, áp dụng công nghệ và hỗ trợ tài chính.

“Làm nông sẽ không còn chỉ là trồng trọt hay nuôi thủy sản, không còn là ‘bán mặt cho đất, bán lưng cho trời’, với công việc chân tay mà còn là kỹ thuật, công nghệ thông tin, kinh doanh và nghiên cứu phát triển” - Ông Koh Poh Koon khẳng định./.

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top