Tự thử nghiệm và nhân rộng thành công kỹ thuật trồng dâu tây New Zealand trên giá thể thuần xơ dừa, nông dân Nguyễn Thanh Trúc ở phường 11, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) thu lãi bạc tỷ mỗi năm trên diện tích đất chưa đến 1ha.
Dâu tây New Zealand trồng trên giá thể thuần xơ dừa của Nguyễn Thanh Trúc cho lãi 2,5 tỷ đồng/9.000m²/năm.
Lãi 2,5 tỷ đồng/9.000m²/năm
Kết thúc tháng 7/2017, vườn dâu tây của Nguyễn Thanh Trúc (sinh năm 1975) thu được hơn 1 tấn/5.000m². Vườn dâu tây này tọa lạc ở thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, Đà Lạt, cách Quốc lộ 20 chỉ hơn nửa cây số nên người tham quan dễ dàng tìm đến. Mới 9 giờ sáng, vườn dâu đã thu hoạch và đóng gói hơn 30kg trái, chuyển đi tiêu thụ theo đơn hàng ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trúc cho biết: “Đây là vườn dâu tây thứ 3 của gia đình chúng tôi được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Trước đó, năm 2013 và 2014, chúng tôi đã trồng 2 vườn dâu tây ở phường 10 và phường 11, mỗi vườn có diện tích 2.000m², cũng đang vào thời kỳ kinh doanh, tổng sản lượng trung bình 12 tấn/năm. Cả 3 vườn dâu tây đều sản xuất trong nhà kính công nghệ cao và đều đạt tiêu chuẩn VietGAP”.
Trúc “thuyết minh” thêm: Đà Lạt vào thời điểm giữa mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 10, vườn dâu đạt sản lượng bằng khoảng 60- 70% những tháng đầu mùa mưa và những tháng mùa khô. Nguyên nhân là do mùa mưa dài ngày thường xuất hiện sâu bệnh nhiều, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm khá lớn, dẫn đến dâu tây ra hoa đậu trái ít hơn mùa khô khi thời tiết thuận lợi. Tuy nhiên, nếu thống kê trong năm vừa qua, 3 vườn dâu tây diện tích 9.000m² của Trúc vẫn đạt tổng sản lượng 25 tấn, một con số mà nhiều vườn dâu tây công nghệ cao ở Đà Lạt phải mơ ước. Với giá bán cố định 200.000 đồng/kg, Nguyễn Thanh Trúc đạt doanh thu 5 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi 2,5 tỷ đồng.
Khách hàng mua dâu tây của Nguyễn Thanh Trúc gồm: khách du lịch tham quan, hái dâu thưởng thức và mua tại chỗ; các chợ đầu mối và các cửa hàng rau sạch ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Dâu tây của Trúc thu hái và đóng gói chuyển đến khách mua ngay trong ngày bằng phương tiện đường bộ và đường hàng không. Nhờ lợi thế chất lượng đặc trưng, dâu tây New Zealand của Trúc đến thời điểm cuối tháng 7/2017 vẫn không cung cấp đủ theo nhu cầu đặt hàng.
Mới giải quyết 60% yêu cầu kỹ thuật
Khám phá một vòng vườn dâu tây 5.000m² ở Lộc Quý, với quy trình khác biệt, tôi thực sự rất ấn tượng. Nguyên khu vườn này với chất đất thịt pha trộn phần lớn chất cát cao lanh, trồng cà phê phát triển èo uột, Trúc đã bỏ ra gần 1 tỷ đồng mua về và đầu tư hơn 1 tỷ đồng nữa mới chuyển đổi sang trồng dâu tây New Zealand từ tháng 2/2017. Toàn bộ 5.000m² được thiết kế hoàn chỉnh, đưa vào canh tác dâu tây gồm: nhà kính khung sắt, trong đó khép kín hệ thống tưới nước, bón phân nhỏ giọt; nguồn nước sạch được bơm lên từ 3 chiếc giếng ngầm; hệ thống máng chứa giá thể thuần xơ dừa treo lên cách mặt đất 1,3- 1,5m, trên đó trồng dâu tây với mật độ 8.000 cây/1.000m²; những chiếc quạt gió và máy đo nhiệt độ trong nhà kính…
Tương tự, 2 khu vườn dâu tây với tổng diện tích 4.000m² ở phường 10 và phường 11 cũng được chủ nhân của nó mạnh dạn đầu tư khép kín quy trình sản xuất với nguồn vốn cả tỷ đồng. Tính chung trên tổng diện tích 9.000m² dù đang đạt lợi nhuận 2,5 tỷ đồng/năm, nhưng Trúc vẫn chia sẻ rằng chỉ mới giải quyết 60% yêu cầu kỹ thuật. Còn lại 40% quy trình cung cấp dinh dưỡng chưa đáp ứng khả năng hấp thụ hiệu quả nhất của cây. Đánh giá này dựa trên kết quả tự nghiên cứu, đối chiếu từ nhật ký sản xuất tương ứng với năng suất và chất lượng dâu tây New Zealand thu hoạch trong nhiều năm liên tục.
Mục tiêu từ nay đến cuối năm 2017, Nguyễn Thanh Trúc sẽ bổ sung 40% yêu cầu kỹ thuật còn lại trên 9.000m² vườn dâu tây Đà Lạt của mình. Giải pháp cụ thể là điều chỉnh lượng nước tưới, phân bón phù hợp với từng thời điểm, từng thời gian vận hành, nhằm chăm sóc tốt nhất trong mọi giai đoạn sinh trưởng, đơm hoa kết trái của dâu tây. Bởi theo Trúc, khi cây dâu tây nuôi sống bằng chất lượng dinh dưỡng tối ưu nhất thì sẽ nâng cao khả năng đề kháng các loại bệnh hại phát sinh, đồng thời tăng lên sản lượng thu hoạch vượt trội hàng năm.
Thiết nghĩ, ngành nông nghiệp Đà Lạt nên đưa 3 vườn dâu tây trồng thuần xơ dừa của Nguyễn Thanh Trúc vào chương trình tổ chức tham quan, trao đổi, thậm chí hội thảo đầu bờ để hoàn thiện và nhân rộng.
Văn Việt
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…