Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 4 năm 2022 | 9:49

Trung Quốc áp dụng Lệnh 248, Lệnh 249: Cần có lộ trình hướng đến xuất khẩu chính ngạch

Cuối năm 2021, các cửa khẩu trên bộ của Việt Nam ùn tắc hàng nghìn container nông sản. Tình hình càng diễn biến khó lường khi từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc áp dụng Lệnh 248 và Lệnh 249, việc xuất khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, việc chuyển hướng xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch với thị trường hơn 1,4 tỷ dân này không đơn giản.

Tháng 4/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về “Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu” và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”. Những doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam, muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bắt buộc tuân thủ những quy định mới.

Theo đó, đối với hệ thống quản lý, giám sát an toàn thực phẩm, Trung Quốc sẽ thiết lập chế độ kiểm tra, đánh giá tình hình quản lý an toàn thực phẩm ở nước ngoài; bổ sung phương thức kiểm tra đánh giá, quản lý đăng ký doanh nghiệp nước ngoài, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và truy hồi sản phẩm theo yêu cầu giám sát, yêu cầu trách nhiệm đôn đốc của các cơ quan có thẩm quyền quản lý của quốc gia xuất khẩu...

 

02.jpg
Xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc sẽ ngày càng khó khăn do nước này áp dụng Lệnh 248 và Lệnh 249.

 

Xuất khẩu tiểu ngạch gặp khó

Với những yêu cầu ngày càng cao từ hai lệnh trên, có thể nhận định, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam cần phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận để có thể giữ vững thị phần xuất khẩu sang thị trường hơn 1,4 tỷ dân này.

Theo các chuyên gia, Lệnh 249 chủ yếu  ảnh hưởng đến xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới (xuất khẩu tiểu ngạch). Còn doanh nghiệp xuất khẩu theo hình thức chính ngạch thì dễ đáp ứng các điều kiện mới này của Trung Quốc, bởi về cơ bản, cũng chỉ là đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu.

Thách thức đối với hình thức xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc là, hiện nay, phía bạn đang quản lý chặt về truy xuất nguồn gốc, tăng cường và siết chặt quản lý xuất - nhập khẩu biên mậu đối với các mặt hàng nông sản, hoa quả của Việt Nam. Nói cách khác, doanh nghiệp Việt có nghĩa vụ tự chủ kiểm soát mặt hàng mình xuất khẩu.

Đặc biệt, một số loại nông sản như: bưởi, dừa, chanh leo, gioi, sầu riêng, sắn lát, thạch đen… khó xuất khẩu được theo hình thức biên mậu tại các cửa khẩu phụ mà trước đây Trung Quốc cho phép nhập khẩu.

Cùng với đó, Trung Quốc đang xây tường rào trên toàn tuyến biên giới với những đường mòn, lối mở… nhằm giám sát chặt chẽ xuất khẩu tiểu ngạch. Đồng nghĩa với việc xuất khẩu của chúng ta theo hình thức thương mại tiểu ngạch ngày càng bị thu hẹp.

Đồng thời, Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách “Zero Covid”, thắt chặt kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 trên cả bao bì hàng nông sản… khiến việc thông quan kéo dài thời gian, gây ùn tắc cục bộ tại khu vực cửa khẩu biên giới với Trung Quốc. Điều này đẩy các mặt hàng nông sản Việt Nam vào thế “khó chồng thêm khó”.

Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), thừa nhận: “Trước đây, 80-90% mặt hàng điều xuất khẩu tiểu ngạch. Khi Trung Quốc ban hành quy định mới, phải đăng ký mã số, khoảng 60-70% doanh nghiệp điều đã kịp thời chuyển đổi và đi đường chính ngạch. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 30-40% số doanh nghiệp chậm chân, và như vậy phải thời gian nữa mới được Trung Quốc cấp mã số”.

Cần lộ trình và kế hoạch căn cơ

Theo Cục Xuất - Nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhiều năm gần đây, Trung Quốc giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Do vậy, cần phải thay đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch để thích nghi với yêu cầu của thị trường này.

Vấn đề trọng tâm ở đây là doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp căn cơ, thích ứng với mọi biến đổi bằng cách chuẩn hóa nguồn nguyên liệu, vùng trồng, kiểm soát, nâng cao năng lực chế biến, chú tâm đến cả khâu thu hoạch, vận chuyển, đóng gói, bao bì.

Để chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, bản thân các địa phương, doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng cần thay đổi tư duy sản xuất theo hướng chất lượng phải được quan tâm hàng đầu.

Nói về việc ùn tắc nông sản thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện tượng ùn tắc nông sản không phải mới. Ông lật ngược vấn đề: “Ai cũng biết lợi ích của việc xuất khẩu chính ngạch, nhưng tại sao người dân vẫn chưa chuyển hướng?”.

Lãnh đạo Bộ Công Thương nêu một số lý do, như: sản xuất trong nước còn nhỏ lẻ, manh mún; sự phối hợp giữa doanh nghiệp, nông dân và chính quyền còn một số điểm nghẽn, bất cập; các chính sách, kế hoạch đề ra có độ trễ khi đi vào cuộc sống.

Ngoài ra, tư duy sản xuất nông nghiệp mới chỉ chú ý đến việc tạo ra sản lượng, mà chưa có tư duy kinh tế, “mù mờ” đầu cung và cầu, không đi vào quỹ đạo, đôi khi giống như đi buôn nhiều hơn là hợp tác bài bản, kết nối cung cầu…

Theo ông Hải, việc chuyển hướng từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch đòi hỏi phải có lộ trình.

Đưa ra giải pháp cho việc xuất khẩu trong thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng: Một mặt khuyến khích doanh nghiệp, người dân xuất khẩu theo chính ngạch, nhưng một mặt vẫn phải tập trung tháo gỡ lập tức các khó khăn. Qua đó, hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực cho nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín của hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm nông sản.

Bộ Công Thương phối hợp với các hiệp hội, địa phương tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp về xuất khẩu nông sản nói chung, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nói riêng. Trong đó có việc biên soạn tài liệu hướng dẫn doanh nghiệp tìm thị trường, bạn hàng, các điều cần lưu ý khi tham gia hoạt động xuất khẩu, kể cả chính ngạch và tiểu ngạch. Đặc biệt, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và PTNT trong việc đẩy mạnh đàm phán với phía Trung Quốc làm sao để gia tăng số lượng mặt hàng trái cây xuất khẩu chính ngạch trong thời gian tới…

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch là cuộc cách mạng cần có sự kiên trì và sẵn sàng của cả hệ thống sản xuất, thương mại. Do đó, phải có lộ trình để tổ chức lại sản xuất, thị trường, ngành hàng và cả hiệp hội ngành hàng...

 

 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top