Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 13 tháng 8 năm 2020 | 16:11

TT - Huế: Thanh trà Phong Thu phấn đấu trở thành sản phẩm OCOP

Thanh trà là một loại cây ăn quả nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Loại cây này được trồng ở khá nhiều nơi tại địa phương này. Năng suất và chất lượng của thanh trà ở mỗi vùng khác nhau vì phụ thuộc vào đất, nước, khí hậu…

Từ đường Quốc lộ 1A (đoạn thuộc địa phận xã Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đi ngược lên phía tây chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp những khu vườn trồng cây thanh trà.

Có mặt tại vườn thanh trà của ông Hải (51 tuổi, làng An Thôn, xã Phong Thu) vào gần giữa trưa, chúng tôi bắt gặp cảnh 02 vợ chồng tuổi “ngũ tuần” này vẫn đang cần mẫn chăm sóc cho những cây thanh trà sắp được thu hoạch.

 

Vợ chồng ông Hải cần mẫn chăm sóc vườn cây thanh trà.
Vợ chồng ông Hải cần mẫn chăm sóc vườn cây thanh trà.

 

Lau nhanh giọt mồ hôi đang rơi lấm tấm trên khuôn mặt của mình, vợ ông Hải vui mừng cho biết, năm nay vườn thanh trà của nhà anh chị có thêm 10 cây có thể thu hoạch được, qua đó nâng tổng số cây thanh trà trong vườn cho thu hoạch là 60 cây.

“Cây thanh trà trồng phải mất 3, 4 năm mới bắt đầu cho thu hoạch được. Hơn nữa, thời gian cây ra quả và cho thu hoạch còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất đất, nước, phân bón, khí hậu… nhưng cơ bản vẫn là người trồng cây phải chăm sóc nó tốt”, ông Hải tiếp lời của vợ.

Cũng theo người đàn ông “ngũ tuần” này, việc trồng cây thanh trà cũng tốn nhiều công sức chứ không đơn thuần chỉ là chờ cây lớn rồi thu hoạch quả. Điển hình như khi thời tiết nắng nóng, có thể là 5 ngày, có thể 7 hoặc 10 ngày phải lên để tưới nước cho cây 1 lần.

Ông Hải giải thích thêm, “ở đây chúng tôi phải bón thêm phân chuồng và chăm sóc cây theo tiêu chuẩn VietGAP, vì vậy, cần phải lựa đúng thời điểm, bón phân phải đúng khoảng cách, kỹ thuật… Bên cạnh đó, người trồng cần đi kiểm tra vườn thường xuyên để gạt bỏ những cành nhỏ mọc khắp thân cây, làm cỏ, phát hiện và trị bệnh cho nó… có như vậy cây mới tập trung chất cho việc ra quả”.

 

Nhiều người cho biết muốn cây thanh trà năng suất cao thì cần áp dụng triệt để kinh nghiệm “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.
Nhiều người cho biết muốn cây thanh trà năng suất cao thì cần áp dụng triệt để kinh nghiệm “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.

 

Với kinh nghiệm hơn 10 năm chuyển qua trồng cây thanh trà, vợ chồng ông Hải khẳng định, cây thanh trà mang lại thu nhập cao hơn so với các loại cây trồng như sắn, đậu… Điển hình nhất là trong năm 2019, gia đình anh thu về 110 triệu đồng từ việc thu hoạch quả của 50 cây thanh trà.

“Năm nay, cũng chưa biết được sẽ bán được bao nhiêu tiền từ trồng thanh trà nhưng chắc sẽ cao hơn năm ngoái vì có thêm 10 cây và quả thì ra sây hơn, ngon hơn”, vợ chồng ông Hải đang hy vọng một vụ mùa thu nhập tốt hơn.

Thôn trưởng làng An Thôn, Mai Phong Quảng cho biết, tại đây chỉ trừ một số ít hộ đã cao tuổi và con cái đã đi làm ăn xa còn lại đa số họ đều trồng cây thanh trà. Trong số này, người trồng ít thì vài chục cây, người trồng nhiều thì cũng khoảng 100 cây.

Thôn trưởng Quảng cho biết thêm, địa phương có địa hình đồi núi nên trước đây bà con chủ yếu trồng cây sắn, cây đậu, cây lạc… nhưng nhiều năm trở lại đây đa phần người dân đã chuyển qua trồng cây thanh trà. Việc chuyển đổi này đã mang lại những chuyển biến tích cực cho đời sống người dân bởi lẽ thu nhập mà cây thanh trà mang lại cao hơn nhiều so với những loại cây trồng trước đây. Điển hình, có hộ dân trong làng mới bán được 230 triệu đồng/80 cây thanh trà.

 

Vợ ông Hải đang đứng cạnh cây thanh trà đã được 10 năm tuổi.
Vợ ông Hải đang đứng cạnh cây thanh trà đã được 10 năm tuổi.

 

Chủ tịch UBND xã Phong Thu Nguyễn Hữu Nam cho biết, toàn xã hiện có khoảng 500 hộ trồng thanh trà trên diện tích khoảng 150 ha. Việc trồng cây thanh trà cũng đã mang lại cho bà con nông dân thu nhập ổn định và cao hơn so với nhiều loại cây khác. Tại xã Phong Thu, thường thì người dân trồng khoảng 200 cây/ha và thu hoạch bình quân đạt từ 2 - 3 triệu đồng/cây/năm.

Tuy nhiên, loại cây này cũng hay mắc các loại sâu bệnh, điển hình như: chảy nhựa, sâu đục thân, sâu ăn lá, nhện… Trước thực trạng này, chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan đã thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn về cách phòng trừ sâu bệnh trên cây thanh trà cho bà con nông dân, ông Nam cho biết thêm.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quốc Tuấn Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền cho hay, trong tháng 6 và tháng 7/2020 tại xã Phong Thu đã thành lập được 02 hợp tác xã là Hợp tác xã Nông nghiệp thương mại dịch vụ Thanh trà và Hợp tác xã sản xuất Thanh trà. Sự ra đời 02 Hợp tác xã này là dựa trên tình hình thực tế, thể theo tâm tư, nguyện vọng của người dân và đặc biệt là để đa dạng hóa các hình thức kinh tế hợp tác tại địa phương.

“Sự ra đời 02 hợp tác xã nêu trên nằm trong kế hoạch phát triển nâng cấp các sản phẩm nông nghiệp thuần túy. Bên cạnh đó, Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân và ngành nông nghiệp huyện đã và đang có sự hỗ trợ để giúp cho các đơn vị chuyên ngành này phát triển”, ông Tuấn cho hay.

“Đối với cây ăn quả có múi điển hình như bưởi, thanh trà, bưởi da xanh… các địa phương đang tập trung phát triển. Phong Thu là 01 trong 05 xã vùng núi và gò đồi của địa phương và có diện tích cây ăn quả mà cụ thể là cây thanh trà là rất lớn, thu nhập từ trồng cây thanh trà mang lại cũng tương đối cao. Vì vậy, việc phát triển cây thanh trà là đúng theo chủ trương của huyện và tâm tư của người dân” dẫn lời ông Tuấn.

Đối với sự phát triển của cây thanh trà tại xã Phong Thu trong thời gian tới, ông Tuấn cho biết, hiện lãnh đạo huyện và phòng nông nghiệp huyện đã tham mưu cho tỉnh hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP là sản phẩm thanh trà Phong Thu nằm trong thương hiệu thanh trà Huế. Đồng thời, hỗ trợ cho hợp tác xã Nông nghiệp thương mại dịch vụ Thanh trà và Hợp tác xã sản xuất Thanh trà ở Phong Thu… nhìn chung, hướng đi đối với loại cây trồng này trong thời gian tới là hết sức đảm bảo.

 

 

Văn Nghĩa
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top