Cần có cái nhìn khách quan đối với quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ trẻ tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. |
Khá ngỡ ngàng khi biết, về mặt bằng cấp và học vị, ông Vũ Minh Hoàng được đào tạo một cách rất bài bản tại các trường danh giá trên thế giới. Sinh năm 1990, ngay từ nhỏ, Vũ Minh Hoàng đã muốn tham gia vào các hoạt động chính trị. Sang Anh học trung học từ năm 16 tuổi, sau đó học cử nhân Chính trị quan hệ quốc tế, thạc sĩ Phát triển quốc tế tại Đại học Kent, cơ sở Anh và Bỉ. Bằng thạc sĩ thứ 2 về Hành chính công, tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc). Ở thời điểm hiện tại, Vũ Minh Hoàng đang làm nghiên cứu sinh ngành Kinh tế, khoa Nông nghiệp và Khoa học Đời sống tại Đại học Tokyo (Nhật Bản).
Theo ông CHEN Ling, Phó Giáo sư Trường Chính sách công và Quản lý (SPPM), Đại học Thanh Hoa - Giáo sư hướng dẫn Vũ Minh Hoàng nghiên cứu và viết luận văn kể lại: “Trong quá trình học tập, Hoàng đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới vấn đề phát triển quốc tế, đặc biệt là lĩnh vực phát triển nông thôn. Chính vì lẽ đó, cậu ấy đã chọn và hoàn thành quãng thời gian thực tập tại Bộ Nông nghiệp Việt Nam (quê hương của cậu ấy). Hoàng đã tiến hành rất nhiều nghiên cứu và đã thu được những số liệu trực tiếp trong quá trình thực tập của mình. Và trong vòng một năm rưỡi, thông qua các buổi thảo luận về các chủ đề nghiên cứu và thiết kế luận văn giữa tôi và Hoàng, tôi thấy cậu ấy có khả năng tiếng Anh rất tốt ở cả kỹ năng nói, kỹ năng viết cũng như khả năng nghiên cứu học thuật. Luận văn của cậu ấy vào tháng 6/2014 sẽ chú trọng vào chủ đề công nghiệp hóa ở Đồng bằng sông Mekong và dự định áp dụng những kinh nghiệm và kiến thức được biết nhằm giải quyết các vấn đề phát triển cho khu vực này”.
“Bên cạnh đó, Hoàng cũng là một thủ lĩnh sinh viên nổi bật và có khả năng làm việc nhóm rất tốt. Cậu ấy luôn là một trong những thủ lĩnh của Câu lạc bộ tranh luận SPPM-IR Thanh Hoa. Các kỹ năng hợp tác nổi bật và nỗ lực tuyệt vời của cậu ấy đã giúp cho mọi hoạt động của Câu lạc bộ tranh luận thành công tốt đẹp. Bạn sẽ không bao giờ phải hối tiếc khi chấp nhận một sinh viên xuất sắc như vậy” - Phó Giáo sư CHEN Ling thốt lên.
Trở về nước, Hoàng đã có sự thể hiện xuất sắc, biết nhiều ngoại ngữ nên Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ mời Hoàng về làm phiên dịch cho bên xúc tiến đầu tư của cơ quan. Sau một thời gian công tác, Vũ Minh Hoàng làm việc rất hiệu quả nên lãnh đạo Ban bàn bạc và thống nhất mời về tham gia phụ trách công tác xúc tiến đầu tư cho Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Sau đó, Ban có xin ý kiến của Ban Tổ chức Trung ương, ghi nhận đây là trường hợp xuất sắc nên cần được tuyển dụng bằng hình thức tuyển dụng không qua thi tuyển và đã được Ban Tổ chức Trung ương đồng ý.
Trong thời gian Vũ Minh Hoàng tập sự, việc xúc tiến đầu tư của Tây Nam bộ có nhiều thuận lợi. Hoàng làm việc tốt ở nước ngoài, mời nhiều đoàn xúc tiến đầu tư về Tây Nam Bộ để tìm hiểu và xúc tiến đầu tư nên lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ thấy sự cần thiết bổ nhiệm Hoàng làm Vụ Phó Vụ kinh tế bằng chế độ đặc biệt, khuyến khích nhân tài về nước phục vụ.
Việc bổ nhiệm Vũ Minh Hoàng, thời điểm đó lãnh đạo Ban đã tham khảo và đối chiếu theo Kết luận số 86-KL/TW ngày 24/10/2014 của Bộ Chính trị; Công văn số 577-CV/BVCTNB ngày 18/12/2015 của Cục Bảo vệ Chính trị nội bộ - Ban Tổ chức Trung ương. Bên cạnh đó Ban còn có lấy ý kiến tập thể, trao đổi miệng với một số đảng ủy viên, lãnh đạo Ban... và cuối cùng được tập thể thống nhất cao; đồng thời căn cứ vào năng lực, trình độ thật sự của Hoàng. Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ khẳng định, việc tuyển dụng Hoàng là nhằm để đáp ứng nhu cầu chung của công việc, thu hút nhân tài chứ không phục lợi ích cục bộ nào ở đây cả.
Cán bộ là cái gốc của mọi việc, chính vì thế, công tác cán bộ là rất quan trọng, việc có nhiều ý kiến khác nhau cũng là điều dễ hiểu. Ở mỗi góc độ khác nhau, mọi ý kiến phản ánh đều cần được lắng nghe và trân trọng, nhưng chúng ta cũng cần có nhìn chung nhất.
Năng lực đích thực của một con người cần được thử thách bằng thời gian và hiệu quả công việc. Chúng ta cần xem xét vấn đề này để đưa ra quyết định. Nhiều ý kiến cá nhân nói rằng, những người trẻ tuổi mà có tài năng thật sự thì nên có chế độ đãi ngộ riêng dành cho họ chứ không thể bắt hộ xếp hàng tuần tự được.
Nếu vẫn cứ cứng nhắc giữ nguyên cách nhìn nhận và tuy duy cũ thì khả năng thăng tiến của những người trẻ tuổi sẽ bị hạn chế trong môi trường làm việc tại Việt Nam, nhất là trong các cơ quan nhà nước. Và rất có thể những người có tài năng thật sự phải đợi khi ngoài 40 - 50 tuổi mới được bổ nhiệm, mới làm cán bộ. Theo nhiều chuyên gia, môi trường làm việc ở nhiều cơ quan nhà nước hiện nay quá nhiều gò bó, muốn thăng tiến phải có “ô dù,” phải được cơ cấu, thay vì dựa vào năng lực và tài năng của bản thân. Đây chính là những bất cập của chính sách thu hút nhân tài trở về nước cống hiến.
Đất nước muốn phát triển thì phải trọng dụng, bổ nhiệm những con người bản lĩnh, trí tuệ, năng động, sáng tạo…, do đó, vấn đề cấp bách của Nhà nước là cần có các phương án, chính sách thiết thực hơn nữa trong việc ưu đãi, động viên, khích lệ những người học tập ở nước ngoài trở về. Nếu không nhân tài sẽ không muốn về nước phục vụ.
Có thể hình dung rằng, người tài là người giải quyết được khó khăn cho người đi cầu hiền, chứ không phải cầu về để làm kiểng. Tức là người tài là người có thể bắt tay vào giải quyết việc lớn ngay được mà không phải qua đào tạo hay rút kinh nghiệm gì nữa. Người đi cầu phải có con mắt tinh đời để chọn đúng người mình cần cho công việc mình cần.
Nếu giải quyết tốt các vấn đề trên, người cầu hiền sẽ mãi mãi nâng niu bậc hiền tài còn hơn cả vật báu. Còn nếu không, thì nó mãi là một vòng luẩn quẩn, trì trệ mà thôi.
Nam Bắc/Theo hoanhap.vn