Chiều 12/9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan dự và chủ trì Hội nghị "Triển khai xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc".
Sầu riêng Việt Nam hiện được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc, sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước được ký kết, cùng với danh sách 51 mã số vùng trồng và 25 mã số cơ sở đóng gói.
Tuy nhiên, hiện có tình trạng một số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng đã được cấp mã số không kiểm soát chặt chẽ, không đảm bảo chất lượng hàng hóa, vi phạm quy định nhập khẩu của Trung Quốc. Ngoài ra, việc gian lận mã số cũng có thể xảy ra.
Do vậy, để đảm bảo xuất khẩu bền vững, Cục Bảo vệ thực vật tổ chức hội nghị chiều 12/9, nhằm thảo luận và thống nhất cách thức triển khai việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc một cách chặt chẽ, chuyên nghiệp, minh bạch, đảm bảo tuân thủ đúng quy định tại Nghị định thư đã được ký kết giữa hai bên.
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, tổng diện tích của 51 vùng trồng sầu riêng vừa được Trung Quốc cấp mã số là khoảng 3.000ha, chiếm khoảng 3,52% tổng diện tích sầu riêng toàn quốc.
Nếu tính cả 49 vùng trồng đang hoàn thiện hồ sơ (khoảng 2.750ha), diện tích sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu chiếm chưa tới 7% trong tổng số hơn 85.000ha của cả nước.
Trong 15 tỉnh có diện tích sầu riêng hơn 1.000ha, 3 tỉnh có diện tích và sản lượng lớn nhất lần lượt là Tiền Giang, Đắk Lắk và Lâm Đồng. Tây Nguyên và ĐBSCL cũng được xem là hai thủ phủ sầu riêng của Việt Nam, với diện tích trồng đều vượt 16.000ha.
Với nhu cầu xuất khẩu khoảng 1,3 triệu tấn sầu riêng mỗi năm, bà Hương đánh giá, dư địa cho quả sầu riêng là rất lớn. Vấn đề là chúng ta cần chuẩn hóa từ quy trình canh tác, chăm sóc, đến thu hoạch, bảo quản và xuất khẩu.
Bà Hương chia sẻ, những lô hàng sầu riêng muốn xuất khẩu cần chuẩn bị 5 yếu tố đó là mã số, kiểm dịch thực vật, vùng trồng, cơ sở đóng gói và phòng chống Covid-19. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật tại vùng trồng và cơ sở đóng gói cần được đào tạo, tập huấn và có chứng nhận do Cục Bảo vệ thực vật cấp.
Đưa ra khuyến cáo cho DN, HTX, người nông dân, Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, các địa phương cần chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch và chiến lược phát triển sản xuất sầu riêng bền vững tại địa phương; chỉ đạo cơ quan chuyên môn về bảo vệ thực vật tại địa phương thực hiện giám sát sinh vật gây hại và hướng dẫn phòng trừ tại các vùng trồng; xây dựng và thực hiện chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sầu riêng; giám sát chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã.
Riêng nhóm doanh nghiệp xuất khẩu thương mại, Cục Bảo vệ thực vật lưu ý cần chuẩn bị đầy đủ giấy ủy quyền hoặc xác nhận của đại diện/chủ mã số bằng văn bản, trong trường hợp không sở hữu vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã. Ngoài ra, cần chủ động liên kết, tạo vùng nguyên liệu của doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng hàng hóa.
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Cơ hội chỉ thật sự mở ra khi và chỉ khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, tất cả các bên liên quan đều phải thể hiện trách nhiệm của mình để đưa nông sản Việt vươn ra thế giới, trong đó cần tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hoá quy trình sản xuất; xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc. "Xây dựng mã số không chỉ cho thị trường xuất khẩu mà còn cho thị trường trong nước. Doanh nghiệp hãy là người hành cùng nông dân để xây dựng mã số vùng trồng", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…