Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 3 năm 2021 | 23:54

Tuyên Quang: Tiêm phòng cho hơn 1 triệu con gia súc, gia cầm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tuyên Quang cho biết, địa phương này đã có kế hoạch tiêm phòng cho hơn 1 triệu con gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh.

 Bắt đầu từ 15/3 đến 15/4, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiến hành tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm (vụ xuân-hè).

 

Để đạt hiệu quả cao nhất, Tuyên Quang sẽ tổ chức “Tháng cao điểm” tiêm phòng, chia làm 02 vụ chính trong năm gồm: vụ xuân - hè, thời gian từ 15/3 đến 15/4; vụ thu - đông, từ 15/9-15/10. Ngoài ra, sẽ thực hiện tiêm phòng bổ sung thường xuyên cho số gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng trong đợt chính và số gia súc, gia cầm mới phát sinh thuộc đối tượng phải tiêm phòng.

Theo kế hoạch, Tuyên Quang sẽ tiêm phòng bắt buộc 100% gia súc, gia cầm trong diện phải tiêm phòng; đảm bảo công tác tiêm phòng nhanh gọn, đúng đối tượng gia súc, gia cầm, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật và an toàn cho người trực tiếp tham gia.

Tập trung chỉ đạo tiêm phòng đúng thời gian, đảm bảo đáp ứng miễn dịch, an toàn cho vật nuôi. Tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin phải đạt theo Kế hoạch đã xây dựng. Thực hiện thanh quyết toán vắc xin theo đúng thực tế và các quy định của nhà nước và của tỉnh.

Các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc gồm: bệnh lở mồm long móng và bệnh tụ huyết trùng đối với đàn trâu, bò; bệnh dịch tả lợn, tụ huyết trùng đối với đàn lợn, riêng đàn lợn nái, lợn đực giống tiêm phòng cả bệnh lở mồm long móng; bệnh lở mồm long móng với đàn dê; phòng bệnh niu cát xơn, bệnh cúm gia cầm với đàn gà; tiêm phòng bệnh dịch tả vịt và tiêm phòng bệnh dại đối với chó, mèo. Tổng lượng gia súc, gia cầm trong diện tiêm phòng dự kiến là 1.005.080 con.

Về kinh phí, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ vắc xin tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng trâu, bò, lợn; bệnh dịch tả lợn; bệnh Niu cát sơn (bao gồm vắc xin Niu cát sơn và vắc xin la xô ta), bệnh dịch tả vịt hỗ trợ cho người chăn nuôi tại các xã đặc biệt khó khăn, khu vực II, khu vực III trên địa bàn tỉnh.

Hỗ trợ vắc xin tiêm phòng bệnh cúm gia cầm tại các khu vực có nguy cơ cao. Hỗ trợ vắc xin lở mồm long móng tiêm phòng đàn trâu, bò, lợn nái, lợn đực giống tại các hộ, trang trại, gia trại trên địa bàn tỉnh.

Đề nghị UBND các huyện, thành phố sử dụng ngân sách của địa phương để triển khai, tổ chức, hỗ trợ công tác tiêm phòng và xử lý các tình huống phát sinh trong tiêm phòng. Đối với người chăn nuôi có trách nhiệm trả tiền mua vắc xin (không được hỗ trợ từ ngân sách) và tiền công tiêm phòng cho thú y viên trực tiếp tiêm phòng.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y được giao phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đảm bảo hoàn thành Kế hoạch.

Cung ứng đầy đủ các loại vắc xin, giao đúng tiến độ tiêm phòng của các huyện, thành phố. Hướng dẫn kỹ thuật bảo quản, sử dụng vắc xin, kỹ thuật tiêm và xử lý các tình huống phát sinh trong tiêm phòng.

Thanh toán, quyết toán số lượng vắc xin đã sử dụng trong tiêm phòng theo quy định, kịp thời đề xuất các giải pháp để nâng cao tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm và đề xuất xử lý đối với vắc xin được cấp còn dư thừa không thể tiêm hết trong ngày (nếu có). Đến nay, các cơ quan chức năng ở Tuyên Quang đã hoàn tất công tác chuẩn bị và sẽ tiêm phòng đúng kế hoạch đề ra.

Hết năm 2020, tỉnh Tuyên Quang có 92.606 con trâu; 36.552 con bò; 528.888 con lợn và 6.565 ngàn con gia cầm. Năm 2021, ngành nông nghiệp Tuyên Quang đặt mục tiêu tốc độ tăng đàn trâu tăng 1,0%, đàn bò tăng 5%, đàn lợn tăng 4%, đàn gia cầm tăng 6% so với năm 2020.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top