Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 4 năm 2021 | 14:27

Tuyên Quang xây dựng NTM theo hướng bền vững

Xác định xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, lâu dài, Tuyên Quang đã chỉ đạo nâng cao chất lượng XDNTM, đảm bảo hiệu quả, toàn diện và bền vững.

Trong đó, tỉnh tập trung xây dựng xã đạt chuẩn NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu.

 

t16.jpg
Giờ đây, tại Tuyên Quang, xuất hiện nhiều tuyến đường hoa làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhiều nơi trở thành miền quê đáng sống.
 

Phấn đấu 8 xã đạt NTM

Ông Nguyễn Huy Hùng, Phó chánh Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh Tuyên Quang, cho biết, năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, là rào cản, gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện Chương trình XDNTM, nhiều chỉ tiêu XDNTM dự kiến sẽ khó đạt, như: tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo việc làm... Tuy nhiên, Tuyên Quang vẫn nêu cao quyết tâm chính trị, tăng cường công tác chỉ đạo XDNTM với tinh thần thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, các huyện, thành phố đã bám sát chỉ đạo của tỉnh về xây dựng các phương án sản xuất, kết nối tiêu thụ, đặc biệt với các sản phẩm là thế mạnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hoàn thiện hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; phát triển nông thôn gắn với các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, du lịch trải nghiệm...

Đây là sự chuẩn bị cần thiết để sẵn sàng khôi phục, tăng trưởng mạnh khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, toàn xã hội chuyển sang giai đoạn bình thường mới, đảm bảo các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất... đều được củng cố và giữ vững.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đặt chỉ tiêu “Giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí của 47 xã đã đạt chuẩn NTM; đến năm 2025 có 68% số xã đạt chuẩn NTM (30% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong tổng số xã đã đạt chuẩn NTM); có thêm 01 huyện đạt chuẩn NTM”.

Để đạt được mục tiêu trên, Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 01/3/2021 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM năm 2021, đặt ra một số mục tiêu phấn đấu thực hiện. Cụ thể, có thêm 08 xã “về đích” NTM, nâng tổng số hoàn thành XDNTM lên 55/124 xã; có thêm 05 xã “về đích” NTM nâng cao, nâng tổng số thành 08/124 xã; có thêm 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2-2,5%/năm; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,%; phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí điện, thông tin và truyền thông.

Ưu tiên hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Ngay từ đầu năm 2021 nhiều đề án lớn như: Giảm nghèo; Bê tông hóa đường giao thông nông thôn… đã được tỉnh Tuyên Quang khởi động, với mục tiêu thực hiện tốt nhiệm vụ XDNTM, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị với nông thôn, tạo sự đột phá và có sức lan tỏa lớn; từng bước hình thành kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ.

 

t16a.jpg

Dây chuyền sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

 

Theo ông Nguyễn Huy Hùng, thời gian tới, Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ để hoàn thành các mục tiêu: Kiên cố hóa kênh mương, xây dựng nhà văn hóa gắn với sân thể thao thôn; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã; hỗ trợ sản xuất hàng hóa…; thực hiện các giải pháp giảm nghèo gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn tỉnh); xây dựng 4 cầu lớn vượt sông Lô, sông Gâm và 2 cầu vượt sông Phó Đáy; nhựa hóa, bê tông hóa 100 tuyến đường từ trung tâm các huyện, thành phố đến trung tâm các xã vào năm 2022, tạo động lực cho phát triển kinh tế vùng...

Nhiệm vụ này được gắn trách nhiệm cụ thể cho từng ban, ngành phụ trách thực hiện, các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai theo tình hình thực tế. Trong đó, các nguồn lực từ ngân sách, huy động đóng góp trong cộng đồng dân cư, các nguồn hỗ trợ... được tập trung để hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên hoàn thiện hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh.

Đặc biệt là nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo và cơ quan tham mưu giúp việc Ban chỉ đạo các cấp; làm tốt công tác, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý Chương trình XDNTM. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân; tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức XDNTM”.

Cũng theo ông Hùng, để hoàn thành mục tiêu XDNTM năm 2021 theo đúng Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 01/03/2021 của UBND tỉnh, các huyện, thành phố chủ động căn cứ vào tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao, kiểu mẫu và điều kiện thực tế địa phương, chủ động xác định lĩnh vực XDNTM cho địa phương mình trên cơ sở gắn với tổng thể chung của khu vực nông thôn có kết nối với các vùng xung quanh, nhằm đạt hiệu quả cao nhất; phát huy vai trò chủ thể, tự giác của người dân và các tổ chức chính trị xã hội tham gia XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Với cách làm mới, sáng tạo và riêng biệt trong XDNTM, diện mạo nông thôn Tuyên Quang đang từng ngày “thay da, đổi thịt”. Tỉnh quyết tâm phấn đấu đến hết năm 2025 có ít nhất 85 xã đạt chuẩn NTM, 26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; phấn đấu có 02 huyện đạt tiêu chí và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; thu nhập bình quân đạt 64 triệu đồng/người/năm. Đến nay, phong trào XDNTM của tỉnh Tuyên Quang ngày càng thực chất và bền vững, đi vào cuộc sống, nhân dân tin tưởng hưởng ứng thực hiện.

 

 

Lê Tân
Ý kiến bạn đọc
  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

  • Chào năm mới 2024! Dấu ấn vị thế mới hướng đến thịnh vượng

    Chào năm mới 2024! Dấu ấn vị thế mới hướng đến thịnh vượng

    1. Năm 2023 đã qua đi trong niềm vui và sự tự tin.

Top