Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 18 tháng 9 năm 2016 | 7:58

Tỷ phú miệt vườn làm giàu từ…tin đồn

Ông Khanh quyết tâm nghiên cứu về tác dụng của quả bưởi đối với sức khỏe con người để làm ra mỹ phẩm và các loại thuốc chữa bệnh.

“Cách nào cũng là để làm giàu, nhưng làm giàu trên bệnh tật, sự đau đớn của người khác thì tôi không thể”. Lời chia sẻ của ông Đoàn Văn Khanh ở xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã hàm chứa cái tâm của một doanh nhân.

Những ngày đầu gian khó

Con đường vào nhà ông Đoàn Văn Khanh, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Long Thuận ở xã Song Thuận rợp bóng dừa xiêm. Đã được nghe một đồng nghiệp giới thiệu về ông trước đó, song đến nơi, tôi vẫn bất ngờ khi thấy ông -  một doanh nhân thành đạt ở miệt vườn miền Tây nhưng ăn vận theo lối áo sơ mi bỏ ngoài quần, đi đôi dép xốp và phong thái hiền từ của một người thầy thuốc. Ở ấp Mỹ Thạnh, xã Song Thuận, người dân gọi doanh nhân Đoàn Văn Khanh bằng cái tên thân mật là ông Tư Khanh.

ty phu miet vuon lam giau tu…tin don hinh 0
Với nhiều vườn cây ăn trái đã cho ông Khanh mức doanh thu hơn 7 tỷ đồng mỗi năm.
Trong căn nhà bằng gỗ ngả màu thời gian, thoang thoảng mùi thuốc Nam, phủ kín tường là bằng khen, giấy khen, huân huy chương, bằng sáng tạo... ghi dấu thành tích của ông hồi kháng chiến chống Mỹ và thành tích mà doanh nghiệp tư nhân Long Thuận của ông đạt được. Rót chén trà bưởi thơm ngát mời tôi, ông Tư Khanh kể chuyện xưa, chuyện nay.

Những năm 1967, Mỹ lập căn cứ quân sự Đồng Tâm ở Tiền Giang với mục đích khống chế toàn bộ tài nguyên và an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cậu bé Khanh lúc đó mới khoảng 9, 10 tuổi đã xung phong làm giao liên. Chứng kiến lễ truy điệu sống những chiến sĩ cảm tử Tiểu đoàn 514, quyết tử hạ đồn Đội Biên thật uy nghi, cảm động..., cậu bé Khanh đã gia nhập du kích, trực tiếp cầm súng đánh giặc khi mới vừa 12 tuổi.

Năm 14 tuổi, Khanh bị thương ở cánh tay phải trong một trận chiến. Viên đạn xuyên qua giữa xương và hệ thần kinh làm rụt các ngón tay đến độ từ ngày đó, Khanh không thể cho áo vào quần và mang giày. 16 tuổi, Khanh trở về làm xã đội phó, 17 tuổi làm xã đội trưởng của xã Song Thuận. Năm 18 tuổi, Khanh vinh dự được kết nạp vào Đảng.

Kể chuyện về vành đai diệt Mỹ năm xưa, ông bảo: “Ở vành đai Bình Đức, giặc quyết bứng nhưng người dân quyết bám trụ. Có rất nhiều gương kiên cường và tôi chỉ là một trong những chiến sĩ đó mà thôi”.

Quê hương được giải phóng, và sau quãng thời gian dài công tác, ông Tư Khanh về hưu năm 1994 với tỷ lệ mất sức là 61%, xếp hạng thương binh 2/4. Ông từng đảm nhiệm các chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành và Giám đốc Sở Lâm sản tỉnh Tiền Giang. Ở cương vị công tác nào, ông cũng là một cán bộ mẫn cán, năng động và sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Sau khi về hưu, ông trở thành Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Song Thuận. Để giúp hội viên thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, ông Tư Khanh đã đề ra nhiều biện pháp thiết thực, như: vận động hội viên góp vốn xoay vòng, xây dựng quỹ đồng đội và đề ra các phong trào “Bao gạo đồng đội”, “Mái tôn thay lá”, “Câu lạc bộ 5 triệu đồng”.

Ông Khanh xây dựng các mô hình làm kinh tế, rồi bàn bạc với Ban Chấp hành Hội trích quỹ hội mua dê giống, thỏ giống, nhờ các hội viên khá giả nuôi rồi sau đó thu dê con, thỏ con tặng các hội viên nghèo, giúp nhau thoát nghèo. Từ những phong trào này, nhiều hội viên đã thoát cảnh nhà mái lá, cột xiêu, ổn định nơi ở để phát triển kinh tế gia đình, có hộ mua sắm được nhà cửa, tài sản có giá trị.

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Song Thuận cho hay: “Ngày đó, ông Tư Khanh đã dùng 6 công đất của mình thế chấp để vay ngân hàng 600 triệu đồng, giúp anh em cựu chiến binh có vốn nuôi heo. Nhờ sự năng động, sáng tạo và lăn xả vào công việc của ông Tư Khanh mà Song Thuận trở thành một trong những xã thoát nghèo nhanh nhất tỉnh Tiền Giang ngày ấy”.

Thành công từ tin đồn

Với diện tích 8.000m2, vườn cây ăn trái của ông Khanh không rộng lắm so với nhiều vườn cây ăn trái vùng này nhưng đã cho ông mức doanh thu hơn 7 tỷ đồng mỗi năm. Trong vườn, hơn 100 cây dừa sáp, rồi bưởi Năm Roi, cam, cây thuốc Nam như mật gấu, đinh lăng, sâm đất, thần kỳ, chùm ngây… được ông trồng và chế biến theo mô hình sản xuất chuỗi liên kết khép kín. Con đường dẫn ông đến với mô hình sản xuất này bắt nguồn từ một tin đồn.

Năm 2006, tin đồn ăn bưởi có nguy cơ bị ung thư vú ở phụ nữ đã gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho nông dân trồng bưởi ở tỉnh Tiền Giang. Quả bưởi bán không ai mua, chín rụng đầy vườn không ai nhặt. Nhìn cây bưởi rơi vào tình cảnh đó, ông Tư Khanh xót xa.

Muốn chứng minh thông tin đó hoàn toàn sai, lại từng nghe nói đến một số bài thuốc dân gian trị bệnh từ tinh dầu bưởi, ông quyết tâm nghiên cứu về tác dụng của quả bưởi đối với sức khỏe con người. Ông khăn gói lên đường, đi học nghề y chuyên về thuốc Nam để nắm được các dược tính của quả bưởi cũng như cách phối kết hợp cùng các nguyên liệu khác để làm ra mỹ phẩm và các loại thuốc có nguồn gốc từ thiên nhiên.

Quá trình nghiên cứu để bào chế ra sản phẩm từ bưởi nhiều lần bị thất bại. Để người dân tin dùng các sản phẩm của ông như hiện nay, đã có lúc ông phải chịu nhiều tai tiếng bởi người dân phản ứng khi họ chưa kịp hiểu hết về sản phẩm. Nhưng không nản, ông vẫn miệt mài nghiên cứu, bào chế ra các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, không chứa hóa chất.

Cuối cùng, thành công đã mỉm cười với ông. Hiện ông đã bào chế thành công hơn 20 sản phẩm từ bưởi, dừa sáp và cây thuốc Nam trong vườn nhà. Tiêu biểu là tinh dầu bưởi kích thích mọc tóc, trị hói đầu; tinh dầu bưởi cô đặc uống để trị nám da mặt, đồng thời trị bệnh máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ… Ngoài ra, ông Tư Khanh còn sản xuất các loại trà trị bệnh về bao tử, đại tràng mãn tính, viêm đa khớp, thần kinh tọa, thoái hóa cột sống… Tỷ lệ người sử dụng sản phẩm cho kết quả tốt tới 70%.

Tỷ phú nhân từ

Ông Khanh chia sẻ, khi sản phẩm đã tạo được chỗ đứng trên thị trường thì có “đại gia” tìm đến và ra giá mua một công thức chiết xuất từ bưởi là 2 triệu USD. Nhưng với tâm nguyện gắn bó lâu bền với cây bưởi nên ông từ chối. Hàng hóa tiêu thụ ngày một nhiều, ông chính thức thành lập Doanh nghiệp tư nhân Long Thuận để phát triển sản xuất theo mô hình chuỗi liên kết khép kín. Trái cây và cây thuốc Nam được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP trong vườn nhà được đưa thẳng vào nhà máy Long Thuận, đảm bảo độ sạch tuyệt đối của nguyên liệu đầu vào.

“Tôi trồng và chăm bón cây theo chủ trương “Nói không với hóa chất, lấy thiên nhiên bảo vệ thiên nhiên”, nghiên cứu ra một số loại thuốc Nam để trị sâu bệnh cho cây chứ kiên quyết không phun thuốc sâu. Nhờ vậy, trải qua nhiều lần kiểm nghiệm của cơ quan chức năng, sản phẩm của Doanh nghiệp Long Thuận đều đạt chuẩn và được công nhận không chứa hóa chất, tạo được sự tín nhiệm với người dùng”, ông Khanh chia sẻ.

Hữu xạ tự nhiên hương, sản phẩm tinh dầu hoa bưởi của ông giờ đây đã vượt ra khỏi làng quê chật hẹp, có mặt trên toàn quốc và thị trường ngoài nước như Hàn Quốc, Nhật, Nga, Mỹ…

Điều đáng nói là với những loại thuốc dùng để trị bệnh, ông sản xuất ra với mục đích làm từ thiện, để cứu người chứ không mang ra kinh doanh. Ông bảo: “Cách nào cũng là để làm giàu nhưng làm giàu trên con bệnh và sự đau đớn của người khác thì tôi không làm được”. Bệnh nhân bị các bệnh mãn tính ở các nơi nghe tiếng thơm đã tìm đến để được ông chữa và cho thuốc miễn phí.

Ăn nên làm ra, ông Tư Khanh vẫn không quên những ngày tháng gian khổ cùng đồng đội bám trụ kiên cường, năm nào ông Tư Khanh cũng trích hàng chục triệu đồng lợi nhuận để xây cất nhà tình thương, tặng quà Tết cho những cựu chiến binh nghèo. Mỗi năm, ông Tư Khanh trích hàng trăm triệu đồng mua gạo tặng đồng đội, bà con nghèo. Ông cũng mua đá hoa cương để lát ốp cho những ngôi mộ của bà mẹ Việt Nam anh hùng. Chỉ tính từ năm 2008 đến nay, số tiền làm từ thiện của ông đã lên đến gần 4 tỷ đồng. Mỗi năm, ông đều đặn đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam 5 triệu đồng, mà theo ông “chỉ là một chút làm vơi bớt nỗi đau da cam”.

Cùng ông Khanh bước dạo trong vườn rợp bóng mát của cây bưởi và dừa, tôi cảm nhận tấm lòng nhân từ của ông Tư Khanh cũng thơm ngát như hương hoa bưởi nồng nàn vậy./.

Ngọc Vũ/Báo TNVN
KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top