Rừng U Minh vừa đánh dấu tên mình vào bản đồ Ramsar thế giới, đồng nghĩa với việc khẳng định cam kết của Việt Nam trong công tác bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học quan trọng của khu đất ngập nước đặc biệt - sinh cảnh rừng tràm trên đất than bùn cùng với sự đa dạng các loài thực vật, chim, thú, bò sát và cá.
Ngày 22/2, UBND tỉnh Kiên Giang, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WWF) đã tổ chức lễ trao bằng công nhận khu Ramsar cho Vườn Quốc gia U Minh Thượng, đưa vườn quốc gia này chính thức trở thành khu Ramsar thứ 8 của Việt Nam và thứ 2.228 của thế giới.
Trở thành một khu Ramsar quốc tế, Vườn Quốc gia U Minh Thượng sẽ có nhiều cơ hội để quảng bá hình ảnh đặc biệt của mình ra cộng đồng thế giới, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các du khách trong và ngoài nước trong tương lai.
Đồng cỏ ngập nước theo mùa tại rừng U Minh
Đây cũng là cơ hội để kêu gọi sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong việc nghiên cứu, bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái đầm lầy ngập nước với thảm thực vật thủy sinh, được xem như hệ sinh thái tiêu biểu của vùng đầm lầy đất than bùn vùng U Minh khi xưa, một trong số ít nơi còn tồn tại đất than bùn ở Nam Bộ nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang phải chịu tác động của biến đổi khí hậu thì vùng đầm lầy than bùn lại có ý nghĩa lớn trong việc giảm nhẹ nguy cơ này do có khả năng lưu trữ và tích tụ CO2 trong đất than bùn cao hơn hẳn các loại đất khác.
Tổ cò trắng ở rừng U Minh.
Bên cạnh những cơ hội trong việc tìm kiếm tài trợ để triển khai các chiến lược quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng qua cách tiếp cận về việc sử dụng khôn khéo tài nguyên đất ngập nước theo Công ước Ramsar, vườn quốc gia này cũng sẽ gặp nhiều thách thức mới trong việc tăng cường năng lực cho cán bộ để quản lý có hiệu quả khu cảnh quan có tầm quan trọng quốc tế này. Ngoài ra, theo ông Phạm Quốc Dân, Phó giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Thượng, cần nghiên cứu các biện pháp ngăn ngừa và giảm thiểu tác động tiêu cực do các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở xung quanh vườn và giải quyết các mâu thuẫn giữa người dân và Ban quản lý trong việc bảo tồn và sử dụng khôn khéo nguồn tài nguyên đất ngập nước.
Khỉ xuống đường Hồ Hoa Mai.
Từ năm 2009, WWF Việt Nam đã giới thiệu các mô hình cộng đồng sử dụng bền vững tài nguyên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm hỗ trợ sinh kế cho người dân, qua đó giảm các hoạt động xâm nhập trái phép vào rừng và tăng trách nhiệm của người dân đối với việc bảo vệ các nguồn tài nguyên nhiên nhiên quý giá tại chính nơi sinh sống của họ.
Máng dơi tại rừng U Minh.
“Trong thời gian tới, WWF Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương và Vườn Quốc gia U Minh Thượng kêu gọi các tài trợ về tài chính và kỹ thuật để triển khai các chương trình bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi vùng đầm lầy than bùn U Minh, phát triển bền vững du lịch sinh thái bên trong và xung quanh vườn, cũng như giúp thực hiện các chương trình khuyến khích người dân tham gia sử dụng hiệu quả tài nguyên đất ngập nước”, Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia WWF Việt Nam cho biết.
Sân chim rừng U Minh.
Theo bà Huỳnh Thị Mai, Phó cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thời gian tới, Cục sẽ phối hợp với WWF Việt Nam, IUCN Việt Nam, Vườn Quốc gia U Minh Hạ và các cơ quan có liên quan tiến hành xây dựng hồ sơ đề cử lên Ban thư ký Công ước Ramsar để công nhận khu Ramsar cho Vườn Quốc gia U Minh Hạ và hình thành mạng lưới các khu Ramsar Việt Nam để phát triển công tác bảo tồn các vùng đất ngập nước quan trọng của Việt Nam.
Minh Tuấn - Anh Thi