Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 18 tháng 11 năm 2021 | 12:27

Vài suy nghĩ đồng vọng cùng "Đường biên của chữ" (*)

Cầm tập tiểu luận - phê bình Đường biên của chữ của TS. Bùi Như Hải - người bạn đồng học thời đại học tặng, tôi rất vui mừng và vinh dự cho bạn đã được thỏa mãn sở nguyện về nghiên cứu văn chương, và sở nguyện ấy đã có những thành tựu nhất định.

Không phải chỉ qua con đường học vấn, bằng cấp từ trường lớp mà đặc biệt ở sự chắt chiu, suy tư, nghiền ngẫm về văn chương ngày càng có chiểu sâu và mang tính khoa học cao, đã được cụ thể hóa thành những bài nghiên cứu, và tập hợp lại thành một công trình có tính khoa học, thẩm mỹ cao, được giới thiệu đến người đọc và được người đọc tiếp  nhận đầy hứng khởi. 
duong-bien-1633970478.jpg
 
Đường biên của chữ đã được tiếp nhận, đồng sáng tạo trên nền tảng của mỹ học tiếp nhận hiện đại, ngay từ khi đang còn đang ở dạng bản thảo chưa được xuất bản thành sách.
 
PGS. TS. Hồ Thế Hà, khi cầm bản thảo của công trình này trên tay, đã đồng cảm mãnh liệt và viết ngay ngay một bài với tựa đề Đường biên của chữ hay là đường biên của tiếp nhận văn chương.
 
Dưới con mắt của nhà nghiên cứu chuyên sâu về văn học và đầy tài hoa, PGS. TS. Hồ Thế Hà đã có những cảm nhận ban đầu rất riêng và xác đáng rằng: “Tác giả đã trân trọng, đam mê con chữ đến bất ngờ và sự nội tâm hóa của Bùi Như Hải trong từng tác phẩm đã thực sự chạm đến đường biên của sự đồng cảm và đồng sáng tạo theo tinh thần của mỹ học tiếp nhận hiện đại để làm đầy nghĩa cho từng tác phẩm, mà trong khoảng trống của vô thức sáng tạo, các nhà văn, nhà thơ chưa kịp nghĩ ra”, dẫu có đôi chỗ, “còn có một khoảng trống của vô thức tiếp nhận, mà Bùi Như Hải không thể vượt qua khi bình giá từng không gian văn học. Khoảng trống đó cho phép anh gia tăng hay giảm trừ hiện tượng luận cho từng tác phẩm theo cảm nhận và giải mã riêng của mình” (tr.10 - 11). Tác giả bài viết tiếp tục từng bước tiếp cận tác phẩm từ phương diện thế giới nội tâm hóa cũng như trình độ hiệu lực ngôn từ Đường biên của chữ, từ đó đưa ra những nhận định thật chính xác về tập tiểu luận - phê bình này, khi cho rằng: “Đa số những tiểu luận và phê bình ở tập sách này đều đạt tính khách quan, chân thật và đạt tính thông tin, nghệ thuật, mỹ cảm tốt. Đó là điều mà người đọc, nhất là những người nghiên cứu rất cần khi đọc các tác phẩm tiểu luận - phê bình này của TS. Bùi Như Hải”; “những bình giá đều mang tính phát hiện mới/riêng của anh, chưa chịu tác động, tham chiếu của bất kỳ ý kiến nào đi trước. Sự nhạy cảm, cập nhật thao tác và các phương pháp nghiên cứu hiện đại, đặc biệt là Thi pháp học, Mỹ học tiếp nhận, Phê bình sinh thái,... đã làm cho những trang viết của Bùi Như Hải có phát hiện mới từ tính chỉnh thể tự trị của từng tác phẩm” (tr.12).
 
Sau khi “chạm đến đường biên của sự đồng cảm và đồng sáng tạo theo tinh thần của mỹ học tiếp nhận hiện đại”, đối với Đường biên của chữ theo tổng thể và từng phần riêng biệt, riêng phần nghiên cứu và phê bình thơ ở Phần I của TS. Bùi Như Hải, PGS. TS. Hồ Thế Hà nhận định: “Qua những bài viết công phu về thơ trong tập tiểu luận - phê bình, Bùi Như Hải đã bắt đầu định hình được một cá tính, thi pháp bình thơ có nghề, có tâm và có duyên đối với người thơ và cõi thơ. Trong tiếp nhận văn chương, điều này được các nhà lý luận văn học và mỹ học tiếp nhận văn học gọi đó là kiểu người đọc đồng sáng tạo, có khả năng làm đầy nghĩa cho tác phẩm một cách mới mẻ, bất ngờ mà trong lúc lơ đãng của vô thức sáng tạo và sự đỏng đảnh của con chữ, các nhà thơ chưa kịp nghĩ ra từ tính chỉnh thể tự trị của tác phẩm” (tr.16 - 17). Đối với phần 2 của tập tiểu luận - phê bình này, sau khi xác tín những đóng góp của TS. Bùi Như Hải qua từng bài viết, ông kết luận: “Qua Phần II của công trình, nhìn từ lý luận và văn xuôi, Bùi Như Hải đã từ đường biên của chữ để bàn rộng ra nhiều khía cạnh của các lĩnh vực này rộng hơn và nhiều quan hệ hơn so với Phần I” (tr.24 - 25).
 
GS.TS. Hồ Thế Hà trong bài viết giới thiệu cho tập tiểu luận - phê bình này, đã hơn một lần chỉ ra những điều mà nhà phê bình trẻ này chưa làm được, là “có một khoảng trống của vô thức tiếp nhận, mà Bùi Như Hải không thể vượt qua khi bình giá từng không gian văn học”, “ở công trình này, trong nhiều bài viết và tiểu luận, Bùi Như Hải vẫn còn đứng trên và bên này đường biên của chữ, chưa mạnh dạn vượt qua những lối mòn quen thuộc mà anh từng qua để mở những đường biên mới của tiếp nhận văn chương” (tr.26).
 
Tiếp nhận Đường biên của chữ, thấy rõ những điều mà tập tiểu luận - phê bình đạt được và chưa đạt được qua từng con chữ, nhà nghiên cứu kỳ cựu đã viết những điều tâm huyết đối với nhà nghiên cứu trẻ sau đây: “Nhưng với yêu cầu cao của Lý thuyết mỹ học tiếp nhận hiện đại, người đọc còn mong muốn ở Bùi Như Hải những nỗ lực lớn hơn nữa. Tức là anh không những đứng ở đường biên của chữ mà phải vượt qua đường biên của chữ và các đường biên khác - đường biên của tâm hồn, đường biên của lý thuyết và đường biên của tiếp nhận để thực sự có tiếng nói phê bình sâu sắc và mới mẻ hơn nữa trong việc tiếp cận và giải mã những tác phẩm tiêu biểu của văn học đương đại cả nước” (tr.26).
 
Sự chú ý đến tập tiểu luận - phê bình Đường biên của chữ khi còn đang ở dạng bản thảo, ngoài PGS. TS. Hồ Thế Hà còn có PGS. TS. Vũ Nho với bài viết Muôn nẻo đường tiếp nhận văn chương, sau này được in ở phần Lời bạt của cuốn sách. Trong bài viết này, PGS. TS. Vũ Nho sau khi điểm qua kết cấu, điểm nhìn và hướng đi của tập tiểu luận - phê bình, đã chỉ ra điều đáng quý của TS. Bùi Như Hải và cuốn sách, trước hết là “đã giới thiệu với người đọc cả nước một đội ngũ các nhà thơ, nhà văn Quảng Trị miệt mài làm thơ, viết văn ghi lại cuộc đời mình, ghi lại cuộc đời những con người kiên trung, bất khuất, bền bỉ chiến đấu và xây dựng mảnh đất Quảng Trị anh hùng, đảm đang, nghĩa tình. Qua thơ văn của họ, người đọc biết đến và ấn tượng nhiều hơn với những địa danh như Bến Hải, Hiền Lương, Thành Cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn, sông Ô Lâu, sông Hiếu, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Đông Hà,… Đọc cuốn sách này, người đọc cũng sẽ biết đến những thi nhân đất Quảng như Nguyễn Văn Dùng, Văn Xương, Nguyễn Văn Trình, Cao Hạnh, Hoàng Tấn Trung, Nguyễn Văn Đắc, Võ Văn Hoa, Trần Bình, Trương Lan Anh, Hoàng Tấn Linh, Cát Miên, Hoài Quang Phương, Võ Thị Như Mai,... Họ là những người khác nhau về nghề nghiệp, tuổi tác, địa vị xã hội, nhưng đều là những người có duyên nợ với văn chương” (tr.385), và nêu ra “những nét riêng không thể lẫn” cùng những câu chuyện ngoài thơ, đời sống “bếp núc” của các nhà thơ một cách đầy yêu thương, nhân ái, được đề cập trong phần I của tập sách. Nhận xét về phần II, PGS. TS. Vũ Nho đánh giá cao về “khả năng cảm nhận vấn đề và đặt ra vấn đề một cách khá nhạy bén”s; “nhận định chính xác” của tác giả công trình đối với từng vấn đề được đề cập.
 
Hai nhà nghiên cứu, bên cạnh đánh giá cao những tiếp nhận đồng sáng tạo của TS. Bùi Như Hải, trên nhiều khía cạnh, từ nhiều điểm nhìn tham chiếu tương đồng và khu biệt, đã đồng quan điểm nhiều khía cạnh của tập sách và xem việc tập trung chú ý đến văn chương của các nhà văn, nhà thơ Quảng Trị là một điểm nhấn đặc biệt của công trình này, đó là tấm lòng của Bùi Như Hải đối văn - người của vùng Quảng Trị, là sự nỗ lực giới thiệu văn - người Quảng Trị đến độc giả cả nước; “định hướng thẩm mỹ cho người đọc về văn chương một vùng đất trong sự liên hệ mở rộng với lý luận và văn chương cả nước,…”.
 
Đường biên của chữ, như đã nói ở trên, kể từ khi chưa ra đời, còn phôi thai, dưới dạng bản thảo đã được sự chú ý, chờ đợi của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Sự chú ý, tiếp nhận của hai chuyên gia văn học qua những nhận định, đánh giá sẽ giúp tác giả và cả độc giả sau này thấy cái hay, cái đẹp và một vài điểm khi nỗ lực của tác giả chưa thành, đã được tác giả - TS. Bùi Như Hải trân trọng in ở phần đầu và phần cuối của công trình này, như một lời tri ân, đồng thời là điểm tựa, dựa vào đó để “răn mình” cho những bước tiếp theo trong nghiên cứu văn chương, về lâu, về dài của mình.
 
Đường biên của chữ, sau khi được Nhà xuất bản Văn học ấn hành đã có một hành trình khắp nẻo, đến tay người đọc trên khắp cả nước và nhận được sự đồng vọng đông đảo của những nhà nghiên cứu chuyên sâu đến những người đọc đang còn ngồi trên ghế nhà trường ở các trường đại học, cao đẳng về văn chương và có sở thích về nghiên cứu, sáng tác văn chương. Và như một lẽ thường tình, sự đón nhận, nghiền ngẫm đối với Đường biên của chữ, sẽ được thể hiện qua sự trao đổi, bàn bạc, thậm chí là tranh luận trong lúc trà dư tửu hậu, trong các cuộc bàn bạc về phê bình, lý luận văn chương,… nhưng có nhà nghiên cứu, học viên cao học đã đồng cảm, đồng vọng với Đường biên của chữ và được cụ thể hóa bằng bài viết, bài báo có tính khoa học cao về tập tiểu - luận phê bình này; có thể kể đến các bài,  như: Đường biên của chữ - một công trình công phu đáng đọc của Vy Thị Quỳnh Ngọc, được đăng trên Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển hay Chất Quảng Trị trong Đường biên của chữ của nghiên cứu sinh Hoàng Kim Oanh được đăng trên báo Quảng Trị cuối tháng,
 
Sự chú ý, đón nhận và ghi nhận những giá trị nhiều mặt mà Đường biên của chữ của TS. Bùi Như Hải mang lại cho độc giả, từ các nhà nghiên cứu kỳ cựu, có chuyên môn sâu đến nghiên cứu sinh về văn chương và cả những người có đam mê với lý luận, phê bình văn chương,… là đích đáng. Sự chú ý, đón nhận và sự nuối tiếc đối với một vài điều mà TS. Bùi Như Hải “còn để ngỏ nhiều vấn đề có tính đúc kết và khái quát mang tính tác động của lý luận văn học và văn xuôi đương đại Việt Nam” cũng là đích đáng nhưng “đó là yêu cầu vượt ra ngoài khuôn khổ của tập sách”, và sẽ “là hướng mở cho những nghiên cứu tiếp theo của Bùi Như Hải” (tr.9).
 
Đọc những đánh giá, nhận định về công trình Đường biên của chữ từ các nhà nghiên cứu như thế, tôi còn có thể nói và nghĩ gì thêm về tập tiểu luận - phê bình này? Ở trong bài viết này, chúng tôi chỉ muốn nói lên vài cảm nhận, suy tư của mình: Mang trong người dòng máu thi nhân, mọi người đón nhận Đường biên của chữ không phải chỉ bởi họ muốn thấy và sở hữu một tập hợp những bài nghiên cứu đã từng đăng trên các tạp chí, báo địa phương, đến trung ương,... của tác giả, mà vì họ nhận ra trong từng trang viết đó chất chứa sự đam mê, hứng thú trong nghiên cứu, sự tỉ mẩn, tính nhạy bén và khá chính xác trong nhiều nhận định cùng những định hướng có tính chiến lược đối với người - thơ văn vùng đất Quảng Trị và những chủ thể quan trọng khác, được kiên trì tạo dựng từ lâu của tác giả. Đón nhận Đường biên của chữ, người đọc muốn thấy một nhà nghiên cứu TS. Bùi Như Hải ngày càng trở nên sắc sảo hơn, rõ nét về cá tính và phong cách nghiên cứu văn chương so với công trình trước đó, đã rất thành công - cuốn tiểu luận, phê bình Nẻo vào văn xuôi Việt Nam đương đại, công trình từng đoạt giải B về Giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 2020 của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và giải A về Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị năm 2020.
 
Quả thật, TS. Bùi Như Hải đã đặt nhiều tâm tư, dụng ý và biết cách lựa chọn và đặt các chủ thể thẩm mỹ để khám phá, đồng sáng tạo, khiến cho công trình này tạo ra những hiệu ứng nhất định đối với bạn đọc của mình.
 
Giới thiệu nhà thơ, nhà văn Quảng Trị hay ngoài Quảng Trị, TS. Bùi Như Hải đã tỉ mẩn nghiên cứu rõ tiểu sử và hành trạng của thi nhân và văn nhân đó, nhằm giúp người đọc thấu hiểu rõ về nhân thân và sự nghiệp của họ trước khi bước vào thế giới văn chương nghệ thuật thông qua một hoặc vài điểm nhìn, nguồn mạch trong hành trình văn chương của các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận mà anh tâm đắc, đồng cảm. Chính vì vậy, sẽ khiến các luận điểm, quan điểm tác giả đưa ra trở nên chính xác và chân thực hơn. Chẳng hạn, đối với nhà thơ Nguyễn Văn Dùng, TS. Bùi Như Hải nhìn về phía lục bát chứ không phải trường ca, hay các thể thơ khác, vì tác giả bên cạnh việc nhìn thấy một nguồn mạch nối tiếp từ truyền thống đến hiện đại của thể thơ này; có những đổi mới đang tiếp diễn xảy ra ở thể thơ này trong thơ của Nguyễn Văn Dùng, và dường như có thêm một nỗi hoài cảm, chạnh lòng vì thấy nhiều nhà thơ trẻ từ chối dùng thể thơ lục bát “bởi nó quá gò bó, đơn điệu, làm cản trở lối tư duy nghệ thuật tân kỳ, khó chuyển tải những suy cảm đầy tinh vi, phức tạp của đời sống và con người hiện đại” (tr.30). Hay như, nhà thơ Văn Xương, tác giả đã cho người đọc biết được một Văn Xương thành công cả thơ lẫn văn, thơ của Văn Xương có nhiều cung bậc, cảm xúc nhưng “có một điều ít ai biết rằng, khởi nghiệp cầm bút của Văn Xương chính là thơ chứ không phải văn” (tr.45). Đối với các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận khác Bùi Như Hải cũng tuân thủ nghiêm ngặt cách suy nghĩ và phương pháp đó trong quá trình “đồng hiện” với thơ văn của họ nhằm tiếp cận, lần sâu vào bên trong và phá vỡ “đường biên của chữ”.
 
Cách lựa chọn các chủ thể thẩm mỹ như vậy, và với cách đặt văn chương Quảng Trị bên cạnh, và cùng văn chương, lý luận đương đại Việt Nam vừa để độc giả nhận diện văn chương Quảng Trị vừa để thấy văn chương Quảng Trị từ lâu vốn đã gia nhập vào dòng chảy của con sông văn học nước nhà nhưng đặc biệt, nhờ yếu tố nội sinh của mình vẫn tạo được nét riêng và thật đặc sắc, vượt trội nơi con sông văn học ấy. TS. Bùi Như Hải, dưới cái nhìn của một nhà nghiên cứu văn chương và bằng những phương pháp nghiên cứu văn chương hiện đại, trong một chừng mực nhất định đã góp phần chỉ rõ những cái hay, cái đẹp của nền văn chương ấy cho độc giả hiểu thêm; tạo niềm hứng khởi để độc giả quan tâm và tiếp tục khám phá. Trong bài Sức quyến rũ của một hồn thơ trẻ, TS. Bùi Như Hải, đã cảm nhận về thơ Cát Miên - một nhà thơ Quảng Trị, thật tinh tế, quyến rũ và đầy sức thuyết phục: “Độc giả yêu thích thơ Cát Miên, vì Cát Miên còn vẽ lên cõi đời, cõi người bằng “bột màu của cõi lạ”, với những gam màu khác nhau: màu xanh, màu mâu, màu tím, màu đỏ,... và cuối cùng là màu em - màu của những tâm trạng, cảm xúc, suy ngẫm, nỗi niềm, trăn trở về cuộc sống, về cuộc đời, về chính mình nhưng đồng thời không phải cho cá nhân mình - mà cho cả tha nhân, đồng loại. Trên hành trình sống, sẽ có nhiều người trong chúng ta đã bắt gặp chính mình trong trang thơ của Cát Miên. Giữa bộn bề, gai góc cuộc sống hôm nay, cần lắm những hướng thơ như thế”. Và: “Có một số nhà thơ trẻ hiện nay luôn chủ tâm đánh động thị hiếu độc giả bằng những thủ pháp hiện đại, hậu hiện đại, gia tăng những yếu tố nhục thể cùng những trò chơ vô tăm tích, ru bích, chữ nghĩa lại đỏng đảnh..., nhưng Cát Miên - tác giả của tập thơ Màu em đã chinh phục bạn đọc bằng cái duyên của một lối viết định hình, sáng trong, chân mộc, đằm sâu, giản dị của một trái tim không nguôi thổn thức, day dứt, trở trăn về lẽ đời, về tình người,...” (tr.207). Ngoài ra, người đọc Đường biên của chữ, sẽ còn thấy những nhận định đầy tinh tế, quyến rũ và đầy sức thuyết phục trong các bài viết của TS. Bùi Như Hải ở tập sách này.
 
Viết đôi dòng đồng vọng và với những điều đồng vọng từ các nhà nghiên cứu cùng Đường biên của chữ của nhà nghiên cứu trẻ TS. Bùi Như Hải như thế, ở đây, chúng tôi không muốn định hướng, dẫn dắt cho sự đồng cảm, cảm thụ thẩm mỹ của độc giả đối với công trình này, mà muốn độc giả tiếp cận với tâm thế, cảm thức, trường tư duy và khả năng thụ cảm thẩm mỹ, khám phá những giá trị thẩm mỹ của hoạt động nghệ thuật ngôn từ này, qua đó để tiếp tục đồng hiện, tái tạo đối với Đường biên của chữ nhưng cũng đồng vọng với chính văn thơ hiện diện trong công trình nghiên cứu này. Với quan niệm không xem những tác phẩm văn chương, lý luận chỉ là đối tượng thẩm mỹ đơn thuần - những sáng tác của chủ thể thẩm mỹ, chịu sự chi phối nhiều mặt của đời sống, xã hội là cách chúng tôi đang nhìn về cuộc hành trình của tập tiểu luận – phê bình Đường biên của chữ và tiếp tục vẫy gọi sự đồng sáng tạo của độc giả gần, xa.
 
 (*) Nhân đọc tập tiểu luận – phê bình Đường biên của chữ của Bùi Như Hải, Nxb. Văn học, 2021, 296 trang.
 
 
ThS. Lê Hồng Hải
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top