Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 8 tháng 4 năm 2020 | 21:32

Vì sao giá thịt lợn vẫn cao?

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ đầu tháng 4, các doanh nghiệp lớn đã giảm giá lợn hơi xuống còn 70.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, trên thị trường, giá thịt lợn vẫn ở mức cao và thương lái vẫn phải tìm mua lợn trong các hộ chăn nuôi với giá dao động từ 77.000 - 80.000 đồng/kg.

 

Người chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn gặp khó trong việc tái đàn. Ảnh minh họa

 

Hậu quả từ dịch vẫn nặng nề

Dịch tả lợn châu Phi xảy ra năm 2019 dẫn đến tổng thiệt hại 20% về số lượng đàn lợn và thiệt hại 9,3% khối lượng thịt. Đây là thiệt hại rất lớn, không chỉ cho người chăn nuôi mà còn gây biến động trên thị trường, khiến giá thịt lợn lên cao.

Nhận rõ hậu quả của dịch bệnh sẽ gây thiếu hụt nguồn cung nên Chính phủ đã sớm chỉ đạo các ngành, trong đó đặc biệt là Bộ NN&PTNT cùng địa phương tập trung tái đàn từ tháng 10/2019 sau khi tình hình dịch bệnh tạm ổn định.

Đến hết quý I/2020, tổng đàn lợn so với tháng 12/2019 đã tăng được 6,3%. Cụ thể, đến cuối tháng 3, tổng đàn lợn trong cả nước đạt 24 triệu con, đạt 74% so với tổng đàn lợn trước khi có dịch (31 triệu con vào tháng 12/2018).

Bên cạnh đó, hậu quả của dịch tả lợn châu Phi khiến người chăn nuôi không hào hứng tái đàn sau dịch vì nuôi lợn sẽ không có lãi.

Ví dụ, giá lợn giống loại 20 kg tại “thủ phủ” chăn nuôi Đồng Nai lên tới 3,2 triệu đồng/con, cộng với chi phí thức ăn, thuốc men, vaccine, điện nước, nhân công chăm sóc khoảng 3 triệu đồng/con đã đưa giá thành sản xuất 1 con lợn hơi lên tới 6,2 triệu đồng/con (100 kg), nên nếu giảm giá bán lợn hơi còn 60.000 đồng/kg thì người chăn nuôi không có lãi.

Người chăn nuôi muốn giảm chi phí sản xuất bắt buộc phải gây dựng lại đàn lợn hậu bị (lợn nái), tuy nhiên, giá lợn hậu bị hiện nay vô cùng đắt đỏ, dao động từ 10-11 triệu đồng/con.

Trong lúc đó, người chăn nuôi, chủ trang trại lại thiếu vốn để có thể gây dựng lại đàn lợn nái, chủ động con giống… Để giảm giá thành sản xuất lợn hơi thì thị trường dường như đang do các “ông lớn” trong ngành chăn nuôi có tiềm lực kinh tế vững chắc nắm giữ.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chia sẻ: “Chúng tôi khuyến nghị các tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cho đối tượng chăn nuôi, đặc biệt là bà con nông dân sản xuất nhỏ được tiếp cận các nguồn lực khi giá lợn giống cao”.

Vẫn “mắc” từ nguồn cung

Lý giải về nguyên nhân giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn cao, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết nguyên nhân thứ nhất, với lượng thịt lợn đang có hiện nay, chúng ta chưa đủ lượng thịt để cung cấp cho thị trường theo yêu cầu. Bởi vì trước khi có dịch, mỗi quý cần tới 910.000 tấn, còn vừa qua chúng ta mới đạt 820.000-830.000 tấn. Như vậy phải đến quý IV mới đạt được sản lượng 910.000 tấn. Thứ hai, giá thành sản xuất cao vì người nuôi phải đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học. Lý do thứ ba là do còn rất nhiều khâu trung gian.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phân tích ví dụ vừa qua, 15 doanh nghiệp lớn từ ngày 1/4 cùng đưa giá lợn xuất chuồng xuống 70.000 đồng/kg nhưng lượng lợn ở những doanh nghiệp này chưa đủ sức chi phối giá cả thị trường. Bên cạnh đó, còn rất nhiều khâu trung gian, nhất là khâu giết mổ, bán hàng nhỏ lẻ nên người tiêu dùng chưa được hưởng giá thịt lợn xuống thấp như mong muốn.

Theo Bộ NN&PTNT, giải pháp gốc rễ lúc này vẫn là tập trung tái đàn, tăng đàn. Cùng với đó, việc tăng cường phối hợp giữa Bộ NN&PTNT với Bộ Công Thương và các địa phương trong giảm bớt khâu trung gian từ sản xuất-chế biến-tiêu dùng thì mới có thể giảm giá thịt phù hợp với người tiêu dùng.

Còn trước mắt, giải pháp nhập khẩu thịt được tính đến để bảo đảm nguồn cung trên thị trường. Hiện trên thị trường đã có thịt lợn nhập khẩu của Nga với chất lượng cao và giá thành rất cạnh tranh với sản phẩm nội địa.

Thống kê đến ngày 5/4, cả nước có 90% số xã tại 44 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh các ổ dịch tả lợn châu Phi. Còn tại 19 tỉnh, thành phố đang có dịch thì có 95% số xã có ổ dịch đã 30 ngày không có lợn chết. Vì vậy, Bộ NN&PTNT dự kiến đến quý III, có thể cân đối được cung cầu thịt lợn cho nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top