Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 26 tháng 5 năm 2020 | 15:33

Vì sao người chăn nuôi Khoái Châu bỏ trống chuồng trại?

Khoái Châu (Hưng Yên) là một trong những địa phương có nhiều hộ chăn nuôi lợn nhiều nhất các tỉnh miền Bắc.

Tuy nhiên, từ khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bùng phát đến nay, người chăn nuôi ở đây không thể tái đàn, mặc dù biết chăn nuôi lúc này đang có lãi.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến việc tái đàn lợn gặp khó khăn?

 

t22.JPG
Anh Lê Hùng Vương trong khu chăn nuôi của mình.
 

Bỏ trống trang trại

Đến gia đình nhà anh Lê Hùng Vương ở xóm Thống Nhất, xã Đông Tảo (huyện Khoái Châu – Hưng Yên), được anh cho biết, trước đây gia đình anh thường xuyên có khoảng gần 100 đầu lợn thịt, mỗi con khoảng trên dưới 120kg, chỉ sau thời gian chăn nuôi khoảng 3 đến 4 tháng là gia đình anh lại có một lứa lợn thịt xuất chuồng.

Mỗi năm sau khi trừ mọi chi phí bao gồm con giống, thức ăn chăn nuôi và công chăm sóc, gia đình anh cũng thu về được khoản tiền tương đối để tái đầu tư cho chăn nuôi và mua sắm các vật dụng trong gia đình, cũng nhờ vào việc chăn nuôi lợn, kinh tế gia đình anh cũng có phần khấm khá, thay đổi lên so với trước đây khi làm nông nghiệp.

Nhưng bây giờ, toàn bộ khu chăn nuôi lợn của gia đình anh đều bỏ trống, chuồng trại chăn nuôi lợn thịt và lợn nái đều không có một con nào, đập vào mắt tôi là một cảnh hoang tàn, các khay đựng thức ăn cho lợn ăn mạng nhện bám đầy và gỉ sét.

Hỏi anh Vương vì sao lại có cảnh hoang tàn này thì anh cho biết, đầu tư với một số tiền lên đến gần 300 triệu đồng cho việc chăn nuôi lợn, nhưng năm qua do ảnh hưởng của DTLCP nên toàn bộ số tiền vốn đầu tư vào chăn nuôi lợn này đã bốc hơi, số lợn đang trong thời gian xuất chuồng phải tiêu hủy mất một nửa. Hiện nay gia đình anh đã nhận được tiền hỗ trợ nhưng không đủ để tái đàn do giá lợn giống quá cao.

Theo anh Vương, giá lợn giống hiện nay trên địa bàn là trên 3 triệu đồng một con, trọng lượng con giống khoảng 6kg. Đây là một trong những nguyên nhân khiến anh và các hộ gia đình chăn nuôi trên địa bàn của xóm cũng như của xã khó có thể đầu tư để tái đàn.

Tâm lý e ngại đầu tư tái đàn

Cũng giống như gia đình anh Vương, nhà anh Lê Văn Hải trước đây cũng chăn nuôi lợn thịt tương đối nhiều, mỗi lần xuất chuồng cũng ngót nghét tấn thịt, nhưng bây giờ anh không dám đầu tư để tái đàn, ngậm ngùi nhìn giá lợn tăng cao mà không biết làm sao, đành để chuồng trại bỏ không.

Anh Hải cho biết ngoài nguyên nhân giá lợn giống rất cao còn có nguyên nhân khác nữa, đó là DTLCP hiện nay vẫn chưa thể hết hoàn toàn, nhiều gia đình trong xóm thấy giá lợn hơi bán với giá 100.000 đồng/kg đã mua con giống về để tái đàn, nhưng nuôi mới được một thời gian rất ngắn, số lợn này lại mắc bệnh DTLCP lăn đùng ra chết, nên không dám nuôi nữa.

“Thời gian này của năm ngoái, trên địa bàn xã Đông Tảo xảy ra DTLCP, số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy rất nhiều. Biện pháp tiêu hủy là chôn toàn bộ số lợn mắc bệnh và khử trùng bằng dung dịch, tại các hộ gia đình chăn nuôi được cán bộ thú y của xã phát cho dung dịch để khử khuẩn, nhưng chỉ có một lần duy nhất đó thôi, còn từ đó đến nay các gia đình chăn nuôi đều phải tự mình mua dung dịch khử khuẩn, mua vôi sống về để rắc xung quanh khu vực chăn nuôi, nhưng vẫn không hết mầm bệnh, nên không thể tái đàn được”, anh Hải cho biết thêm.

 

t23.JPG
Anh Lê Văn Hải xót xa trước việc giá lợn tăng mà không có lợn nuôi.

 

Theo anh Hải, việc phòng chống dịch bệnh nếu làm như hiện nay thì chưa biết đến khi nào người chăn nuôi mới có thể tái đàn, bởi vì không hề có thuốc hay dung dịch sát khuẩn nào cho hộ gia đình chúng tôi phun, hiện nay người chăn nuôi chúng tôi chỉ nghe và bảo nhau biện pháp khử khuẩn bằng dung dịch trên thị trường mua về và phun khắp nơi nhưng không biết có hiệu quả hay không? Chính vì vậy chúng tôi không dám mua lợn giống để tái đàn.

Trao đổi với 2 anh Vương và Hải được biết, trước đây, khi chăn nuôi phát triển, người chăn nuôi khi cần vốn đều được các tổ chức tín dụng cho vay để chăn nuôi, nhưng bây giờ, đầu tư để chăn nuôi thì vừa nuôi chưa được bao lâu lợn đã nhiễm bệnh và lăn ra chết, không thu được thì chớ lại còn mất tất cả, liệu chăn nuôi như vậy thì tổ chức tín dụng nào cho mình vay tiền? Anh Hải chia sẻ, nhiều gia đình chăn nuôi ở đây còn phải bán đất đi để trả nợ ngân hàng!

Nguồn tài chính là vậy, còn thức ăn chăn nuôi bây giờ cũng rất khó khăn, trước đây, các đại lý thức ăn chăn nuôi có thể cung cấp cho người chăn nuôi thức ăn và nợ gối vụ trả sau. Đến nay thì các đại lý thức ăn chăn nuôi này đều yêu cầu lấy lần thứ hai phải thanh toán hết số tiền mua thức ăn lần trước, có như vậy mới được tiếp tục lấy.

Cấp bách tái đàn nhưng không tái đàn ồ ạt

Trao đổi với ông Phan Văn Hiếu, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Khoái Châu về công tác tái đàn lợn trên địa bàn được biết, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và của UBND tỉnh Hưng Yên, phòng Nông nghiệp huyện cũng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo về việc tái đàn lợn trên địa bàn của huyện.

Theo đó, sẽ tổ chức cho những địa bàn có đủ điều kiện tái đàn. Việc tái đàn lợn thịt sẽ không ồ ạt mà tái đàn dần dần, bảo đảm an toàn cho người chăn nuôi. Lý do không tái đàn ồ ạt được Phó phòng Nông nghiệp huyện cho biết, đối với chuồng trại đã bị nhiễm DTLCP có nguy cơ bị lại rất cao, chính vì vậy không thể tái đàn một cách ồ ạt mà phải theo từng bước, dần dần với số đầu lợn tái đàn khoảng 10%.

Ông Hiếu cũng cho biết, huyện cũng đã quy hoạch các điểm chăn nuôi tập trung từ hơn 10 năm trước, các khu tập trung chăn nuôi này đều xa khu dân cư và có điều kiện chăn nuôi, chăm sóc đàn lợn không bị ảnh hưởng của dịch bệnh, bảo đảm được vệ sinh môi trường xung quanh.

Hiện nay trên thị trường giá thịt lợn đang ở mức rất cao, mặc dù đã có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành chức năng phải vào cuộc để giảm giá thịt lợn trên thị trường xuống, tuy nhiên những biện pháp của các ngành chức năng xem ra vẫn chưa đạt được hiệu quả. Muốn giải quyết được vấn đề này nhất thiết phải bảo đảm được nguồn cung thịt lợn cho thị trường, phải quản lý chặt chẽ hệ thống lưu thông phân phối, không để các dịch vụ trung gian ép giá người bán, nhưng lại tăng giá đối với người mua, có như vậy thị trường thịt lợn mới có thể giảm theo chỉ đạo. Tái đàn lợn đang là một việc cấp bách hiện nay..

 

Trong thời gian DTLCP ảnh hưởng trên địa bàn vẫn có nhiều hộ chăn nuôi giữ được đàn lợn, nhờ áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tốt. Trước đây khi chưa có DTLCP tổng đầu lợn trên địa bàn có khoảng 120 nghìn đầu lợn, nhưng đến tháng 12/2019 chỉ còn trên 60 nghìn đầu lợn, số này đều tập trung ở những trang trại lớn. Hầu hết số lợn được nuôi ở đây đều không ảnh hưởng do DTLCP.

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top