Khác với Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Barack Obama, ông Donald Trump đã được chào đón nồng nhiệt tại Saudi Arabia.
Những lợi ích quá lớn mà ông Trump mang đến
Các thỏa thuận quân sự, kinh tế, an ninh và chống khủng bố trị giá hàng trăm tỷ USD được ký kết báo hiệu sự nồng ấm trở lại giữa Mỹ và Saudi Arabia cũng như với các quốc gia trong thế giới Arab.
Việc Tổng thống Donald Trump được đón tiếp nồng hậu ở Saudi Arabia cho thấy đây cũng là dịp để Saudi Arabia bày tỏ quan điểm ủng hộ chính quyền Mỹ về vai trò của Washington trong nhiều vấn đề quốc tế liên quan như cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông, giải quyết xung đột Israel-Palestine, bất ổn ở Yemen cũng như chính sách ngoại giao với Iran.
Giới quan sát nhận định, chuyến đi nước ngoài đầu tiên và chọn tới thăm Saudi Arabia của Tổng thống Donald Trump và hồi tháng 4 trước đó của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nằm trong nỗ lực nhằm "cài đặt lại" mối quan hệ hai nước, vốn trải qua nhiều sóng gió và "băng giá" dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Có thể thấy, từ nhiều thập kỷ nay, Saudi Arabia luôn đóng một vị trí vô cùng quan trọng trong “học thuyết chính sách ngoại giao” của các đời Tổng thống Mỹ. Đó là mối quan hệ đặc biệt dựa trên các hợp đồng mua bán vũ khí khổng lồ, hợp tác quân sự sâu rộng, hợp tác an ninh song phương và đặc biệt trong cuộc chiến chống tổ chức al-Qaeda và nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hiện nay.
Tuy nhiên, mối quan hệ đó đang gặp nhiều trở ngại trong thời gian cầm quyền của Tổng thống Obama, đặc biệt là từ đầu năm 2011, liên quan đến một loạt bất ổn bùng phát tại Trung Đông và Bắc Phi.
Các chuyên gia cũng nhận định chuyến đi nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump này thực chất là thiết lập mối quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo Saudi Arabia, và với thế giới Arab vì để tạo lập những mối quan hệ tầm chiến lược bền vững đều phải dựa trên nền tảng của mối quan hệ cá nhân tốt đẹp.
Mỹ rất quan tâm đến thế giới Hồi giáo
Tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Arab Hồi giáo tại Saudi Arabia, Tổng thống Donald Trump đã nhấn mạnh nước Mỹ không đang trong chiến tranh với đạo Hồi, đồng thời khẳng định cuộc chiến chống các nhóm khủng bố là cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác chứ không phải cuộc chiến giữa các niềm tin, các nhóm tôn giáo hay các nền văn minh khác nhau. Tổng thống Trump kêu gọi các nước Arab chung tay chống lại chủ nghĩa cực đoan và khủng bố Hồi giáo dưới mọi hình thức, đặc biệt là IS.
Tổng thống Trump cho rằng các nước Hồi giáo cùng chia sẻ trách nhiệm đấu tranh chống các nhóm khủng bố và kêu gọi lãnh đạo các nước này quét sạch các phần tử khủng bố ra khỏi xã hội và đất nước của họ.
Ông cũng cho rằng các nước ở khu vực Trung Đông không thể đợi sức mạnh của Mỹ mà thay vào đó phải tự quyết định tương lai mà mình mong đợi, cho đất nước và cho con em họ.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Trump cũng cho biết ông hy vọng sẽ tập hợp được một liên minh các quốc gia cùng chia sẻ mục đích đập tan chủ nghĩa cực đoan.
Nhưng cũng muốn răn đe Iran
Giới phân tích kỳ vọng qua chuyến công du 8 ngày này, Tổng thống Trump sẽ thể hiện rõ hơn chính sách đối ngoại của chính quyền mới, đặc biệt về tiến trình hòa bình Trung Đông.
Với Trung Đông, ông Trump đã thể hiện một sự khác biệt rõ ràng so với các chính quyền tiền nhiệm khi ông lựa chọn khu vực này là điểm đến đầu tiên của mình trên cương vị ông chủ Nhà Trắng.
Hầu hết các đời tổng thống Mỹ đều chọn Mexico hoặc Canada là điểm dừng chân trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức. Cũng chưa có tổng thống Mỹ nào thăm Israel trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên.
Vì thế, sự lựa chọn này của ông Trump được nhìn nhận là nhằm củng cố quan hệ đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Trung Đông trong nhiều thập niên qua.
Ngoài ra, ông Trump cũng muốn chuyến thăm này sẽ có tác dụng thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông hiện đang bị bế tắc, xúc tiến giải quyết cuộc xung đột giữa người Israel và Palestine.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn Saudi Arabia là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du được nhìn nhận là nhằm xóa bỏ suy nghĩ lâu nay của dư luận về việc ông Trump chủ trương chống Hồi giáo.
Trên thực tế, bất chấp chính sách xa lánh thế giới Hồi giáo mà ông Trump theo đuổi trong chiến dịch tranh cử cũng như lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân các quốc gia Hồi giáo, dường như các Chính phủ Arab dòng Sunni vẫn hoan nghênh ông và ủng hộ các chính sách cứng rắn của ông đối với Iran.
Chuyến thăm cũng là một thông điệp gửi tới Iran, nước lâu nay vẫn là “cái gai” trong đánh giá của giới hoạch định chính sách Washington, đồng thời là đối thủ truyền kiếp của Saudi Arabia và Israel.
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump có thể giúp ông thoát khỏi những chỉ trích hiện nay xung quanh các vụ bê bối nội bộ mới nhất, đồng thời là cơ hội để ông thể hiện vai trò của người đứng đầu nước Mỹ trên trường quốc tế.
Chuyến thăm cũng sẽ giúp định hình rõ hơn chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Washington bởi sau hơn 100 ngày cầm quyền, đường hướng đối ngoại của Nhà Trắng vẫn còn mơ hồ, chưa rõ ràng và cụ thể./.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…