Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 10 tháng 1 năm 2022 | 22:16

Việt Nam giúp Lào xuất, nhập khẩu hàng hóa qua tất cả các cảng biển của Việt Nam

Đây là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc gặp gỡ doanh nghiệp Việt-Lào.

Chiều 10/1, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ Lào Phankham Viphavanh gặp gỡ doanh nghiệp hai nước.

 

viber_image_2022-01-10_18-42-19-911.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh tới dự cuộc gặp mặt đại diện doanh nghiệp hai nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Phát biểu tại Hội nghị, với vai trò là Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Lào, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, với quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào thời gian qua đã có sự phát triển không ngừng. Lào luôn đứng thứ nhất trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với 209 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,1 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ ba trong số các nước đầu tư tại Lào.

Năm 2021, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 118,3 triệu USD, tăng 33,3% so với năm 2020. Một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào có hiệu quả, tiếp tục tăng vốn đầu tư mở rộng trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Nhiều dự án đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nộp ngân sách, thực hiện công tác an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, đào tạo và nâng cao tay nghề, trình độ của người lao động, cải thiện cơ sở hạ tầng tại một số địa phương… được Chính phủ Lào ghi nhận và đánh giá cao.

Trong năm 2021, một số dự án lớn, quan trọng đã được phía Lào tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện như: dự án cảng Vũng Áng, thủy điện Luông-pra-băng, Xê-ca-mản 3, muối mỏ Kali, sân bay Noong-khảng,…

Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh cho rằng, Việt Nam và Lào là hai nước cùng chung vận mệnh, có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước ngày nay. Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã hết sức cố gắng thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế, tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tương xứng với quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Nhắc tới tinh thần “giúp bạn như giúp mình” mà Việt Nam dành cho Lào trong suốt quá trình lịch sử cách mạng, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh mong muốn các doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác trên tinh thần chân thành, tin cậy, “nói được, làm được”, góp phần vào sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của mỗi nước, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân hai nước.

“Chính phủ hai nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất và chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để doanh  nghiệp hai nước triển khai các dự án hợp tác kinh tế, đầu tư. Hiện Việt Nam đang là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Lào, Tôi kỳ vọng có ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào, đưa Việt Nam trở thành nhà đầu tư lớn thứ 2, thứ nhất tại Lào”- Thủ tướng Lào khẳng định. 

Tại cuộc gặp gỡ với nhà lãnh đạo hai nước, đại diện các doanh nghiệp lớn của Việt Nam vào Lào khẳng định quan điểm hợp tác đầu tư lâu dài, bền vững, nêu nhiều đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành hai nước. Các doanh nghiệp nêu quyết tâm sớm hoàn thành các dự án lớn, quan trọng đang được triển khai để tạo bứt phá trong hợp tác kinh tế giữa hai nước. Các doanh nghiệp cũng đề xuất các ý tưởng mới để sớm hiện thực hóa các dự án tiềm năng nhằm tạo sự đột phá trong hợp tác kinh tế, đầu tư thương mại có hiệu quả cao hơn giữa hai nước.

Các doanh nghiệp Lào đánh giá cao việc hai nước triển khai các dự án thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế, trong đó có kết nối hạ tầng cơ sở cứng và mềm, đặc biệt là các dự án giao thông đường bộ, đường sắt và đường không, cảng biển (nhất là cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh); giúp Lào thực hiện thành công mục tiêu trở thành trung tâm logistics ở khu vực và có kết nối ra biển, đại dương.

 

ttg.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính  nhấn mạnh, cần tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế Việt Nam – Lào, trọng tâm là thể chế, tài chính, hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng điện, viễn thông, du lịch - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng và những kết quả tích cực, đóng góp vào quá trình xây dựng và củng cố mối quan hệ hợp tác ngày càng bền chặt giữa Việt Nam và Lào.

Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn và thách thức mà các doanh nghiệp hai nước đang gặp phải và cũng nhất trí cần phải có tư duy mới về hợp tác đầu tư và giải pháp phải quyết liệt hơn nhằm tạo ra sự đột phá trong hợp tác đầu tư giữa hai nước.

Trên cơ sở Chiến lược hợp tác 2021-2030 và Hiệp định hợp tác 5 năm giai đoạn 2021-2025, kế hoạch hợp tác 2022 và các thỏa thuận từ cấp Trung ương đến địa phương, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung triển khai thực hiện tốt các nội dung như: Tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế Việt Nam – Lào trọng tâm là thể chế, tài chính, hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng điện, viễn thông, du lịch, hợp tác kết nối ba nền kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia và với các nước khác trong khu vực. Trước mắt cần đẩy mạnh việc nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư, thương mại, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn do tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đặc biệt Thủ tướng yêu cầu: “Thúc đẩy tăng trưởng đầu tư, thương mại, phấn đấu đạt mức tăng trưởng ổn định từ 10% trở lên so với năm 2021. Tạo thuận lợi hơn nữa về các thủ tục thông quan người và hàng hóa tại các cặp cửa khẩu hai nước; Đẩy nhanh việc kết nối giao thông giữa hai nước, trước mắt tập trung nguồn lực nghiên cứu xây dựng và nâng cấp tuyến đường kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây và kết nối với các khu vực trong dự án phát triển giao thông vận tải trong các nước ASEAN và GMS; dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội – Viên Chăn và tuyến đường sắt Viên Chăn – Vũng Áng; thúc đẩy hợp tác đầu tư phát triển cảng 1,2,3 của cảng Vũng Áng. Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để phía Lào xuất, nhập khẩu hàng hóa qua tất cả các cảng biển của Việt Nam".

 

viber_image_2022-01-10_18-42-30-090.jpg

Bên cạnh đó Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục phối hợp có hiệu quả Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển các dự án thủy điện, đấu nối hệ thống điện và mua bán điện; tạo điều kiện kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp hai nước hợp tác phát triển các dự án điện tại Lào; tăng cường liên kết hệ thống điện và thương mại điện năng song phương. Tập trung xử lý những tồn tại, khó khăn, vướng mắc đang đặt ra trên cơ sở khách quan, hợp tình, hợp lý, hiểu biết lẫn nhau, lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ.

Tiếp tục tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau về xây dựng chính sách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, hợp tác cùng nhau thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng để phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam và Lào hợp tác đầu tư kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh cơ chế hợp tác Ủy ban liên chính phủ, thúc đẩy có hiệu quả việc triển khai các Thỏa thuận cấp cao, tham mưu kịp thời, hiệu quả cho lãnh đạo cấp cao hai nước trong định hướng hợp tác cũng như xử lý hoặc phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam phải tập trung nguồn lực đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng dự án như đã cam kết; chấp hành pháp luật của hai nước. Đồng thời, luôn nêu cao trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, tạo việc làm, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội với Lào và giữ gìn hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam, là điển hình tốt nhất trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Lào.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường và mở rộng đầu tư hơn nữa sang Lào. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không chỉ là chủ thể của tiến trình hợp tác, mà cần đóng vai trò chủ động khởi xướng các ý tưởng mới, tạo động lực mới trong thương mại và đầu tư, làm phong phú hơn mối quan hệ tốt đẹp hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Những nội dung trao đổi tại cuộc trao đổi doanh nghiệp Việt Nam – Lào hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng trong năm 2022 – Năm Đoàn kết, Hữu nghị Việt Nam – Lào. Chính vì vậy, tôi đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước có quyết tâm cao hơn, nỗ lực rồi nỗ lực hơn, cố gắng rồi cố gắng hơn, phối hợp chặt chẽ hơn nữa, có giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm tạo sự đột phá trong hợp tác đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới, góp phần vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt Nam – Lào, Lào –Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững".

 

 

Theo baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top