Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 5 năm 2022 | 15:33

Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp

Kể từ năm 2020, Hoa Kỳ đã trở thành bạn hàng lớn nhất trong thương mại nông lâm thủy sản với Việt Nam.

Điều đáng mừng là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng nhưng cả xuất khẩu và nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đều tăng ở mức 2 con số trong thời gian gần đây…

 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Jason Hafemeiser.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Jason Hafemeiser.

Chiều 11/5/2022 (theo giờ Washington DC), tại Washington DC - Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan đã có cuộc làm việc với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Đây là một trong chuỗi hoạt động của Bộ trưởng Lê Minh Hoan trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Hoa Kỳ từ 11-17/5.

 Thương mại nông sản tăng trưởng vượt bậc

Sự tăng trưởng vượt bậc về thương mại nông sản giữa Việt Nam với Hoa Kỳ thời gian gần đây cho thấy thành quả từ những nỗ lực liên tục trong đàm phán thương mại và mở cửa thị trường nông lâm thủy sản giữa hai quốc gia trong thời gian vừa qua. Điều này cũng chứng tỏ tính bổ trợ lẫn nhau, chứ không cạnh tranh trực tiếp giữa hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam và Hoa Kỳ.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,2% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam vào Hoa Kỳ. Đồ gỗ chế biến là sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam và rất phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Hoa Kỳ.

Trong thời gian qua, ngành gỗ Việt Nam đã có chuyển đổi căn bản để đáp ứng thị hiếu của thị trường Hoa Kỳ về mặt quy cách, chất lượng, giá cả cạnh tranh. Đặc biệt, phần lớn sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ đảm bảo nguồn gốc hợp pháp, bền vững.

Bên cạnh đồ gỗ chế biến, thời gian qua cũng chứng kiến hàng loạt sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam có mức xuất khẩu cao hoặc tăng trưởng cao sang thị trường Hoa Kỳ là thủy sản, cà phê, điều, tiêu, rau quả, chè, hồ tiêu, gạo.

Năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu trên 200 triệu USD sản phẩm rau quả sang thị trường Hoa Kỳ, tăng 32% so với năm 2020. Đây là một thành tích đáng khích lệ. Tuy nhiên, con số này còn rất nhỏ so với 4 tỷ USD xuất khẩu rau quả của Việt Nam và dư địa của thị trường Hoa Kỳ.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng tăng mạnh nhập khẩu những sản phẩm Hoa Kỳ có thế mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản từ Hoa Kỳ vào Việt Nam tăng 20% từ xấp xỉ 2 tỷ USD năm 2020 lên 2,4 tỷ USD năm 2021, trong đó chiếm ưu thế là đậu tương đạt 492 triệu USD (tăng 24%), thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu 818 triệu USD (tăng 61,7%).

 

ns.jpg

Trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Jason Hafemeiser, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, hiện nay Hoa Kỳ là nước xuất khẩu thịt gia cầm lớn nhất vào Việt Nam; xuất khẩu bò lớn thứ hai và xuất khẩu thịt lợn đứng thứ 6 trong số các nước xuất khẩu thịt gia cầm, thịt bò và thịt lợn vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam đã cho phép Hoa Kỳ xuất khẩu 171 loại hạt giống cây trồng, 1 loại củ tươi là khoai tây, 6 loại quả tươi.

Đối tác quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp Việt Nam đang chuyển đổi hướng tới nền nông nghiệp xanh. Việt Nam đã tham gia nhiều sáng kiến với Hoa Kỳ cùng các nước và các tổ chức quốc tế như Sáng kiến “Đổi mới nông nghiệp để ứng phó với biến đổi khí hậu” (AIM4C); Liên minh hành động “Thúc đẩy tăng trưởng năng suất bền vững cho an ninh lương thực và bảo tồn tài nguyên” (SPG); “Trung tâm đổi mới sáng tạo về công nghệ thực phẩm”; Sáng kiến “100 triệu nông dân: chuyển đổi sang hệ thống lương thực không phát thải và thân thiện với môi trường”…

“Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu nhiều năm qua trong lĩnh vực nông nghiệp. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt và đang tích cực triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, và định hướng Việt Nam trở thành quốc gia có trách nhiệm đối với an ninh lương thực và môi trường toàn cầu”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng bày tỏ sự cảm ơn đối với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ trong quá trình vận động và hỗ trợ Việt Nam có được những kết quả khả quan trong vụ điều tra chống bán phá giá đối với mật ong Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ. Đồng thời, hai bên đều đang tích cực triển khai Thỏa thuận về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp để khép lại vụ điều tra 301 đối với ngành gỗ Việt Nam.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị phía Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam cả về nguồn lực về tài chính và kỹ thuật thông qua các hành động cụ thể để Việt Nam có thể tăng cường năng lực và thực hiện thành công các sáng kiến toàn cầu, chuyển đổi nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường và phát thải thấp; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để nhanh chóng tạo ra kết quả tích cực trong nghiên cứu, thử nghiệm và áp dụng vaccine dịch tả lợn Châu Phi (ASF).

Thứ trưởng Jason Hafemeiser cảm ơn Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã cung cấp bức tranh tổng thể về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Hoa Kỳ trong lĩnh vực nông nghiệp và khẳng định Hoa Kỳ luôn coi Việt Nam là một trong những đối tác hàng đầu về nông nghiệp và nông nghiệp hai nước có tính bổ trợ cho nhau để cùng phát triển.

“Việc mở cửa cho quả bưởi của Việt Nam đang được thúc đẩy tích cực. Phía Hoa Kỳ đã có thông báo lấy ý kiến công chúng từ tháng 2/2022 và hiện đang tổng hợp các ý kiến để công bố trong thời gian sớm nhất”, Thứ trưởng Jason Hafemeiser thông tin.

Thứ trưởng Jason Hafemeiser nhấn mạnh hợp tác tăng cường năng lực về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Hoa Kỳ hiện nay. Đồng thời, Hoa Kỳ cũng đang xây dựng kế hoạch cho COP27 để tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến đã và đang triển khai.

Nhằm hiện thực hóa các cơ hội hợp tác đã nêu, hai bên đều nhất trí chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của hai Bộ tích cực hợp tác, trao đổi sâu hơn để đưa ra những phương án tốt nhất trong việc thúc đẩy mở cửa thị trường, hợp tác khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Trong 4 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 4,9 tỷ USD; chiếm 27,3% trong tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam.

 

 

Theo baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Top